Phân loại tội phạm
1- Nguyên tắc phân loại tội phạm
Tội phạm bao gồm từ những hành vi có tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia như hành vi phản bội Tổ quốc (Điều 108 BLHS) đến những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội không lớn như hành vi chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176 BLHS). Những hành vi phạm tội cụ thể không những có sự khác nhau về nguyên nhân, về tính chất của các quan hệ xã hội bị xâm hại mà còn có sự khác nhau ngay ở tính chất và mức độ nguy hiểm của hậu quả do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra cũng như ở nhiều tình tiết khách quan và chủ quan khác.
Tội phạm có chung dấu hiệu là tính nguy hiểm cho xã hội nhưng mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội không phải như nhau mà có sự khác nhau giữa các tội phạm cũng như giữa các trường hợp phạm tội của tội cụ thể. Chính do sự khác nhau như vậy mà vấn đề phân hóa và cá thể hóa hình phạt nói riêng cũng như TNHS nói chung đã được đặt ra và được coi là nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam. Trong đó, phân hóa TNHS là sự phân hóa trong luật còn cá thể hóa TNHS là sự phân hóa trong áp dụng. Trước hết đòi hỏi phải có sự phân hóa TNHS trong luật và sự phân hóa này là cơ sở để có thể cá thể hóa TNHS trong áp dụng.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Phân loại tội phạm
Thể hiện nguyên tắc phân hóa TNHS, luật hình sự Việt Nam phần tội phạm thành bốn nhóm tội phạm khác nhau: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo khoản 1 Điều 9 BLHS, các nhóm tội phạm được định nghĩa như sau: "a. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; b. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù; c. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù; d. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình".
Theo định nghĩa này, các nhóm tội phạm được phân biệt với nhau bởi dấu hiệu về nội dung và dấu hiệu về hậu quả pháp lý. Nếu như tội phạm nói chung có dấu hiệu về nội dung là tính nguy hiểm cho xã hội và dấu hiệu về hậu quả pháp lý là tính phải chịu hình phạt thì các nhóm tội phạm cũng có những dấu hiệu đó, vì đều là tội phạm nhưng với những nội dung cụ thể khác nhau. Mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội được cụ thể hóa ở tội ít nghiêm trọng là không lớn; ở tội nghiêm trọng là lớn; ở tội rất nghiêm trọng là rất lớn và ở tội đặc biệt nghiêm trọng là đặc biệt lớn. Tương ứng và phù hợp với bốn mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội đã được phân hóa như vậy cũng có bốn mức cao nhất của khung hình phạt: Đến 3 năm tù; đến 7 năm tù; đến 15 năm tù và trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Trong hai dấu hiệu phân biệt các nhóm tội phạm này với nhau, dấu hiệu về nội dung quyết định dấu hiệu về hậu quả pháp lý. Sự xác định dấu hiệu về hậu quả pháp lý thể hiện ở mức cao nhất của khung hình phạt chỉ là kết quả đánh giá của các nhà làm luật về sự cần thiết phải áp dụng các mức hình phạt khác nhau đối với những hành vi phạm tội có tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Nhưng khi đã được xác định, mức cao nhất của khung hình phạt trở thành dấu hiệu có tính độc lập tương đối để phân biệt các nhóm tội phạm với nhau, không phụ thuộc vào mức hình phạt cụ thể được áp dụng.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
3- Ý nghĩa của việc phân loại tội phạm
Sự phân hóa thành bốn nhóm tội phạm như vậy vừa là biểu hiện cơ bản của sự phân hóa TNHS vừa là cơ sở thống nhất cho sự phân hóa TNHS trong BLHS. Sự phân hóa này là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng các khung hình phạt cho các tội phạm cụ thể cũng như cho việc xây dựng trong luật hình sự và trong các ngành luật khác có liên quan các quy định thể hiện sự phân hóa trong chống các loại tội phạm khác nhau. Đó là những căn cứ pháp lý thống nhất để các chủ thể áp dụng pháp luật thực hiện được nguyên tắc cá thể hóa TNHS khi áp dụng luật hình sự.
Trong áp dụng luật hình sự, việc xác định tội phạm đã thực hiện thuộc loại tội phạm nào có ý nghĩa đối với việc áp dụng nhiều quy định của BLHS. Ví dụ: Khoản 2 Điều 12; Điều 27 v.v.. Ngoài ra, việc xác định này cũng có ý nghĩa đối với việc áp dụng một số quy định của các ngành luật có liên quan đến vấn đề TNHS như luật tố tụng hình sự...
Với cách hiểu, tội phạm chỉ là tội phạm do “người có năng lực trách nhiệm hình sự” thực hiện và trong trường hợp được luật quy định, pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với người phạm tội đó thì quy định trên đây (khoản 1 Điều 9 BLHS) về phân loại tội phạm là đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, quy định này có thể được cho là chưa đầy đủ, chưa rõ ràng khi quan niệm còn có tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện và việc phân loại tại khoản 1 Điều 9 mới là việc phân loại tội phạm do “người có năng lực trách nhiệm hình sự” thực hiện. Từ đó, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định về việc phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện (khoản 2 Điều 9 BLHS) nhưng nội dung này không có gì khác so với nội dung tại khoản 1 Điều 9 BLHS.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Phân loại tội phạm được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Phân loại tội phạm có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm