Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi
Nội dung bài viết
- 1- Tôn trọng quyền được sống trong môi trường gia đình gốc của trẻ em
- 2- Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận nuôi con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội
- [a] Việc nuôi con nuôi phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em được nhận làm con nuôi
- [b] Việc nuôi con nuôi phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nhận nuôi con nuôi
- [c] Việc cho nhận con nuôi được xác lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng về ý chí, tình cảm của các chủ thể có liên quan
- [d] Việc cho nhận con nuôi phải đảm bảo sự bình đẳng, không có sự phân biệt về giới trong việc cho - nhận con nuôi
- [e] Việc nuôi con nuôi nhằm mục đích xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi, đảm bảo những lợi ích tốt nhất của trẻ được nhận nuôi
- 3- Chỉ cho trẻ em làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước
1- Tôn trọng quyền được sống trong môi trường gia đình gốc của trẻ em
Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của đứa trẻ. Gia đình gốc là gia đình nơi trẻ em được sinh ra, “là gia đình của những người có quan hệ huyết thống”. Về nguyên tắc, mọi trẻ em sinh ra đều có gia đình gốc của mình. Sự gắn bó, liên kết của trẻ với xã hội trước tiên thể hiện qua các mối liên hệ trong gia đình, mà trước hết là với bố, mẹ đẻ của trẻ. Việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi phải xuất phát từ lợi ích tốt nhất của trẻ em. Việc cho trẻ em làm con nuôi sẽ không đặt ra khi trẻ em có cha đẻ, mẹ đẻ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Chỉ trong trường hợp cha, mẹ đẻ của trẻ không còn, hoặc tuy cha mẹ đẻ còn nhưng không có điều kiện, khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con do bị bệnh tật, phải chấp hành hình phạt tù, điều kiện kinh tế quá khó khăn... thì việc cho trẻ làm con nuôi mới cần đặt ra xem xét.
Trong trường hợp cần giải quyết cho trẻ em làm con nuôi vì lợi ích tốt nhất của trẻ thì nguyên tắc này đòi hỏi:
- Ưu tiên giải quyết cho trẻ em làm con nuôi của những người có mối quan hệ huyết thống gần gũi đối với trẻ. Tại Điều 5 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế (là gia đình nhận trẻ em làm con nuôi) trước tiên là “cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi”. Những người này là những người đầu tiên được nhận trẻ làm con nuôi. Chỉ khi những người này không có ý định hoặc không có điều kiện nhận trẻ làm con nuôi thì mới xem xét cho trẻ em làm con nuôi của những người khác ngoài gia đình huyết thống.
- Để đảm bảo quyền của trẻ em được sống trong gia đình gốc, pháp luật quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã trong việc tư vấn để “trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình”. Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 (Nghị định số 19/2011/NĐ-CP) có quy định rõ: “Trường hợp những người liên quan do chưa nhận thức đầy đủ, chưa hiểu rõ những vấn đề được tư vấn hoặc bị ảnh hưởng, tác động bởi yếu tố tâm lí, sức khỏe đã đồng ý cho trẻ em làm con nuôi sau đó muốn thay đổi ý kiến thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến, những người liên quan phải thông báo bằng văn bản cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi. Hết thời hạn này, những người liền quan không được thay đổi ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi”.
Đối với trường hợp cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài thì thời hạn các bên liên quan có thể thay đổi ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày được lấy ý kiến (Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP). Với các quy định này, nhũng người có quyền cho trẻ em làm con nuôi hoàn toàn có quyền suy nghĩ, cân nhắc kĩ về quyết định cho trẻ em làm con nuôi của mình cũng như về việc thay đổi quyết định đó. Đây là cơ sở pháp ly đảm bảo quyền quyết định của cha đẻ, mẹ đẻ, người giám hộ trong việc cho trẻ em làm con nuôi, đồng thời đảm bảo đến mức tối đa cơ hội của trẻ em được sống trong gia đình gốc.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
2- Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận nuôi con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội
[a] Việc nuôi con nuôi phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em được nhận làm con nuôi
Điều đó đã được khẳng định trong các văn bản pháp lý quốc tế về nuôi con nuôi. Điều 21 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em đã nêu rõ: ‘‘Các quốc gia thành viên công nhận hoặc cho phép chế độ nhận làm con nuôi phải đảm bảo rằng lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là quan tâm cao nhất...”. Điều 1 Công ước La Hay 1993 quy định: mục đích của Công ước là “thiết lập những bảo đảm để việc nuôi con nuôi quốc tế diễn ra vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và tôn trọng cảc quyền cơ bản của trẻ em... ”.
Nguyên tắc này thể hiện trong tất cả các quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Việc nuôi con nuôi vì lợi ích tốt nhất của người con nuôi đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi. Trước hết cần đảm bảo quyền được sống trong gia đình gốc của trẻ em. Khi gia đình gốc không thể đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em một cách tốt nhất thì có thể xem xét khả năng cho trẻ em làm con nuôi người khác ngoài gia đình huyết thống, kể cả việc cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài chỉ được giải quyết sau khi đã thực hiện các biện pháp cần thiết tìm gia đình thay thế cho trẻ em ở trong nước mà không thành (điểm c Khoản 1 Điều 32 Luật Nuôi con nuôi năm 2010). Đối với những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo khác có thể được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài nếu có người xin đích danh trẻ em đó làm con nuôi mà không cần qua các biện pháp tìm gia đình thay thế ở trong nước. Điều này nhằm tạo điều kiện, khả năng tốt nhất trong việc chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ và hoàn toàn phù hợp với quy định tại điểm b Điều 4 Công ước La Hay 1993.
Để đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em làm con nuôi, đảm bảo môi trường gia đình thay thế an toàn, lành mạnh cho trẻ em, pháp luật quy định rõ các điều kiện cần thiết bắt buộc người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng, như: năng lực hành vi dân sự, điều kiện kinh tế, chỗ ở, sức khỏe, tư cách đạo đức... Thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi được quy định một cách công khai, minh bạch là cơ sở để bảo vệ các quyền, lợi ích của trẻ em làm con nuôi. Pháp luật cũng quy định những hành vi bị cấm trong lĩnh vực nuôi con nuôi như hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em...
[b] Việc nuôi con nuôi phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nhận nuôi con nuôi
Việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người nhận nuôi con nuôi là cơ sở pháp lí để thiết lập mối quan hệ cha mẹ và con bền vững, gắn bó, ổn định giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, nhằm đem lại một gia đình trọn vẹn, yên ấm cho trẻ em được nhận nuôi. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nhận nuôi được thể hiện qua quy định về sự thế hiện ý chí của người nhận nuôi trong việc nhận trẻ em làm con nuôi, trong việc thỏa thuận với cha mẹ đẻ của trẻ về hậu quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, qua việc chấm dứt nuôi con nuôi...
[c] Việc cho nhận con nuôi được xác lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng về ý chí, tình cảm của các chủ thể có liên quan
Quan hệ nuôi con nuôi liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, liên quan đến số phận của trẻ em, vì vậy, mọi hành vi xử sự của các chủ thể có liên quan phải xuất phát từ lợi ích tốt nhất của trẻ em để quyết định một cách tự nguyện, không vì sự cưỡng ép, lừa dối, dụ dỗ, mua chuộc, không nhằm mục đích vụ lợi. Tức là: “sự đồng ý cho trẻ em làm con nuôi phải được đưa ra một cách tự nguyện, không bị ảnh hưởng bởi bất kì sự khiếm khuyết nào (do sự lừa dối, xuyên tạc, cưỡng ép, gây ảnh hưởng thái quá hoặc do hiểu nhầm)”. Đây là một quy định có tính bắt buộc đối với mọi quốc gia thành viên của Công ước La Hay 1993. Do đó, Điều 21 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định rõ ràng về sự thể hiện ý chí của các chủ thể trong việc cho, nhận con nuôi. Đối với việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, để đảm bảo tính tự nguyện, không bị tác động bởi bất cứ lợi ích nào, Điều 36 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định trình tự, thủ tục giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài là do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành và người nước ngoài không được có bất cứ sự tiếp xúc nào với cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em hoặc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trước khi nhận được thông báo giới thiệu trẻ em làm con nuôi, trừ trường hợp xin đích danh. Mọi sự tác động, dù dưới bất cứ hình thức nào, dù có kèm theo lợi ích vật chất hay không, để có được sự đồng ý cho trẻ em làm con nuôi hoặc để sự đồng ý đó không bị rút lại, đều vi phạm sự tự nguyện của những người có quyền cho trẻ em làm con nuôi.
[d] Việc cho nhận con nuôi phải đảm bảo sự bình đẳng, không có sự phân biệt về giới trong việc cho - nhận con nuôi
Đối với người cho trẻ em làm con nuôi, việc cho trẻ em làm con nuôi không được nhằm mục đích vi phạm pháp luật về dân số. Trong một số gia đình, với tư tưởng trọng nam khinh nữ còn rơi rớt, có trường hợp cha mẹ đẻ cho con gái đi làm con nuôi người khác để hy vọng sinh con trai có người nối dõi. Đối với người nhận nuôi con nuôi không được có sự phân biệt, lựa chọn giới tính của trẻ em được nhận nuôi, không được phân biệt đối xử giữa con nuôi với con đẻ.
[e] Việc nuôi con nuôi nhằm mục đích xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi, đảm bảo những lợi ích tốt nhất của trẻ được nhận nuôi
Để đảm bảo mục đích này, hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích trục lợi như hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước, việc nuôi con nuôi trái với phong tục tập quán, truyền thống đạo đức hoặc làm thay đổi thứ bậc trong gia đình... không được pháp luật công nhận.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
3- Chỉ cho trẻ em làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước
Đây là một nguyên tắc cơ bản trong giải quyết việc nuôi con nuôi, lần đầu tiên được quy định một cách rõ ràng trong Luật Nuôi con nuôi. Nguyên tắc này là sự “nội luật hóa” các quy định của Công ước La Hay 1993. Công ước La Hay 1993 đã khẳng định sự cần thiết và ưu tiên tiến hành các biện pháp thích hợp để trẻ em có thế được chăm sóc trong gia đình gốc của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần thừa nhận việc “nuôi con nuôi quốc tế có thể có lợi thế là đem lại một gia đình lâu dài cho trẻ em không tìm được một gia đình thích hợp tại nước gốc của mình ”. Vì vậy việc nuôi con nuôi quốc tế chỉ đặt ra khi không thể tìm được gia đình thay thế, nuôi dưỡng trẻ em tại nước gốc của trẻ.
Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế trong đó người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi là giải pháp được lựa chọn cuối cùng, về nguyên tắc, việc cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài chỉ được thực hiện sau khi đã tiến hành đầy đủ các thủ tục tìm gia đình thay thế cho trẻ em ở trong nước mà không được. Theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em được thực hiện ở cả 3 cấp: xã, tỉnh, trung ương, với thời gian ở mỗi cấp là 60 ngày. Hết thời hạn 60 ngày thông báo tìm người nhận trẻ em làm con nuôi ở cấp xã mà không có ai nhận trẻ em làm con nuôi thì việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em được thực hiện tiếp ở cấp tỉnh. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo tìm gia đình cho trẻ em ở cấp tỉnh mà không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo mà không tìm được người trong nước nhận nuôi trẻ em thì mới tiến hành giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài.
Các nguyên tắc của việc nuôi con nuôi có mối liên hệ mật thiết với nhau, ràng buộc và tác động qua lại đối với nhau nhằm đảm bảo thực hiện mục đích nuôi con nuôi, đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Các nguyên tắc nuôi con nuôi không chỉ chi phối đến hành vi sử xự của các chủ thể có liên quan trong việc nuôi con nuôi mà còn điều chỉnh hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất và các quyền cơ bản của trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm