Ngành Luật đất đai

“Bất động sản không thể bị mất hay đánh cắp hay mang đi được. Mua được một món bất động sản phú hợp, được chi trả đầy đủ, quản lý cẩn thận là món đầu tư an toàn nhất thế giới”.

- Franklin D. Roosevelt,  Tổng thống thứ 32 của Mỹ

Ngành Luật đất đai

Luật Đất đai là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm thiết lập quan hệ đất đai trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và sự bảo hộ đầy đủ của Nhà nước đối với các quyền của người sử dụng đất.

Đối tượng điều chỉnh của Luật đất đai: là các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình [1] quản lý Nhà nước đối với đất đai, [2] sử dụng đất của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, [3] sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, [4] sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện giao dịch về đất đai, [5] khai thác, sử dụng các nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng.

Phương pháp điều chỉnh của Luật đất đai: [1] phương pháp hành chính mệnh lệnh và [2] phương pháp bình đẳng thỏa thuận.

Nội dung của Luật đất đai: [1] những quyền và nghĩa vụ chung nhất của mọi đối tượng sử dụng đất không phân biệt hình thức sử dụng đất do Nhà nước xác lập; [2] quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất và gắn liền đó là những nghĩa vụ phù hợp với hình thức sử dụng đất mà họ lựa chọn; [3] những quyền và nghĩa vụ cụ thể của người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai.

Liên hệ

I- KHÁI QUÁT VỀ LUẬT ĐẤT ĐAI

Luật đất đai là tổng hợp các quy phạm pháp luật mà Nhà nước ban hành nhằm thiết lập quan hệ đất đai trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và sự bảo hộ đầy đủ của Nhà nước đối với các quyền của người sử dụng đất, tạo thành một ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Quan hệ pháp luật đất đai: là quan hệ xã hội chuyên biệt được các quy phạm pháp luật đất đai điều chỉnh. Các chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai được Nhà nước dùng pháp luật tác động vào cách xử sự của họ với các phương pháp và cách thức khác nhau. 

Môn học Luật đất đai có thể chia thành hai (02) phần, phần chung và phần riêng. Phần chung gồm: các chế định cơ bản tạo thành phần lý luận chung của ngành luật, như chế định các vấn đề lý luận cơ bản về ngành luật đất đai, quan hệ pháp luật đất đai, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, chế định chế độ quản lý Nhà nước về đất đai. Phần riêng gồm: chế định địa vị pháp lý của người sử dụng đất, thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết tranh chấp khiếu nại về đất đai, các chế độ pháp lý về nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp.

II- ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH CỦA NGÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI

Căn cứ vào chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai và loại đất được quản lý và sử dụng, đối tượng điều chỉnh của Ngành luật đất đai được xác định thành các nhóm: 

Nhóm I - Các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình quản lý Nhà nước đối với đất đai.

Là người đại diện chủ sở hữu đồng thời là người thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật, Nhà nước xây dựng bộ máy các cơ quan có thẩm quyền hành chính và chuyên ngành nhằm thực thi các nội dung cụ thể của quản lý Nhà nước về đất đai. Vì vậy, trong Luật đất đai năm 2013, Nhà nước đã được cụ thể hoá với vai trò thực hiện quyền định đoạt của người đại diện chủ sở hữu và phân công, phân cấp giữa từng hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan hành chính Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền về chuyên môn để thực hiện vai trò người đại diện chủ sở hữu đất đai.  

Nhóm II - Các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình sử dụng đất của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Các tổ chức trong nước là một trong các chủ thể sử dụng đất được Nhà nước cho phép sử dụng đất dưới các hình thức pháp lý chủ yếu là giao đất và cho thuê đất. Các tổ chức này được Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp, nhưng trong quá trình khai thác, sử dụng phải trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ vào dự án đầu tư và trình tự, thủ tục về giao đất, cho thuê đất.

Nhóm III - Các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam.

Hình thức pháp lý tổ chức, cá nhân nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam chủ yếu là thuê đất. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ sau Luật đất đai năm 2013 có thể lựa chọn hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất khi thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Việc sử dụng đó được phân chia thành các mục đích khác nhau như xây dựng các công trình ngoại giao, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đầu tư vào Việt Nam theo quy định pháp luật về đầu tư và được mua nhà, sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Như vậy, việc giao đất, cho thuê đất nhằm các mục đích khác nhau cho nên Nhà nước cần quy định một cách chặt chẽ trình tự, thủ tục cho thuê đất tại Việt Nam, đồng thời bảo hộ các quyền lợi cần thiết cho họ, đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. 

Nhóm IV - Các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai.

Với hơn 12 triệu hộ nông dân, có thể khẳng định rằng, đây là nhóm chủ thể đông đảo nhất tham gia vào quan hệ sử dụng đất. Việc xác lập các quyền cụ thể của hộ gia đình, cá nhân trong Luật đất đai năm 2013 là nền tảng pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai. Thực tế chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng đất không chỉ nhằm mục đích khai thác tối đa các lợi ích vốn có của đất mà trong khai thác và sử dụng, việc xác lập các quyền về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh và góp vốn liên doanh là mong đợi tất yếu của hàng triệu hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất.

Vì vậy, pháp luật đất đai xây dựng hành lang pháp lý cho việc mở rộng tối đa các quyền năng của hộ gia đình, cá nhân, đồng thời cho phép họ được thực hiện đầy đủ các giao dịch dân sự về đất đai theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ phù hợp với nhu cầu chuyển dịch và tích tụ đất đai trong nền kinh tế hàng hóa có điều tiết từ phía Nhà nước. 

Nhóm V - Các quan hệ đất đai phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng các nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng:

Quá trình khai thác, sử dụng các loại đất nói trên do nhiều chủ thể khác nhau thực hiện. Mỗi một loại đất khác nhau trong quá trình sử dụng đều có đặc điểm riêng. Vì vậy, khi cho phép tổ chức hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất. Nhà nước phân loại, quy định cụ thể từng chế độ pháp lý để thực hiện các biện pháp quản lý, công nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể của các chủ sử dụng nhằm đảm bảo một cách thống nhất hài hòa lợi ích Nhà nước và từng chủ sử dụng cụ thể.

III- PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH CỦA NGÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI

Phương pháp điều chỉnh của Ngành luật đất đai phụ thuộc vào tính chất đặc điểm của các quan hệ xã hội do Luật đất đai điều chỉnh. Về nguyên tắc, phương pháp điều chỉnh của Ngành luật đất đai là cách thức mà Nhà nước dùng pháp luật tác động vào các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai. Các chủ thể đó bao gồm các cơ quan quản lý, những người sử dụng đất trong phạm vi cả nước.

Ngành luật đất đai sử dụng hai (02) phương pháp điều chỉnh, đó là phương pháp hành chính mệnh lệnh và phương pháp bình đẳng thỏa thuận.

- Phương pháp hành chính - mệnh lệnh:

Phương pháp này rất đặc trưng cho ngành luật hành chính bởi nguyên tắc quyền lực phục tùng. Đặc điểm của phương pháp này thể hiện ở chỗ, các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật không có sự bình đẳng về địa vị pháp lý. Một bên trong quan hệ này là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhân danh Nhà nước thực thi quyền lực nhà nước. Vì vậy, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ phải thực hiện các chỉ thị, mệnh lệnh và nhiệm vụ được giao của các cơ quan nhân danh Nhà nước, họ không có quyền thỏa thuận với cơ quan Nhà nước và phải thực hiện các phán quyết đơn phương từ phía Nhà nước. 

Ngành luật đất đai sử dụng phương pháp hành chính mệnh lệnh trong nhiều trường hợp, song điểm khác biệt căn bản so với việc áp dụng trong ngành luật hành chính là tính linh hoạt và mềm dẻo khi áp dụng các mệnh lệnh từ phía cơ quan Nhà nước. Ví dụ, khi giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai, các tổ chức chính quyền và đoàn thể tại các địa phương nơi xảy ra tranh chấp có trách nhiệm hoà giải, tìm biện pháp giáo dục, thuyết phục và tuyên truyền trong nội bộ nhân dân làm tiền đề cho việc giải quyết mọi tranh chấp và khiếu nại. Khi các tranh chấp và khiếu nại không thể giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa giải thì các cơ quan nhà nước theo luật định mới trực tiếp giải quyết và ban hành các quyết định hành chính. 

Quan hệ đất đai được vận dụng phương pháp hành chính mệnh lệnh luôn có một bên chủ thể là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thể hiện quyền lực Nhà nước và một bên là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải thực thi các biện pháp hành chính xuất phát từ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Các quyết định hành chính được ban hành trong các trường hợp sau đây:

- Quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất;
- Quyết định hành chính về thu hồi đất;
- Quyết định hành chính về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất này sang loại đất khác;
- Quyết định về công nhận quyền sử dụng đất;
- Quyết định về việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai;
- Quyết định xử lý vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng đất đai.

Các quyết định hành chính nêu trên đều do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật đất đai đối với người sử dụng đất. Họ có nghĩa vụ thi hành các quyết định của cơ quan nhà nước nếu không thực hiện được coi là hành vi vi phạm pháp luật đất đai và bị cưỡng chế theo luật định.

- Phương pháp bình đẳng, thỏa thuận:

Đây là phương pháp rất đặc trưng của ngành luật dân sự. Ngành luật đất đai cũng sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, nếu trong quan hệ dân sự, chủ sở hữu tài sản có quyền thỏa thuận để phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ tài sản, thì trong Luật đất đai, người sử dụng không đồng thời là chủ sở hữu. Vì vậy, với các quyền được Nhà nước mở rộng và bảo hộ, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có quyền thỏa thuận trên tinh thần hợp tác thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế, thuế chấp, bảo lãnh và góp vốn liên doanh.

Đặc điểm cơ bản của phương pháp bình đẳng thỏa thuận trong Luật đất đai là các chủ thể có quyền tự do giao kết, thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai phù hợp với các quy định của pháp luật, góp phần đáp ứng các nhu cầu sử dụng tích tụ đất đai ở quy mô hợp lý nhằm phân công lại lao động, đất đai thúc đẩy sản xuất phát triển.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư giải quyết tranh chấp nhà đất

IV- NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI

1- Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sử hữu

Từ Hiến pháp năm 1980, chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam có sự thay đổi căn bản, từ chỗ còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau, chúng ta đã tiến hành quốc hữu hoá đất đai và xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Như vậy, ở Việt Nam có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và chủ sử dựng trong quan hệ đất đai. Thực ra, ở đây có mối quan hệ khăng khít giữa Nhà nước với tư cách là người đại diện chủ sở hữu đất đai với người sử dụng vốn đất của Nhà nước.

Một số nước như: Anh, Thụy Điển cũng có sụ tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai, song sự tách bạch này không thuần khiết, vì về nguyên tắc, đất đai thuộc sở hữu của Nữ hoàng (Anh) hoặc Vua (Thụy Điển) trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, một bộ phận đất đai vẫn thuộc sở hữu tư nhân. Cơ chế thực hiện quyền sử dụng đất của họ xác lập trên cơ sở các hợp đồng thuê.

Ở Việt Nam, tuy đất đai thuộc sờ hữu toàn dân nhưng Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu, vì vậy Nhà nước có quyền xác lập hình thức pháp lý cụ thể đổi với người sử dụng đất. Đất đai ở Việt Nam trước hết là tài nguyên quốc gia, sống không vì thế mà Nhà nước không chủ trương xác định giá đất làm cơ sở cho việc lưu chuyển quyền sử dụng đất trong đời sống xã hội. 

2-  Nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật

Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 và tại Chương 2 của Luật đất đai năm 2013 thể hiện chức năng của Nhà nước là người quản lý mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có quản lý đất đai. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai, là người xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch sử dụng đất và phê duyệt các chương trình quốc gia về sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên. Một điều rất hiển nhiên là dù nguồn tài nguyên có phong phú, đa dạng đến đâu thì nó vẫn không phải là vô tận mà là đại lượng hữu hạn.

Luật đất đai năm 2013 với 17 điều luật cụ thể về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai đã chính thức luật hoá các quy định trước đây ở tầm Nghị định của Chính phủ là cơ sở để thực hiện chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nay đến năm 2020. Đồng thời với các quy định mới sẽ có sự phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước và cơ quan chuyên môn trong quản lý nhà nước về đất đai từ trung ương đến địa phương, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. 

3- Nguyên tắc ưu  tiên bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp

Việt Nam là nước có bình quân đầu người về đất nông nghiệp thuộc loại thấp trên thế giới. Trong khi bình quân chung của thế giới là 4.000 m2/người thì ở Việt Nam chỉ khoảng 1.000 m2/người. Là một nước còn chậm phát triển với hơn 70% dân số còn tập trung ở khu vực nông thôn, đất đai là điều kiện sống còn của một bộ phận lớn dân cư. Vì vậy, để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho xã hội thì vấn đề bảo vệ và phát triển quv đất nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. 

Từ trước tới nay, các quy định của pháp luật đất đai và các chính sách về nông nghiệp luôn dành sự ưu tiên đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đc bảo vệ và mở rộng vốn đất nông nghiệp cần phải xuất phát từ hai phương diện. Thứ nhất, cần coi trọng việc thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trên diện tích hiện có; thứ hai, tích cục khai hoang mở rộng ruộng đồng từ vốn đất chưa sử dụng có khả năng nông nghiệp. Pháp luật đất đai thể hiện nguyên tắc này như sau:

- Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối có đất để sản xuất.
- Đối với tổ chức, bộ gia đình và cá nhân sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp trong hạn mức sử dụng đất thì không phải trả tiền sử dụng đất, nếu sử dụng vào mục đích khác phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất và trả tiền sử dụng đất
- Việc chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác hoặc từ loại đất không thu tiền sang loại đất có thu tiền phải đúng quy hoạch và kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Luật đất đai năm 2013 quy định tại Điều 57 phân loại thành trường hợp chuyển mục đích phải xin phép và trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép nhàm xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất. Khi chuyển sang sử dụng vào mục đích khác, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.
- Nhà nước có quy định cụ thể về đất chuyên trồng lúa nước, điều kiện nhận chuyển nhượng đất trong lúa nước và nghiêm cấm mọi hành vi chuyển mục đích từ loại đất này sang sử dụng vào mục đích khác khi chưa được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân khai hoang, phục hóa lấn biển, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
- Nghiêm cấm việc mở rộng một cách tuỳ tiện các khu dân cư từ đất nông nghiệp, hạn chế việc lập vườn từ đất trồng lúa.

Với các quy định nêu trên, bên cạnh việc hạn chế tới mức tôi đa mọi hành vi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác thì việc khuyến khích mở rộng thêm từ vốn đất chưa sử dụng vào mục đích nông nghiệp là rất quan trọng.

4- Nguyên tắc sử dụng đất đai hợp lý tiết kiệm

Việt  Nam tuy vốn đất không lớn, song nhìn vào cơ cấu sử dụng đất hiện nay, khi mà đất chưa sử dụng còn chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên thì có thể nhận xét rằng, chúng ta còn rất lãng phí trong việc khai thác, sử dựng tiềm năng đất đai. Vì vậy, với quá trình phát triển của đất nước, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần đi trước một bước tạo cơ sở khoa học cho việc sử dụng đất một cách hợp lý và tiết kiệm. 

Hiện nay, ở nhiều tỉnh phía Nam có diện tích trồng lúa nước không mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó nếu sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản mang lại lợi nhuận lớn cho người sản xuất nông nghiệp và cho nhu cầu xuất khẩu thì vấn đề đặt ra là phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng mà khai thác đất đai có hiệu quả. Từ thực tế đó, cần hiểu việc sử dụng đất đai hợp lý và tiết kiệm trên tinh thần tận dụng mọi diện tích sẵn có dùng đúng vào mục đích quy định theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. 

5- Nguyên tắc thường xuyên cải tạo và bồi bổ đất đai

Đất đai tự nhiên dưới bàn tay lao động và sáng tạo của con người sẽ tạo ra những sản phẩm quan trọng trong đời sống và mảnh đất đó thực sự có giá trị. Nếu so sánh với một mảnh đất không có lao động kết tính của con người thì mảnh đất đó là hoang hoá không có giá trị. Tuy nhiên, đất đai có đời sống sinh học riêng của nó. Nếu con người tác động với thái độ làm chủ, vừa biết khai thác, vừa cải tạo nó thì đất đai luôn mang lại hiệu quả kết tinh trong sản phẩm lao động của con người. Ngược lại, nếu con người bạc đãi thiên nhiên, tác động vào nó với một cách thiếu ý thức thì kết quả mang lại cho chúng ta nhiều tiêu cực. Vì vậy, việc giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên đất nhắc nhở con người biết khai thác nhưng cũng thường xuyên cải tạo và bồi bổ đất đai vì mục tiêu trước mắt và lợi ích lâu dài.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai.

V- NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI

Nội dung quan hệ pháp luật đất đai chính là các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đất đai. Chủ thể ở đây nhìn nhận một cách khái quát gồm Nhà nước và người sử dụng đất. Nhà nước, với tư cách là người đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai, các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước rất đặc trưng. Trước hết, đó là các quyền của người đại diện chủ hữu, đặc biệt là quyền định đoạt đất đai, quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua chính sách tài chính về đất đai và phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất đầu tư. Các nghĩa vụ của Nhà nước gắn với các nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai được quy định tại Điều 22 Luật đất đai năm 2013. 

Đối với người sử dụng đất, pháp luật đất đai thiết kế quyền và nghĩa vụ của họ cũng có nhiều nét khác biệt so với trước đây, đặc biệt là so với Luật đất đai năm 2003. Hiện nay, kết cấu quyền và nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng đất gồm ba (03) phần: 

- Phần thứ nhất: những quyền và nghĩa vụ chung nhất của mọi đối tượng sử dụng đất không phân biệt hình thức sử dụng đất do Nhà nước xác lập. 

- Phần thứ hai: quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất và gắn liền đó là những nghĩa vụ phù hợp với hình thức sử dụng đất mà họ lựa chọn. 

- Phần thứ ba: những quyền và nghĩa vụ cụ thể của người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai.

Trên cơ sở Luật đất đai năm 2013, quyền và nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng đất sẽ phân chia theo từng loại chủ thể, cụ thể là tổ chức trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo sử dụng đất.

VI- NGUỒN CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI

Nguồn của Luật đất đai là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê chuẩn theo những trình tự, thủ tục và dưới những hình thức nhất định, có nội dung chứa đựng các quy phạm pháp luật đất đai.

Khi nghiên cứu nguồn của Luật đất đai cũng như nguồn của bất cứ ngành luật nào trong những thời điểm nhất định, chúng ta chỉ xem xét những văn bản có hiệu lực ở thời điểm đó.  

Nguồn của Luật đất đai bao gồm một hệ thống những văn bản pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành nhiều thời kỳ khác nhau. Nguồn của Luật đất đai chủ yếu vẫn là các văn bản luật và văn bản dưới luật có chứa đựng các quy phạm pháp Luật đất đai. 

1- Văn bản luật

Văn bản luật quan trọng nhất và là nền tảng của hệ thống pháp luật Việt Nam, đó là Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" (Điều 53). "Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật" (Điều 54).

Bên cạnh Hiến pháp với tư cách là đạo luật gốc có ý nghĩa nền tảng chung, các bộ luật, các luật đơn hành chứa đựng nhiều quy định về đất đai hoặc trực tiếp liên quan tới đất đai. Trong số các văn bản luật chủ yếu có thể đề cập gồm: 

- Bộ Luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 24 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

- Luật đất đai năm 2013 được Quốc hội khóa XIII, thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Đây là văn bản luật căn bản nhất trong việc hình thành các quy định của hệ thống pháp luật về đất đai.

- Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010, được Quốc hội khóa XII, thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

2- Các văn bản dưới luật

- Nghị định số 06/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 17 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

- Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất.

- Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

- Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

- Nghị định số 35/2017/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao.

- Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai.

- Nghị định số 135/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

- Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

- Nghị định số 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

- Nghị định số 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

- Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất.

- Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất.

- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Ngành Luật đất đai

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.09582 sec| 1185.227 kb