Phân loại cấu thành tội phạm

13/11/2024
Lê Hằng Nga
Lê Hằng Nga
CTTP được trình bày trên là CTTP cơ bản. Tuy nhiên, khái niệm CTTP cơ bản thường chỉ được sử dụng khi cần phân biệt với các CTTP khác còn trong trường hợp bình thường, khái niệm CTTP luôn được sử dụng với nghĩa là CTTP cơ bản. Như vậy, phân loại CTTP được hiểu có thể là phân loại CTTP thành CTTP cơ bản và các CTTP khác. Cách phân loại thứ hai là phân loại các CTTP cơ bản.

1- Phân loại CTTP thành CTTP cơ bản và CTTP khác 

Trong luật hình sự, do tính đa dạng của tội phạm, có thể có nhiều CTTP khác nhau cho một tội phạm cụ thể. Trước hết, nhà làm luật xây dựng cho mỗi tội phạm một CTTP cơ bản. Nội dung trình bày về CTTP tại mục 2 là về CTTP cơ bản. Đó là CTTP gồm những dấu hiệu đặc trưng có ở mọi trường hợp phạm tội của tội phạm nhất định, thể hiện tính nguy hiểm của tội phạm đó và cho phép phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác cũng như với trường hợp chưa phải là tội phạm. Trên cơ sở CTTP cơ bản, nhà làm luật căn cứ vào tình hình tội phạm và yêu cầu đấu tranh chống tội phạm ở từng tội phạm, có thể xây dựng một hoặc nhiều CTTP tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Những CTTP này bao gồm những dấu hiệu của CTTP cơ bản và những dấu hiệu bổ sung, phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tăng hoặc giảm so với trường hợp bình thường. Trong BLHS Việt Nam, các loại CTTP của tội phạm cụ thể được quy định trong cùng điều luật. Ba loại CTTP phản ánh ba loại trường hợp phạm tội có sự khác nhau đáng kể về mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội. 

Có thể hiểu khái quát ba loại CTTP đó như sau:

- CTTP cơ bản là CTTP chỉ có dấu hiệu định tội - dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội phạm này với tội khác cũng như cho phép phân biệt với trường hợp chưa phải là tội phạm. Ví dụ: CTTP quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS. CTTP này bao gồm những dấu hiệu cho phép phân biệt tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với các tội chiếm đoạt khác cũng như với trường hợp lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chưa phải là tội phạm mà mới chỉ là vi phạm. CTTP cơ bản thường được gọi tắt là CTTP.

- CTTP tăng nặng là CTTP mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường). Những dấu hiệu này được gọi là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng. Như vậy, CTTP tăng nặng là tổng hợp CTTP cơ bản với dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng. Ví dụ: CTTP được quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS (là CTTP cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) kết hợp với dấu hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 174 BLHS tạo thành CTTP tăng nặng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- CTTP giảm nhẹ là CTTP mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường). Những dấu hiệu này được gọi là dấu hiệu định khung hình phạt giảm nhẹ. Như vậy, CTTP giảm nhẹ là tổng hợp CTTP cơ bản với dấu hiệu định khung hình phạt giảm nhẹ. Ví dụ: CTTP được quy định tại khoản 1 Điều 108 BLHS (là CTTP cơ bản của tội phản bội Tổ quốc) kết hợp với dấu hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 108 BLHS tạo thành CTTP giảm nhẹ của tội phản bội Tổ quốc. 

Mỗi loại tội phạm có một CTTP cơ bản, ngoài ra có thể có một hoặc nhiều CTTP tăng nặng hay giảm nhẹ. 

Những dấu hiệu có thêm trong CTTP tăng nặng hoặc giảm nhẹ trong luật hình sự được gọi là những dấu hiệu định khung, vì khi thỏa mãn những dấu hiệu đó sẽ cho phép chuyển khung hình phạt được áp dụng từ khung bình thường lên khung tăng nặng hoặc xuống khung giảm nhẹ. Ví dụ: Cướp tài sản trong trường hợp bình thường (thoả mãn CTTP cơ bản) bị áp dụng khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù (khoản 1 Điều 168 BLHS); cướp tài sản trong trường hợp tăng nặng (thoả mãn CTTP tăng nặng) bị áp dụng khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù (khoản 2 Điều 168 BLHS) hoặc khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù (khoản 3 Điều 168 BLHS) hoặc khung hình phạt từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4 Điều 168 BLHS).

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Phân loại cấu thành tội phạm (cơ bản) thành cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hình thức

Các CTTP của tất cả các tội phạm cụ thể đều là hình thức phản ánh trong luật hình sự nội dung của bốn yếu tố CТТР nhưng được xây dựng với những đặc điểm cấu trúc khác nhau.

Có CTTP chỉ mô tả hành vi khách quan có tính gây thiệt hại cho xã hội là dấu hiệu phản ánh yếu tố mặt khách quan của tội phạm như CTTP tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS) nhưng cũng có CTTP mô tả cả hậu quả thiệt hại như CTTP tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180 BLHS); có CTTP hoàn toàn không có dấu hiệu phản ánh nội dung của khách thể như CTTP tội che giấu tội phạm (Điều 389 BLHS) nhưng cũng có CTTP có dấu hiệu phản ánh toàn bộ hoặc một bộ phận của khách thể như CTTP tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS). Bên cạnh những CTTP không có dấu hiệu mục đích phạm tội như CTTP tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh (Điều 347 BLHS) cũng có những CTTP được phân biệt với những CTTP khác bởi dấu hiệu này như CTTP của các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Căn cứ vào những đặc điểm cấu trúc khác nhau như vậy, có thể phân chia CTTP thành các loại CTTP khác nhau.

Dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan có thể chia CTTP thành CTTP vật chất và CTTP hình thức:

- CTTP vật chất là CTTP mà trong đó có các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại do hành vi gây ra. CTTP vật chất cũng có thể được định nghĩa ngắn gọn là CTTP mà trong đó có dấu hiệu hậu quả thiệt hại.

- CTTP hình thức là CTTP mà trong đó có dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi khách quan mà không có dấu hiệu hậu quả thiệt hại. CTTP hình thức cũng có thể được định nghĩa ngắn gọn là CTTP mà trong đó không có dấu hiệu hậu quả thiệt hại.

Như vậy, điểm khác nhau giữa CTTP vật chất và CTTP hình thức ở chỗ dấu hiệu hậu quả thiệt hại được hay không được mô tả trong CTTP. Việc xác định tội phạm có CTTP vật chất hay có CTTP hình thức phải dựa vào quy định của luật, tránh sai lầm cho rằng nếu có hậu quả thiệt hại xảy ra thì tội phạm đang xem xét có CTTP vật chất hay ngược lại, nếu hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả thiệt hại thì tội có CTTP hình thức. Việc xây dựng CTTP cơ bản của tội phạm cụ thể là CTTP vật chất hay CTTP hình thức được dựa trên một số nguyên tắc chung sau:

- Nếu riêng hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm hoặc hậu quả của tội phạm là hậu quả khó xác định thì CTTP thường được xây dựng là CTTP hình thức.

- Nếu riêng hành vi có tính gây thiệt hại chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà đòi hỏi phải có cả hậu quả của tội phạm thì CTTP thường được xây dựng là CTTP vật chất.

Dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm, còn có thể phân loại CTTP thành loại CTTP thứ ba - CTTP cắt xén như tên gọi hiện nay. Trong CTTP loại này, cũng giống như trong CTTP hình thức, chỉ có dấu hiệu hành vi mà không có dấu hiệu hậu quả. Nhưng khác với CTTP hình thức, dấu hiệu hành vi trong CTTP cắt xén không phải là hành vi cụ thể mà là “chuỗi” các hành vi không xác định hướng tới mục đích cụ thể. Để thể hiện “chuỗi” hành vi đó có thể sử dụng dấu hiệu “hoạt động”. CTTP tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 BLHS) là CTTP thuộc loại này. Trong CTTP của tội này, dấu hiệu hành vi “hoạt động” thành lập, “hoạt động” tham gia tổ chức có mục đích lật đổ chính quyền phản ánh hành vi khách quan là hành vi bất kỳ hướng tới việc thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền. Trước BLHS năm 1985, luật hình sự Việt Nam chưa sử dụng dấu hiệu “hoạt động” mà sử dụng dấu hiệu “âm mưu”. Dấu hiệu này chưa chính xác vì “âm mưu” thường được hiểu không phải là hành vi mà thuộc về suy nghĩ chủ quan. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Phân loại cấu thành tội phạm được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 

[b] Bài viết Phân loại cấu thành tội phạm có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Phân loại cấu thành tội phạm

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16280 sec| 968.063 kb