Một số vấn đề pháp lý về nhóm công ty
1- Khái niệm nhóm công ty
Sự tác động của các quy luật trong nền kinh tế thị trường, của tiến bộ khoa học kĩ thuật, của nhu cầu tập trung vốn, giảm chi phí kinh doanh, phân tán rủi ro làm xu hướng hình thành các nhóm công ty càng trở nên mạnh mẽ. Xét từ góc độ lý luận về hành vi tổ chức, nhóm là một mô hình tổ chức bao gồm hai hay nhiều chủ thể, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau nhằm đạt được mục tiêu cụ thể. Từ những cơ sở trên, khái niệm về nhóm công ty như sau:
“Nhóm công ty là một tập hợp hai hay nhiều công ty, tương tác và có mối quan hệ lâu dài về kinh tế, công nghệ, thị trường, loại trừ sự cạnh tranh lẫn nhau, cùng nhau hướng tới mục tiêu tăng cường tích tụ, tập trung vốn và tối đa hoá lợi nhuận”.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp
2- Đặc điểm của nhóm công ty
Thứ nhất, nhóm công ty là một tập hợp của hai hay nhiều công ty. Các công ty có mối quan hệ qua lại, tương tác với nhau trên cơ sở hoạt động đầu tư kinh doanh và hợp đồng xác lập giao dịch. Các công ty trong nhóm hoàn toàn độc lập về mặt pháp lý và kinh doanh. Mặc dù vậy, quá trình tương tác của các công ty làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty và sự phát triển chung của nhóm. Động lực này có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào cách thức và nguyên tắc thực hiện mối quan hệ giữa công ty trong nhóm. Nhóm công ty là một tập hợp, một tổ chức, tuy nhiên, tổ chức này không đáp ứng các điều kiện về tư cách pháp nhân.
Thứ hai, nhóm công ty được hình thành với mục tiêu tăng cường tích tụ, tập trung vốn, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hoá lợi nhuận. Các công ty đơn lẻ, vừa thiếu vốn vừa thiếu công nghệ không đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, có thể tập hợp để hình thành nhóm công ty. Nhóm công ty có nhiều lợi thế trên thị trường: lợi thế về tập trung nguồn lực, lợi thế quy mô, lợi thế thương hiệu, lợi thế chuyên môn hoá, lợi thế về tính thống nhất. Do đó, nhóm công ty có thể nâng cao khả năng cạnh tranh cho những công ty quy mô nhỏ, giảm thiểu những rủi ro từ biến động thị trường. Để thực hiện mục tiêu này, các công ty trong nhóm phải cùng nhau cam kết thực hiện các thỏa thuận hình thành nhóm, từng công ty phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh của công ty phù hợp với mục tiêu chung của nhóm công ty. Tùy từng giai đoạn, nhóm công ty có thể xây dựng những mục tiêu chiến lược khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế mới.
Thứ ba, nhóm công ty có nguyên tắc hoạt động và cơ cấu tổ chức. Để nhóm công ty hoạt động hiệu quả, các công ty thành viên phải cùng nhau xây dựng các quy tắc, nội quy, quy chế hoạt động, xây dựng mô hình quản lý để đảm bảo các mục tiêu thành lập nhóm. Những quy tắc, nội quy, quy chế hoạt động được thể chế trong điều lệ nhóm công ty. Mô hình quản lý tương đối phức tạp và phụ thuộc vào số lượng công ty tham gia vào nhóm.
Thứ tư, trong nhóm công ty có công ty giữ quyền chi phối các công ty còn lại. Công ty giữ quyền chi phối đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển của nhóm công ty, chủ trì xây dựng điều lệ nhóm công ty, xây dựng bộ máy quản trị nhóm công ty.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp
3- Các hình thức nhóm công ty
Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, nhóm công ty có 02 hình thức cơ bản: tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Về nguyên tắc, dấu hiệu để phân biệt hai hình thức này dựa trên cơ sở quy mô của nhóm công ty và số lượng thành viên trong nhóm. Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô và số lượng thành viên lớn hơn so với tổng công ty. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định rõ tiêu chí phân biệt giữa mô hình tập đoàn kinh tế và mô hình tổng công ty.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Một số vấn đề pháp ly về nhóm công ty của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Một số vấn đề pháp ly về nhóm công ty có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm