Ngành luật Hình sự trong hệ thống pháp luật Việt Nam

"Về sự thật và công lý, không có sự khác biệt giữa những vấn đề lớn nhỏ. Vì những điều liên quan tới cách con người được đối xử đều giống như nhau".

- Albert Einstein

Ngành luật Hình sự trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Luật hình sự là một Ngành Luật trong Hệ thống pháp luật của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật xác định: những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và quy định hình phạt có thể áp dụng đối với tội phạm đó.

Đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự là quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và Người phạm tội khi tội phạm xảy ra. Phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự là phương pháp mệnh lệnh - phục tùng. 

Nguyên tắc điều chỉnh của Luật hình sự: bao gồm những nguyên tắc với người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội. Chức năng của Luật hình sự chống và phòng ngừa tội phạm, Bảo vệ, Giáo dục. Bộ luật hình sự là nguồn duy nhất của Luật hình sự.

Liên hệ

I- KHÁI QUÁT VỀ LUẬT HÌNH SỰ

Luật hình sự là Ngành Luật trong Hệ thống pháp luật Việt Nam có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh đặc biệt, tuân theo các nguyên tắc và thực hiện các nhiệm vụ riêng. Với tính chất là Ngành Luật, Luật hình sự được hiểu là: Hệ thống các quy phạm pháp luật xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và quy định hình phạt có thể áp dụng đối với tội phạm đó.

II- ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT HÌNH SỰ

Chủ thể trong quan hệ pháp luật hình sự: có hai (02) chủ thể với hai (02) địa vị pháp lý khác nhau, là [1] Nhà nước: Có quyền truy tố, xét xử người phạm tội, buộc họ phải chịu những biện pháp trách nhiệm hình sự nhất định để bảo vệ pháp luật bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Nhà nước thực hiện quyền này bằng cách thể hiện ý chí của mình trong Bộ luật hình sự. Mặt khác, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội. [2] Người phạm tội: Có trách nhiệm chấp hành các biện pháp cưỡng chế mà Nhà nước áp dụng đối với mình. Mặt khác, họ có quyền yêu cầu Nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự: là quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và Người phạm tội khi tội phạm xảy ra. Ngành luật hình sự điều chỉnh mối quan hệ này bằng việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của hai chủ thể, đó là Nhà nước và người phạm tội. Trong đó, quyền của chủ thể này, tương ứng sẽ là nghĩa vụ của chủ thể còn lại. Nhà nước có quyền buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm, thông qua các hoạt động tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Người phạm tội có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hình sự, chịu bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tuy vậy, họ cũng có quyền yêu cầu Nhà nước truy cứu họ đúng với các quy định của pháp luật, đúng người đúng tội.

III- PHƯƠNG PHÁP ĐIỂU CHỈNH CỦA LUẬT HÌNH SỰ

Phương pháp mệnh lệnh - phục tùng: là phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự. Theo đó, các quy phạm pháp luật hình sự đều có cách thức tác động chung là bắt buộc người phạm tội cũng như pháp nhân thương mại trong trường hợp nhất định phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý là trách nhiệm hình sự.

Qua đó, quy phạm pháp pháp luật hình sự cũng gián tiếp điều chỉnh hành vi của con người trong cuộc sống hàng ngày với cách thức tác động là cấm đoán. Trong Luật hình sự còn có một số quy phạm pháp luật mà cách thức tác động là cho phép (được thực hiện quyền như phòng vệ chính đáng...). Tuy nhiên, cách thức tác động cấm đoán và cho phép đều không phải là cách thức tác động đặc trưng của Luật hình sự.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

IV- CHỨC NĂNG CỦA LUẬT HÌNH SỰ

1- Chức năng chống và phòng ngừa tội phạm của Luật hình sự

Chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm là hai hoạt động tuy có nội dung khác nhau nhưng  không tách rời nhau. Hoạt động chống và phòng ngừa tội phạm phải dựa trên cơ sở pháp lý chung hay nói cách khác là đều phải sử dụng công cụ pháp lý chung là Luật hình sự. Chức năng phòng và chống tội phạm được thể hiện rõ nét nhất tại Điều 1 của Bộ luật hình sự năm 2015. “Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm".

2- Chức năng bảo vệ của Luật hình sự

Đối tượng bảo vệ của ngành luật hình sự đều được xác định rõ ràng trong các Bộ luật hình sự: năm 1985, năm 1999, năm 2015. Tại Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015, đối tượng bảo vệ của Luật hình sự là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật

3- Chức năng giáo dục của Luật hình sự

Ngành Luật hình sự không chỉ là công cụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm mà còn mà còn có chức năng giáo dục. Chức năng giáo dục của Luật hình sự dựa trên cơ sở chức năng chống tội phạm nhưng đồng thời cũng là cơ sở cho chức năng phòng ngừa tôi phạm và chức năng bảo vệ của ngành luật này. Chức năng giáo dục của Luật hình sự được xác định tại Điều 1 và Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015

V- NGUỒN CỦA LUẬT HÌNH SỰ

Ngành luật hình sự Việt Nam coi nguồn duy nhất là Bộ luật hình sự. Điều này được khẳng định rõ trong các Bộ luật hình sự năm 1985, sửa đổi bổ sung năm 1991 (viết tắt: Bộ luật hình sự năm 1985), Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (viết tắt: Bộ luật hình sự năm 1999), Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (viết tắt: Bộ luật hình sự năm 2015).

VI- CẤC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT HÌNH SỰ

1- Nguyên tắc pháp chế

Nguyên tắc pháp chế là một nguyên tắc hết sức quan trọng và cơ bản của quá trình xây dựng và đổi mới pháp luật ở Việt Nam. Nói đến pháp chế tức là nói đến sự triệt để tuân thủ pháp luật từ phía Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và của công dân. Nguyên tắc pháp chế có nguồn gốc từ nguyên lý không có tội nếu không có luật. Trong lĩnh vực hình sự, nguyên tắc pháp chế được coi là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt toàn bộ các hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự. 

Như vậy, những gì có thể là cơ sở của trách nhiệm hình sự, của việc áp dụng hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cũng như việc áp dụng mọi hình thức trách nhiệm hình sự với tính cách là hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội đều phải do pháp luật hình sự quy định.

2- Nguyên tắc dân chủ

Dân chủ là quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quá trình quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Đây là một nguyên tắc hiến định. Trong Luật hình sự, nội dung của nguyên tắc dân chủ thể hiện ở các điểm sau: Luật hình sự bảo vệ và tôn trọng các quyền dân chủ của công dân trong tất cả các mặt của đời sống xã hội, kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm những quyền dân chủ của công dân; Luật hình sự bảo đảm cho nhân dân lao động tự mình hay thông qua các tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và áp dụng Luật hình sự, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm; Luật hình sự coi việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm là sự nghiệp của toàn dân.

3- Nguyên tắc nhân đạo

Nhân đạo là đạo làm người. Đạo làm người thể hiện ở lòng thương yêu, với ý thức tôn trọng các giá trị danh dự, nhân phẩm của con người, không làm đau đớn con người. Luật hình sự Việt Nam khoan hồng với những người tự thú, thật thà khai báo, tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội, ăn năn, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại. Luật hình sự không có mục đích trả thù, hạ thấp nhân phẩm người phạm tội mà nhằm tạo điều kiện để họ được cải tạo trở thành người có ích cho xã hội, sống lương thiện.Luật hình sự Việt Nam có nhiều quy định nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo như quy định về miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, quy định về miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo)... Trong hệ thống hình phạt của Luật hình sự Việt Nam có nhiều loại hình phạt không tước tự do như cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.

4- Nguyên tắc hành vi và nguyên tắc có lỗi

Xuất phát từ quan điểm: Đối tượng điều chỉnh của pháp luật chỉ có thể là hành vi của con người mà không thể là ý nghĩ, tư tưởng của họ, Ngành luật hình sự Việt Nam thừa nhận nguyên tắc hành vi là một trong các nguyên tắc chính. Theo đó, Luật hình sự không truy cứu trách nhiệm hình sự của một người về tư tưởng của họ mà chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của họ khi hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu được quy phạm pháp luật quy định. Gắn liền với nguyên tắc hành vi là nguyên tắc có lỗi. Luật hình sự truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của một người chỉ khi hành vi đó có lỗi.

5- Nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự

Cũng như các nguyên tắc khác, nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự phải được thể hiện trong xây dựng pháp luật hình sự và áp dụng pháp luật hình sự. Trong áp dụng pháp luật hình sự, nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự hay nguyên tắc cá thể hóa hình phạt. 

Chức năng giáo dục của Luật hình sự chỉ có thể thành hiện thực khi trách nhiệm hình sự được xác định đúng cho từng chủ thể phạm tội. Hình phạt áp dụng cho chủ thể phạm tội phải tương xứng với mức độ gây nguyên hiểm cho xã hội của tội phạm gây ra và phải phù hợp với nhân thân cũng như hoàn cảnh của chủ thể phạm tội.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

VII- CÁC CHẾ ĐỊNH CỦA LUẬT HÌNH SỰ

1- Những điều khoản cơ bản

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương I, từ Điều 1 đến Điều ) quy định về những vấn đề cơ bản của Luật hình sự: [1] Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự, [2]Cơ sở của trách nhiệm hình sự, [3] Nguyên tắc xử lý; [4] Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

2- Hiệu lực của Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương II, từ Điều 1 đến Điều 7) quy định về: [1] Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; [2] Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; [3] Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian.

3- Tội phạm

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương III, từ Điều 8 đến Điều 19) quy định về tội phạm: "Tội phạm là các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự".

Tội phạm phân loại 04 loại tội phạm, bao gồm: [1] Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; [2] Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù; [3] Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù; [4] Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự  quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 9).

Quá trình thực hiện tội phạm (lỗi cố ý) có ba (03) giai đoạn: [1] Giai đoạn chuẩn bị phạm tội; [2] Giai đoạn phạm tội chưa đạt; [3] Giai đoạn tội phạm đã hoàn thành.

Chế định tội phạm tại Luật hình sự (Bộ luật hình sự năm 2015) cũng quy định về: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, Đồng phạm, Che giấu tội phạm, Không tố giác tội phạm.

4- Loại trừ trách nghiệm hình sự

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương IV, từ Điều 20 đến Điều 26) quy định bảy (07) trường hợp được loại trừ trách nghiệm hình sự: [1]  Sự kiện bất ngờ; [2] Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; [3] Phòng vệ chính đáng; [4] Tình thế cấp thiết; [5] Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; [6] Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; [7] Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

5- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự miễn trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương V, từ Điều 27 đến Điều 29) quy định về Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: [1] 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; [2] 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; [3] 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; [4] 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

6- Hình phạt

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương VI, từ Điều 30 đến Điều 45) phân chia hệ thống hình phạt thành hai (02) nhóm: [1] Hình phạt chính, và: [2] Hình phạt bổ sung.

Hình phạt chính: là hình phạt cơ bản được áp dụng cho một tội phạm và được tuyên độc lập, với mỗi tội phạm toà án chỉ có thể áp dụng một hình phạt chính. Các hình phạt chính gồm có: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.

Hình phạt bổ sung: là hình phạt không được tuyên độc lập mà chỉ có thể tuyên kèm theo hình phạt chính. Đối với mỗi tội phạm toà án có thể tuyên một hoặc nhiều hình phạt bổ sung nếu điều luật về tội phạm có quy định các hình phạt này.

Trong hệ thống hình phạt Việt Nam, phạt tiền là loại hình phạt duy nhất vừa có thể được áp dụng là hình phạt chính vừa có thể là hình phạt bổ sung.

7- Các biện pháp tư pháp

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương VII, từ Điều 46 đến Điều 49), quy định năm (05) Biện pháp tư pháp bao gồm: [1] Tịch thu vật và tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm; [2] Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; [3] Bắt buộc chữa bệnh; [4] Buộc phải chịu thử thách; [5] Đưa vào trường giáo dưỡng.

8- Quyết định hình phạt

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương VIII, từ Điều 50 đến Điều 59), quy định về quyết định hình phạt. Theo đó, quyết định hình phạt phân thành hai nhóm chính: [1] Quy định chung về quyết định hình phạt; [2] Quyết định hình phạt trong trường hợp cụ thể.

Theo đó, "1- Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. 2- Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền..., Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội". Chế định hình phạt cũng gồm những quy định về: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Tái phạm, tái phạm nguy hiểm; Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội; Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án...

9- Thời hiệu thi hành bản án:

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương IX, từ Điều 60 đến Điều 68) quy định về: thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

10- Xóa án tích

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương X, từ Điều 69 đến Điều 73), quy định về xóa án tích gồm: [1] Đương nhiên được xóa án tích; [2] Xóa án tích theo quyết định của Tòa án; [3] Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: [1] Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; [2] Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; [3] Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương XII Bộ Luật Hình sự.

11- Pháp nhân thương mại phạm tội

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XI, từ Điều 74 đến Điều 89) quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: [1] Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; [2] Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; [3] Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; [4] Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều: 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

12- Người dưới 18 tuổi phạm tội

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XII, từ Điều 90 đến Điều 107) quy định người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: [1] Cảnh cáo; [2] Phạt tiền; [3] Cải tạo không giam giữ; [4] Tù có thời hạn.

Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau: [1] Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định; [2] Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

13- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XIII, từ Điều 108 đến Điều 122) quy định các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Những tội phạm điển hình như: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111); Tội bạo loạn (Điều 112).

14- Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XIV, từ Điều 123 đến Điều 154) quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Những tội phạm điển hình như: Tội giết người (Điều 123); Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125); Tội vô ý làm chết người (Điều 128); Tội bức tử Điều 130; Tội đe dọa giết người (Điều 133); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134).

15- Các tội xâm phạm về quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ công dân

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XV, từ Điều 157 đến Điều 168) quy định các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Những tội phạm điển hình như: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật ( Điều 157), Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân ( Điều 161), Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật (Điều 162),Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo(Điều 166), Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân ( Điều 167).

16- Các tội xâm phạm quyền sở hữu

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XVI, từ Điều 169 đến Điều 180)  các tội xâm phạm quyền sở hữu. Những tội phạm điển hình như: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản ( Điều 169), Tội cưỡng đoạt tài sản ( Điều 170), Tội trộm cắp tài sản ( Điều 173), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( Điều 174), Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177).

17- Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XVII, từ Điều 181 đến Điều 187) các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Điển hình những tội phạm như: Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng ( Điều 182), Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình ( Điều185), Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186), Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại ( Điều 187).

18- Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XVIII, từ Điều 188 đến Điều 234) quy định các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bao gồm: 03 nhóm tội:

[1] Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thương mại. Những tội phạm điển hình trong lĩnh vực này như: Tội buôn lậu (Điều 188), Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189), Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194),  Tội lừa dối khách hàng (Điều 198).

[2] Các tội phạm trong lĩnh vực ngân hành thuế, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm. Những tội phạm điển hình trong lĩnh vực này như: Tội trốn thuế (Điều 200), Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201), Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác (Điều 208), Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211), Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214).

[3] Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.Những tội phạm điển hình trong lĩnh vực này như: Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218), Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219), Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222), Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (Điều 228), Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).

19- Các tội phạm xâm phạm về môi trường

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XIX, từ Điều 235 đến Điều 246) quy định về các tội danh thuộc nhóm tội phạm này. Những tội phạm điển hình như: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236), Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239), Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240), Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242), Tội hủy hoại rừng (Điều 243).

20- Các tội phạm về ma túy

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XX, từ Điều 247 đến Điều 259) quy định các tội danh thuộc nhóm tội phạm này. Các tội phạm điển hình như: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255), Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258).

21- Các tội xâm phạm an toàn công cộng trật tự công cộng

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XXI, từ Điều 260 đến Điều 329), các tội danh thuộc nhóm tội phạm này bao gồm 04 nhóm tội:

[1] Các tội xâm phạm an toàn giao thông. Các tội phạm điển hình như: Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261), Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265), Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 272), Tội cản trở giao thông đường thủy (Điều 273), Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông (Điều 281)

[2] Các tội phạm trong công nghệ thông tin, viễn thông. Các tội phạm điển hình như: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285), Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287), Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289), Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292)

[3] Các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng. Điển hình các tội phạm như sau: Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295), Tội cưỡng bức lao động (Điều 297), Tội bắt cóc con tin (Điều 301), Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303), Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (Điều 313).

[4] Các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng. Các tội phạm điển hình như sau: Tội gây rối trật tự công cộng (ĐIều 318), Tội hành nghề mê tín, dị đoan (Điều 320), Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322), Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323), Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326).

22- Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XXII, từ Điều 330 đến Điều 351), các tội danh thuộc nhóm tội phạm này. Các tội phạm điển hình như sau: Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330), Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331), Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 332), Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác (Điều 339),Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca (Điều 351)

23- Các tội phạm về chức vụ

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XIX, từ Điều 352 đến Điều 366), các tội danh thuộc nhóm tội phạm này bao gồm 02 nhóm tội:

[1] Các tội phạm về tham nhũng. Điển hình các tội phạm sau: Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358).

[2] Các tội phạm khác về chức vụ. Điển hình các tội phạm như sau: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360), Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362), Tội đưa hối lộ (Điều 364), Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 366).

24- Các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XXIV, từ Điều 367 đến Điều 391), các tội danh thuộc nhóm tội phạm này bao gồm các tội phạm điển hình như sau: Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 369), Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370), Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371), Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật (Điều 372).

25- Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quận đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XXV, từ Điều 392 đến Điều 420), các tội danh thuộc nhóm tội phạm này bao gồm các tội phạm điển hình như sau: Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393), Tội chống mệnh lệnh (Điều 394), Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh (Điều 395),Tội đầu hàng địch (Điều 399), Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu (Điều 401), Tội đào ngũ (Điều 402).

26- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh

Bộ luật hình sự năm 2015 (Chương XXVI, từ Điều 421 đến Điều 425) quy định các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Các tội danh thuộc nhóm tội phạm này bao gồm: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421), Tội chống loài người (Điều 422), Tội phạm chiến tranh (Điều 423), Tội tuyển mộ, huấn luận hoặc sử dụng lính đánh thuê (Điều 424), Tội làm lính đánh thuê (Điều 425).

27- Hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Ngành luật Hình sự trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.38409 sec| 1208 kb