Một số quy định về thừa kế theo di chúc

17/12/2022
Cá nhân có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình, người thừa kế có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc. Thừa kế là vấn đề thường sảy ra nhiều tranh chấp. Vậy tại sao cần có thừa kế theo pháp luật? Những trường hợp nào được thừa kế theo pháp luật? Những ai được hưởng thừa kế theo pháp luật? Bài viết sau sẽ trả lời cho các câu hỏi trên:

Cá nhân có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình, người thừa kế có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc. Thừa kế là vấn đề thường sảy ra nhiều tranh chấp. Vậy tại sao cần có thừa kế theo pháp luật? Những trường hợp nào được thừa kế theo pháp luật? Những ai được hưởng thừa kế theo pháp luật? Bài viết sau sẽ trả lời cho các câu hỏi trên:

1. Thừa kế là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thừa kế được hiểu là việc chuyển dịch tài sản cuả nguời đã mất cho người còn sống. Tài sản mà người đã mất để lại được gọi là di sản thừa kế. Người còn sống hay còn được gọi là người hưởng di sản thừa kế sẽ được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế tuỳ thuộc vào di chúc hoặc quy định của pháp luật trong trường hợp không có di chúc. Người được hưởng di chúc chỉ được hưởng di sản thừa kế sau khi người để lại di sản mất đi.

2. Thừa kế theo di chúc, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và hiệu lực của di chúc

2.1 Thừa kế theo di chúc

 Thừa kế theo di chúc được quy định tại Chương XXII, Bộ luật dân sự năm 2015 (từ điều 624 đến điều 648). Trong đó quy định cụ thể về các hình thức di chúc như: Di chúc miệng, di chúc bằng văn bản, di chúc bằng văn bản có người làm chứng và không có người làm chứng ... Tóm lại, có thể hiểu rằng: Quyền định đoạt tài sản thông qua di chúc là quyền cơ bản của người có tài sản và được pháp luật bảo vệ.

Thừa kế theo di chúc là hình thức được ưu tiên cao nhất về thừa kế. Tức là, chỉ khi không có di chúc hoặc di chúc bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ thì mới xem xét đến việc định đoạt tài sản của người lập di chúc bằng hình thức khác (thừa kế theo pháp luật).

Ví dụ: Ông A, qua đời để lại di chúc chia toàn bộ di sản thừa kế cho con trai cả của mình.  Ý nghuyện của ông A được thể hiện qua di chúc của mình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ điều đó.

2.2 Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc 

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

   Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

   Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Lưu ý: Quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự 2015. (Điều 644 Bộ Luật Dân Sự 2015)

2.3 Hiệu lực của di chúc

   Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

   Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

     Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

     Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Lưu ý: Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực: Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực; Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực; Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực

(Điều 643 Bộ Luật Dân Sự 2015)

3. Thừa kế theo pháp luật và những trường hợp thừa kế theo pháp luật

3.1 Thừa kế theo pháp luật

Căn cứ theo quy định tại điều 649, Bộ Luật Dân sự 2015  quy định về thừa kế theo pháp luật "Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định".

Như vậy, có thể hiểu thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Thừa kế theo pháp luật được sử dụng trong trường hợp người đã mất không để lại di chúc hoặc di chúc để lại vi phạm quy định cấm của pháp luật.

Người để lại di sản có quyền sở hữu ( chiếm hữu, sử dụng và định đoạt )  với tài sản của mình, sau khi chết, số tài sản còn lại được chia đều cho những người thừa kế theo đúng quy định của pháp luật. Người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và nuôi dưỡng. Những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận.

3.2  Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015, quy định về Những trường hợp thừa kế theo pháp luật thì những trường hợp sau sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật 

   Không có di chúc

   Di chúc không hợp pháp

   Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế

   Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản

4. Những người được hưởng di sản thừa kế, di sản dùng vào việc thờ cúng và di tặng

4.1 Những người được hưởng di sản thừa kế

Căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật thì những người sau sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật

Về hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết

   Người thừa kế là vợ (chồng): Cơ sở để xác định vợ, chồng được thừa kế di sản của nhau là phải có quan hệ vợ chồng. Quan hệ vợ chồng được xác lập thông qua việc kết hôn đã được quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Ngoài ra Điều 655 BLDS quy định về Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác như sau: Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

Lưu ý: Trong thực tế xảy ra những trường hợp vợ, chồng có mâu thuẫn, không muốn li hôn mà muốn sống riêng nên chia tài sản chung. Sau đó một người chết, về mặt pháp lí thì họ vẫn là vợ chồng, do đó người còn sống vẫn được thừa kế di sản của người đã chết. Khi người chồng hoặc vợ chết thì người vợ hoặc người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất. Nếu họ không khước từ thừa kế thì đương nhiên có quyền sở hữu đối với phần tài sản mình được thừa kế. 

   Người thừa kế là cha, mẹ, con: Cha, mẹ là người thừa kế hàng thứ nhất của con đẻ và con đẻ là người thừa kế hàng thứ nhất của cha, mẹ đẻ mình. Con đẻ bao gồm cả con trong giá thú và ngoài giá thú, cho nên con ngoài giá thú cũng là người thừa kế hàng thứ nhất của cha mẹ mình. Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế tài sản của nhau và còn được thừa kế tài sản theo quy định về thừa kế thế vị và theo quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ. Về phía gia đình cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi chỉ có quan hệ thừa kế với cha nuôi, mẹ nuôi mà không có quan hệ thừa kế với cha mẹ và con đẻ của người nuôi con nuôi. Cha mẹ đẻ của người nuôi con nuôi cũng không được thừa kế của người con nuôi đó.

Lưu ý: Trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi kết hôn với người khác thì người con nuôi không đương nhiên trở thành con nuôi của người đó cho nên họ không phải là người thừa kế của nhau theo pháp luật. Người đã làm con nuôi người khác vẫn có quan hệ thừa kế với cha, mẹ đẻ, ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác, cô, dì, chú, cậu ruột như người không làm con nuoi của người khác. Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế tài sản của nhau và còn được thừa kế thế vị và thừa kế theo quy định về Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ tại Điều 653 Bộ Luật Dân sự.

Về Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

   Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là những người thừa kế hàng thứ hai của cháu nội, cháu ngoại. Ngược lại, pháp luật dự liệu các trường hợp người chết không còn các con hoặc có con nhưng con không có quyền thừa kế, từ chối nhận di sản thì cháu sẽ được thừa kế của ông, bà. Anh ruột, chị ruột, em ruột là người thừa kế hàng thứ hai của nhau. Anh ruột, chị ruột, em ruột là anh chị em cùng mẹ hoặc cùng cha. Một người mẹ có bao nhiêu con đẻ thì bấy nhiêu người con đó là anh, chị, em ruột của nhau, không phụ thuộc vào việc các người con cùng cha hay khác cha, là con trong giá thú hay ngoài giá thú.

   Con riêng của vợ và con riêng của chồng không phải là anh chị em ruột của nhau. Con nuôi của một người không đương nhiên trở thành anh, chị, em của con đẻ người đó. Do đó, con nuôi và con đẻ của một người không phải là người thừa kế hàng thứ hai của nhau vì họ không phải là anh, chị, em ruột. Người làm con nuôi của người khác vẫn là người thừa kế hàng thứ hai của anh chị em ruột của mình. Người có anh, chị, em ruột làm con nuôi của người khác vẫn là người thừa kế hàng thứ hai của người đã làm con nuôi của người khác đó.

Về hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. Cụ nội của một người là người sinh ra ông nội hoặc bà nội của người đó. Cụ ngoại của một người là người sinh ra ông ngoại hoặc bà ngoại của người đó. Trường hợp cụ nội, cụ ngoại chết không có người thừa kế là con và cháu hoặc có người thừa kế nhưng họ đều từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản thì chắt sẽ được hưởng di sản của cụ.

Lưu ý: Những người là bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột được hiểu như sau:

Bác ruột là anh ruột hoặc chị ruột của cha đẻ hoặc mẹ đẻ của cháu. Chú ruột, cô ruột là em ruột của cha đẻ của cháu. Cậu ruột, dì ruột là em ruột của mẹ đẻ của cháu. Trường hợp người chết là bác ruột, chú ruột, cô tuột, cậu ruột, dì ruột mà không có người thừa kế hàng thứ nhất và thứ hai hoặc có nhưng họ đều không nhận di sản hay không có quyền nhận di sản thì cháu ruột sẽ được hưởng di sản. Ngược lại, nếu cháu ruột chết mà không có người thừa kế hàng thứ nhất và thứ hai hoặc có nhưng họ không nhận di sản hay không có quyền nhận di sản thì bác ruột, chú ruột, cô tuột, cậu ruột, dì ruột của người chết được hưởng di sản

4.2  Di sản dùng vào việc thờ cúng

Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.  Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

(Điều 645 Bộ Luật Dân Sự 2015)

4.3  Di tặng 

Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc. Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

(Điều 646 Bộ Luật Dân Sự 2015)

  

 

0 bình luận, đánh giá về Một số quy định về thừa kế theo di chúc

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.05941 sec| 990.023 kb