Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Hãy để công lý được thực hiện cho dù bầu trời có sụp đổ"
- John Adams
Việc nghiên cứu kỹ các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án giúp cho Luật sư nắm được bản chất của vụ việc, các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, trên cơ sở đó xác định sự thật khách quan về vụ án. Hồ sơ vụ án do pháp nhân thương mại phạm tội thường có rất nhiều bút lục, ngoài các văn bản, tài liệu về các hoạt động tố tụng còn có những chứng cứ, tài liệu về cơ cấu tổ chức của pháp nhân thương mại, hoạt động của Hội đồng quản trị hoặc của Tổng Giám đốc hay Giám đốc, hoạt động sản xuất, kinh doanh, các loại họp đông, hóa đơn, chứng từ..
Luật sư hình sự cần phải có phương pháp khoa học đế nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện nhất hồ sơ vụ án, trên cơ sở đó có sự đánh giá tổng hợp, đầy đủ các chứng cứ, tài liệu buộc tội và gỡ tội, không bỏ sót các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết quan trọng về vụ án. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư hình sự phải lập tiểu hồ sơ (trong đó ghi tóm tắt nội dung các tài liệu đã nghiên cứu; những điểm vi phạm tố tụng, các tình tiết mâu thuẫn hoặc chưa được làm rõ, sao chụp tài liệu cần thiết liên quan đến việc bào chữa) để tiện lợi sử dụng cho việc xây dựng kế hoạch tham gia xét hỏi tại phiên tòa, dự thảo luận cứ bào chữa; đề xuất, trao đổi với Viện kiểm sát, Tòa án các vấn đề về thủ tục tố tụng, về thu thập bổ sung chứng cứ.
Bộ luật hình sự năm 2015 đã chính thức quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đánh dấu bước phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của pháp luật hình sự trên thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu phòng và đấu tranh chống tội phạm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân (tổ chức) đã được quy định từ lâu trong luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới và cho đến nay đã có hơn 100 quốc gia quy định chế định này. Tuy nhiên, do có sự khác nhau trong cách tiếp cận về cơ sở lý luận và sự khác nhau về hệ thống pháp luật, về các điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội nên chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân (tổ chức) trong luật hình sự ở mỗi quốc gia có sự khác nhau về nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp. Trên cơ sở học tập, tiếp thu kinh nghiệm của nhiều quốc gia và trên cơ sở các điều kiện của Việt Nam, chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự năm 2015 được quy định dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn lập pháp có tính chất tiến bộ và phố biến trên thế giới, đồng thời có những đặc điểm riêng biệt.
Trong Bộ luật hình sự năm 2015, những vấn đề chung nhất về trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định trong một số điều luật ở phần chung, đồng thời những nội dung cụ thể có tính đặc thù được quy định ở Chương XI, từ Điều 74 đến Điều 89. Qua các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 cho thấy: phạm vi pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại; pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có những điều kiện nhất định; pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong phạm vi những tội phạm nhất định; trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Các hình phạt áp dụng cho pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 33 và được cụ thể tại Điều 77, Điều 78 và Điều 79; trong đó bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung. Hình phạt chính gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; các hình phạt bổ sung gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền, nếu không được áp dụng là hình phạt chính. Ngoài các hình phạt được quy định nêu trên, Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại tại các Điều 47, Điều 48 và khoản 1 Điều 82 và một số biện pháp khác buộc pháp nhân thương mại phải thực hiện nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tội phạm tại khoản 2 Điều 82.
Như vậy, mặc dù trong Bộ luật hình sự quy định “pháp nhân thương mại phạm tội ” nhưng cần phải hiểu rằng tội phạm là do cá nhân thực hiện nhưng pháp nhân thương mại bị quy kết là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng, cho phép việc chứng minh các vấn đề của tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự có thể dựa trên cơ sở hành vi phạm tội của cá nhân.
Thứ nhất, Luật sư hình sự phải đặc biệt chú ý đến các chứng cứ, tài liệu để xác định các dấu hiệu khách quan của tội phạm là căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì đây cũng chính là các căn cứ để Luật sư hình sự kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ, thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc chuyển sang tội khác nhẹ hơn.
Ví dụ:
Ngày 20/6/2018, Hải quan bắt giữ một lô gỗ trắc của Công ty X được vận chuyển từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu cầu Treo - Hà Tĩnh. Qua kiểm tra cho thấy số lượng gỗ thực tế trên các xe tái nhiều hom 25m3 so với số lượng gỗ 70m3 ghi trên các chứng từ xuất nhập khẩu. Công ty X bị khởi tố, điều tra và truy tố về tội "buôn lậu ” (với số lượng gỗ trắc là 95m3) theo điểm c khoản 6 Điều 188 Bộ luật hình sự. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư thấy rằng thực tế số gỗ trắc nhập khẩu trái phép (nhập lậu) chỉ là 25m3 (tức là chỉ có số lượng gỗ vượt quá số lượng được phép nhập khẩu mới bị coi là nhập lậu). Sau khi có kiến nghị của Luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành điều tra bổ sung và thay đổi kết luận điều tra và cáo trạng truy tố Công ty X về tội "buôn lậu ” (với số lượng gỗ trắc là 25m3) theo điểm a khoản 6 Điều 188 Bộ luật hình sự.
Thứ hai, Luật sư hình sự phải kiểm tra kỹ tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của các chứng cứ, tài liệu để xác định giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Đặc biệt cần chú trọng kiểm tra về thủ tục tố tụng (hình thức, thẩm quyền và nội dung) của các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, các biên bản phạm pháp quả tang, khám xét, thu giữ, niêm phong vật chứng, tài liệu, tài sản... Chú ý: Các tài liệu photocopy phải có dấu xác nhận hợp pháp “sao lại” hoặc “sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền (cơ quan ban hành hoặc cơ quan tiến hành tố tụng)...
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ các tài liệu, hồ sơ của pháp nhân thương mại (như: quyết định thành lập, giấy phép đăng ký kinh doanh, điều lệ doanh nghiệp, quy chế hoạt động,...) và các yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp (như: tình hình sản xuất, kinh doanh, việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp trước khi xảy ra vụ việc; việc cấp vốn, huy động vốn; tình hình nhân sự, năng lực và trình độ quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp...).
Thứ tư, Luật sư hình sự cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế, bảo vệ môi trường có liên quan đến lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự (như: các văn bản pháp luật quy định về xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất... nếu là các vụ án buôn lậu hay vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hoặc các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ môi trường hay xuất nhập khẩu phế liệu, hàng hóa..., nếu là các vụ án về tội phạm môi trường...) để đối chiếu hành vi vi phạm có cấu thành tội phạm hay chỉ là vi phạm pháp luật hành chính, dân sự, kinh tế...
Thứ năm, Luật sư hình sự cần nghiên cứu kỹ các tài liệu, kết quả giám định, định giá tài sản... đối với các vụ án mà định lượng, giá trị hàng hóa, tài sản hay thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra là dấu hiệu định tội hoặc định khung tăng nặng (như: các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm...).
Sau khi đã kiểm tra, đánh giá từng chứng cứ, Luật sư hình sự phải đánh giá tổng hợp toàn diện, đầy đủ về giá trị chứng minh của tất cả các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ để nắm vững nội dung vụ án, các chứng cứ có lợi, bất lợi cho pháp nhân thương mại; những điểm mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tài liệu cần được làm sáng tỏ theo hướng có lợi cho khách hàng... trên cơ sở đó Luật sư hình sự cần xác định rõ các vấn đề cụ thể sau đây: Vụ án đã đủ chứng cứ để giải quyết hay chưa; Có căn cứ để đình chỉ vụ án hay không; Quá trình thu thập chứng cứ. tài liệu, đồ vật có vi phạm tố tụng hoặc mâu thuẫn với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ; Có chứng cứ chứng minh về sự vô tội của pháp nhân thương mại (như: hành vi của pháp nhân thương mại không đủ điều kiện phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015; hoặc hành vi của pháp nhân thương mại không thuộc phạm vi các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật hình sự năm 2015); Hành vi của pháp nhân thương mại cấu thành tội phạm nào và theo quy định tại điều khoản nào của Bộ luật hình sự; Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng; Loại hình phạt, mức hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) cụ thể và các biện pháp tư pháp nào có thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại theo quy định; Trách nhiệm dân sự và mức độ thiệt hại mà pháp nhân thương mại có thể phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm