Phân biệt Trọng tài và Toà án

14/04/2023
Trương Hoàng Hà
Trương Hoàng Hà
Cho đến nay thì hai phương thức hành nghề – xét xử và trọng tài – được gọi là những sự lựa chọn có thể thay thế trong một tình huống giải quyết tranh chấp. Cái ranh giới của sự pha trộn đó có khi gây ra sự nhầm lẫn và cũng cần được nhìn nhận rõ nét hơn cả về lý luận cũng như thực tiễn.

Tòa án và trọng tài đều là các hình thức giải quyết tranh chấp trong thương mại, chúng đóng vai trò một bên trung lập với các bên trong quan hệ tranh chấp. Hoạt động giải quyết tranh chấp của Tòa án và trọng tài có điểm giống nhau là đều căn cứ vào pháp luật và hợp đồng của các bên trong quan hệ tranh chấp, xem xét sự thật vụ án và độc lập ra phán quyết, phán quyết này được đảm bảo thi hành. Vì phán quyết bắt buộc thi hành nên thủ tục tố tụng của Tòa án và trọng tài rất chặt chẽ và phải phù hợp với quy định pháp luật. Thủ tục tố tụng Tòa án và tố tụng trọng tài đều dựa trên những nguyên tắc chung như: tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, đảm bảo sự độc lập của người tài phán,… Tuy nhiên, vì là hai hình thức giải quyết tranh chấp độc lập, nên giữa tố tụng Tòa án và tố tụng trọng tài cũng có những sự khác biệt cơ bản.

1- Tính chất pháp lý

Giữa Tòa án và trọng tài có sự khác biệt rất rõ về tính chất pháp lý. Tòa án là một cơ quan nhà nước nằm trong hệ thống cơ quan tư pháp. Trong quá trình tố tụng, Tòa án nhân danh Nhà nước để xem xét, xử lý vi phạm pháp luật nhằm duy trì trật tự công cộng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Ngược lại, trọng tài mang đậm tính chất phi chính phủ. Tính phi chính phủ này thể hiện ở chỗ, các trung tâm trọng tài không do Nhà nước quyết định thành lập mà do các trọng tài viên thỏa thuận xin phép Nhà nước để được thành lập. Trung tâm trọng tài là tổ chức xã hội nghề nghiệp và không nằm trong cơ cấu thiết chế của bộ máy Nhà nước. Đối với trọng tài vụ việc, trọng tài cũng hoàn toàn do các bên tự thành lập và không phải là cơ quan nhà nước. Chính sự khác biệt cơ bản này giữa Tòa án và trọng tài đã quyết định sự các sự khác biệt khác trong thủ tục tố tụng Tòa án và tố tụng trọng tài, ví dụ như tính chất, mục đích, trình tự, thủ tục,…

2- Thẩm quyền

Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp sau đây:

(i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;

(ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; và

(iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định rõ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Như vậy, thỏa thuận giữa các bên tranh chấp là điều kiện tiên quyết để làm phát sinh thẩm quyền của trọng tài. Quy định này khác với tố tụng Tòa án, theo đó khi xảy ra tranh chấp thì bất kỳ bên nào cũng có quyền yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết mà không cần được bên kia đồng ý vì thẩm quyền của Tòa án là đương nhiên. Nhưng với trọng tài thì không phải như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thì trọng tài tuyệt nhiên không có thẩm quyền gì. Tuy nhiên, cũng cần chú ý là một khi các bên đã đồng ý giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì Tòa án không còn thẩm quyền nữa và phải từ chối thụ lý vụ án khi một bên khởi kiện tại tòa, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được (Điều 6 Luật trọng tài thương mại).

Thẩm quyền theo vụ việc: dưới góc độ thẩm quyền theo vụ việc, Tòa án có thẩm quyền rộng hơn so với trọng tài. Tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu như tất cả các loại tranh chấp phát sinh trong cuộc sống như kinh doanh thương mại, thừa kế, hôn nhân gia đình, trách nhiệm ngoài hợp đồng, v.v. Tòa án cũng có thể giải quyết những việc dân sự không phải là tranh chấp. Trong khi đó, trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại.

Thẩm quyền theo lãnh thổ: Đối với Tòa án, không phải vụ tranh chấp trong kinh doanh nào cũng được tòa thụ lý giải quyết. Đơn kiện chỉ được Tòa án thụ lý giải quyết khi được chuyển đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Ngược lại, trong tố tụng trọng tài không đặt ra vấn đề thẩm quyền về mặt lãnh thổ. Các bên tranh chấp có quyền lựa chọn bất cứ trung tâm trọng tài nào để giải quyết cho mình theo ý muốn và sự tín nhiệm của họ. Khi tranh chấp đã được các bên thỏa thuận đưa ra trung tâm trọng tài nào giải quyết thì trung tâm đó có quyền thụ lý tranh chấp. Như vậy, về thẩm quyền lãnh thổ thì trọng tài linh động hơn Tòa án.

3- Các giai đoạn tố tụng

Trong tố tụng trọng tài, trọng tài chỉ xét xử một lần các tranh chấp thương mại. Phán quyết của trọng tài là quyết định chung thẩm, có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị. Trong khi đó, trong tố tụng Tòa án có nhiều cấp xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, trong một số trường hợp phán quyết của Tòa án còn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Chính vì  thủ tục tố tụng Tòa án phải thông qua nhiều giai đoạn xét xử khác nhau đôi khi có thể dẫn tới việc kéo dài thời gian xét xử, đây là điều mà các nhà kinh doanh không mong muốn.

4- Điều kiện khởi kiện

Đối với tố tụng trọng tài, khi có tranh chấp xảy ra, các bên tranh chấp chỉ có thể đưa vụ tranh chấp ra trung tâm trọng tài để giải quyết khi đã có sự thỏa thuận trước về việc này. Điều này có nghĩa là: sự thỏa thuận trọng tài là điều kiện quyết định quyền khởi kiện của đương sự. Đây là điều mà không có trong tố tụng Tòa án: bất kỳ bên nào bị thiệt hại do hành vi vi phạm của bên còn lại đều có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp (trừ khi các bên đã thỏa thuận trọng tài).

5- Nguyên tắc xét xử tập thể

Tố tụng trọng tài không có nguyên tắc xét xử tập thể như trong tố tụng Tòa án. Việc chọn một hay nhiều trọng tài viên để giải quyết tranh chấp cho mình là quyền của các bên tranh chấp, pháp luật không can thiệp.

6- Tính công khai của hoạt động tố tụng

Trong tố tụng Tòa án, hầu hết các phiên tòa đều được tiến hành công khai, các bản án thường được công bố rộng rãi trước công chúng. Điều này dẫn đến khó khăn khi bảo vệ các thông tin bí mật. Trong khi đó, trong tố tụng trọng tài, mọi tình tiết và kết quả đều không được công bố công khai nếu không được sự chấp thuận của các bên. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác là một điểm phân biệt đáng chú ý giữa trọng tài và Tòa án. Trong khi tố tụng Tòa án và bản án của tòa về nguyên tắc được công khai thì tố tụng trọng tài và bản án trọng tài lại ngược lại. Ngoại trừ chính các bên tham gia tranh chấp và hội động trọng tài cùng những bên liên quan được các bên đồng ý thì không một ai khác được tham gia vào quá trình xét xử trọng tài. Bên cạnh đó, mỗi bên và hội đồng trọng tài cũng không được tiết lộ bất kỳ thông tin gì về tranh chấp và quá trình xét xử trọng tài ra ngoài mà không được sự đồng ý của bên còn lại. Phán quyết trọng tài là bảo mật và được giữ kín, không tiết lộ cho công chúng nếu các bên không có thỏa thuận khác. Pháp luật không bắt buộc các phiên họp xét xử trọng tài phải tiến hành công khai. Ngoài ra, quyết định của trọng tài cũng như những căn cứ để trọng tài ra quyết định sẽ không được công bố công khai trừ khi các bên có yêu cầu.

7- Tính mềm dẻo, linh hoạt trong thủ tục tố tụng

Tố tụng trọng tài là một thủ tục hết sức mềm dẻo và linh hoạt. Các thủ tục tố tụng đơn giản, thuận tiện, đảm bảo thời cơ kinh doanh của các bên tranh chấp, ví dụ: trong tố tụng trọng tài các bên có thể chọn tổ chức trọng tài, chọn trọng tài viên mà mình tín nhiệm, các bên cũng có thể chọn địa điểm để tiến hành trọng tài mà thấy là thuận tiện, thậm chí các bên có thể thỏa thuận với nhau lập ra quy tắc tố tụng áp dụng cho vụ kiện. Trong khi đó, tố tụng Tòa án bị ràng buộc bởi các quy tắc tố tụng nghiêm ngặt, phải tuân thủ các yêu cầu nhiều khi mang tính nghi thức, luật áp dụng được coi là bất di bất dịch.

8- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn."
 

0 bình luận, đánh giá về Phân biệt Trọng tài và Toà án

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.52505 sec| 966.516 kb