Những vấn đề chung về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Trước khi có Bộ luật Hình sự đầu tiên (BLHS năm 1985) đã có một số hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đơn hành. Ví dụ: Hành vi bắt giam người trái phép được quy định trong Luật số 103 ngày 10/5/1957; hành vi bao che các tội phản cách mạng được quy định trong Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967... Việc quy định nhóm tội này trước khi có BLHS đầu tiên nói chung còn thiếu nhiều, tản mạn và không mang tính đồng bộ. Để khắc phục tình trạng này, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa các hành vi xâm phạm sự hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp, BLHS năm 1985 có một chương riêng ở Phần các tội phạm quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đó là Chương X với 19 điều, từ Điều 230 đến Điều 248. Trong 19 điều luật này, có 17 điều quy định 20 tội thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp. BLHS năm 1999 quy định các tội xâm phạm hoạt động tư pháp tại Chương XXII từ Điều 292 đến Điều 314. So với BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 có số điều luật quy định về nhóm tội này nhiều hơn 4 điều. Các tội danh thuộc nhóm tội này mới được quy định trong BLHS năm 1999 là: Tội không truy cứu TNHS người có tội (Điều 294), tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 296), tội không thi hành án (Điều 305) và tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử (Điều 312). BLHS năm 2015 vẫn tiếp tục có chương riêng quy định các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đó là Chương XXIV với 25 điều luật, từ Điều 367 đến Điều 391. Trong đó, một số điều được sửa đổi so với BLHS năm 1999 và có 2 tội danh mới được bổ sung - Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388) và tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp (Điều 391).
1- Khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Điều 367 BLHS quy định: “Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án
Từ định nghĩa này có thể hiểu yếu tố cấu thành tội phạm của nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp như sau:
a. Khách thể của tội phạm
Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi nguy hiểm cho xã hội gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân qua việc xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp bằng những hình thức khác nhau. Như vậy, đối tượng mà những hành vi phạm tội của nhóm tội này nhằm vào là những hoạt động bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ cũng như trật tự pháp luật nói chung của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án.
Với việc xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan này, hành vi phạm tội của nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp đồng thời còn xâm phạm đến nhiều quan hệ xã hội khác được luật hình sự bảo vệ. Đó có thể là quan hệ nhân thân, quan hệ sở hữu cũng như các quan hệ xã hội khác. Nhiều loại hành vi phạm tội trong nhóm tội này còn có ảnh hưởng xấu tới uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, hạn chế hiệu quả đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác...
b. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của các tội thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tư pháp. Đó là các quy định của pháp luật yêu cầu các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phải tuân thủ trong hoạt động của mình cũng như các quy định khác đảm bảo cho mọi hoạt động của các cơ quan này được thực hiện đúng. Các quy định đó có thể thuộc về luật nội dung hoặc luật hình thức, thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính, đất đai v.v... Hành vi phạm tội của nhóm tội này có thể là:
- Hành vi vi phạm pháp luật của người là chủ thể của hoạt động tư pháp;
- Hành vi vi phạm pháp luật của người thuộc các cơ quan hoặc tổ chức bổ trợ tư pháp như cơ quan giám định, công chứng, tổ chức luật sư...;
- Hành vi vi phạm pháp luật của công dân có nghĩa vụ phải thực hiện các phán quyết của cơ quan xét xử hoặc các quyết định cưỡng chế của các cơ quan tư pháp khác đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ đó;
- Hành vi của công dân trong những trường hợp nhất định có trách nhiệm phải tạo điều kiện, giúp đỡ các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ của mình nhưng không thực hiện trách nhiệm pháp lí đó;
- Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc bằng các thủ đoạn khác tác động đến hoạt động tư pháp nhằm làm các hoạt động đó được thực hiện sai với quy định của pháp luật...
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi phạm tội của nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp gây ra hoặc có thể gây ra bao gồm thiệt hại cho hoạt động tư pháp và các thiệt hại khác. Những thiệt hại này không được quy định trong tất cả các CTTP cơ bản. Trong nhiều CTTP cơ bản, dấu hiệu hậu quả được quy định dưới dạng thiệt hại về tài sản với định lượng cụ thể hoặc thiệt hại có tính định tính là thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
c. Chủ thể của tội phạm
Tùy từng trường hợp cụ thể, chủ thể của tội phạm có thể là chủ thể bình thường hoặc là chủ thể đặc biệt. Tương ứng với các loại hành vi phạm tội, chủ thể của tội phạm có thể là:
- Người của các cơ quan tư pháp có trách nhiệm thực hiện hoạt động tư pháp;
- Người của các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp có trách nhiệm thực hiện các hoạt động trợ giúp cơ quan tư pháp;
- Các công dân khác có chức vụ, quyền hạn hoặc không có chức vụ, quyền hạn...
d. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội ở tất cả các tội, trừ tội được quy định tại Điều 376 BLHS đều được quy định là lỗi cố ý.
Người thực hiện hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp có thể xuất phát từ những động cơ khác nhau và nhằm những mục đích cụ thể khác nhau. Nhưng trong tất cả các CTTP cơ bản, dấu hiệu động cơ phạm tội cũng như dấu hiệu mục đích phạm tội không được quy định là dấu hiệu định tội.
2- Hình phạt đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Hình phạt chính được quy định cho các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp bao gồm hình phạt cảnh cáo, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù với mức tối đa là 20 năm và hình phạt tù chung thân. Trong các tội của chương này có 12 tội có hình phạt chính được quy định chỉ có thể là hình phạt tù. Ở các tội khác còn lại, hình phạt chính được quy định còn có thể là hình phạt không tước tự do (hình phạt cảnh cáo hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ). Trong đó có 3 tội cho phép được lựa chọn giữa hình phạt cảnh cáo với hình phạt cải tạo không giam giữ và với hình phạt tù (các điều 382, 383 và 390 BLHS). Số tội còn lại cho phép được lựa chọn giữa hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù.
Ngoài hình phạt chính, hình phạt bổ sung được quy định đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Trong đó có nhiều tội có hình phạt bổ sung bắt buộc là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ.
3- Phân loại các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Chương XXIV BLHS quy định các tội xâm phạm hoạt động tư pháp không được chia thành các mục như một số chương khác. Như vậy, về mặt lập pháp không có sự phân chia các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thành các nhóm tội phạm khác nhau. Tuy nhiên, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXIV cũng đã được sắp xếp theo trật tự nhất định trên cơ sở đặc điểm chung của từng nhóm tội. Đó là đặc điểm chung liên quan đến chủ thể của tội phạm. Theo đặc điểm này có thể chia 24 tội của Chương này thành các nhóm tội sau:
a. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp do những người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp thực hiện
Nhóm tội này bao gồm chủ yếu những tội phạm trong đó chủ thể đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thực hiện các hành vi trái pháp luật trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ngoài ra, thuộc nhóm tội này còn có tội mà chủ thể cũng là người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp nhưng không có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn này khi phạm tội mà chỉ có sự thiếu trách nhiệm trong hoạt động tư pháp của mình.
Nhóm tội này có 11 tội được quy định tại các điều từ Điều 368 đến Điều 371 và các điều từ Điều 373 đến Điều 379 BLHS.
b. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp do những người có nghĩa vụ phải giúp các cơ quan tư pháp trong hoạt động tư pháp thực hiện
Thuộc nhóm tội này có các tội được quy định tại các điều 382,383 và 385 BLHS.
c. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà chủ thể là đối tượng của các bản án hoặc quyết định của cơ quan tư pháp
Thuộc nhóm tội này có các tội được quy định tại các điều 380 và 386 BLHS.
d. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp khác
Đây là các tội mà chủ thể thực hiện không có liên quan với các hoạt động tư pháp cụ thể mà họ có hành vi xâm phạm. Những người này có thể là công dân bình thường, là người có chức vụ, quyền hạn nhất định và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn này để cản trở các hoạt động tư pháp. Nhóm tội này gồm 8 tội được quy định tại các điều 372, 381, 394, 387, 388, 389, 390 và 391 BLHS.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm