Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu tài liệu giám định, định giá tài sản trong vụ án hình sự

"Hãy để công lý được thực hiện cho dù bầu trời có sụp đổ".

John Adam, Jr., 1735 - 1826, Tổng thống thứ hai của Mỹ

Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu tài liệu giám định, định giá tài sản trong vụ án hình sự

Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án hình sự, đảm bảo tính chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Hiện nay, hoạt động giám định tư pháp được nâng cao về chất lượng; các tổ chức giám định tư pháp trong các lĩnh vực giám định được kiện toàn và củng cố; đội ngũ giám định viên tư pháp tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định được đầu tư tốt.

Liên hệ

I- LUẬT SƯ HÌNH SỰ NGHIÊN CỨU TÀI LIỆU GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, có nhiều vấn đề cần chứng minh liên quan đến kiến thức chuyên môn trong những lĩnh vực chuyên ngành mà những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thể tự kết luận được, cần có ý kiến của các những người có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực đó; trong những trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải tiến hành trưng cầu giám định.

Giám định tư pháp trong vụ án hình sự là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức chuyên môn, phương tiện khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, luật sư hình sự cần nắm được quy định pháp luật về các trường hợp bắt buộc phải tiến hành giám định. Bộ luật tố tụng hình sự quy định khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

- Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực TNHS của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án hình sự;

- Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

- Nguyên nhân chết người;

- Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;

- Chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;

- Mức độ ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, đương sự trong vụ án hình sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định TNHS của người bị buộc tội. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Do đặc thù nghề nghiệp, bên cạnh kiến thức pháp luật, đòi hỏi luật sư hình sự cần trang bị cho mình kiến thức trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của mình. Khi nghiên cứu những tài liệu liên quan đến giám định, tùy từng lĩnh vực giám định trong các vụ án hình sự cụ thể, luật sư cũng cần có những hiểu biết nhất định, có như vậy, khi nghiên cứu các tài liệu giám định, luật sư hình sự mới có thể hiểu và phát hiện ra các vấn đề về chuyên môn trong tài liệu giám định.

Trong các vụ án xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, việc giám định là bắt buộc để xác định nguyên nhân dẫn đến chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe, khả năng lao động. Nếu không có kiến thức về pháp y, cơ thể học, hiểu rõ các cơ chế hình thành vết thương... thì khi nghiên cứu tài liệu giám định, luật sư hình sự sẽ không thể hiểu sâu, do đó chỉ biết chấp nhận những gì giám định viên đã thực hiện và kết luận trong bản kết luận giám định.

Tuy nhiên, nếu tự trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến chuyên môn như kiến thức pháp y, cơ thể học, cơ chế hình thành vết thương, quy định của Bộ Y Tế về các loại thương tật... luật sư hình sự sẽ hiểu và có thể phát hiện ra những điểm bất hợp lý trong tài liệu giám định, từ đó đưa ra những kiến nghị giúp vụ án hình sự được giải quyết một cách chính xác, bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho thân chủ trong vụ án.

Tùy theo đặc điểm của từng loại án hình sự mà nhóm tài liệu liên quan đến giám định trong hồ sơ vụ án sẽ bao gồm những tài liệu khác nhau. Trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, hồ sơ giám định thường gồm những loại tài liệu như: Quyết định trưng cầu giám định; bệnh án, giấy chứng thương; tài liệu liên quan đến quá trình điều trị; kết luận giám định...

Trong các vụ án về ma túy, hồ sơ giám định thường bao gồm các tài liệu như quyết định trưng cầu giám định, biên bản bàn giao mẫu giám định, biên bản mở niêm phong mẫu giám định, kết luận giám định...

Trong các vụ án hình sự về kinh tế, chức vụ, mặc dù không thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định, nhưng để đảm bảo tính chính xác, khách quan của vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn có thể trưng cầu giám định, như giám định thiệt hại về kinh tế trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Hồ sơ giám định trong các vụ án hình sự loại này thường gồm quyết định trưng cầu giám định; các hồ sơ tài liệu liên quan đến việc giám định như báo cáo tài chính, hóa đơn, chứng từ, biên bản bàn giao tài liệu giám định, kết luận giám định...

Khi nghiên cứu các loại tài liệu trong nhóm hồ sơ giám định, luật sư hình sự cần lưu ý:

Nghiên cứu quyết định trưng cầu giám định:

Người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản. Quyết định trưng cầu giám định phải có các nội dung sau:

- Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;

- Tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định;

- Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;

- Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

- Nội dung yêu cầu giám định;

- Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định

- Trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại. Trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, việc giám định có thể phải thực hiện nhiều lần vì nhiều lý do khác nhau. Căn cứ vào tên quyết định trưng cầu giám định, nếu việc giám định được thực hiện nhiều lần, luật sư hình sự có thể xác định được quá trình cũng như tính phức tạp của đối tượng giám định trong vụ án hình sự.

- Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ; khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án hình sự đã có kết luận giám định trước đó. Việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Việc trưng cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.

- Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.

- Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

- Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Việc giám định lại trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng giám định mới thực hiện, những người đã tham gia giám định trước đó không được giám định lại. Kết luận giám định lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án hình sự.

Khi nghiên cứu quyết định trưng cầu giám định, căn cứ vào cơ quan, người trưng cầu, thời gian trưng cầu giám định, luật sư hình sự xác định về mặt tố tụng xem việc trưng cầu giám định có đúng thẩm quyền, thời hạn luật định không. Bộ luật tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát có quyền trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định.

Căn cứ tên cơ quan, tên người được trưng cầu giám định, luật sư hình sự có thể xác định được tổ chức, cá nhân thực hiện việc giám định. Luật sư hình sự cần nắm được quy định pháp luật về hệ thống các cơ quan có chức năng giám định trong từng lĩnh vực để xác định việc giám định có được thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền không. Theo quy định của Luật Giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp được chia thành tổ chức giám định tư pháp công lập và tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập. Cụ thể, tổ chức giám định tư pháp công lập là tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.

Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y cấp tỉnh; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm: Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế. Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập gồm có Văn phòng giám định tư pháp được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Qua nghiên cứu quyết định trưng cầu giám định, luật sư hình sự xác định được tên và đặc điểm của đối tượng giám định, nội dung yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng đối với tổ chức giám định, các tài liệu liên quan hoặc mẫu gửi kèm (nếu có). Từ đó, luật sư hình sự xác định các yêu cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng đã đáp ứng được việc giải quyếtvụ án hình sự chưa, từ đó có kiến nghị phù hợp.

Ví dụ:

Trong vụ án về mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, tang vật thu được là dạng ma túy tổng hợp. Khi nghiên cứu quyết định trưng cầu giám định, luật sư nhận thấy cơ quan điều tra chỉ yêu cầu giám định về loại, trọng lượng ma túy. Theo quy định pháp luật, trường hợp này cần phải xác định cả về hàm lượng ma túy, bởi vì trong thành phần ma túy tổng hợp thu được, bên cạnh các chất ma túy theo quy định của pháp luật, còn nhiều chất khác được pha trộn vào. Luật sư đã kiến nghị, đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu giám định hàm lượng đối với số ma túy tổng hợp thu được.

Nghiên cứu các tài liệu khác trong hồ sơ giám định:

Tùy theo từng loại vụ án, hồ sơ giám định có thể có các tài liệu khác nhau. Trong vụ án về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, hồ sơ thường bao gồm các tài liệu như giấy chứng thương, bệnh án, bản ảnh, tài liệu về quá trình điều trị tại cơ sở y tế... Đối với các tội về ma túy, thường gồm các biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu vật giám định, biên bản niêm phong mẫu vật giám định... Đối với các vụ án về kinh tế, chức vụ, việc giám định thường liên quan đến xác định thiệt hại, thường gồm các tài liệu như báo cáo tài chính, hóa đơn, chứng từ...

Tùy theo từng loại tài liệu đặc trưng đối với từng loại vụ án hình sự, luật sư hình sự cần nghiên cứu thận trọng, vận dụng các kiến thức chuyên môn, qua đó có thể giúp luật sư phát hiện ra những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trong từng tài liệu.

Ví dụ: Trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện H tỉnh H.T, bằng việc nghiên cứu kỹ giấy chứng thương, với kiến thức về cơ chế hình thành vết thương, luật sư đã phát hiện ra điểm bất hợp lý trong giấy chứng thương đó. Cụ thể, tại sao vết vỡ đốt sống L4 là một vết nội thương bên trong mà bên ngoài không có vết ngoại thương? Đây chính là chiếc chìa khóa giúp luật sư mở ra cánh của oan sai trong vụ án, dẫn đến cuối cùng vụ án đã được đình chỉ.

Trong các vụ án hình sự mà đối tượng giám định là ma túy hay các chất cần lấy mẫu để giám định, luật sư hình sự cần lưu ý xem quá trình lấy mẫu, niêm phong, mở niêm phong, bàn giao tài liệu, mẫu vật giám định có được thực hiện đúng quy định pháp luật không.

Trong các vụ án hình sự liên quan đến kinh tế, chức vụ, hồ sơ liên quan đến việc giám định thường là hóa đơn, chứng từ kế toán, thuế, hợp đồng kinh tế, báo cáo tài chính... Luật sư hình sự cần trang bị cho mình kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực kinh tế, giúp luật sư hình sự đọc, hiểu được những tài liệu, chứng từ liên quan, từ đó xác định xem các tài liệu, chứng từ được dùng làm căn cứ giám định đã đủ để kết luận về sự việc hay chưa, giá trị pháp lý của các tài liệu, chứng cứ đó.

Nghiên cứu bản kết luận giám định:

Kết luận giám định là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, là căn cứ về mặt chuyên môn để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Kết luận giám định phải có các nội dung sau:

- Họ, tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định;

- Tên cơ quan tiến hành tố tụng; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;

- Thông tin xác định đối tượng giám định;

- Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định;

- Nội dung yêu cầu giám định;

- Phương pháp thực hiện giám định;

- Kết luận về đối tượng giám định;

- Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.

Liên quan đến chữ ký, đóng dấu trong bản kết luận giám định, pháp luật quy định:

- Trong trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân thực hiện giám định thì chữ ký của người thực hiện giám định phải được chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực;

- Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định thì người đứng đầu tổ chức phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu chịu trách nhiệm về kết luận giám định;

- Trường hợp Hội đồng giám định thực hiện giám định thì người quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.

Khi nghiên cứu bản kết luận giám định, luật sư hình sự cần kiểm tra, đối chiếu các nội dung ghi trên Bản kết luận giám định với các tài liệu liên quan khác, ví dụ như tên cơ quan tiến hành tố tụng; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; tên cơ quan, người được trưng cầu giám định, đối tượng giám định, nội dung yêu cầu giám định... có phù hợp, chính xác với thông tin trên quyết định trưng cầu giám định không. Đối chiếu hồ sơ, mẫu vật trên bản kết luận giám định với các tài liệu liên quan trong hồ sơ giám định xem có phù hợp, đầy đủ không.

Căn cứ vào thông tin về người giám định, tổ chức giám định trên bản kết luận giám định, chữ ký của người giám định, đóng dấu của tổ chức giám định... luật sư hình sự cần kiểm tra, xác định người giám định, tổ chức giám định có thẩm quyền thực hiện giám định không. Pháp luật quy định các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp, cụ thể:

(i) Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:

(ii) Thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật về tố tụng quy định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi;

(iii) Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án hình sự, vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(iv) Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:

(v) Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng;

(vi) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định.

Trong bản kết luận giám định, pháp luật quy định phải ghi rõ phương pháp mà người giám định đã sử dụng để thực hiện việc giám định. Để có thể hiểu về phương pháp có tính chuyên môn mà giám định viên sử dụng để đưa ra kết quả giám định, luật sư hình sự cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản trong từng lĩnh vực giám định. Có như vậy, luật sư hình sự mới có thể đọc, hiểu những nội dung có tính chuyên môn trong bản kết luận giám định, từ đó có thể nghiên cứu, tìm ra những bất hợp lý (nếu có) trong bản kết luận giám định.

Khi nghiên cứu phần kết luận, cần xác định nội dung được kết luận trong bản kết luận giám định đã giải quyết được yêu cầu trong quyết định trưng cầu giám định chưa, có phù hợp với các tình tiết, tài liệu khác trong hồ sơ trong vụ án hình sự không.

Trong trường hợp vụ án hình sự có nhiều bản kết luận giám định do kết quả giám định chưa đầy đủ hoặc mâu thuẫn nhau nên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại, thậm chí giám định lại lần thứ hai, luật sư hình sự phải nghiên cứu kỹ các bản kết luận giám định, xác định các vấn đề chưa rõ ràng, mâu thuẫn trong kết luận giám định dẫn đến phải trưng cầu giám định lại, kết luận giám định lại đã thực sự chính xác chưa.

Trong trường hợp kết luận giám định là giám định lại, luật sư hình sự cần lưu ý việc phân công giám định việc thực hiện giám định lại. Pháp luật quy định việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định, việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Về thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định, luật sư hình sự cần đối chiếu với thời gian trưng cầu và thời hạn trả kết luận giám định được ghi trong quyết định trưng cầu giám định để xác định việc giám định có thực hiện đúng thời gian được trưng cầu không.

Nghiên cứu quan điểm của bị can, bị cáo, những người liên quan đối với kết luận giám định:

Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan. Những đối tượng này có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Khi trong hồ sơ tài liệu giám định có các tài liệu thể hiện quan điểm của bị can, bị cáo, bị hại, những người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định, luật sư hình sự cần nghiên cứu xem các ý kiến của họ có căn cứ không, đã được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết chưa. Pháp luật quy định trường hợp cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nếu luật sư hình sự nhận thấy các ý kiến này có lợi cho thân chủ mình, làm rõ nội dung vụ án hình sự, chưa được giải quyết đúng quy định pháp luật, luật sư hình sự có thể có kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, đề nghị giải quyết đúng quy định pháp luật.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- LUẬT SƯ HÌNH SỰ NGHIÊN CỨU CÁC TÀI LIỆU VỀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự là hoạt động có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Trong các vụ án hình sự có yếu tố chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại về tài sản, việc xác định đúng giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại là căn cứ trong việc xác định hành vi có phạm tội hay không, cũng như áp dụng đúng khung hình phạt, mức hình phạt.

Hiện nay, hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 của Chính phủ (Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Khi tiến hành hoạt động định giá tài sản, các cơ quan, người có thẩm quyền phải lập biên bản theo đúng quy định pháp luật. Hồ sơ định giá tài sản do Hội đồng định giá lập và gồm có các tài liệu sau đây:

- Văn bản yêu cầu định giá;

- Quyết định thành lập Hội đồng định giá;

- Báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản;

- Biên bản phiên họp Hội đồng định giá;

- Kết luận định giá;

- Tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp;

- Các tài liệu khác có liên quan đến việc định giá tài sản.

Khi nghiên cứu hồ sơ định giá tài sản, luật sư hình sự cần lưu ý:

Khi cần xác định giá trị của tài sản để làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản. Văn bản yêu cầu định giá tài sản có các nội dung: Tên cơ quan định giá; họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá; tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá; tài liệu có liên quan (nếu có); nội dung yêu cầu định giá tài sản; ngày, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản.

Khi nghiên cứu yêu cầu định giá tài sản, luật sư hình sự cần xác định thẩm quyền của cơ quan yêu cầu định giá, họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá để đảm bảo giá trị pháp lý của yêu cầu định giá tài sản. BLHS quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, trong đó có quyền yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản

Trong yêu cầu định giá tài sản, người có thẩm quyền ra văn bản yêu cầu định giá tài sản phải ghi rõ tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong yêu cầu định giá phải được thành lập, hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự có thể là hội đồng định giá theo vụ việc hoặc hội đồng định giá thường xuyên.

Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng định giá thường xuyên để định giá tài sản. Số lượng thành viên của Hội đồng định giá phải là số lẻ, tối thiểu là 03 người đối với Hội đồng định giá cấp huyện, tối thiểu là 05 người đối với Hội đồng định giá các cấp khác.

Giá trị của tài sản cần định giá là căn cứ để giải quyết vụ án hình sự, do đó, khi nghiên cứu yêu cầu định giá tài sản, luật sư hình sự cần nắm được các thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá cũng như các tài liệu liên quan (nếu có), yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu định giá về nội dung yêu cầu định giá tài sản, thời gian yêu cầu định giá, thời hạn trả kết luận định giá.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, do tính chất phức tạp của vụ án, tài sản định giá, việc định giá tài sản có thể được thực hiện nhiều lần. Khi nghiên cứu yêu cầu định giá, luật sư hình sự cần lưu ý việc yêu cầu định giá tài sản trong vụ án hình sự thuộc trường hợp nào theo quy định pháp luật:

Trong trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp trên trực tiếp thực hiện.

- Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai. Việc định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản có thẩm quyền thực hiện. Kết luận định giá trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án hình sự.

- Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần thứ hai của Hội đồng định giá tài sản. Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực hiện. Người đã tham gia định giá trước đó không được định giá lại. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án hình sự.

-  Nghiên cứu quyết định thành lập Hội đồng định giá:

Sau khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản kèm theo các tài liệu, hồ sơ liên quan đến yêu cầu định giá đến Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu đối với Hội đồng định giá thường xuyên hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng đối với Hội đồng định giá theo vụ việc.

Khi nghiên cứu quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản, luật sư hình sự cần xác định việc thành lập, cử thành viên tham gia Hội đồng định giá có đúng quy định pháp luật không, điều này ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của kết luận định giá tài sản.

Thành phần Hội đồng định giá tài sản được quy định:

- Thành phần Hội đồng định giá cấp huyện bao gồm một lãnh đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính là Chủ tịch Hội đồng; một chuyên viên của cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính là thành viên thường trực Hội đồng; đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là thành viên Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá.

- Thành phần Hội đồng định giá cấp tỉnh bao gồm một lãnh đạo của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính là Chủ tịch Hội đồng; một lãnh đạo cấp phòng của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính là thành viên thường trực Hội đồng; đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là thành viên Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định các thành viên Hội đồng phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá.

- Thành phần của Hội đồng định giá cấp bộ bao gồm một lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá là Chủ tịch Hội đồng; một cán bộ cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá là thành viên thường trực Hội đồng; đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn có liên quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá; đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến tài sản cần định giá (nếu có) là thành viên của Hội đồng.

Đối với vụ án hình sự có nhiều loại tài sản khác nhau nhưng không thể phân loại được tài sản, thành viên của Hội đồng định giá bao gồm thêm đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với các tài sản khác còn lại theo yêu cầu cử người của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì thành lập Hội đồng định giá quy định.

- Thành phần của Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 1 Nghị định số 97/2019/NĐ-CP.

Về nguyên tắc, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá thường xuyên hoặc theo vụ việc có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá lựa chọn và cử những người am hiểu về loại tài sản cần định giá, có kiến thức chuyên môn để tham gia thành viên Hội đồng định giá. Tuy nhiên, không phải cứ có hiểu biết chuyên môn là có thể tham gia Hội đồng định giá, pháp luật quy định những người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia định giá tài sản:

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

- Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá;

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án hình sự đó;

- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự đó;

- Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá;

- Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

- Nghiên cứu biên bản phiên họp định giá tài sản

Hội đồng định giá tài sản hoạt động theo cơ chế tập thể. Phiên họp định giá tài sản phải được lập biên bản, phải ghi đầy đủ, trung thực toàn bộ nội dung phiên họp định giá tài sản. Biên bản họp định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:

- Họ tên Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp; các thành viên Hội đồng vắng mặt tại phiên họp và lý do vắng mặt (nếu có);

- Họ tên những người tham dự phiên họp định giá tài sản;

- Thời gian, địa điểm tiến hành và hoàn thành phiên họp định giá tài sản;

- Kết quả khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá;

- Ý kiến của các thành viên Hội đồng định giá và những người tham dự phiên họp định giá tài sản; ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt;

- Kết quả biểu quyết của Hội đồng định giá về giá của tài sản;

- Chữ ký các thành viên của Hội đồng có mặt tại phiên họp;

- Dấu của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc cơ quan của Chủ tịch hội đồng.

Khi nghiên cứu biên bản phiên họp định giá tài sản, luật sư hình sự cần lưu ý:

Kết quả định giá tài sản chỉ có giá trị nếu việc định giá được thực hiện đúng quy định. Căn cứ tên các thành viên Hội đồng định giá, những người có mặt tham dự phiên họp định giá, luật sư hình sự có thể xác định phiên họp định giá tài sản có được thực hiện đúng quy định pháp luật không. Theo quy định, phiên họp định giá tài sản chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự.

Trường hợp Hội đồng định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên. điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản; khi được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng thì có quyền đưa ra ý kiến về việc định giá, nhưng không được quyền biểu quyết về giá tài sản.

Biên bản phiên họp định giá tài sản phải ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành và hoàn thành phiên họp định giá tài sản. Về địa điểm tiến hành, phiên họp định giá tài sản thể được thực hiện tại nơi có tài sản cần định giá hoặc nơi khác theo quyết định của Hội đồng định giá tài sản. Về thời gian tiến hành và hoàn thành phiên họp định giá, căn cứ ngày tháng, năm yêu cầu định giá và thời hạn trả kết quả định giá.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu tài liệu giám định, định giá tài sản trong vụ án hình sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.45642 sec| 1248.008 kb