Những vấn đề chung và các tội phạm cụ thể về ma túy

28/02/2023
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nhà nước độc quyền và thống nhất quản lí chất ma túy là loại chất gây nghiện nguy hiểm với những quy định rất nghiêm ngặt. Vi phạm các quy định về chế độ quản lí các chất ma túy không chỉ gây khó khăn cho việc kiểm soát chất ma túy của Nhà nước mà còn góp phần tạo ra lớp người nghiện, qua đó đe dọa nghiêm trọng đến an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của nòi giống cũng như ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

1- Những vấn đề chung

BLHS năm 1985, sau ba lần sửa đổi, bổ sung (12/1989, 8/1991 và 12/1992) đã có hai điều luật quy định các tội phạm về ma tuý. Đó là Điều 96a quy định tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý và Điều 203 quy định tội tổ chức dùng chất ma tuý. Trong lần sửa đổi, bổ sung lần thứ tư (5/1997), Bộ luật này đã được bổ sung một chương quy định các tội phạm về ma tuý để thay thế cho Điều 96a và Điều 203. Đó là Chương VII trong Phần các tội phạm của BLHS. Chương này gồm 14 điều, quy định 13 tội danh.

Trong BLHS năm 1999, các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XVIII. Khi ban hành, Bộ luật có 10 điều luật (từ Điều 192 đến Điều 201) quy định về 10 tội danh khác nhau. Sau khi được sửa đổi, bổ sung (6/2009), Bộ luật còn 9 điều luật, quy định 9 tội danh (Điều 199 quy định “Tội sử dụng trái phép chất ma tuý” đã được bãi bỏ).

BLHS năm 2015 vẫn tiếp tục dành một chương quy định các tội phạm về ma tuý. Đó là Chương XX: “Các tội phạm về ma tuý”, bao gồm 13 điều luật (từ Điều 247 đến Điều 259) quy định 13 tội danh tương ứng với 9 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999. Trong đó, “tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý” (Điều 194 BLHS năm 1999) được tách thành bốn tội danh (Điều 249 đến Điều 252 BLHS năm 2015); “tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý” (Điều 200 BLHS năm 1999) được tách thành hai tội danh (Điều 257 và Điều 258 BLHS năm 2015). Với việc tách tội danh như vậy, BLHS năm 2015 có điều kiện mô tả cụ thể hơn các hành vi phạm tội, thể hiện rõ hơn sự phân hoá TNHS cũng như giảm bớt số tội phạm về ma tuý có hình phạt tử hình được quy định. Theo BLHS năm 1999, hình phạt tử hình được quy định đối với bốn loại hành vi phạm tội (Điều 194), còn theo BLHS năm 2015, hình phạt tử hình chỉ được quy định đối với hai loại hành vi phạm tội tương ứng với hai tội danh là tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250) và tội mua bán trái phép chất ma tuý (Điều 251).

13 tội danh thuộc các tội phạm về ma túy theo BLHS năm 2015 là:

- Tội trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý (Điều 247);

- Tội sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 248);

- Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý (Điều 249);

- Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250);

- Tội mua bán trái phép chất ma tuý (Điều 251);

- Tội chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 252);

- Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 253);

- Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 254);

- Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 255);

- Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 256);

- Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 257);

- Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 258);

- Tội vi phạm quy định về quản lí chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (Điều 259).

1.1- Khái niệm các tội phạm về ma tuý

Nhà nước độc quyền và thống nhất quản lí chất ma tuý là loại chất gây nghiện nguy hiểm với những quy định rất nghiêm ngặt. Vi phạm các quy định về chế độ quản lí các chất ma tuý không chỉ gây khó khăn cho việc kiểm soát chất ma tuý của Nhà nước mà còn góp phần tạo ra lớp người nghiện, qua đó đe dọa nghiêm trọng đến an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của nòi giống cũng như ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Do tác hại lâu dài và nhiều mặt của các hành vi vi phạm các quy định về chế độ quản lí chất ma tuý như vậy nên mọi hành vi vi phạm, ở bất kì khâu nào của quá trình quản lí chất ma tuý đều bị quy định là tội phạm,.

Từ các quy định của Chương XX có thể định nghĩa:

Các tội phạm về ma túy là hành vi cố ý xâm phạm chế độ quản lí các chất ma tuý của Nhà nước.

a. Khách thể của tội phạm

Khách thể của các tội phạm về ma tuý là chế độ quản lí các chất ma tuý của Nhà nước ở tất cả các khâu của quá trình quản lí. Các tội phạm này có đối tượng là các chất ma túy (theo nghĩa rộng) và các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng chất ma tuý.

Các chất ma tuý

Các chất ma túy (theo nghĩa rộng) là đối tượng của các tội phạm về ma tuý, bao gồm chất ma túy theo nghĩa hẹp là chất gây nghiện và chất hướng thần; tiền chất; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; cây có chứa chất ma tuý. Như vậy, các chất ma túy (theo nghĩa rộng) là đối tượng của các tội phạm về ma tuý có thể được chia thành hai nhóm: Thứ nhất là các chất ma túy (chất gây nghiện, chất hướng thần) và các đối tượng có chứa chất ma tuý (thuốc chữa bệnh và cây có chứa chất ma tuý); thứ hai là các tiền chất (các hoá chất dùng để điều chế, sản xuất chất ma tuý).

Ở Việt Nam, việc xác định các chất ma túy (theo nghĩa hẹp) và các tiền chất được thực hiện theo quy định hiện hành về danh mục chất ma tuý và tiền chất do Chính phủ ban hành. Việc ban hành quy định này dựa trên cơ sở tham khảo các bảng quy định về các chất ma tuý và các chất hướng thần của 3 công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma tuý.

Chất ma tuý là các chất gây nghiện ở dạng tự nhiên hay tổng hợp. Đặc tính nguy hiểm của chất ma tuý thể hiện ở khả năng gây nghiện cho người sử dụng các chất này. Con người chỉ cần sử dụng một vài lần chất ma tuý sẽ có nhu cầu được cung cấp thường xuyên và với liều lượng ngày càng cao hơn. Khi không đáp ứng được nhu cầu, họ sẽ lên cơn vật vã, đau đớn về thể xác và có thể làm tất cả những gì, kể cả tội ác mà họ cho là cần thiết nhằm giải tỏa cơn nghiện. Sự lệ thuộc ngày càng lớn vào chất ma tuý chính là tác hại gây nghiện của chất ma tuý đối với người dùng chất đó.

Các dạng chất ma túy thường gặp và là đối tượng phổ biến của các tội phạm về ma tuý là:

+ Heroine;

+ MDMA;

+ Cần sa và các chế phẩm từ cần sa;

+ Lá khát (lá cây Catha edulis).

+ Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện;

+ Cao côca;

+ Lá cây côca (lá của cây côca - lá chưa dùng để chiết xuất);

+ Cocaine;

+ Methamphetamine, Amphetamine

Các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng chất ma tuý

Các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng chất ma tuý là các công cụ, phương tiện dùng vào việc sản xuất và sử dụng chất ma tuý.

b. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của các tội phạm về ma tuý

Hành vi khách quan của các tội phạm về ma túy tuy khác nhau về hình thức thể hiện cụ thể, về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội nhưng giống nhau ở chỗ đều là những hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về chế độ quản lí các chất ma tuý. Đó có thể là những hành vi thực hiện những điều mà Nhà nước cấm làm (hành vi khách quan của các tội quy định từ Điều 247 đến Điều 258 BLHS) hoặc có thể là những hành vi của những người có trách nhiệm trong quản lí các chất ma tuý đã không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc làm những việc ngoài phạm vi những quy định về quản lí các chất ma tuý (hành vi khách quan của tội được quy định tại Điều 259 BLHS).

Hậu quả của các tội phạm về ma tuý

Hậu quả mà các tội phạm về ma tuý có thể gây ra là rất nghiêm trọng về nhiều mặt. Tuy nhiên, các tội phạm về ma tuý đều được quy định là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức. Hậu quả không được quy định là dấu hiệu trong CTTP của những tội phạm này.

c. Mặt chủ quan của tội phạm

Đối với đa số tội phạm về ma tuý, lỗi của người thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp (các tội phạm quy định ở các điều từ Điều 247 đến Điều 255, Điều 257 và Điều 258 BLHS). Lỗi của người phạm các tội quy định tại Điều 256 và Điều 259 có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

d. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của hầu hết tội phạm về ma tuý là chủ thể bình thường; riêng tội được quy định tại Điều 259 BLHS đòi hỏi chủ thể đặc biệt.

1.2- Hình phạt đối với các tội phạm về ma tuý

Các tội phạm về ma tuý là nhóm tội có tính nguy hiểm cao. Vì vậy, hình phạt quy định cho các tội phạm này rất nghiêm khắc. Hầu hết tội phạm về ma tuý là tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (trừ tội được quy định tại khoản 1 Điều 247 BLHS là tội phạm ít nghiêm trọng).

Hình phạt chính được quy định cho tất cả tội phạm về ma tuý là hình phạt tù với mức khởi điểm đối với đa số tội phạm là trong khoảng từ 01 đến 02 năm, trừ tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 247 BLHS (khởi điểm là 06 tháng) và tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 259 (khởi điểm có thể là hình phạt tiền).

Hình phạt tử hình được quy định đối với 3 tội danh (tại các điều 248, 250 và 251); hình phạt tù chung thân được quy định đối với 6 tội danh (tại các điều 249, 252, 253, 255, 257, 258). Đối với 4 tội danh khác, mức cao nhất của hình phạt tù được quy định trong khoảng từ 7 đến 15 năm.

Việc quy định hình phạt cho các tội phạm về ma túy trong BLHS năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lí đầy đủ cho việc thực hiện cá thể hoá hình phạt và đường lối xử lí nghiêm khắc đối với các tội phạm về ma tuý trong giai đoạn hiện nay. Các khung hình phạt được quy định không quá rộng (khoảng của một khung hình phạt tù chỉ từ 4 đến 8 năm). Các chất ma tuý được định lượng cụ thể thành các dấu hiệu định khung cho từng khung hình phạt tăng nặng.

Các hình phạt bổ sung được quy định có thể áp dụng đối với các tội phạm về ma tuý bao gồm:

- Hình phạt tiền (mức thấp nhất là 05 triệu đồng và mức cao nhất là 500 triệu đồng);

- Cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (từ 01 đến 05 năm);

- Tịch thu (một phần hoặc toàn bộ) tài sản;

- Quản chế hoặc cấm cư trú (từ 01 đến 05 năm).

2- Một số tội phạm về ma túy cụ thể

2.1- Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý (Điều 247 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi trồng và đối tượng được trồng là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý. Trong đó, hành vi trồng được hiểu là hành vi gieo trồng, chăm bón cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý hoặc thu hoạch các bộ phận của cây như lá, hoa, quả, thân cây.

Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm

Hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma tuý bị coi là tội phạm trong các trường hợp sau:

- Chủ thể đã được giáo dục hai lần và đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống:

Đây là trường hợp chủ thể tiếp tục thực hiện hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma tuý sau khi đã có 2 lần được cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt việc trồng cây và phá bỏ số cây đã trồng. Ngoài ra, người vi phạm cũng đã được Nhà nước hỗ trợ các điều kiện về vật chất, tài chính và kỹ thuật để có thể bỏ việc trồng cây có chứa chất ma tuý, chuyển đổi sang cây trồng khác mà không ảnh hưởng đáng kể đến đời sống. Sự hỗ trợ của Nhà nước có thể là cấp lương thực, cấp tiền hoặc cho vay tiền không lấy lãi, cấp giống cây trồng mới cũng như hướng dẫn kỹ thuật canh tác...

- Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này:

Đây là trường hợp chủ thể tiếp tục thực hiện hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma tuý sau khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính như cảnh cáo hoặc phạt tiền... về hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý đã thực hiện.

- Chủ thể đã bị kết án về tội phạm này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm:

Đây là trường hợp chủ thể tiếp tục thực hiện hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma tuý sau khi đã bị kết án về tội trồng cây có chứa chất ma tuý và trong thời gian chưa được xoá án tích về tội phạm này.

-  Chủ thể đã trồng được số lượng từ 500 cây trở lên:

Đây là trường hợp chủ thể đã gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch được ít nhất 500 cây có chứa chất ma tuý.

Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết tính chất của cây mà mình trồng cũng như biết dấu hiệu xác định hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý là tội phạm.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản có mức từ phạt tù 06 tháng đến đến phạt tù 03 năm, được áp dụng đối với trường hợp phạm tội bình thường.

Khung hình phạt tăng nặng có mức từ phạt tù 03 năm đến 07 năm, được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là: Phạm tội có tổ chức; với số lượng 3.000 cây trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Khoản 4 của Điều luật quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch.

2.2- Tội sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 248 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lí

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý. Trong đó, các chất ma túy được hiểu là các chất được Nhà nước xác định. Đó là nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA, XLR-11 và các chất ma tuý khác ở thể rắn hoặc thế lỏng.

Hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi làm ra chất ma tuý mà không được phép. Trong đó, hành vi sản xuất chất ma túy được hiểu là hành vi tham gia vào quá trình tạo ra chất ma tuý (theo cách thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ) từ cây có chứa chất ma tuý, từ tiền chất, từ các hóa chất hoặc từ chất ma tuý khác.

Trên thực tế các chất ma tuý có thể được làm ra theo một trong các phương pháp thông thường sau:

- Chiết xuất: Tách tinh chất từ thảo mộc hoặc từ hỗn hợp chất bằng những phương pháp khác nhau. Chiết xuất chất ma tuý ở Việt Nam thường gặp là chiết quả thuốc phiện để thu hỗn hợp nhựa.

- Điều chế: Tạo ra chất mới từ những chất đã có. Điều chế chất ma tuý có thể là quá trình tinh lọc các chất ma tuý hoặc là quá trình chuyển hoá từ chất ma tuý này sang chất ma tuý khác hoặc có thể là tổng hợp ra chất ma tuý từ các tiền chất ma tuý đã có...

Để kiểm soát chặt chẽ các chất ma tuý, Nhà nước độc quyền và chỉ giao cho những cơ sở nhất định được phép chế biến các chất ma tuý nhất định phục vụ cho các mục đích chung. Do vậy, tất cả hành vi sản xuất - làm ra chất ma tuý ngoài các cơ sở được giao đều bị coi là trái phép. Đối với những trường hợp tuy được phép nhưng đã sản xuất ngoài nội dung cho phép cũng bị coi là sản xuất trái phép.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ hành vi minh thực hiện là hành vi làm ra chất ma tuý và là không được phép.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; từ 15 năm đến 20 năm và phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu về khối lượng, thể tích của chất ma tuý được sản xuất. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác như có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức. Trong đó cần chú ý dấu hiệu “có tính chuyên nghiệp” là trường hợp người phạm tội đã liên tiếp phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý (5 lần trở lên) và coi việc phạm tội này như là nguồn thu nhập chính/1'

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2.3- Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý (Điều 249 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý. Trong đó, các chất ma tuý có thể như nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA, XLR- 11, lá cây côca, lá khát (lá cây Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa, bộ phận của cây khác có chứa chất ma tuý, quả thuốc phiện khô, tươi và các chất ma tuý khác ở thể rắn hoặc thể lỏng. Hành vi tàng trữ chất ma tuý là hành vi cất giữ, cất giấu chất ma tuý. Các dạng hành vi này có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào, như cất giữ trong nhà, ngoài vườn..., cất giấu trong quần áo, tư trang, trong người... và bất kể thời gian bao lâu.

Hành vi cất giữ, cất giấu chất ma tuý bị coi là trái phép khi các hành vi đó được thực hiện mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm

Hành vi cất giữ, cất giấu trái phép chất ma tuý chỉ bị coi là tội phạm trong các trường hợp sau:

- Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này:

Đây là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý sau khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà họ đã thực hiện trước đó.

- Chủ thể đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm:

Đây là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý sau khi đã bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý mà họ đã thực hiện trước đó và chưa được xoá án tích.

- Chủ thể đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm:

Đây là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý sau khi đã bị kết án về một trong 4 tội (khác) quy định tại Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma tuý), Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý), Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma tuý) hoặc Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma tuý) mà họ đã thực hiện trước đó và chưa được xoá án tích.

- Chất ma tuý được tàng trữ trái phép có khối lượng tối thiểu 01 gam (nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao coca); 0,1 gram (Heroin, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11); 01 kilôgam (lá cây côca, lá khát (lá cây Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma tuý); 05 kilôgam (quả thuốc phiện khô); 01 kilôgam (quả thuốc phiện tươi); 01 gam (các chất ma tuý khác ở thể rắn); 10 mililít (các chất ma tuý khác ở thể lỏng).

Trong trường hợp tàng trữ nhiều chất ma tuý khác nhau đòi hỏi tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy được Điều luật quy định.

Như vậy, theo quy định của Điều luật, hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý bị coi là tội phạm khi khối lượng hoặc thể tích chất ma tuý được tàng trữ đạt mức tối thiểu mà Điều luật quy định. Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án...”.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

- Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp.

Khi xác định lỗi của người phạm tội này cần chú ý: Người thực hiện hành vi cất giữ, cất giấu các chất được giám định không phải là chất ma tuý nhưng lại ý thức rằng đó là chất ma tuý thì vẫn phải chịu TNHS về tội phạm này (theo khoản 1 Điều 249 BLHS).

- Dấu hiệu mục đích phạm tội

Điều luật quy định: Người phạm tội “không nhằm mục đích mua bản, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý”. Theo đó, hành vi cất giữ, cất giấu trái phép chất ma tuý nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hoặc sản xuất trái phép chất ma tuý không cấu thành tội phạm này. Ở đây, câu hỏi được đặt ra là người thực hiện hành vi đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gì? Khi người có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý chưa có hành vi mua bán, hành vi vận chuyển hay hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý mà mới chỉ có mục đích thực hiện các hành vi đó thì chắc chắn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội hoàn thành của tội mua bán hay tội vận chuyển hay tội sản xuất trái phép chất ma tuý và cũng không thể về chuẩn bị phạm tội của các tội này vì theo Điều 14 BLHS, chuẩn bị phạm tội của các tội này không phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về phạm tội chưa đạt của các tội này cũng thiếu cơ sở vì khó có thể khẳng định hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hoặc sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi “đi liền trước” của hành vi mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma tuý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; từ 10 năm đến 15 năm và từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu về khối lượng, thể tích của chất ma tuý được tàng trữ cũng như một số dấu hiệu khác tương tự như ở tội sản xuất trái phép chất ma tuý. Ngoài ra, cần chú ý dấu hiệu “sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội” là trường hợp người phạm tội đã sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2. 4- Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý. Theo đó, đối tượng của tội phạm này là các chất ma tuý như: nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA, XLR-11, lá cây côca, lá khát (lá cây Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa, bộ phận của cây khác có chứa chất ma tuý, quả thuốc phiện khô, tươi và các chất ma tuý khác ở thể rắn hoặc thể lỏng. Đối tượng của tội phạm này cũng giống như đối tượng của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý là hành vi chuyển dịch chất ma tuý từ nơi này đến nơi khác mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này có thể được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào như mang theo người (cho vào túi áo, túi quần, nuốt trong bụng, để trong túi xách..), chuyển qua đường bưu điện, đường hàng không, bằng các phương tiện khác nhau (ô tô, tàu bay, tàu thủy...) v.v...

Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm

Hành vi chuyển dịch trái phép chất ma tuý chỉ bị coi là tội phạm trong những trường hợp sau:

- Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này:

Đây là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý sau khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà họ đã thực hiện trước đó.

- Chủ thể đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm: Đây là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý sau khi đã bị kết án về một trong 4 tội (khác) quy định tại Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma tuý), Điều 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý), Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma tuý) hoặc Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma tuý) mà họ đã thực hiện trước đó và chưa được xoá án tích.

- Chất ma túy được vận chuyển trái phép có khối lượng tối thiểu 01 gam (nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao coca); 0,1 gram (Heroin, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11); 01 kilôgam (lá cây côca, lá khát (lá cây Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma tuý); 05 kilôgam (quả thuốc phiện khô); 01 kilôgam (quả thuốc phiện tươi); 01 gam (các chất ma tuý khác ở thể rắn); 10 mililít (các chất ma tuý khác ở thể lỏng).

Trong trường hợp vận chuyển nhiều chất ma tuý khác nhau đòi hỏi tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy được điều luật quy định.

Như vậy, theo quy định của Điều luật, hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý bị coi là tội phạm khi khối lượng hoặc thể tích chất ma túy được vận chuyển đạt mức tối thiểu mà điều luật quy định. Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án...”.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

- Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp.

Khi xác định lỗi của người phạm tội này cần chú ý: Người thực hiện hành vi chuyển dịch các chất được giám định không phải là chất ma tuý nhưng lại ý thức rằng đó là chất ma tuý thì vẫn phải chịu TNHS về tội phạm này (theo khoản 1 Điều 250 BLHS).

- Dấu hiệu mục đích phạm tội

Điều luật quy định: Người phạm tội “không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”. Theo đó, hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý không cấu thành tội phạm này. ở đây, câu hỏi được đặt ra là người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gì? Khi người có hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý chưa có hành vi sản xuất, hành vi mua bán hay hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý mà mới chỉ có mục đích thực hiện các hành vi đó thì chắc chắn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội hoàn thành của tội sản xuất, tội mua bán hay tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và cũng không thể về chuẩn bị phạm tội của các tội này vì theo Điều 14 BLHS, chuẩn bị phạm tội của các tội này không phải chịu trách nhiệm hình sự.(2) Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về phạm tội chưa đạt của các tội này cũng chưa có cơ sở vững chắc vì khó có thể khẳng định trong mọi trường hợp hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý nhằm mục đích sản xuất hoặc mua bán trái phép chất ma tuý là hành vi “đi liền trước” của hành vi sản xuất hay mua bán trái phép chất ma tuý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; từ 15 năm đến 20 năm và từ phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu về khối lượng, thể tích của chất ma túy được vận chuyển cũng như một số dấu hiệu khác tương tự như ở tội sản xuất trái phép chất ma tuý. Ngoài ra, cần chú ý dấu hiệu “qua biên giới”: Là trường hợp hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý được thực hiện qua biên giới giữa Việt Nam và nước khác.

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2.5- Tội mua bán trái phép chất ma tuý (Điều 251 BLHS) 

a. Dấu hiệu pháp lí

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Đối tượng của hành vi mua bán trái phép này là chất ma tuý như: nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA, XLR-11, lá cây côca, lá khát (lá cây Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa, bộ phận của cây khác có chứa chất ma tuý, quả thuốc phiện khô, tươi và các chất ma tuý khác ở thể rắn hoặc thể lỏng. Đối tượng của tội phạm này giống đối tượng của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và tội vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi trao đổi trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào.

Hành vi mua bán chất ma tuý có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như bán chất ma tuý cho người khác bao gồm cả bán hộ; mua chất ma tuý nhằm bán cho người khác; xin chất ma tuý để bán cho người khác; trao đổi, thanh toán bằng chất ma tuý; dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán lấy chất ma tuý nhằm bán cho người khác; tàng trữ hoặc vận chuyển chất ma tuý nhằm bán cho người khác.

Hành vi mua bán chất ma tuý bị coi là trái phép khi được thực hiện không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được xác định là lỗi cố ý trực tiếp.

Khi xác định lỗi của người phạm tội này cần chú ý:

- Người thực hiện hành vi mua bán các chất được giám định không phải là chất ma tuý nhưng họ ý thức rằng đó là chất ma tuý thì vẫn phải chịu TNHS về tội phạm này (theo khoản 1 Điều 251 BLHS);

- Trong trường hợp bên bán biết là chất ma tuý giả còn bên mua đã nhầm tưởng là chất ma tuý, hành vi của người bán không cấu thành tội mua bán trái phép chất ma tuý mà cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo Điều 174 BLHS); còn hành vi mua nhầm vẫn cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy (chưa đạt vô hiệu).

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; từ 15 năm đến 20 năm và từ phạt tù 20 năm đến tù chung thân hoặc tử hình.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu về khối lượng, thể tích của chất ma tuý được mua bán cũng như một số dấu hiệu khác tương tự như ở tội vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

0 bình luận, đánh giá về Những vấn đề chung và các tội phạm cụ thể về ma túy

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.63557 sec| 1132.594 kb