Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Để giải quyết bất kỳ rắc rối nào, có ba câu hỏi bạn có thể tự hỏi: Đầu tiên, tôi có thể làm gì? Thứ hai, tôi có thể đọc gì? Và thứ ba, tôi có thể hỏi ai?".
Jim Rohn, diễn giả truyền cảm hứng (Mỹ)
Trong mỗi vụ việc mà người hành nghề luật tham gia, sẽ có những vấn đề có tính chất phức tạp hơn, khi đó việc tìm ra phương hướng để giải quyết vấn đề gặp nhiều khó khăn, khúc mắc. Để giải quyết được vấn đề đó, bên cạnh việc tìm ra được nguyên nhân của vấn đề thì việc đề xuất được giải pháp cũng rất quan trọng.
Có đề xuất được giải pháp và lựa chọn được giải pháp tốt nhất cho vấn đề thì mới dẫn đến việc giải quyết thành công vấn đề được. Để có kỹ năng đề xuất và lựa chọn giải pháp tốt, người hành nghề luật cần phải phân tích vấn đề, cân nhắc kỹ lưỡng và lên ý tưởng một cách khoa học và hợp lý.
Sau khi đã tìm hiểu, xác định được vấn đề, các nguyên nhân và những yếu tố ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề, người hành nghề luật đề xuất các giải pháp đề giải quyết vấn đề. Để có thể đưa ra được các để xuất giải quyết vấn đề, người hành nghề luật có thể tham khảo một số gợi ý như sau:
- Xác định các tiêu chí cần có của giải pháp hay những điều kiện mà giải pháp cần phải đáp ứng: các tiêu chí đó có thể là các yêu cầu, mục tiêu tối thiểu cần phải có theo các quy định pháp luật hiện hành; những mong muốn hợp lý, hợp pháp của khách hàng, của các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án, vụ việc; yêu cầu cần phải đáp ứng xuất phát từ thực tế của vụ việc, vấn đề. Để có thể xác định các tiêu chí này, bên cạnh việc trao đổi với các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vấn đề đang giải quyết thì người hành nghề luật cần tra cứu, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và các quy định, quy chế nội bộ để xác định các tiêu chí, yêu cầu tối thiểu bắt buộc phải có, phải tuân thủ.
- Cố gắng ghi nhận lại và liệt kê những ý tưởng mới phát khởi trong suy nghĩ của mình, cần lưu ý rằng, tất cả các ý tưởng đều có những bất cập nhất định, nhưng có ý tưởng còn tốt hơn là không có. Đôi khi một ý tưởng không giải quyết được vấn đề nhưng việc tích hợp những ưu điểm của các ý tưởng có thể tạo ra giải pháp giải quyết vấn đề. Công việc của người hành nghề luật trong giai đoạn này là khơi mở và ghi nhận lại các ý tưởng, các giải pháp và đặc biệt lưu ý việc không đưa ra các đánh giá và nhận định gì ở giai đoạn này. Nếu vội đánh giá hay phản biện ngay những vấn đề bất cập của các ý tưởng, giải pháp thì có thể dẫn đến việc chặn dòng suy nghĩ của bạn lại hoặc làm phân tán quá trình tư duy dẫn đến việc không gợi mở ghi nhận được những ý tưởng, giải pháp khác.
- Mỗi vấn đề đều có thể có những vấn đề nhỏ và có thể trong những thời điểm nhất định chưa có giải pháp nào có thể giải quyết được triệt để vấn đề. Do đó, khi tư duy, tìm và xác định các giải pháp cần tránh suy nghĩ cầu toàn, tránh đưa ra những kỳ vọng và áp lực quá lớn trong việc tìm kiếm những giải pháp có thể giải quyết được triệt để vấn đề. Việc chia nhỏ vấn đề để tìm các giải pháp tương ứng. "gỡ rối từng nút thắt” trong một số trường hợp sẽ khiến giải quyết vấn đề một cách dễ dàng hơn.
- Việc trao đổi với khách hàng, đồng nghiệp về các ý tưởng, giải pháp sơ bộ, mới phát khởi cũng có thể giúp cho người hành nghề luật có thêm những gợi ý để phát triển, hoàn thiện các đề xuất về ý tưởng và giải pháp. Đôi khi chính sự trao đổi giúp người hành nghề luật có thể tìm ra thêm các hướng đi, ý tưởng và giải pháp mới mà mình chưa có trước cuộc trao đổi.
- Cần phát huy cách tư duy đột phá, sáng tạo tránh những phương pháp tư duy theo lối mòn hoặc tư duy phức tạp hóa vấn đề hay cho là không thể giải quyết được vấn đề. Những phương thức tư duy đảo ngược, vào vai một cá nhân trong vấn đề mình đang giải quyết hay vào vai của “kẻ phản diện" để tư duy theo lời suy nghĩ của người đối lập với mình có thể giúp người hành nghề luật khắc phục được sự tư duy theo lối mòn.
- Tham khảo tiền lệ: kinh nghiệm là phương thức hết sức cần thiết đối với người hành nghề luật trên con đường hình thành ý tưởng và đưa ra các đề xuất giải pháp của mình. Người hành nghề luật có thể tham vấn ý kiến của các đồng nghiệp đi trước đã từng giải quyết những vấn đề. Vụ việc, vụ án tương tự như mình đang giải quyết hoặc tìm đọc. phân tích các hồ sơ vụ việc, giao dịch, vụ án, án lệ đã được giải quyết thành công để tham khảo cách làm, cách giải quyết vấn đề.
Khi đưa ra đề xuất giải pháp vấn đề, người hành nghề luật cần luôn ý thức rằng mỗi giải pháp nhất định đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Do đó, khi đưa ra đề xuất, cần nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp. Nội dung đề xuất cần thể hiện được một số nội dung cơ bản sau: tên gọi của giải pháp; mục tiêu của giải pháp; các nguồn lực để thực hiện giải pháp; ưu điểm, nhược điểm của giải pháp; các công việc cần tiến hành để thực hiện giải pháp; dự kiến kết quả thực hiện giải pháp.
Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest
Một kỹ năng rất quan trọng nằm trong kỹ năng giải quyết vấn đề, đó chính là kỹ năng lựa chọn giải pháp tối ưu nhất. Nếu như việc đưa ra các ý tưởng, đề xuất giải pháp đã khó thì việc lựa chọn giải pháp còn nhiều thách thức hơn. Nếu chọn giải pháp sai đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề sẽ rơi vào bế tắc. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ giải pháp. Hãy nhìn lại nguồn gốc phát sinh vấn đề, đánh giá vấn đề thật cẩn thận để chắc chắn rằng giải pháp lựa chọn là hợp lý, tối ưu nhất.
Khi chuyển sang bước lựa chọn giải pháp, người hành nghề luật phải trở thành một người biết đánh giá rủi ro và phải có khả năng phản biện chính mình. Hơn thế nữa, người hành nghề luật phải đóng vai của người theo chủ nghĩa thực dụng một cách lạnh lùng và dưới góc nhìn của một người chịu trách nhiệm cho sự thành công hoặc thất bại.
Một giải pháp được đưa ra và được coi là tối ưu nếu có các đặc điểm sau:
- Có thể khắc phục được bản chất của vấn đề trong dài hạn;
- Có tính khả thi và hoàn toàn có thể thực hiện được trong phạm vi nguồn lực sẵn có;
- Có tính hiệu quả đối với vấn đề cần giải quyết. Đối với người hành nghề luật thì có thể giải pháp được coi là tối ưu nếu giải pháp đó phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và các mong muốn hợp lý, hợp pháp của khách hàng, các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án, vụ việc.
Vậy thì làm thế nào để người hành nghề luật có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất trong số các giải pháp đã liệt kê, tìm thấy trong giai đoạn đưa ra các ý tưởng, đề xuất giải pháp? Nếu chỉ dựa vào các đánh giá chủ quan, người hành nghề luật dễ có thể đưa ra các quyết định chủ quan, không có tính khả thi, không hiệu quả. Trong một số trường hợp, quyết định giải quyết vấn đề của người hành nghề luật chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ, song trong đa số các trường hợp, giải pháp mà người hành nghề luật lựa chọn và thực thi thường có ảnh hưởng và tác động đến đồng thời nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Do vậy, để có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu, người hành nghề luật cần lưu ý những vấn đề sau:
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá để lựa chọn phương án hoặc đánh giá phương pháp dưới một số góc độ sau:
- Sự phù hợp với các quy định pháp luật, các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp và các quy định nội bộ của nơi công tác: người hành nghề luật khi lựa chọn giải pháp tối ưu thì cần phải xem xét tiêu chí đầu tiên đó là sự phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến việc giải quyết vấn đề, các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp và các quy định nội bộ của nơi công tác. Trên thực tế có những giải pháp có thể khả thi và phù hợp với mong muốn của khách hàng, các đương sự trong vụ việc nhưng không phù hợp với các quy định của pháp luật thì cũng không thể là giải pháp được lựa chọn.
- Thời gian: cần thiết đánh giá xem giải pháp đề ra cần bao nhiêu thời gian để thực hiện và có những yếu tố gì có thể ảnh hưởng, kéo dài thời gian thực hiện giải pháp.
- Nguồn lực: Để triển khai giải pháp cần đến những nguồn lực nào (tài chính, phương tiện, nhân sự...).
- Tính khá thi: Giải pháp có thể triển khai trên thực tế được hay không là một tiêu chí tối quan trọng cần tính đến. Tính khả thi bên cạnh việc đánh giá sự phù hợp với các nguồn lực sẵn có để thực hiện còn liên quan chặt chẽ đến bối cảnh, điều kiện thực hiện giải pháp. Nếu xét đến gốc rễ của vấn đề thì việc có thực thi được giải pháp hay không sẽ liên quan nhiều đến các cá nhân có liên quan đến quá trình thực hiện giải pháp giải quyết vấn đề đó. Do đó, nên cân nhắc đến cảm xúc của những cá nhân có liên quan đến đánh giá khả năng chấp nhận, hợp tác, ưng thuận hay phản đối của họ. Người hành nghề luật cần phải dự đoán vả cảm nhận được việc: “Khách hàng, Thẩm phán, hội thẩm sẽ đưa ra quyết định và khách hàng, thẩm phán, hội thẩm và bên kia trong giao dịch và Luật sư của họ sẽ phản ứng như thế nào với giải pháp mà bạn đề xuất hoặc triển khai”.
- Rủi ro: Bên cạnh việc đánh giá những yếu tố về thời gian, nguồn lực, tính khả thi, người hành nghề luật cần phải dự liệu, tính toán được các rủi ro, trở ngại, các yếu tố khách quan có thế cản trở việc thực hiện giải pháp. Bất kỳ một giải pháp nào được lựa chọn đều chứa đựng rủi ro. Rủi ro là điều bất kể chủ thể nào khi ra quyết định đều phải tính toán, cân nhắc thiệt hơn để ra quyết định. Có những rủi ro không thể kiểm soát được và có những rủi ro có thể nhận diện và xử lý trước, trong hoặc sau khi triển khai giải pháp. Tuy nhiên, người hành nghề luật cần nhận diện các rủi ro để chủ động tính toán, ứng phó khi lựa chọn và triển khai giải pháp.
Để đánh giá một rủi ro, cần phải lưu ý 2 đặc điểm chính của nó là: Hậu quả mang lại và xác suất rủi ro xảy ra. Có những rủi ro có xác suất cực thấp, nhưng hậu quả lại vô cùng to lớn, ngược lại có những rủi ro có xác suất cao, nhưng hậu quả thì không nghiêm trọng (trễ thời hạn trong một số trường hợp...).
- Hiệu quả: Liệu giải pháp này sẽ hiệu quả như thế nào. Giải quyết được một phần hay triệt để vấn đề. Người hành nghề luật cùng cần phải so sánh và tính toán giữa những nguồn lực sử dụng vào việc thực hiện giải pháp và kết quả thu được khi giải pháp được triển khai.
- So sánh, đối chiếu, lựa chọn các phương án: Một giải pháp bao giờ cũng có hai mặt, mặt mạnh và mặt yếu, vì vậy việc so sánh, đối chiếu các giải pháp trên cơ sở các tiêu chí đã đề ra là hết sức cần thiết. Tùy từng vấn đề khác nhau mà mức độ quan trọng của các tiêu chí cùng được đánh giá khác nhau. Tùy vào cơ cấu, nguồn lực của tổ chức và mức độ đặc trưng của từng vấn đề mà người hành nghề luật lựa chọn những trọng số nhất định. Việc lập bảng tính toán như minh họa dưới đây là một gợi ý cho người hành nghề luật khi lựa chọn giải pháp.
Giải pháp |
Tiêu chí 1 (%) |
Tiêu chí 2 (%) |
Tiêu chí 3 (%) |
Tổng cộng (%) |
Giải pháp 1 |
|
|
|
|
Giải pháp 2 |
|
|
|
|
Giải pháp 3 |
|
|
|
|
Giải pháp 4 |
|
|
|
|
Luật sư lưu ý đến ưu và nhược điểm của từng phương thức ra quyết định lựa chọn giải pháp: Trong quá trình thực hành nghề luật, khi lựa chọn giải pháp vụ việc cần phần biệt các phương thức sau:
- Lựa chọn giải pháp giải quyết vấn đề bằng quyết định cá nhân của người đưa ra các đề xuất giải quyết vấn đề. Phương pháp này sẽ nhanh chóng, đơn giản về thủ tục, quy trình, phụ thuộc vào ý chí, kiến thức, kinh nghiệm của người ra quyết định. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể không toàn diện, không khách quan, mang tính cảm tính.
- Lựa chọn giải pháp giải quyết vấn đề bằng quyết định của tập thể. Trong trường hợp giải pháp giải quyết vấn đề phải được lựa chọn thông qua quyết định của tập thể thì người hành nghề luật cần lưu ý đến những ưu điểm sau: (i) có nhiều ý kiến trao đổi hơn; (ii) giải pháp được phân tích dưới nhiều góc độ hơn; (iii) các rủi ro, bất trắc, khó khăn, thách thức có thể được nhận diện và luận giải đầy đủ hơn; (iv) giải pháp được chấp nhận rộng rãi hơn; (v) quyết định được đưa ra sáng tạo và có chất lượng hơn. Bên cạnh những ưu điểm đó, việc đưa ra quyết định lựa chọn giải pháp bằng quyết định của tập thể có những hạn chế nhất định như: (i) tăng thời gian và chi phí; (ii) để bỏ qua các ý kiến sáng tạo, mới nhưng thiểu số; (iii) có thể quyết định được đưa ra không căn cứ vào yêu cầu chuyên môn mà theo bè phái; (iv) tính chịu trách nhiệm về quyết định có thể không cao,
- Lựa chọn giải pháp giải quyết vấn đề bằng quyết định của người có thẩm quyền. Nếu việc lựa chọn giải pháp được thực hiện theo phương thức này thì người đề xuất giải pháp cần phải ý thức về vai trò của mình trong việc thuyết trình về giải pháp để đảm bảo người ra quyết định có đầy đủ thông tin, minh chứng cần thiết để đưa ra quyết định đúng đắn.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest.
Ví dụ: Giải pháp hoa giải vụ tranh chấp liên quan đến vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” giữa Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS) và Công ty cổ phần TCHN (Công ty TCHN).
Vụ kiện kéo dài gần hai năm, liên quan đến vở diễn dựng thực cảnh về văn hóa xưa ở vùng Bắc Bộ có tên Ngày xưa (còn gọi Thuở ấy xứ Đoài). Theo Hợp đồng, Công ty TCHN trả hơn 7 tỷ đồng để Công ty DS dựng nội dung, kịch bản, thiết kế kỹ thuật... Do hai bên mâu thuẫn, đạo diễn V đăng ký quyền tác giả với Ngày xưa và DS đăng ký quyền sở hữu tác phẩm. Công ty TCHNCHN khởi kiện đòi Công ty DS chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm và bồi thường hơn 06 tỷ đồng chi phí thuê bên thứ ba dựng tác phẩm khác, thuê Luật sư. Phía Công ty DS cũng phản tố, đề nghị tòa chấp nhận tác phẩm mà Công ty TCHN thuê công ty khác dựng có tên Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa. Công ty DS yêu cầu Công ty TCHN bồi thường thiệt hại. Tại Bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố H xác định quyền sở hữu vở diễn thuộc về Công ty TCHN, còn quyền tác giả duy nhất thuộc về đạo diễn V. Công ty TCHN phải trả cho Công ty DS hơn 600 triệu đồng do Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa, tuy nhiên cả hai bên đều kháng cáo.
Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố H trong phiên phúc thẩm ngày l7 01/2020 đã thông báo: Sau khi dừng phiên xử phúc thẩm ngày 18/11/2019 để thu thập chứng cứ, Công ty TCHNCHN (nguyên đơn) và Công ty DS (bị đơn) cùng đạo diễn HHNN (tác giả của vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ) đã hòa giải, đạt được thỏa thuận trong một số nội dung:
- Công ty TCHN sẽ thanh toán chi phí phát sinh là hơn 660 triệu đồng cho Công Ty DS. Khi nhận thanh toán khoản tiền này, Công ty DS phải xuất hóa đơn Tài chính cho Công ty TCHN. Thanh toán trong một tháng kể từ ngày bản án phúc thẩm có hiệu lực.
- Công ty DS bàn giao quyền chủ sở hữu kịch bản vở diễn Ngày xưa cho Công Ty TCHN. Công ty TCHN là chủ sở hữu còn đạo diễn V là tác giả. Sau khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực, đạo diễn HHNN cam kết rút đơn khởi kiện đạo diễn V, trước đó đã gửi Tòa án nhân dân quận B, thành phố H. Đạo diễn V cam kết rút đơn khởi kiện Công ty TCHN đã gửi Tòa án nhân dân thành phố H.
- Ông V.N, Công ty DS, Công ty TCHN cam kết chấm dứt tất cả các Tranh chấp, khiếu kiện tại bất cứ cơ quan, tổ chức, Tòa án với mọi vấn đề có liên quan tới hai với diễn Ngày xưa và Tinh hoa Bắc Bộ.
- Ba bên cam kết dừng mọi phát ngôn trên báo chí, mạng xã hội, công chúng. Nếu có những phát ngôn trái thoả thuận mà không phải do bên nào đưa ra, ba bên cam kết sẽ giải quyết tận gốc.
Đây là vụ tranh chấp phức tạp, kéo dài trong nhiều năm và liên quan đến nhiều công ty, cá nhân, tổ chức có uy tín, nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam hiện nay. Để giải quyết vụ tranh chấp này, những người hành nghề luật (đặc biệt là Thẩm phán, các Luật sư) đã phải xác định những vấn đề mấu chốt, có nhiều khúc mắc, tranh luận giữa các bên cần phải làm rõ và giải quyết. Trên cơ sở đó, Thẩm phán, các Luật sư đã có những ý tưởng, đề xuất giải pháp riêng của mình sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc và trao đổi với các bên có liên quan. Nhận thấy việc hòa giải vụ tranh chấp có ý nghĩa lớn với các bên có liên quan nên Thẩm phán, các Luật sư đã trao đổi và thống nhất về giải pháp tổng thể, giải pháp cụ thể và trao đổi, giải thích, thuyết phục các bên về phương án hòa giải vụ tranh chấp.
Đọc chi tiết từng nội dung thỏa thuận của các bên trong Bản án phúc thẩm nêu trên có thể thấy rằng, Thẩm phán, các Luật sư đã có sự cân nhắc một cách kỹ lưỡng các tiêu chí trước khi lựa chọn từng câu, từng từ trong đề xuất hòa giải, từ đó thuyết phục được các bên vốn dĩ đã và đang trải qua một quá trình tố tụng kéo dài, tốn kém, đồng ý đi đến một thỏa thuận hòa giải để giải quyết vụ việc trên cơ sở hài hòa về quyền lợi, tôn trọng và giữ uy tín cho nhau.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng mềm trong nghề luật - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm