Những vấn đề chung về thuế tiêu thụ đặc biệt

05/03/2023
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào một số loại hàng hoá dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Về bản chất, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một loại thuế gián thu, do người tiêu dùng chịu nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt có một số đặc thù giúp ta phân biệt loại thuế này với các loại thuế gián thu khác.

1- Khái niệm thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào một số loại hàng hoá dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Trong lịch sử, thuế tiêu thụ đặc biệt đã xuất hiện từ rất sớm. Từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, các loại thuế đánh vào việc tiêu dùng hàng hoá như thuế đánh vào hàng hoá nhập khẩu (thuế nhập khẩu) và thuế tiêu thụ đặc biệt đã được áp dụng. Tuy nhiên, xét về phương diện tạo thu nhập cho nhà nước vào thời kì đó, thuế tiêu thụ đặc biệt không có vai trò quan trọng bằng thuế nhập khẩu.

Cùng với thời gian, vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt ngày càng được coi trọng. Các quốc gia đã xem loại thuế này như một công cụ cần thiết nhằm tạo lập và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ở Mỹ, ba năm sau khi Quốc hội Mỹ được trao quyền thu thuế từ công dân Mỹ, năm 1792, sắc thuế đầu tiên được ban hành chính là thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh vào rượu whisky. Ở Úc, để tăng thu cho ngân sách nhà nước, năm 1824, chính quyền New South Wales đã đặt ra hai thứ thuế là thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng đánh vào các mặt hàng: rượu, bia, thuốc lá sợi, xì gà và thuốc lá điếu. Đây là hai sắc thuế đem lại nguồn thu quan trọng nhất cho chính quyền thuộc địa trong suốt thế kỉ XIX.

Ở Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa vào áp dụng từ năm 1990. Đạo luật đầu tiên về thuế tiêu thụ đặc biệt này đánh vào sáu mặt hàng sản xuất trong nước là: thuốc hút, rượu, bia, pháo, bài lá và vàng mã. Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1993 đã thu hẹp diện các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuống còn 4 loại hàng hoá chịu thuế là thuốc lá điếu, rượu, bia và pháo.

Lần sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm 1995 đánh dấu bước phát triển trong quá trình hoàn thiện pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt, thể hiện ở chỗ đạo luật này đã mở rộng diện các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và đánh vào không chỉ những hàng hoá sản xuất trong nước mà còn đánh vào cả hàng hoá nhập khẩu. Cụ thể, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1995, các mặt hàng chịu thuế gồm: thuốc lá điếu, rượu, bia, pháo, xăng và ô tô nhập khẩu từ 24 chỗ ngồi trở xuống. Xăng và ô tô nhập khẩu từ 24 chỗ ngồi trở xuống là những mặt hàng mới được đưa vào danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào ô tô nhập khẩu nói trên phần nào phản ánh chính sách bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn này.

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII về việc mở rộng diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc tăng mức thuế đối với những mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng, đồng thời để phối hợp đồng bộ với Luật thuế giá trị gia tăng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1999, ngày 20/5/1998, Quốc hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới thay thế Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1993 và năm 1995.

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 được xây dựng trên cơ sở xem xét các yếu tố khách quan có khả năng ảnh hưởng tới nền sản xuất trong nước và tổng thu ngân sách nhà nước. Hai yếu tố có tác động lớn tới những thay chủ yếu của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 là việc đưa Luật thuế giá trị gia tăng vào áp dụng trong thực tiễn và sự kiện Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, bắt đầu từ ngày 01/01/1999, thuế giá trị gia tăng có hiệu lực thay thế thuế doanh thu dẫn đến chi phí cho nguyên vật liệu để sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên. Điều đó được lí giải bởi thuế giá trị gia tăng đầu vào của nguyên vật liệu sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lớn hơn thuế doanh thu phải nộp theo Luật thuế doanh thu trước đây. Do vậy, cần phải giảm bớt thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để không ảnh hưởng lớn tới giá cả của mặt hàng chịu thuế.

Thứ hai, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng, từ đó làm giảm số thu ngân sách nhà nước từ thuế nhập khẩu. Để đảm bảo tổng thu ngân sách nhà nước không bị ảnh hưởng, cần phải lấy lại số thuế đáng lẽ có thể huy động được từ thuế nhập khẩu nếu không sửa đổi Luật thuế xuất, nhập khẩu. Mở rộng diện hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp khả thi và các nhà làm luật đã lựa chọn phương án này.

Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990 và các Luật sửa đổi bổ sung, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng đối với một số hàng hoá được coi là đặc biệt, không thực sự cần thiết cho đời sống mà chưa áp dụng đối với những dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng. Khắc phục những hạn chế này, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 được xây dựng theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó không chỉ hàng hoá mà cả dịch vụ được coi là không thiết yếu đều phải chịu thuế. Hơn nữa, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 khi quy định về hàng hoá chịu thuế, không có sự phân biệt về nguồn gốc hàng hoá. Nói cách khác, hàng hoá, bất kể được sản xuất trong nước hay được nhập khẩu, nếu thuộc danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đều làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu mặt hàng đó.

So với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cũ, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 đã bỏ mặt hàng pháo nhưng đưa thêm ba nhóm hàng hoá khác vào danh mục mặt hàng chịu thuế đó là điều hoà nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã và hàng mã. Điểm nổi bật của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 so với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cũ là đã đưa các dịch vụ không thiết yếu vào danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó, bốn nhóm dịch vụ phải chịu thuế là kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê; kinh doanh ca-si-nô, trò chơi bằng máy giắc-pót; kinh doanh vé đặt cược đua ngựa, đua xe và kinh doanh golf.

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XI, ngày 17/6/2003, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung. Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003 là sửa đổi về đối tượng chịu thuế, vẫn theo hướng mở rộng diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thứ nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003 đã đưa thêm dịch vụ kinh doanh xổ số vào danh mục dịch vụ chịu thuế. Đây là dịch vụ trước đây chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng là 20%, nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng giảm mức thuế suất áp dụng cho hoạt động kinh doanh xổ số xuống 10%. Để đảm bảo số thu ngân sách nhà nước không bị giảm sút do có sự sửa đổi về thuế suất nói trên, Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003 đã bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dịch vụ kinh doanh xổ số.

Thứ hai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003 cũng mở rộng diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng cách mở rộng loại hình kinh doanh giải trí có đặt cược phải chịu thuế. Do vậy, từ ngày 01/01/2004 (thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003 có hiệu lực) thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đánh vào hoạt động “kinh doanh vé đặt cược đua ngựa, đua xe" mà đánh vào tất cả các loại hình “kinh doanh giải trí có đặt cược".

Tại kì họp thứ tám, Quốc hội khoá XI, ngày 29/11/2005, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003 lại tiếp tục được sửa đổi. Mục đích của lần sửa đổi này là đảm bảo các quy định trong pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt thống nhất với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WT0, đặc biệt tránh phân biệt đối xử giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu. Để thực hiện được mục tiêu đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng đã sửa đổi giá tính thuế và thuế suất đối với một số mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003 và 2005 đã đạt được những mục tiêu đề ra trong giai đoạn đầu, khi mới được ban hành. Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta; trước yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát, tránh gây đột biến trong sản xuất, tiêu dùng, bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước; và nhằm thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập WTO cũng như đảm bảo tính phù hợp với thông lệ quốc tế, ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (gọi tắt là Luật năm 2008) thay thế toàn bộ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 và các luật sửa đổi, bổ sung luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003 và 2005. Luật năm 2008 tiếp tục mở rộng diện các hàng hoá và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời quy định Biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng hạ thấp mức thuế suất hơn so với mức thuế suất trong Luật cũ.

Sau gần sáu năm thực thi, có thể nói Luật năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định như: góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng xã hội, điều tiết thu nhập và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cũng cho thấy một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, về giá tính thuế và thuế suất có một trong ba nhược điểm: hoặc chưa thực sự đạt được mục tiêu điều chỉnh của pháp luật; hoặc không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất và tiêu dùng trong nước; hoặc không còn phù hợp với sự phát triển chung của hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Thứ nhất, chưa thực hiện được mục tiêu điều chỉnh của pháp luật vì thuế suất đối với những mặt hàng có hại cho sức khỏe con người chưa đủ sức hạn chế được việc tiêu dùng những mặt hàng này. Trong khi đó, thuế suất đối với loại nhiên liệu có khả năng làm giảm ô nhiễm môi trường lại chưa đủ sức khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn loại nhiên liệu này...

Thứ hai, không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất và tiêu dùng trong nước vì quy định về đối tượng chịu thuế quá rộng, bao gồm cả những nguyên liệu dùng để sản xuất ra những mặt hàng không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; trong khi quy định về những đối tượng không chịu thuế lại chưa bao quát hết những hàng hoá không nên đưa vào diện chịu thuế (ví dụ: máy bay nhập khẩu phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng).

Thứ ba, không còn phù hợp với sự phát triển chung của hệ thống pháp luật vì sau khi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 có hiệu lực, nhiều luật khác trong đó có luật thuế đã được ban hành, đòi hỏi có sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật trong toàn hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật thuế nói riêng. Ví dụ: Luật năm 2008 chưa có quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng chịu thuế thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật trong toàn hệ thống pháp luật thuế để thực thi có hiệu quả mảng pháp luật này.

Trước những bất cập nói trên của Luật năm 2008, ngày 26 tháng 11 năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (gọi tắt là Luật năm 2014), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, khi Luật năm 2014 vừa phát sinh hiệu lực được ba tháng, ngày 06/4/2016, Quốc hội lại tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lí thuế, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 (gọi tắt là Luật năm 2016).

2- Đặc điểm của thuế tiêu thụ đặc biệt

Về bản chất, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một loại thuế gián thu, do người tiêu dùng chịu nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt có một số đặc thù giúp ta phân biệt loại thuế này với các loại thuế gián thu khác.

Thứ nhất, thuế tiêu thụ đặc biệt có diện đánh thuế hẹp. Khác với các loại thuế gián thu khác như thuế bán hàng (sale tax), thuế doanh thu (gross receipt tax) và thuế giá trị gia tăng là những loại thuế có đối tượng chịu thuế rộng rãi, bao quát hầu hết các mặt hàng và dịch vụ được tiêu thụ trong nền kinh tế, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung điều tiết một số mặt hàng và dịch vụ nhất định, không được Nhà nước khuyến khích tiêu dùng. Tuỳ theo quan điểm của các nhà làm luật ở mỗi quốc gia mà danh mục hàng hoá và dịch vụ phải chịu loại thuế này có thể rất khác nhau. Điều này được lí giải bởi chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng cũng như trong lĩnh vực điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư ở từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của mỗi nước. Nhìn chung các quốc gia thường đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào một số mặt hàng được coi là cao cấp và không thiết yếu, Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng như: thuốc hút, rượu, bia, xăng dầu.

Thứ hai, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỉ lệ và thường cao hơn so với thuế suất của các loại thuế gián thu khác.

Đối với các loại thuế gián thu khác như thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, luật pháp các nước thường quy định hệ thống thuế suất tỉ lệ làm căn cứ để tính thuế. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỉ lệ, tùy theo quan điểm của các nhà làm luật ở mỗi nước.

Ở những nước áp dụng biểu thuế suất cố định như Mỹ, Nhật, một số nước châu Âu và Philippines, mức thu được ấn định bằng một lượng tuyệt đối trên đơn vị hàng hoá chịu thuế. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 39 xen/bao; mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại rượu dao động từ 1,07 đến 3,40 đô-la/ga-lông; ở Nhật Bản, mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 1.000 điếu thuốc lá là 3.126 yên, với 1 kg xăng dầu là 53.800 yên.

Biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có thể bao gồm hệ thống thuế suất tỉ lệ, theo đó, mức thu quy định bằng một tỉ lệ phần trăm tính trên giá tính thuế hàng hoá, dịch vụ. Trung Quốc và Việt Nam là những ví dụ về quốc gia áp dụng biểu thuế suất tỉ lệ cho thuế tiêu thụ đặc biệt. Ở Trung Quốc, thuế suất áp dụng đối với thuốc lá và rượu dao động từ 60 - 70%.

Cũng có quốc gia sử dụng cả thuế suất cố định và thuế suất tỉ lệ để hướng dẫn tiêu dùng đối với một số mặt hàng đặc biệt, Thái Lan là một ví dụ về loại quốc gia này. Theo pháp luật của Thái Lan: rượu, các đồ uống không cồn, thuốc lá, xăng là những mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất cố định trong khi đó bài lá, diêm và xi-măng lại chịu thuế theo mức thuế suất tỉ lệ.

Đối với thuế suất tỉ lệ, việc điều chỉnh mức thu thường được đặt ra khi Nhà nước chủ trương thay đổi chính sách hướng dẫn phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng xã hội hoặc khi cần thay đổi tỉ lệ động viên vào ngân sách nhà nước. Đối với thuế suất cố định, ngoài việc chịu ảnh hưởng của những yếu tố dẫn đến việc sửa đổi mức thu như trường hợp thuế suất tỉ lệ nói trên, mức độ lạm phát cũng là một tác nhân quan trọng khiến các nhà làm luật phải thường xuyên chỉnh sửa mức thu theo kịp sự biến động của giá trị của đồng tiền.

Dù áp dụng thuế suất tỉ lệ hay thuế suất cố định, thông thường, các quốc gia đều quy định mức thuế suất cao, thậm chí rất cao so với thuế suất của các loại thuế gián thu khác nhằm hướng dẫn tiêu dùng hợp lí, điều tiết thu nhập của những đối tượng có sử dụng hàng hoá hoặc dịch vụ đặc biệt, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ ba, thuế tiêu thụ đặc biệt thường chỉ được thu một lần ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu. Cùng một mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đặc điểm này cho thấy thuế tiêu thụ đặc biệt khác với thuế doanh thu và thuế giá trị gia tăng ở chỗ các loại thuế này đánh trên toàn bộ doanh thu bán hàng hoặc trên giá trị tăng thêm của hàng hoá ở mỗi khâu trong lưu thông.

3- Vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt

3.1- Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những công cụ giúp Nhà nước thực hiện chính sách quản lí đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với một số hàng hoá, dịch vụ

Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu sản xuất giúp cho Nhà nước có thể nắm bắt được một cách tương đối chính xác số lượng thực tế các cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong nền kinh tế, cũng như năng lực sản xuất của từng cơ sở sản xuất từng loại mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Khả năng này giúp Nhà nước sắp xếp có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và có chính sách điều chỉnh thích hợp đối với các hoạt động này.

Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nhập khẩu cũng giúp Nhà nước quản lí được hoạt động nhập khẩu mặt hàng, dịch vụ được coi là đặc biệt, không khuyến khích tiêu dùng. Thuế tiêu thụ đặc biệt thu vào hàng hoá, dịch vụ chịu thuế ở khâu nhập khẩu còn nhằm hạn chế việc tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài, qua đó, khuyến khích việc tiêu dùng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ cùng loại sản xuất trong nước. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương bảo hộ sản xuất trong nước mà hầu hết các quốc gia theo đuổi.

Hơn nữa, trước thời điểm Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, Chính phủ đã thực thi chính sách ưu đãi về thuế suất đối với một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sản xuất trong nước (như bia hơi, rượu có nồng độ cồn thấp, thuốc lá sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước, và ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước). Chính sách ưu đãi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất tích luỹ, mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn nữa, chính sách ưu đãi nói trên còn khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước, từ đó góp phần đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

3.2- Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những công cụ kinh tế đế Nhà nước điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư có thu nhập cao, hướng dẫn tiêu dùng hợp lí

Nói đến điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư người ta thường nghĩ tới vai trò hàng đầu của thuế trực thu, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, thuế gián thu, điển hình là thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng phần nào đảm đương được vai trò này.

Thuế tiêu thụ đặc biệt không đánh vào tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ đặc biệt Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng. Mức độ động viên của Nhà nước thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt, vì vậy thường cao hơn so với mức độ động viên thông qua các sắc thuế gián thu khác. Bản thân thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là thuế gián thu, do đó, thuế suất cao sẽ làm cho giá bán hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tăng lên. Hệ quả là đối tượng tiêu dùng các mặt hàng và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không thể là quảng đại quần chúng lao động mà chỉ là những tầng lớp khá giả trong xã hội. Ví dụ: thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào những hàng hoá không được khuyến khích tiêu dùng, có thể do chúng có khả năng gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khoẻ người sử dụng như thuốc lá, rượu, bia; hoặc đánh vào những hàng hoá chỉ được sử dụng bởi những người có thu nhập cao và rất cao trong xã hội như: ô tô, tàu bay, du thuyền...; hoặc loại thuế này còn đánh vào việc sử dụng những dịch vụ không thực sự cần thiết cho cuộc sống như: vũ trường, mát-xa, ka- ra-ô-kê, ca-si-nô...

Như vậy, thông qua việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt, Nhà nước, một mặt, có thể định hướng tiêu dùng xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, xu hướng tiêu dùng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Mặt khác, cũng thông qua việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhà nước còn có thể huy động một bộ phận thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và có khả năng tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu, không được khuyến khích tiêu dùng vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho những mục tiêu công cộng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

3.3- Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ quan trọng được sử dụng nhằm ổn định và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Thuế tiêu thụ đặc biệt mặc dù có diện thu hẹp nhưng lại có thuế suất cao hơn thuế suất của các loại thuế gián thu khác, vì vậy, số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước. Theo các con số thống kê, ở nước ta, tỉ trọng số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt lớn khá giả trong xã hội. Ví dụ: thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào những hàng hoá không được khuyến khích tiêu dùng, có thể do chúng có khả năng gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khoẻ người sử dụng như thuốc lá, rượu, bia; hoặc đánh vào những hàng hoá chỉ được sử dụng bởi những người có thu nhập cao và rất cao trong xã hội như: ô tô, tàu bay, du thuyền...; hoặc loại thuế này còn đánh vào việc sử dụng những dịch vụ không thực sự cần thiết cho cuộc sống như: vũ trường, mát-xa, ka- ra-ô-kê, ca-si-nô...

Như vậy, thông qua việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt, Nhà nước, một mặt, có thể định hướng tiêu dùng xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, xu hướng tiêu dùng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Mặt khác, cũng thông qua việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhà nước còn có thể huy động một bộ phận thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và có khả năng tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu, không được khuyến khích tiêu dùng vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho những mục tiêu công cộng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

3.4- Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ quan trọng được sử dụng nhằm on định và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Thuế tiêu thụ đặc biệt mặc dù có diện thu hẹp nhưng lại có thuế suất cao hơn thuế suất của các loại thuế gián thu khác, vì vậy, số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước. Theo các con số thống kê, ở nước ta, tỉ trọng số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt lớn thứ tư trong tỉ trọng các số thu của từng sắc thuế hiện hành; số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm từ 15 đến 18% trong tổng số thu từ thuế gián thu, chiếm từ 7 đến 10% trong tổng thu thuế và phí/° Tốc độ tăng tỉ trọng thu ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt trong tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và lệ phí qua các năm: 2003 là 6,39%, năm 2004 là 7,45%, năm 2005 là 7,73%, năm 2006 là 7,46% và năm 2007 là 9,49%.

4- Hạn chế chủ yếu của thuế tiêu thụ đặc biệt

Mặc dù có những vai trò tích cực nói trên, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có những mặt hạn chế nhất định. Hạn chế chủ yếu nảy sinh từ việc áp dụng hệ thống thuế suất cao của thuế tiêu thụ đặc biệt có nguy cơ tiềm ẩn hành vi trốn lậu thuế thông qua hoạt động chuyển giá.

Chuyển giá là hành vi do các cơ sở kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá hàng hoá, dịch vụ trong các giao dịch mua, bán giữa các cơ sở kinh doanh có mối quan hệ đặc biệt, với mục đích giảm thiểu tới mức có thể nghĩa vụ thuế của các bên trong giao dịch đối với nhà nước. Theo OECD, giá được chuyển (transfer prices) thông qua việc giao hàng hóa (kể cả tài sản vô hình) hoặc cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp có liên quan, không phản ánh giá thị trường một cách trung thực, bình thường, tự nhiên và đúng với thực tế. Thông thường, khi nói về hiện tượng chuyển giá, người ta thường nghĩ tới những giao dịch thương mại diễn ra giữa các chi nhánh trong cùng một công ty đa quốc gia, làm phát sinh nghĩa vụ thuế trong hai hệ thống pháp luật khác nhau. Khi đó hành vi chuyển giá thường được tiến hành theo hướng giá cả của hàng hoá, dịch vụ trong giao dịch được xác định sao cho có thể chuyển nghĩa vụ thuế từ chi nhánh kinh doanh ở quốc gia áp dụng hệ thống thuế suất cao sang chi nhánh kinh doanh ở quốc gia áp dụng hệ thống thuế suất thấp. Tuy nhiên, hiện tượng chuyển giá còn có thể diễn ra trong phạm vi những công ti trong cùng một tập đoàn, hoặc giữa các công ty có quan hệ đặc biệt, hoạt động trong phạm vi biên giới của một quốc gia. Hiện tượng này thường diễn ra trong trường hợp chủ thể sản xuất hàng hoá chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt muốn giảm bớt nghĩa vụ thuế tiêu thụ đặc biệt của mình bằng cách bán hàng cho cơ sở kinh doanh có mối quan hệ đặc biệt với giá bán thấp hơn giá thị trường.

Trên thực tế, pháp luật các nước thường quy định hệ thống thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhằm hướng dẫn tiêu dùng hợp lí và điều tiết thu nhập xã hội; mặt khác, các quốc gia thường chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt một lần vào khâu sản xuất và nhập khẩu, chứ không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào khâu bán lẻ những mặt hàng nói trên. Các cơ sở kinh doanh thương mại mua hàng hoá thuộc danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất, nhập khẩu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà sẽ chịu một loại thuế gián thu khác. Với quy định như vậy, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng biện pháp chuyển giá để giảm bớt gánh nặng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng cách thành lập nên các cơ sở kinh doanh thương mại hạch toán độc lập và bán hàng cho các cơ sở kinh doanh này với giá thấp hơn giá bán thông thường, số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, vì vậy, sẽ giảm đi tương ứng.

Đối phó với tình trạng này, các nhà làm luật thường áp dụng biện pháp “cứng” trong việc xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Nếu giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của một cơ sở sản xuất (có nghĩa vụ nộp thuế) thấp hơn giá bán trên thị trường tới một ngưỡng luật định, cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế tiêu thụ đặc biệt cơ sở này phải nộp, hoặc ấn định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Việt Nam vừa qua đã đi theo xu hướng này nhằm hạn chế hiện tượng chuyển giá, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

0 bình luận, đánh giá về Những vấn đề chung về thuế tiêu thụ đặc biệt

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18405 sec| 1051.117 kb