Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại

03/12/2022
Trong thực tiễn, quá trình hoạt động tố tụng không loại trừ những trường hợp làm oan sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và song song với việc quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hàng tố tụng, thì Nhà nước ta cũng đã quy định về quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người tham gia tố tụng trong các trường hợp.

1- Khái niệm

Quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự cho người bị buộc tội trái pháp luật trong tiến hành tố tụng là một trong những quyền cơ bản thuộc nhóm các quyền về dân sự. Theo đó, người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, người có thẩm quyền phải đền bù, hoặc khôi phục lại những giá trị về vật chất, tinh thần, danh dự đã bị tổn thất khi tham gia vào quan hệ tố tụng hình sự do hành vi trái pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng gây ra được quy định trong pháp luật quốc gia và luật quốc tế. Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 khẳng định, bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam cầm bất hợp pháp đều có quyền yêu cầu được bồi thường (Điều 9, Điều 14). Trên thế giới, ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và tiến bộ xã hội. Việt Nam đã và đang triển khai đồng loạt các biện pháp hiệu quả nhất để thực thi tốt nhất các cam kết quốc tế bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự trong tố tụng hình sự. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật (khoản 5 Điều 31).

Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hịa về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự cho người bị buộc tội trái pháp luật không chỉ đơn thuần bằng việc ghi nhận trong các văn bản pháp luật, mà các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, người có thẩm quyền phải tổ chức cho họ sử dụng quyền của mình trong thực tế. Bên cạnh đó, các chủ thể trên đây phải có trách nhiệm thi hành những nghĩa vụ, thực hiện các biện pháp trách nhiệm để người bị buộc tội trái pháp luật thực hiện quyền của mình có hiệu quả. Từ cách tiếp cận trên đây, có thể hiểu, bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự trong tố tụng hình sự là việc cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, người có thẩm quyền thực hiện các nghĩa vụ pháp lý, tổ chức cho người bị buộc tội trái pháp luật sử dụng quyền của mình yêu cầu Nhà nước phải đền bù, hoặc khôi phục lại những giá trị về vật chất, tinh thần bị tổn thất khi tham gia vào quan hệ tố tụng hình sự do hành vi trái pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng gây ra.

2- Nội dung nguyên tắc

Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự (Điều 31 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015): Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 31 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là một trong những cơ chế hiệu quả góp phần khắc phục những hành vi vi phạm quyền con người của người bị buộc tội. Nguyên tắc này gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại là các quyết định minh oan của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đối với bị can, bị can được yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hai trường hợp, bị can bị oan hoặc bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Theo quy định  của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và khoản 3, 5, 9 Điều 18 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017, bị can được bồi thường do oan khi có quyết định đình chỉ điều tra của CQĐT trong trường hợp: (1) không có sự việc phạm tội; (2) hành vi không cấu thành tội phạm; (3) đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Trường hợp thứ hai là bị can được bồi thường do hành vi trái pháp luật. Trái pháp luật thể hiện sự trái ngược giữa hành vi và yêu cầu của pháp luật, cụ thể là: thực hiện hành vi mà pháp luật cấm, thực hiện những hành động vượt quá giới hạn cho phép, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện những hành vi mang tính nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc. Tuy nhiên, Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 không đề cập đến trường hợp bồi thường do hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có trách nhiệm bồi thường. Có thể thấy đây là môt thiếu sót ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bị can, chưa đảm bảo sự khách quan, công bằng trong tố tụng hình sự.

Thứ hai, nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là những thiết chế đại diện cho quyền lực nhà nước khi hoạt động tố tụng trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, pháp nhân thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm khắc phục những tổn thất gây ra. Trên cơ sở định hướng của Điều 31 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 quy định đối với những thiệt hại của bị can trong giai đoạn điều tra, cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường là CQĐT, VKS (Điều 34, 35 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017).

3- Ý nghĩa nguyên tắc

Nguyên tắc có ý nghĩa bảo đảm khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra; nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong các hoạt động tố tụng, giúp cho việc giải quyết vụ án đúng đắn và hợp pháp.Ngoài ra, nguyên tắc còn thể hiện sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta trong việc khắc phục các trường hợp làm oan, sai đối với người tham gia tố tụng và xử lí những người có trách nhiệm, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, qua đó nâng cao uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.Và để thực hiện nguyên tắc này cần phải có những quy định pháp luật đầy đủ, cụ thể và hợp lý làm cơ sở cho việc giải quyết bồi thường, khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra. Và phải có cơ chế phù hợp, có hiệu quả để thực hiện; nâng cao trình độ nhận thức của công dân để họ biết và thực hiện tốt quyền được yêu cầu khôi phục danh dự và bồi thường thiệt hại.

0 bình luận, đánh giá về Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.38340 sec| 958.406 kb