Mức cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn theo pháp luật Việt Nam hiện hành

17/10/2024
Phạm Gia Minh
Phạm Gia Minh
Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn được xác định trên cơ sở nhằm đảm bảo lợi ích vật chất cho con khi cha mẹ ly hôn. Mức cấp dưỡng này cần phù hợp với mức sống, nhu cầu của con và phù hợp với khả năng cấp dưỡng của cha mẹ. Vậy quy định của pháp luật về mức cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn như thế nào? Có quy định về mức cấp dưỡng tối thiểu không?

1- Khái niệm, đặc điểm của cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn

[a] Khái niệm cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn

Chăm sóc, nuôi dưỡng nhau không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình với nhau, đặc biệt là cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, trông nom, chăm sóc con cái của mình. Trong hoàn cảnh đặc biệt như khi cha mẹ ly hôn, nghĩa vụ nuôi dưỡng của một trong hai người không thể thực hiện được. Để đảm bảo cuộc sống bình thường của con, pháp luật Việt Nam quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Cấp dưỡng là việc một người có có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yêu của người không chung sống với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của pháp luật”.

Theo Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Khoản 2 Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ, người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”.

Như vậy, cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn là một nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ bắt buộc phải làm đối với con, nếu con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, khi không là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi đã chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng việc đóng góp tiền hoặc hiện vật tương ứng với nhu cầu thiết yếu của con, đông thời phù hợp với khả năng thực tế của mình để bù đắp những tổn thất về mặt vật chất cho con khi con không được sống chung với cha và mẹ.

[b] Đặc điểm của cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn

Là một quan hệ cấp dưỡng trong chế định cấp dưỡng nói chung, cha mẹ cấp dưỡng cho con khi ly hôn ngoài mang những đặc điểm của quan hệ cấp dưỡng nói chung như: là quan hệ nhân thân gắn liền với tài sản không thể chuyển giao cũng như thay thế bằng nghĩa vụ khác; quan hệ cấp dưỡng mang tính có đi có lại, thể hiện mối quan hệ tương ứng giữa quyền và nghĩa vụ của các chủ thể nhưng không diễn ra đồng thời... thì quan hệ này còn mang những nét đặc thù riêng.

Thứ nhất, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con khi ly hôn phát sinh trên cơ sở quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Quan hệ huyết thống đó là quan hệ giữa cha mẹ (ruột) với con (ruột), còn quan hệ nuôi dưỡng là quan hệ giữa cha mẹ nuôi với con nuôi.

Quan hệ huyết thống là quan hệ dựa trên sự kiện sinh đẻ của người phụ nữa và từ sự kiện đó phát sinh quan hệ pháp luật giữa cha, mẹ và con. Cha mẹ sinh ra các con, do đó họ phải có nghãi vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội và ngược lại, con cái có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, bệnh tật.

Quan hệ nuôi dưỡng là quan hệ do sự kiện nuôi con nuôi và quan hệ hôn nhân đem lại. Tức là con nuôi chung của cả vợ và chồng. Nuôi con nuôi là việc một người nhận nuôi một đứa trẻ không do họ sinh ra nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và những người được nhận làm con nuôi, đảm bảo người được nhận nuôi được trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với đạo đức xã hội trong môi trường gia đình.

Các quan hệ này là cơ sở cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của gia đình. Đồng thời, tình cảm cao đẹp giữa các thành viên trong gia đình cũng được hình thành trên cơ sở những quan hệ này. Xuất phát từ những mối quan hệ đó mà giữa các thành viên trong gia đình có sự gắn bó chặt chẽ về tình cảm và trách nhiệm đối với nhau. Như vậy, chỉ trên cơ sở huyết thống hoặc nuôi dưỡng thì quan hệ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con khi ly hôn mới phát sinh và được bảo vệ.

Thứ hai, người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng không sống chung với nhau.

Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi người có nghĩa vụ nuôi dưỡng vì hoàn cảnh không thể trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người kia, đặc biệt là trong trường hợp cha mẹ ly hôn, vì thế họ phải chu cấp một khoản tiền hoặc tài sản nhất định để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của những người cần được cấp dưỡng. Ví dụ, trước khi ly hôn, cả vợ và chồng đều có thể hằng ngày chăm sóc con của mình, nhưng khi họ ly hôn, người con chỉ có thể sống chung với cha hoặc mẹ và như vậy người còn lại không thể trực tiếp quan tâm, chăm sóc con như trước, nhưng họ có thể thể hiện sự quan tâm thông qua hình thức cấp dưỡng cho con. Như vậy, cấp dưỡng cho con khi ly hôn là trường hợp cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (do sự kiện ly hôn) theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

2- Mức cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn

Mức cấp dưỡng được hiểu là một khoản tiền hay hiện vật khác mà người được cấp dưỡng nhận từ người có nghĩa vụ cấp dưỡng để phục vụ cho sinh hoạt của mình. Đối với những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thì mức cấp dưỡng phù hợp sẽ giúp bù đắp phần nào những tổn thất về vật chất mà đáng lẽ ra chúng sẽ được nhận nhiều hơn khi được sống chung với cả cha và mẹ.

Mức cấp dưỡng được quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

[a] Căn cứ xác định mức cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Mức cấp dưỡng được xác định trên hai căn cứ là thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Thứ nhất, xét căn cứ thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Căn cứ thu nhập, khả năng thực tế thể hiện thông qua thu nhập của cha, mẹ bao gồm giá trị tài sản sở hữu, lương và các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghĩa vụ tài sản phải thực hiện. Trên cơ sở thu nhập, kết hợp các điều kiện khác có thể đánh giá được khả năng cha, mẹ có thể cấp dưỡng cho con ở mức độ nào. Khả năng thực tế của một người được xác định bằng cách lấy thu nhập trừ đi những chi phí đáp ứng nhu cầu hợp lý của bản thân. Nếu còn dư thì được coi là có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trường hợp người đó không có thu nhập thường xuyên nhưng lại còn tài sản sau khi đã trừ chi phí cần thiết cho bản thân mà còn dư thì cũng được coi là có khả năng để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.   

Thứ hai, căn cứ vào nhu cầu thiết yếu của con. Nhu cầu thiết yếu của con có thể hiểu là nhu cầu sinh hoạt thông thường của một người, bao gồm các nhu cầu về ăn, mặc ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt của một người. Tuy nhiên, nhu cầu thiết yếu của mỗi người có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và hoàn cảnh cụ thể. Với mỗi độ tuổi, nhóm nhu cầu thiết yếu có xu hướng mở rộng. Ví dụ, một đứa trẻ sơ sinh có nhu cầu thiết yếu là tiền bỉm sữa và chi phí chăm sóc ban đầu, trong khi một đứa trẻ tiền tiểu học sẽ có nhu cầu về tiền học, tiền ăn và các chi phí sinh hoạt khác. Nhu cầu thiết yếu của con cũng phụ thuộc vào địa phương con đang sinh sống. Ví dụ, một đứa trẻ ở thành thị có thể cần phải chi nhiều tiền hơn cho học tập và sinh hoạt so với một đứa trẻ vùng nông thôn do chi phí sinh hoạt, học tập ở thành thị thường cao hơn. Do đó, mức cấp dưỡng cần được điều chỉnh và cá nhân hóa theo từng tình huống cụ thể.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, mức cấp dưỡng trước hết là do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người nuôi đề xuất một mức cấp dưỡng quá cao so với khả năng tài chính thực tế của đối phương, hoặc ngược lại, người cấp dưỡng đề xuất một mức cấp dưỡng quá thấp so với nhu cầu thiết yếu của con. Trong những trường hợp như vậy, việc yêu cầu Tòa án giải quyết được coi là cần thiết để đảm bảo sự công bằng và hợp lý trong việc xác định mức cấp dưỡng. Tòa án sẽ tiến hành điều tra và đánh giá để đưa ra một quyết định dựa trên khả năng tài chính và nhu cầu thiết yếu của cả hai bên, vf đồng thời đảm bảo rằng quyết định cuối cùng phản ánh đúng tình hình thực tế và không gây bất kỳ bất công cho bên nào.

[b] Thay đổi mức cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn

Xã hội luôn luôn thay đổi theo sự vận động chung, cuộc sống của mỗi người cũng vì thế mà có những thay đổi nhất định. Vì vậy, nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt của con cũng thay đổi theo, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng thay đổi hoặc có sự kiện bất ngờ như tai nạn, mất việc mà không thể lường trước được. Dự liệu được điều đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định rõ quy trình và điều kiện để thay đổi mức cấp dưỡng khi có lý do chính đáng. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Quy định này giúp đảm bảo rằng các quyết định thay đổi mức cấp dưỡng được đưa ra sau khi đã xem xét cẩn thận và xác minh lý do chính đáng từ Tòa án. Việc thay đổi mức cấp dưỡng có thể là tăng hoặc giảm tùy thuộc vào tình hình cụ thể, nhưng quan trọng là phải đảm bảo rằng quyết định này là công bằng và hợp lý với cả hai bên.

[c] Mức cấp dưỡng tối thiếu cho con khi cha mẹ ly hôn

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình (có hiệu lực từ 01/7/2024) quy định: “Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con”.

Về mức lương tối thiểu vùng, pháp luật đã có quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6/2024 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, lương tối thiểu vùng tại Vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức cấp dưỡng tối thiểu cho con do Tòa án quyết định là không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.

Xem thêm: Mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu của cha, mẹ sau khi ly hôn

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Mức cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn theo pháp luật Việt Nam hiện hành được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Mức cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn theo pháp luật Việt Nam hiện hành có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Mức cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn theo pháp luật Việt Nam hiện hành

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.27518 sec| 996.969 kb