Một số tội xâm phạm trật tự công cộng

03/03/2023
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Thị Thu Hồng
Bên cạnh đòi hỏi về an toàn, cuộc sống chung của cộng đồng và xã hội cũng đòi hỏi có sự ổn định, có tính kỉ luật và tính có tổ chức. Để đảm bảo tính ổn định, có kỷ luật và có tổ chức này Nhà nước và xã hội phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp xử lý về hình sự những người có hành vi xâm phạm sự trật tự này trong các trường hợp có tính nguy hiểm của tội phạm. Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng trong Chương XXI cùng với nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng.

1- Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi gây rối trật tự công cộng. Trong đó, trật tự công cộng được hiểu là “tình trạng ấn định, có tổ chức, có kỉ luật” ở nơi công cộng - nơi diễn ra hoạt động chung của đông đảo người như trên đường phố, trong công viên, trong nhà hát, trong nhà ga hàng không hay đường sắt v.v.... Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỉ luật đó. Hành vi đó có thể là lời nói như chửi bới, la hét hoặc là việc làm như đập phá tài sản, xô đẩy người, tạo ra âm thanh ầm ỹ bằng các công cụ khác nhau hoặc mở thiết bị âm thanh quá cỡ v.v..

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được quy định là ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như gây ách tắc giao thông, làm gián đoạn hoạt động của cơ quan, tổ chức v.v… 

Hậu quả trên đây có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” về hành vi này mà chưa được xoá án tích.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Trong các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng, cần chú ý dấu hiệu “gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng”.

2- Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 319 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt trong đó có hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ. Hành vi đào, phá mồ mả là hành vi đào, phá nơi chôn người chết (hình thức địa táng). Chiếm đoạt đồ vật để ở trong mộ là lấy cho mình các đồ vật đã được chôn cùng người chết; chiếm đoạt đồ vật để ở trên mộ là lấy cho mình các đồ vật để trên mộ theo phong tục tập quán và dành cho người chết. Hành vi đào, phá mồ mả và hành vi chiếm đoạt đồ vật để trong mộ, trên mộ là hai dạng hành vi được xác định cụ thể trong điều luật; ngoài ra điều luật còn xác định những hành vi khác xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi khách quan của tội phạm. Trong đó thi thể được hiểu là thân xác người chết; hài cốt được hiểu là phần xương còn lại của người chết. Với hình thức hỏa táng hiện nay thì phần tro của người chết mà sau đó được đựng trong bình để chôn hoặc để ở các ngăn trong nghĩa trang cũng được coi là hài cốt. Một số ví dụ về hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt có thể là đâm, chém xác chết; yểm bùa vào mồ mả; đập phá hài cốt, bình tro hài cốt V.V..

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng gồm dấu hiệu về hậu quả, về động cơ và một số dấu hiệu khác.

3- Tội hành nghề mê tín, dị đoan (Điều 320 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi bói toán, đồng bóng hoặc hành vi mê tín, dị đoan tương tự khác. Trong đó, bói toán là việc đưa ra các khẳng định về quá khứ cũng như dự đoán về tương lai của một người hoặc của cả gia đình hay dòng họ; đồng bóng là việc để thần thánh hoặc người đã chết phát ngôn qua người sống. Bói toán, đồng bóng là hai hình thức mê tín, dị đoan có tính phổ biến hơn cả nên được xác định cụ thể trong điều luật; ngoài ra điều luật còn xác định những hành vi mê tín, dị đoan khác cũng có thể là hành vi khách quan của tội phạm này.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

Dấu hiệu nhân thân của chủ thể

Hành vi trên đây chỉ cấu thành tội phạm trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xoá án tích.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

- Dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định chủ yếu là các dấu hiệu hậu quả của tội phạm (thiệt hại về người, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội).

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

4- Tội đánh bạc (Điều 321 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi đánh bạc trái phép. Trong đó, đánh bạc được hiểu là hành vi tham gia vào các trò chơi mà trong đó, người thắng được nhận một khoản lợi ích vật chất từ người thua hoặc người tổ chức. Được coi là trò chơi khi việc thắng thua phụ thuộc vào khả năng của người chơi hoặc do ngẫu nhiên. Những trường hợp về hình thức giống như trò chơi nhưng việc thắng thua lại hoàn toàn do một hoặc một nhóm người thuộc một phía quyết định đều được coi là thủ đoạn của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không phải là trò chơi trong tội cờ bạc. Hành vi đánh bạc bị coi là trái phép khi trò chơi được tổ chức “mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp”.

- Dấu hiệu xác định hành vi đánh bạc là tội phạm

Hành vi đánh bạc chỉ cấu thành tội phạm khi tài sản đánh bạc (của từng lần đánh bạc) có giá trị từ 05 triệu đồng trở lên hoặc khi chủ thể có đặc điểm xấu về nhân thân là đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc.

Tài sản đánh bạc được hiểu là tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc. Những thứ này có thể thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; trong người người đánh bạc hoặc nơi khác mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Trong các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng cần chú ý dấu hiệu “có tính chất chuyên nghiệp” và dấu hiệu “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

5- Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi

tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Trong đó, tổ chức đánh bạc được hiểu là những hành vi cần thiết cho việc đánh bạc có thế diễn ra từ hành vi rủ rê, tập họp người đánh bạc đến chuẩn bị địa điểm và các điều kiện khác cũng như điều hành hoạt động đánh bạc V.V.. Hành vi gá bạc được hiểu là hành vi tạo điều kiện về địa điểm cho việc đánh bạc để thu lời (hồ). Người có hành vi tổ chức đánh bạc và người có hành vi gá bạc có thể là một hoặc là những người khác nhau nhưng cần chú ý, hành vi gá bạc cũng là một biểu hiện của hành vi tổ chức đánh bạc. Do vậy, hành vi gá bạc được nói đến khi người có hành vi đó không phải là người có hành vi tổ chức đánh bạc.

- Dấu hiệu xác định hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc là tội phạm

Hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cấu thành tội phạm khi vụ đánh bạc thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Tổ chức hoặc gá bạc cho 10 người trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên (cùng lúc) và với trị giá tiền hoặc vật để đánh bạc từ 05 triệu đồng trở lên;

+ Tổ chức hoặc gá bạc cho vụ đánh bạc có trị giá tiền hoặc vật để đánh bạc từ 20 triệu đồng trở lên;

+ Tổ chức hoặc gá bạc mà có nơi cầm cố tài sản cho người đánh bạc hoặc có lắp đặt trang thiết bị; có bố trí người phục vụ hoặc có người canh gác, có chuẩn vị lối thoát hoặc có sử dụng phương tiện trợ giúp việc đánh bạc; hoặc

+ Chủ thể có đặc điểm xấu về nhân thân là đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này mà chưa được xoá án tích.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Trong các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng cần chú ý dấu hiệu “có tính chất chuyên nghiệp” và dấu hiệu “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.(2)

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6- Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi chứa chấp hoặc là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm

tội mà có. Trong đó, tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là tài sản đang được một người chiếm hữu không hợp pháp và tài sản đó là đối tượng của tội phạm mà họ đã thực hiện trước đó như tội phạm thuộc nhóm tội chiếm đoạt tài sản hoặc tội phạm khác. Hành vi chứa chấp tài sản được hiểu là hành vi giữ tài sản (trực tiếp hoặc nhờ người khác) hoặc là hành vi tạo điều kiện về địa điểm cất giữ tài sản như cho để tài sản ở nơi ở, nơi làm việc hoặc trong phương tiện giao thông của mình. Những hành vi này được thực hiện có thế do ne nang hoặc do được trả công. Hành vi tiêu thụ tài sản được hiểu là những hành vi có tính chất làm “dịch chuyển” tài sản từ người có tài sản do phạm tội sang người khác như hành vi mua tài sản đó, hành vi tạo điều kiện để bán hoặc trao đổi tài sản đó.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ tính chất của tài sản mà mình chứa chấp, tiêu thụ.

Hành vi phạm tội có các dấu hiệu trên chỉ cấu thành tội phạm này khi việc thực hiện không phải do đã có sự hứa hẹn trước. Nếu có sự hứa hẹn trước thì người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ là người đồng phạm (người giúp sức) với người có tài sản về tội phạm mà người này đã thực hiện.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ba khung hình phạt tăng nặng là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, từ 07 năm đến 10 năm và từ 10 năm đến 15 năm.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về mức độ thu lợi bất chính, về trị giá tài sản được chứa chấp, tiêu thụ, V.V.. Trong đó, cần chú ý dấu hiệu “có tính chất chuyên nghiệp”(1)

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

7- Tội rửa tiền (Điều 324 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Rửa tiền là các hoạt động nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền cũng như tài sản khác để từ đó có thể khai thác giá trị những tài sản này như là những tài sản hợp pháp, tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Chu trình hoạt động rửa tiền có thể được thực hiện qua nhiều công đoạn, với các thủ đoạn khác nhau. Mỗi hành vi cụ thể trong chu trình này là một phần cần thiết của hoạt động rửa tiền nói chung và đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Từ thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh chống hoạt động rửa tiền của thế giới cũng như từ thực tiễn của các hoạt động tài chính, kinh tế ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế luật hình sự Việt Nam đã hình sự hoá hoạt động rửa tiền lần đầu tiên trong BLHS năm 1999. Khi đó, hành vi phạm tội này được quy định với tội danh: Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Năm 2009, BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung và từ đó tội danh này được sửa đổi thành tội rửa tiền.

Theo quy định của Điều 324 BLHS, luật hình sự Việt Nam quan niệm có 4 nhóm hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là hành vi phạm tội của tội rửa tiền. Tất cả các nhóm hành vi này đều có chung đối tượng là tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hoạt động phạm tội như tội buôn lậu, các tội phạm về ma tuý hoặc các tội phạm về tham nhũng v.v… 

Về nhóm hành vi phạm tội thứ nhất

- Hành vi khách quan của nhóm hành vi phạm tội này được quy định là: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có.

- Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

Người phạm tội biết đối tượng giao dịch (tiền, tài sản) mà mình tham gia là tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hoặc có cơ sở để biết đó là tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có.

- Mục đích của người phạm tội được quy định là nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó.

Về nhóm hành vi phạm tội thứ hai

- Hành vi khách quan của nhóm hành vi phạm tội này được quy định là: Sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác.

- Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tiền, tài sản mà mình sử dụng là tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có.

- Mục đích của người phạm tội được quy định là nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó.

Về nhóm hành vi phạm tội thứ ba

- Hành vi khách quan của nhóm hành vi phạm tội này được quy định là: Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có; hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.

- Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tiền, tài sản mà mình che giấu thông tin là tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hoặc có cơ sở để biết là tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có.

- Mục đích của người phạm tội được quy định là nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó.

Về nhóm hành vi phạm tội thứ tư

Nhóm hành vi này chỉ khác ba nhóm hành vi trên ở tính chất cụ thể của đối tượng tiền, tài sản. Tiền, tài sản ở cả bốn nhóm hành vi có cùng tính chất chung là có nguồn gốc bất hợp pháp (nguồn gốc phạm tội). Tuy nhiên, tiền, tài sản ở nhóm hành vi thứ tư là tiền, tài sản có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và từ 10 năm đến 15 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về mức độ thu lợi bất chính, về trị giá tài sản được “rửa” V.V.. Trong đó, cần chú ý các dấu hiệu “có tính chất chuyên nghiệp”; “dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”; “gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia”.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội được quy định là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung hình phạt cho pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 6 của Điều luật.

8- Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp (Điều 325 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là:

- Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đoạ;

- Đe doạ, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đoạ;

- Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

Hành vi phạm tội thứ nhất và thứ hai cùng có tính chất là sự tác động “chủ động” đến việc phạm tội, sống sa đọa của người dưới 18 tuổi hay nói cách khác việc phạm tội hay sống sa đọa của họ có nguyên nhân là hành vi của người phạm tội. Hai hành vi này đều là hành vi làm cho người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đoạ nhưng với hai loại thủ đoạn khác nhau - Thủ đoạn để người dưới 18 tuổi tự nguyện nghe theo và thủ đoạn buộc họ phải nghe theo.

Khác với hai hành vi thứ nhất và thứ hai, hành vi thứ ba là sự tác động “bị động” đến việc phạm pháp của người dưới 18 tuổi. Hành vi chứa chấp chỉ là hành vi tạo điều kiện về chỗ ở cho người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi sử dụng điều kiện về chỗ ở mà người phạm tội đã tạo cho họ trong khi thực hiện những hành vi phạm pháp mà không nhất thiết phải là hành vi phạm tội.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Đối với hành vi chứa chấp, lỗi cố ý đòi hỏi người phạm tội khi tạo điều kiện về chỗ ở cho người dưới 18 tuổi đã biết là tạo điều kiện về chỗ ở để cho thực hiện các hành vi phạm pháp. Các hành vi khác đã thể hiện rõ lỗi cố ý của chủ thể.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số lượng nạn nhân, về độ tuổi của nạn nhân v.v… 

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

9- Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy (Điều 326 BLHS)

a. Đẩu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có chung đối tượng là văn hoá phẩm đồi trụy. Đó có thể là: Sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy.

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là:

- Làm ra văn hoá phẩm đồi trụy (tạo ra hoặc tham gia tạo ra sản phẩm với vai trò khác nhau);

- Sao chép văn hoá phẩm đồi trụy (nhân bản sản phẩm);

- Lưu hành văn hoá phẩm đồi trụy (để người khác biết sản phẩm);

- Vận chuyển văn hoá phẩm đồi trụy;

- Mua bán văn hoá phẩm đồi trụy;

- Tàng trữ văn hoá phẩm đồi trụy.

Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm: Hành vi được quy định trên đây cấu thành tội phạm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Dữ liệu được số hoá có dung lượng 01 GB trở lên;

- Ảnh, có số lượng 100 ảnh trở lên;

- Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 50 đơn vị trở lên;

- Phổ biến cho 10 người trở lên;

- Chủ thể đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

- Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tính chất đồi trụy của các đối tượng của hành vi của mình.

- Dấu hiệu mục đích phạm tội

Các hành vi kể trên được thực hiện là nhằm mục đích phổ biến đến nhiều người khác. Nếu không có mục đích này thì hành vi đã thực hiện không thuộc hành vi truyền bá và không phải là hành vi phạm tội của tội phạm này.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng là hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm và từ 07 năm đến 15 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng chủ yếu là các dấu hiệu về số lượng vật phẩm đồi trụy, về phạm vi người tiếp cận với vật phẩm đồi trụy.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

10- Tội chứa mại dâm (Điều 327 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi chứa mại dâm. Đó là hành vi tạo điều kiện về địa điểm cho người mại dâm thực hiện việc mại dâm của mình.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết mục đích sử dụng địa điểm của người mà mình tạo điều kiện là để thực hiện việc mại dâm.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, từ 10 năm đến 15 năm và từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số người bán dâm, về tuổi của người bán dâm, về mức độ thu lợi bất chính v.v..

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

11- Tội môi giới mại dâm (Điều 328 BLHS)

a- Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt người khác mua dâm, bán dâm. Đây là những hành vi có tính chất thúc đẩy, tạo điều kiện để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm. Trong đó, dụ dỗ được hiểu là hành vi thuyết phục người khác chấp nhận việc mua dâm, bán dâm; dẫn dắt là hành vi tạo điều kiện để người khác có thể tiếp cận, thỏa thuận việc mua dâm, bán dâm.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và từ 07 năm đến 15 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số người mua, bán dâm, về tuổi của người mua, bán dâm, về mức độ thu lợi bất chính v.v...

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

12- Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm được quy định là người đủ 18 tuổi trở lên.

  Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi nhận việc mua dâm, bán dâm; dẫn dắt là hành vi tạo điều kiện để người khác có thể tiếp cận, thỏa thuận việc mua dâm, bán dâm.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và từ 07 năm đến 15 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về về tuổi của nạn nhân, về số lần mua dâm, về tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân v.v...

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

0 bình luận, đánh giá về Một số tội xâm phạm trật tự công cộng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.39136 sec| 1128.43 kb