Nguyên tắc minh bạch trong quy chế của WTO
Nội dung bài viết
1-Các quy định của pháp luật
Minh bạch là nguyên tắc quan trọng của WTO nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi cho tự do hoá thương mại quốc tế. Minh bạch cho phép các nhà nhập khẩu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ có khả năng dự đoán trước về hệ thống pháp lí và chính sách về thương mại của các nước thành viên, cũng như giúp phát hiện sớm các biện pháp vi phạm quy định của WTO.
Theo nguyên tắc này, các nước thành viên phải công bố sớm các biện pháp có liên quan đến hoặc tác động đến thương mại quốc tế, có nghĩa vụ thông báo nhanh chóng về luật lệ mới thông qua hoặc sửa đổi, các quyết định tư pháp, quyết định hành chính, chỉ đạo hành chính có liên quan đến hoặc tác động đến thương mại quốc tế cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO, có nghĩa vụ nhanh chóng cung cấp thông tin về các biện pháp nêu trên khi được các nước thành viên khác yêu cầu.
Phần lớn các hiệp định của WTO đều có quy định về tính minh bạch. Các hiệp định đa phương về thương mại hàng hoá đều có điều khoản yêu cầu các nước thành viên phải minh bạch về các thủ tục liên quan đến thương mại hàng hoá như: thủ tục, kết quả điều tra về bán phá giá, trợ cấp chính phủ, biện pháp tự vệ, thủ tục về cấp giấy phép nhập khẩu, định giá hải quan, kiểm định trước khi đưa hàng xuống tàu... Bên cạnh đó, để bảo đảm sự minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục và biện pháp thương mại của các nước, các hiệp định này lập ra các ủy ban chuyên môn có nhiệm vụ theo dõi việc thực thi các hiệp định này và định ra cơ chế báo cáo, theo đó các nước thành viên có nghĩa vụ thông báo cho các ủy ban trên về các biện pháp, chính sách của họ có tác động đến thương mại quốc tế.
Trong Hiệp định về thương mại dịch vụ - GATS, các nước thành viên có nghĩa vụ công bố sớm các biện pháp có liên quan đến hoặc ảnh hưởng đến Hiệp định này, kể cả các điều ước quốc tế mà họ kí kết hoặc tham gia. Ngoài ra, Hiệp định này còn yêu cầu các nước thông báo nhanh chóng cho Hội đồng thương mại dịch vụ các luật mới thông qua hoặc sửa đổi, quy định dưới luật và các thủ tục và các chỉ đạo hành chính có liên quan hoặc tác động đến các lĩnh vực thương mại dịch vụ mà nước đó cam kết. Hơn nữa, các nước thành viên phải thiết lập các đầu mối thông tin để cung cấp các thông tin có liên quan đến các biện pháp và điều ước quốc tế mà họ kí kết cho các nước thành viên khác khi được yêu cầu (Điều 3).
Đối với lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, nghĩa vụ chính của các nước thành viên là công bố để các nước thành viên và người có quyền lợi được biết về các luật lệ, quyết định tư pháp cuối cùng, các quyết định hành chính được áp dụng chung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (khả năng hưởng quyền, phạm vi, việc sử dụng và chống lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ), thông báo cho Hội đồng về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại về các luật lệ kể trên và phải chuẩn bị để có thể cung cấp các thông tin cho các nước thành viên khác khi có yêu cầu về hệ thống luật định và quyết định tư pháp hành chính liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Điều 63 Hiệp định về khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ).
Ngoài ra, nguyên tắc minh bạch hoá còn được thực hiện thông qua cơ chế kiểm điểm chính sách thương mại của các nước thành viên WTO. Mục đích của cơ chế này là thúc đẩy sự tuân thủ các quy định của WTO, cam kết của từng nước, qua đó thúc đẩy quá trình minh bạch hoá trong việc ra quyết định và luật lệ về thương mại của các nước thành viên. Kiểm điểm chính sách thương mại được tiến hành dựa trên báo cáo kiểm điểm của từng nước và báo cáo do Ban thư kí WTO soạn thảo. Các báo cáo này sẽ được các nước thành viên xem xét thảo luận tại phiên họp của cơ quan kiểm điểm và nước báo cáo sẽ phải trả lời chất vấn, giải thích về những điểm nêu trong báo cáo của Ban thư kí. Nhận xét khái quát trong báo cáo của Ban thư kí và kết luận cuối cùng của chủ tịch phiên họp được công bố công khai.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
2-Kiến nghị của công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Nguyên tắc minh bạch được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Nguyên tắc minh bạch có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
( trích nguồn giáo trình Thương mại quốc tế 2017 đại học Luật Hà Nội - Nhà xuất bản Công an nhân dân Hà Nội năm 2017)
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm