Nguyên tắc thương mại công bằng trong quy chế của WTO

02/12/2024
Nguyên tắc thương mại công bằng trong quan hệ thương mại quốc tế nhằm bảo đảm sự công bằng và minh bạch trong các giao dịch giữa các quốc gia, giảm thiểu bất lợi cho các nền kinh tế yếu thế. Bài viết sẽ giải thích rõ các nguyên tắc hiện hành trong tổ chức WTO mà Việt Nam đang tham dự.

1-Khái quát chung

Thương mại công bằng (fair trade) được hiểu là thương mại quốc tế được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng như nhau. Như đã nêu ở trên, WTO hướng tới mục tiêu mở rộng thương mại quốc tế thông qua các quy định về loại bỏ các hạn chế số lượng, cắt giảm thuế quan và cho các nước thành viên được hưởng lợi từ các quy định này thông qua nguyên tắc đối xử tối huệ quốc.

Tuy nhiên, thương mại quốc tế sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu như điều kiện cạnh tranh giữa sản phẩm của các nước thành viên bị bóp méo. Ví dụ: Việc áp dụng chính sách trợ cấp xuất khẩu sẽ có thể làm cho giá của mặt hàng được hưởng trợ cấp đó thấp hơn giá hàng cùng loại của nước nhập khẩu hay của nước thứ ba không được trợ cấp hoặc bán phá giá trên thị trường nước ngoài sẽ có thể khiến cho hàng nội địa hoặc hàng của nước thứ ba mất khả năng cạnh tranh về giá, dẫn đến thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất của nước đó. Ngoài ra, các biện pháp phi thuế quan của các nước như tùy tiện định giá để đánh thuế quan ở mức cao, tùy tiện đưa ra các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm điều kiện vệ sinh dịch tễ, về kiểm tra sản phẩm trước khi đưa xuống tàu, về thủ tục cấp phép nhập khẩu... sẽ tạo nên các rào cản đối với hàng nhập khẩu, làm cho sản phẩm của nước áp dụng các biện pháp này có được ưu thế cạnh tranh hơn và như vậy là gián tiếp bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Chính vì các lí do trên, GATT 1947 đã tăng cường các quy định liên quan đến áp dụng các biện pháp phi thuế quan này bằng một loạt các đạo luật nhằm đảm bảo các điều kiện cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế. Nội dung của các đạo luật này đã được đàm phán lại, sửa đổi bổ sung trong vòng đàm phán Uruguay và trở thành một phần trong Phụ lục 1A: "Các hiệp định đa phương về thương mại hàng hoá" của "Hiệp định Marrakesh thành lập WTO" ra đời năm 1995. Phụ lục này bao gồm các hiệp định sau:

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

2-Các hiệp định cụ thể

[a] Hiệp định về chống phá giá và thuế đối kháng

Hiệp định này đưa ra định nghĩa về phá giá và các tiêu chuẩn để xác định hàng phá giá với mục đích là cấm bán phá giá có thể gây tác động xấu đến lợi ích của nước nhập khẩu. Trên cơ sở đó, Hiệp định định rõ các nguyên tắc và thủ tục mà cơ quan điều tra của nước thành viên phải tuân theo trong quá trình điều tra về bán phá giá và tính toán mức thuế đối kháng có thể áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu bán phá giá trong trường hợp việc bán phá giá này gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất của nước nhập khẩu.

[b] Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng

Trợ cấp của chính phủ dành cho hàng xuất khẩu nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu sẽ có khả năng bóp méo giá cả, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước của nước nhập khẩu, cũng như đến việc xuất khẩu của nước thứ ba. Chính vì vậy, trợ cấp xuất khẩu được coi là biện pháp cạnh tranh không công bằng. Do đó, Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng đưa ra định nghĩa và phân loại các dạng trợ cấp dựa trên đặc tính, mục đích và bản chất của chúng nhằm cấm hoặc hạn chế áp dụng biện pháp trợ cấp có thể gây tác động xấu đến lợi ích của các nước thành viên khác. Trên cơ sở này, Hiệp định đưa ra các điều khoản về các biện pháp khắc phục và các biện pháp đối kháng đối với từng loại trợ cấp trong trường hợp các biện mướp trợ cấp này gây ảnh hưởng xấu hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến nước thành viên khác.

[c] Hiệp định về các biện pháp tự vệ

Việc cắt giảm thuế quan và xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất trong nước do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu gia tăng. Để giúp các ngành sản xuất có thời gian điều chỉnh cơ cấu, hợp lí hoá sản xuất nhằm thích nghi dần với cạnh tranh gia tăng này, WTO cho phép các nước được áp dụng biện pháp tự vệ (tăng thuế hoặc hạn chế số lượng) có tác dụng hạn chế nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp thông qua Hiệp định về các biện pháp tự vệ. Hiệp định này cho phép các nước nhập khẩu tạm thời hạn chế nhập khẩu nếu sau khi tiến hành điều tra, cơ quan điều tra nước đó khẳng định rằng sản phẩm được nhập khẩu với số lượng gia tăng (tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước) gây hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các nước nhập khẩu lạm dụng biện pháp tự vệ nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, Hiệp định đã đưa ra cách xác định về "thiệt hại nghiêm trọng", quy định về thủ tục điều tra, về áp dụng biện pháp tự vệ một cách tạm thời theo nguyên tắc không phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu từ tất cả các nguồn khác nhau, quy định về bồi thường thiệt hại thương mại cho các nước có lợi ích thương mại bị ảnh hưởng xấu bởi việc áp dụng này.

[d] Hiệp định về định giá hải quan

Khi nước nhập khẩu tính thuế quan theo tỉ lệ giá trị sản phẩm (ad-valorem) thì giá trị khoản thuế thu được sẽ phụ thuộc vào việc hải quan xác định giá trị của hàng chịu thuế như thế nào. Nếu như không có quy tắc chung về việc xác định giá trị hàng chịu thuế thì các nước nhập khẩu có thể định giá hải quan một cách tùy tiện, đẩy thuế suất lên cao. Chính vì vậy, để đảm bảo rằng việc định giá này được tiến hành một cách khách quan và công bằng, bảo đảm cho người nhập khẩu có thể tính trước một cách chắc chắn khoản thuế phải trả đối với lượng nhập khẩu nhất định, Hiệp định về định giá hải quan của WTO đã đưa ra các quy tắc định giá dựa trên các tiêu chuẩn đơn giản và công bằng có tính đến các tập quán thương mại đồng thời yêu cầu các nước thành viên hài hoà hoá hệ thống luật của nước mình trên cơ sở các quy tắc của hiệp định nhằm đảm bảo tính thống nhất cho việc áp dụng các quy tắc đó.

[e] Hiệp định kiểm tra sản phẩm trước khi xuống tàu

Trong hoạt động ngoại thương, người nhập khẩu đã sử dụng dịch vụ của những công ty kiểm định độc lập (PSI) để kiểm định sản phẩm ở nước xuất khẩu trước khi bốc hàng xuống tàu nhằm bảo đảm rằng sản phẩm đó phù hợp với tiêu chuẩn kĩ thuật và chất lượng theo như hợp đồng và số lượng xuất khẩu là chính xác để tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau khi sản phẩm được chuyên chở tới đích. Hiệp định về kiểm tra sản phẩm trước khi xuống tàu đưa ra các quy tắc và luật lệ đồng bộ cho các nước sử dụng dịch vụ PSI và các nước xuất khẩu để các hoạt động của họ không tạo ra các rào cản trong thương mại quốc tế.

[f] Hiệp định về các rào cản kĩ thuật đối với thương mại

Tiêu chuẩn về sản phẩm trong thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng bảo đảm mức độ thống nhất của chất lượng thương mại và hạn chế mâu thuẫn trong chuyên môn hoá sản xuất đồng thời được các nước sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn của con người, động thực vật và môi trường. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về sản phẩm có thể bị sử dụng như một rào cản đối với thương mại quốc tế nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Để hạn chế điều này Hiệp định về các rào cản kĩ thuật đối với thương mại cho phép các nước có quyền áp dụng những quy định kĩ thuật được coi là những tiêu chuẩn sản phẩm bắt buộc nhưng đồng thời cũng quy định rằng các nước phải áp dụng tiêu chuẩn kĩ thuật của mình theo nguyên tắc không phân biệt đối xử, không được gây những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế.

[g] Hiệp định về biện pháp vệ sinh dịch tễ

Hiệp định này chỉ rõ những nguyên tắc áp dụng và các quy định mà các nước thành viên phải áp dụng trong việc quản lí các sản phẩm nhập khẩu. Hiệp định đưa ra định nghĩa về biện pháp vệ sinh dịch tễ và yêu cầu các nước phải sử dụng những tiêu chuẩn hướng dẫn hoặc khuyến nghị quốc tế làm cơ sở cho các quy định về biện pháp vệ sinh dịch tễ của nước mình, cũng như tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế đặc biệt là Hiệp định về bảo vệ thực vật quốc tế, đạo luật về thực phẩm ăn uống nhằm dẩy mạnh việc hoà hợp hoá các quy định về vệ sinh dịch tễ trên thế giới. Trong trường hợp nước thành viên đưa ra các dự thảo về tiêu chuẩn nhưng không căn cứ trên tiêu chuẩn quốc tế với lí do tiêu chuẩn này không phù hợp thì nước đó phải tạo điều kiện cho đối tác của các nước thành viên khác cơ hội đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó, Hiệp định yêu cầu nước thành viên chấp nhận những biện pháp vệ sinh dịch tễ của các nước xuất khẩu, nếu những tiêu chuẩn này đạt mức độ tương tự như mức độ của nước nhập khẩu.

[h] Hiệp định về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu

Hiệp định này đưa ra các quy định cho việc áp dụng và thực hiện những thủ tục hành chính về cấp giấy phép nhập khẩu. Mục đích của các quy định này là nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà nhập khẩu và cung cấp nước ngoài, tạo điều kiện cho thương mại quốc tế được thực hiện một cách thuận lợi. Cụ thể là các cơ quan cấp giấy phép phải đảm bảo sao cho thủ tục cấp giấy phép không được rắc rối hơn mức thật sự cần thiết cho việc quản lí hệ thống các giấy phép, phải rõ ràng minh bạch và dự đoán trước được đồng thời phải đảm bảo lợi ích của nhà nhập khẩu và cung cấp nước ngoài, tránh các chậm trễ không cần thiết và những hành động tùy tiện, chuyên quyền. Hơn nữa, Hiệp định cũng đặt ra những nguyên tắc và luật lệ cụ thể bảo đảm dòng lưu chuyển thương mại quốc tế không bị cản trở bởi việc sử dụng sai lệch các thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu và các thủ tục đó được thực hiện một cách công bằng và bình đẳng.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

3-Kiến nghị của công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Nguyên tắc thương mại công bằng được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 

[b] Bài viết Nguyên tắc thương mại công bằng có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:  (024) 66 527 527, E-mail:  info@everest.org.vn.

( trích nguồn giáo trình Thương mại quốc tế 2017 đại học Luật Hà Nội - Nhà xuất bản Công an nhân dân Hà Nội năm 2017)

 

0 bình luận, đánh giá về Nguyên tắc thương mại công bằng trong quy chế của WTO

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.36504 sec| 974.258 kb