Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Có hai sức mạnh mang đến sự yên ổn: pháp luật và đạo đức".
Johann Wolfgang von Goethe, 1749 - 1832, nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ, người Đức.
Hiện nay, các đối tượng phạm tội đã sử dụng nhiều thiết bị, phương tiện khoa học công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc thu thập dữ liệu điện tử để sử dụng làm tài liệu, chứng cứ đấu tranh, xử lý đối tượng rất quan trọng.
Dữ liệu điện tử có thể được sử dụng làm chứng cứ, quá trình thu thập, bảo quản, sử dụng phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ. Khi tiến hành thu thập dữ liệu điện tử, luật sư hình sự cần nắm chắc các quy định của pháp luật hiện hành về thu thập dữ liệu điện tử, chuẩn bị kỹ lực lượng, phương tiện tiến hành.
Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác. Theo quy định tại BLHS năm 2015, cùng với các nguồn chứng cứ như vật chứng, lời khai, kết luận giám định, định giá tài sản... dữ liệu điện tử đã chính thức được quy định là một loại nguồn chứng cứ, được lưu trong hồ sơ vụ án hình sự.
Để bảo đảm việc khai thác, nghiên cứu tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử có hiệu quả, đòi hỏi luật sư hình sự phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về máy tính, công nghệ thông tín... Về cơ bản, căn cứ vào nguồn gốc tạo ra chứng cứ là dữ liệu điện tử, có thể chia làm ba loại:
- Dữ liệu điện tử do con người tạo ra là những tài liệu, dữ liệu được tạo ra bởi hành vi của con người và lưu lại trong bộ nhớ điện tử, như văn bản, bảng biểu, hình ảnh số, thư điện tử, các trang web, thông tin người sử dụng các dịch vụ, nội dung các cuộc trò chuyện trên mạng, những phản ánh của khách hàng...
- Dữ liệu điện tử do máy tính tự động tạo ra là kết quả được tạo ra sau khi chương trình máy tính xử lý các dữ liệu đầu vào theo một thuật toán đã được xác định. Sự tác động của con người đối với dữ liệu do máy tính tạo ra rất hạn chế.
Dữ liệu điện tử được tạo ra bởi cả con người và máy tính như khi xem xét một bức thư điện tử thì nội dung có thể do con người tạo ra những thông tin về thời gian nhận, gửi thư điện tử do máy tính ghi lại.
Tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử có thể được khai thác từ nhiều nguồn thiết bị, ví dụ như:
- Thiết bị di động: Các thiết bị di động thường lưu giữ những chứng cứ quan trọng như tin nhắn, cuộc gọi... thậm chí một số thiết bị di động còn tự động lưu cả lịch trình đi lại của người sử dụng (ví dụ: Khi thu giữ một chiếc điện thoại iphone có thể khai thác được vị trí của người sử dụng đã từng đến bằng cách vào phần cài đặt (settings) - riêng tư (private) - dịch vụ định vị (Location service) - Dịch vụ hệ thống (System service) - Vị trí thường xuyên (Location frequency).
- Đĩa CD chứa dữ liệu (CD Roms), ổ đĩa rời (External Drives), bộ định tuyến (Router).
- Các nhà cung cấp dịch vụ (dịch vụ mạng, thư điện tử, trang web, máy chủ...) là nguồn cung cấp dữ liệu điện tử quan trọng, qua đó, cơ quan tiến hành tố tụng có thể thu được những thông tin về người sử dụng các dịch vụ, nhật ký truyền dữ liệu, các bản sao những dữ liệu máy tính...
- Máy tính: Đây là một trong những vật chứng quan trọng, đặc biệt là trong các vụ án mà người phạm tội sử dụng công nghệ cao thì việc khai thác những dữ liệu từ máy tính là hết sức quan trọng.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử, luật sư hình sự cần lưu ý:
Tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử phải bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ:
- Tính khách quan: Dữ liệu phải có thật, tồn tại khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, không bị làm cho sai lệch, biến dạng; đã được tìm thấy và đang lưu trên máy tính, thiết bị di động, email, USB, tài khoản trên mạng Internet, trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ (ISP), đang truyền trên mạng internet...
Beat hợp pháp: Dữ liệu phải được thu thập đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, sử dụng công nghệ được pháp luật công nhận, trong cả quá trình khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ vật chứng, sao lưu điện tử, chặn thư trên mạng, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu và khi sử dụng chứng cứ phải kiểm tra tính hợp pháp của biện pháp thu thập. Từng thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động, máy chủ, máy tính bảng, USB, đĩa CD/DVD... phải được ghi cụ thể vào biên bản, niêm phong theo đúng quy định để dữ liệu không thể bị can thiệp, tác động làm thay đổi kể từ khi thu giữ hợp pháp...
- Tính liên quan: Dữ liệu thu được phải có liên quan đến hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội, nạn nhân, hậu quả..., được sử dụng để xác định các tình tiết của vụ án. Tính liên quan thể hiện ở nguyên lý, công nghệ hình thành dấu vết điện tử, thông tin về không gian, thời gian hình thành dữ liệu, địa chỉ lưu trữ, nội dung thông tin, thời gian phạm tội, cookie truy nhập...
- Tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử phải được thu thập theo đúng quy định pháp luật.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Do đó, dữ liệu điện tử muốn được coi là chứng cứ, dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án thì phải được thu thập theo đúng quy định pháp luật.
- Dữ liệu điện tử có thể được các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khoản 1 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án".
- Dữ liệu điện tử có thể do người bào chữa thu thập và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”.
- Dữ liệu điện tử có thể đến từ những nguồn hợp pháp khác. Khoản 3 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: "Những Người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án".
- Dữ liệu điện tử có thể được thu giữ, đưa vào hồ sơ vụ án khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng tiến hành các hoạt động điều tra như khám xét, khám nghiệm hiện trường... Khoản 1 Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: "Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng”.
Kiểm tra việc giao nhận tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử có được thực hiện đúng quy định của pháp luật không?
Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu là dữ liệu điện tử do người bào chữa, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
Trong trường hợp hồ sơ vụ án có các tài liệu giám định liên quan đến việc giám định dữ liệu điện tử Luật sư hình sự cần lưu ý, xem xét việc giám định tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử có được thực hiện đúng quy định pháp luật không. Khoản 3, 4 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “3. Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử. 4. Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được”.
So sánh, đối chiếu thông tin trong tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử với các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án như vật chứng, lời khai, lời trình bày, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... được sử dụng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Khi nghiên cứu, luật sư hình sự cần nghiên cứu, so sánh, đối chiếu thông tin được phản ánh trong tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử với các tài liệu chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án để xem chúng phù hợp hay mâu thuẫn với nhau.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm