Những vấn đề chung về các tội phạm xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu phục vụ chiến đấu

16/03/2023
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Thị Thu Hồng
Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn thi hành chính sách hoà bình, hợp tác với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị. Thế nhưng khi đang tồn tại chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động thì còn cần thiết phải cảnh giác. Vì vậy, Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng kỉ luật quân đội, vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.

1- Khái niệm tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân

Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ. Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam luôn luôn thi hành chính sách hoà bình, hợp tác với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị. Thế nhưng khi đang tồn tại chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động thì còn cần thiết phải cảnh giác. Xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước ta.

Để tăng cường kỷ luật quân đội, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, mỗi quân nhân phải thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Việc coi thường kỷ luật quân đội gây nên hậu quả khó lường. Vì vậy, BLHS quy định TNHS đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng kỉ luật quân đội, vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.

Trước khi ban hành BLHS, các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân chủ yếu được quy định ở sắc lệnh số 163 ngày 23/8/1946 về tổ chức Toà án binh lâm thời đặt ở Hà Nội và được sắc lệnh 264 ngày 01/02/1948 bổ khuyết một số tội phạm. Đây là những văn bản pháp luật hình sự được ban hành sớm sau khi Nhà nước công nông ra đời. Các quy định này có hiệu lực cho đến ngày BLHS năm 1985 có hiệu lực.

Năm 1985, BLHS đầu tiên được ban hành. Trong đó có 1 chương riêng quy định một cách cụ thể và đầy đủ các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Các quy định của chương này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Sắc lệnh 163 và sắc lệnh 264 cũng như yêu cầu chống và phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn phát triển của xã hội nước ta sau ngày nước nhà thống nhất. So với các sắc lệnh trước đây, các quy định của BLHS năm 1985 thể hiện sự tiến bộ về nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp.

BLHS năm 1999 kế thừa những quy định của BLHS năm 1985 và có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới.

Qua hơn 15 năm có hiệu lực áp dụng, BLHS năm 1999 là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phòng chống tội phạm trong quân đội. Tuy nhiên, sự thay đổi các điều kiện kinh tế, xã hội cũng như sự thay đổi chính sách hình sự theo chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 quyền con người, quyền công dân, về bảo vệ tổ quốc... đã cho thấy các quy định của BLHS năm 1999 có những bất cập. Nhằm tháo gỡ những bất cập đó, những vướng mắc trong thực tiễn, BLHS năm 2015 đã được ban hành với những sửa đổi, bổ sung quan trọng. Cụ thể là:

- Bổ sung Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393);

- Nhập, tách hoặc cơ cấu lại một số tội để thể hiện chính xác hơn bản chất, các dấu hiệu khách quan của tội phạm;

- Sửa đổi dấu hiệu cấu thành tội phạm của một số tội cho phù hợp hơn với thực tiễn; quy định cụ thể yếu tố định lượng trong mặt khách quan của một số cấu thành tội phạm;

Sửa đổi chế tài đối với một số tội phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước. Bỏ hình phạt cảnh cáo trong Chương này; bỏ hình phạt tử hình đối với Tội chống mệnh lệnh (Điều 394) và Tội đầu hàng địch (Điều 399); sửa đổi mức hình phạt trong một số chế tài cụ thể…

2- Các yếu tố của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân

a. Khách thể của tội phạm

Nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và của quân đội. Với tư cách là chủ thể của các mối quan hệ xã hội, mỗi quân nhân phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đó. Sức mạnh, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chế độ phục vụ quân đội phụ thuộc nhiều vào việc hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi quân nhân. Hay nói cách khác, khách thể loại của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là sức mạnh, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chế độ phục vụ trong quân đội. Căn cứ vào khách thể loại đó mà các nhà xây dựng pháp luật quy định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân thành một chương riêng.

Sức mạnh, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chế độ phục vụ quân đội do nhiều yếu tố hợp thành. Mỗi hành vi phạm tội không đồng thời xâm hại tất cả các yếu tố hợp thành đó, không phải xâm hại toàn bộ các quan hệ xã hội liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân mà chỉ xâm hại quan hệ xã hội nhất định. Quan hệ xã hội cụ thể mà hành vi phạm tội xâm hại trực tiếp là khách thể trực tiếp của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.

Việc phân biệt khách thể loại, khách thể trực tiếp có ý nghĩa chính trị - xã hội và ý nghĩa pháp lý cũng như thực tiễn cao. Về chính trị - xã hội, nó giúp cho việc đánh giá chính xác tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm; về pháp lý, nó giúp cho việc quy định chương về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân nói chung và tội phạm cụ thể nói riêng; về thực tiễn, nó giúp cho hoạt động thực tiễn trong việc phân biệt tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân với các tội phạm khác cũng như phân biệt các tội khác nhau trong nhóm tội này.

b. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được thể hiện bằng hành vi (hành động hoặc không hành động) nguy hiểm cho xã hội xâm phạm kỷ luật, sức mạnh chiến đấu, chế độ phục vụ, chế độ công tác trong quân đội.

Có những tội phạm chỉ được thực hiện bằng hành động như Tội làm nhục đồng đội (Điều 397 BLHS), Tội hành hung đồng đội (Điều 398 BLHS); có những tội chỉ được thực hiện bằng không hành động như Tội cố ý bỏ thương binh, tử sĩ tại trận địa hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương binh (Điều 417 BLHS). Đa số các tội phạm được thực hiện cả bằng hành động và không hành động.

Nói chung, các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân có cấu thành hình thức, tức hậu quả nguy hiểm không được quy định là dấu hiệu định tội. Đối với những tội vô ý, trong mặt khách quan của tội phạm, dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng được quy định là dấu hiệu định tội.

Khác với BLHS năm 1999, trong BLHS năm 2015, hậu quả vật chất của tội phạm đã được định lượng cụ thể trong một số cấu thành tội phạm như Tội vi phạm quy định về bảo vệ (Điều 410 BLHS), Tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ (Điều 416 BLHS), Tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại chiến lợi phẩm (Điều 419 BLHS)... Tuy nhiên, do khách thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân mang yếu tố phi vật chất (sức mạnh chiến đấu, kỷ luật quân đội và chế độ công tác quân sự) nhiều hơn nên trong CTTP của đa số các tội phạm, dấu hiệu hậu quả vẫn mang tính định tính (như nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng). Nói chung, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội không được quy định là dấu hiệu định tội. Chỉ trong một số trường hợp, các dấu hiệu này như dấu hiệu trong chiến đấu, trong khi thu dọn chiến trường (Điều 419 BLHS) hoặc trong khi thực hiện nhiệm vụ (Điều 416 BLHS)... được quy định là dấu hiệu định tội.

c. Mặt chủ quan của tội phạm

Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý.

d. Chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân

Chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là những người có đủ các dấu hiệu về chủ thể chung của tội phạm (tức không ở trong tình trạng không có năng lực TNHS khi phạm tội và đạt độ tuổi nhất định) được quy định ở Điều 392 BLHS. Điều 392 BLHS phân biệt chủ thể thành bốn loại sau:

- Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng;

- Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện;

- Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu;

- Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.

Trong phạm vi chung của pháp luật hình sự có thể nói các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân có chủ thể đặc biệt. Tuy nhiên, một số tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân có thêm dấu hiệu chủ thể riêng biệt khác nữa. Ví dụ: Chủ thể của Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật là người chỉ huy hoặc cấp trên; chủ thể của Tội chống mệnh lệnh là người được giao thực hiện mệnh lệnh v.v... Đặc biệt, chủ thể người chỉ huy hoặc sĩ quan là tình tiết định khung tăng nặng của đại đa số các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.

Như vậy, đối với các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, các dấu hiệu đặc trưng chủ yếu tập trung ở khách thể và chủ thể của tội phạm. Mỗi tội phạm có thể xâm hại nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là xâm hại tới sức mạnh chiến đấu, kỷ luật quân đội và chế độ công tác quân sự. Điều này lý giải cho việc các nhà xây dựng luật tách các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân thành chương riêng trong BLHS và chủ thể cũng được quy định ở một điều luật độc lập; chỉ những người được quy định tại Điều 392 BLHS mới phải chịu TNHS về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.

0 bình luận, đánh giá về Những vấn đề chung về các tội phạm xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu phục vụ chiến đấu

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.20077 sec| 983.227 kb