Một số tội phạm xâm phạm an toàn công cộng

03/03/2023
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Thị Thu Hồng
Các tội xâm phạm an toàn công cộng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cố ý hoặc vô ý xâm hại an toàn trong các lĩnh vực giao thông vận tải, lao động sản xuất, hoạt động xây dựng, quản lý chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, phòng cháy, vệ sinh thực phẩm, hoạt động y tế, bảo vệ môi trường, trật tự xã hội và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số tội xâm phạm an toàn công cộng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

1- Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295 BLHS)

Điều 295 BLHS quy định tội phạm thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Đó là lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động và lĩnh vực an toàn ở nơi đông người. Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ ai tham gia lao động hoặc tham gia ở nơi đông người và đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm này thường là người có trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động cũng như an toàn ở nơi đông người và họ cũng là đối tượng chủ yếu mà BLHS hướng tới.

a. Dấu hiệu pháp lí

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”.

Như vậy, hành vi khách quan của tội phạm này gồm hai nhóm hành vi vi phạm quy tắc an toàn. Đó là nhóm hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong lĩnh vực lao động sản xuất hay gọi cách khác là nhóm hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Hành vi vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động có thể là hành vi của người có trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động hoặc là hành vi của người lao động không tuân thủ các nghĩa vụ bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động. Nghĩa vụ này được xác định cụ thể trong pháp luật lao động.

Nhóm hành vi vi phạm quy tắc an toàn thứ hai là vi phạm quy tắc an toàn ở nơi đông người. Đây là hành vi vi phạm quy tắc chung nhằm đảm bảo an toàn cho con người cũng như tài sản ở những nơi có sự tập trung đông người để tham gia hoạt động nhất định nhưng không thuộc hoạt động giao thông hay hoạt động lao động sản xuất. Trong hai nhóm hành vi vi phạm này, nhóm hành vi vi phạm quy tắc an toàn, vệ sinh lao động có khả năng xảy ra phổ biến hơn.

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được quy định có thể là:

+ Thiệt hại về tính mạng;

+ Thiệt hại về sức khỏe (tỷ lệ tổn thương cơ thể của một người hoặc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của nhiều người từ 61% trở lên) hoặc

+ Thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.

Hậu quả thiệt hại trên đây phải có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan của tội phạm.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi vô ý. Người phạm tội khi thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn không mong muốn gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và từ 06 năm đến 12 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Khoản 4 quy định khung hình phạt nhẹ hơn khung cơ bản nhưng đây không phải là trường hợp quy định tình tiết định khung hình phạt giảm nhẹ. Thực chất đây là cấu thành tội phạm cơ bản thứ hai bên cạnh cấu thành cơ bản đã được quy định tại khoản 1. Trong hai cấu thành tội phạm này, hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra được quy định khác nhau, gây ra thiệt hại cụ thể và mới chỉ gây ra tình trạng nguy hiểm cho xã hội (có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời).

2- Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi (Điều 296 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định. Để xác định công việc nặng nhọc, nguy hiểm cũng như hoá chất độc hại cần dựa trên danh mục công việc nặng nhọc, nguy hiểm cũng như danh mục hóa chất nguy hiểm được ban hành kèm theo các văn bản có hiệu lực của Nhà nước.

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được quy định là hậu quả thiệt hại về người (tối thiểu là thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể của một người hoặc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của nhiều người là 31% trở lên).

Hậu quả thiệt hại về người phải có quan hệ nhân quả với hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Dấu hiệu hậu quả trên đây có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân của chủ thể “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” về hành vi này mà chưa được xoá án tích.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội trong trường hợp gây hậu quả thiệt hại về người được quy định là lỗi vô ý. Chủ thể không mong muốn hậu quả thiệt hại mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả. Trong trường hợp dấu

hiệu nhân thân được thay thế cho dấu hiệu hậu quả thiệt hại về người, lỗi của chủ thể là lỗi cố ý đối với hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và từ 05 năm đến 12 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3- Tội cưỡng bức lao động (Điều 297 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội cưỡng bức lao động được quy định là hành vi ép buộc người khác phải lao động. Đó là hành vi bắt người khác phải lao động trái với ý muốn của họ. Thủ đoạn thực hiện hành vi này được điều luật xác định có thể là thủ đoạn dùng vũ lực hoặc thủ đoạn đe doạ dùng vũ lực. Đây chỉ là hai thủ đoạn cụ thể được liệt kê. Điều luật không giới hạn ở hai thủ đoạn phạm tội này mà quy định người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác có khả năng bắt người khác phải làm việc như doạ sẽ huỷ hoại tài sản của gia đình V.V..

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được quy định là hậu quả thiệt hại về người (tối thiểu là thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể của một người hoặc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của nhiều người là 31% trở lên).

Hậu quả thiệt hại về người phải có quan hệ nhân quả với hành vi ép buộc người khác phải lao động.

Dấu hiệu hậu quả trên đây cổ thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” về hành vi này và chưa được xoá án tích.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể trong trường hợp gây hậu quả thiệt hại về người được quy định là lỗi vô ý. Chủ thể không mong muốn hậu quả thiệt hại mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả. Trong trường hợp dấu hiệu nhân thân được thay thế cho dấu hiệu hậu quả thiệt hại về người, lỗi của chủ thể là lỗi cố ý đối với hành vi ép buộc người khác phải lao động.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và từ 05 năm đến 12 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ. Ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác phản ánh đối tượng bị cưỡng bức lao động là những người thuộc diện được ưu tiên chú ý bảo vệ như người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai v.v… 

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 298 BLHS)

Để đảm bảo sự an toàn của công trình xây dựng, tránh xảy ra sự cố công trình xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình cũng như trong quá trình khai thác sử dụng công trình xây dựng đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng từ khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng đến nghiệm thu công trình phải tuân thủ các quy định về xây dựng. Hành vi vi phạm ở mỗi khâu trong hoạt động xây dựng đều có thể dẫn đến sự cố công trình xây dựng và từ đó gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác. Điều 298 BLHS là cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh chống những hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và cũng là cơ sở pháp lý cho việc phòng ngừa loại hành vi phạm tội này.

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm được quy định là người có trách nhiệm tuân thủ quy định về xây dựng trong hoạt động xây dựng. Họ có thể là người có trách nhiệm trong khảo sát xây dựng, trong thiết kế xây dựng, trong thi công xây dựng, trong nghiệm thu công trình xây dựng cũng như trong giám sát thi công xây dựng công trình, trong thẩm định, phê duyệt thiết kế, trong giám sát tác giả (giám sát thi công của bên thiết kế).

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi “vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác”.

Hoạt động xây dựng gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và ở mỗi lĩnh vực đều có những quy định cụ thể đòi hỏi phải được tuân thủ. Tuy nhiên, tội phạm được quy định tại Điều luật này thuộc nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng nên phạm vi.

lĩnh vực đã được giới hạn phù hợp với tính chất của tội phạm. Theo đó, “các lĩnh vực khác” được nói ở đây là những lĩnh vực mà an toàn công cộng cũng được đặt ra như lĩnh vực bảo hành, bảo trì...

Quy định về xây dựng bị hành vi khách quan vi phạm ở đây được hiểu là các quy chuẩn xây dựng (các quy định bắt buộc áp dụng trong hoạt động xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành) và các tiêu chuẩn xây dựng (các quy định về chuẩn mực kỹ thuật,... trình tự thực hiện các công việc kỹ thuật, các chỉ tiêu, các chỉ số kỹ thuật và các chỉ số tự nhiên được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động xây dựng).

-  Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được quy định có thể là:

+ Hậu quả chết người;

+ Hậu quả thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể của một người hoặc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của nhiều người là 61% trở lên hoặc

+ Hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.

Hậu quả thiệt hại trên đây phải có quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm quy định về xây dựng, ở đây, phải xác định hành vi vi phạm quy định về xây dựng là nguyên nhân gây ra sự cố công trình xây dựng và sự cố này đã gây ra hậu quả thiệt hại nói trên.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi vô ý. Người phạm tội khi có hành vi vi phạm quy định về xây dựng không mong muốn gây ra sự cố công trình xây dựng mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả.

Ngoài các dấu hiệu trên đây, Điều luật còn quy định dấu hiệu “... nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 28ỉ Bộ luật này...”. Tuy nhiên, dấu hiệu này là không cần thiết.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm và từ 07 năm đến 15 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Tội khủng bố (Điều 299 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được mô tả trong Điều luật gồm 3 nhóm hành vi khác nhau:

- Nhóm hành vi thứ nhất: Hành vi xâm phạm tính mạng người khác, phá huỷ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 1);

- Nhóm hành vi thứ hai: Hành vi thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; hành vi cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; hành vi chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; hành vi xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe người khác; hành vi chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; ’hành vi tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 2) và

- Nhóm hành vi thứ ba: Hành vi đe doạ xâm phạm tính mạng, phá huỷ tài sản của người khác hoặc hành vi khác uy hiếp tinh thần… 

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

- Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

- Dấu hiệu mục đích phạm tội

Mục đích phạm tội được quy định là: “nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng”. Trong đó, “tình trạng hoảng sợ trong công chúng” được hiểu là “... trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ ”. Đây là dấu hiệu cho phép phân biệt tội khủng bố với các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể cũng như các tội cố ý xâm phạm sở hữu.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt cho ba dạng hành vi phạm tội. Đối với dạng hành vi phạm tội thứ nhất, khung hình phạt có mức cao nhất là hình phạt tử hình. Đối với dạng hành vi phạm tội thứ hai, khung hình phạt có mức cao nhất là phạt tù 15 năm và đối với dạng hành vi phạm tội thứ ba, khung hình phạt có mức cao nhất là phạt tù 07 năm.

Ngoài hình phạt chính, Điều luật còn quy định hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều luật quy định chuẩn bị phạm tội khủng bố phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6- Tội tài trợ khủng bố (Điều 300 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi tạo điều kiện về vật chất cho hoạt động khủng bố. Xét về khía cạnh này, hành vi của tội phạm này là hành vi giúp sức trong đồng phạm khủng bố. Tuy nhiên, hành vi đồng phạm này đã được xây dựng thành tội danh độc lập vì yêu cầu khách quan. Hành vi tạo điều kiện về vật chất được điều luật mô tả cụ thế là:

- Huy động tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố: Bằng hình thức bất kỳ tiếp nhận tiền, tài sản của người khác (cá nhân, tổ chức) để chuyển cho tổ chức, cá nhân khủng bố;

- Hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố: Bằng hình thức bất kì chuyển tiền, tài sản của mình cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tổ chức, cá nhân mà mình huy động, hỗ trợ tiền, tài sản là tổ chức, cá nhân khủng bố (đã hoặc sẽ có hoạt động khủng bố) và tiền, tài sản sẽ được sử dụng cho hoạt động này.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 1 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt chính là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều luật quy định chuẩn bị phạm tội tài trợ khủng bố phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Ngoài các khung hình phạt cho người phạm tội, Điều luật còn quy định các khung hình phạt cho pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

7- Tội bắt cóc con tin (Điều 301 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội bắt cóc con tin được quy định là hành vi bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin. Hành vi này bao gồm hai nội dung khác nhau. Trước hết, đây cũng là hành vi bắt, giữ hoặc giam người khác bằng các thủ đoạn khác nhau tương tự như hành vi khách quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS).(1)Nội dung thứ hai của hành vi khách quan của tội bắt cóc con tin là hành vi sử dụng việc đang giữ nạn nhân để đưa ra đòi hỏi với chủ thể khác. Khi đó, nạn nhân được coi là con tin và hành vi bắt, giữ, giam người trở thành hành vi bắt cóc con tin.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

- Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của chủ thể thực hiện hành vi bắt, giữ, giam con tin được quy định là lỗi cố ý.

- Dấu hiệu mục đích phạm tội

Mục đích phạm tội được quy định là cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin như buộc phải thả người đang bị tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù v.v… 

Mục đích phạm tội này cho phép phân biệt tội bắt cóc con tin với tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 BLHS) và với tội khủng bố (Điều 299 BLHS). Do vậy, việc Điều luật quy định dấu hiệu "... nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này... ” là không cần thiết.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 04 năm.

- Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, từ 05 năm đến 10 năm và từ 08 năm đến 15 năm.

- Điều luật quy định chuẩn bị phạm tội bắt cóc con tin phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

8- Tội cướp biển (Điều 302 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội cướp biển được quy định có thể dưới nhiều dạng hành vi với các đối tượng tác động khác nhau nhưng tất cả có chung dấu hiệu phản ánh bản chất của tội phạm này. Đó là dấu hiệu địa điểm phạm tội. Hành vi khách quan của tội phạm phải xảy ra trên biển cả hoặc nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào như vùng trời phía trên vùng đặc quyền kinh tế. Đồng thời, đối tượng tác động của hành vi khách quan cũng phải đang ở địa điểm đó. Dấu hiệu địa điểm phạm tội trên đây là dấu hiệu đặc trưng của tội cướp biển, cho phép phân biệt với tội phạm khác có cùng hành vi tấn công tương tự như hành vi tấn công của tội cướp biển.

Hành vi khách quan của tội cướp biển được quy định đều gắn với địa điểm phạm tội đã được xác định trên và có thể là:

- Tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác như bắn tàu biển, tàu bay V.V..

- Tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác như dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực đối với thuyền trưởng, thuyền viên hay hành khách trên tàu biển v.v… 

- Cướp phá tài sản trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác như chiếm đoạt hoặc quẳng hàng hóa mà tàu biển chuyên chở xuống biển hoặc chiếm đoạt đồ trang sức của hành khách trên tàu biển V.V..

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù 07 năm đến 15 năm, từ 12 năm đến 20 năm và từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản.

Điều luật quy định chuẩn bị phạm tội cướp biển phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

9- Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi phá huỷ (công trình, cơ sở hoặc phương tiện nêu trên). Đó có thể là hành vi huỷ hoại hoặc là hành vi làm hư hỏng. Hành vi này tương tự như hành vi của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS). Điểm khác giữa hai tội này là ở tính chất của tài sản là đối tượng tác động của hành vi khách quan.

- Dấu hiệu đối tượng tác động của tội phạm

Đối tượng tác động của tội phạm được quy định là công trình, cơ sở hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Theo liệt kê của Điều luật, đó có thể là:

+ Công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải như nhà ga, bến cảng, cầu, phà, tàu hoả, tàu bay v.v..;

+ Công trình, cơ sở hoặc phương tiện thông tin-liên lạc như cột ăng ten, trạm phát sóng của đài truyền hình, các thiết bị của trạm điều khiển vệ tinh v.v…;

+ Công trình điện lực như nhà máy điện, đập thuỷ điện, trạm biến áp, cột điện, đường dây tải điện v.v…;

+ Công trình dẫn chất đốt như đường ống dẫn xăng, dầu, khí đốt, trạm bơm xăng, dầu, khí đốt v.v…;

+ Công trình thuỷ lợi như hệ thống đê, đập, trạm bơm v.v...;

+Công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học-kĩ thuật, văn hoá và xã hội.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

Ngoài các dấu hiệu trên đây, Điều luật còn quy định dấu hiệu “... nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này... ”. Tuy nhiên, dấu hiệu này là không cần thiết vì tội phạm này không có mục đích phạm tội như tội phạm được quy định tại Điều 114 BLHS.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc là hình phạt tù chung thân.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu hậu quả (thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản hoặc ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế-xã hội).

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.

- Điều luật quy định chuẩn bị phạm tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

0 bình luận, đánh giá về Một số tội phạm xâm phạm an toàn công cộng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17930 sec| 1099 kb