Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân

03/12/2022
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

1- Khái niệm bất khả xâm phạm

Bất khả xâm phạm là quyền không thể xâm phạm đến của cá nhân, tổ chức hoặc lớn hơn là một quốc gia nào đó. Pháp luật bảo vệ quyền bất khả xâm phạm đó. Đối với công dân, theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì công dân có 02 quyền bất khả xâm phạm về thân thể và chỗ ở.

2- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân

Điều 20 Luật Hiến pháp năm 2013 quy định

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về  quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể

1. Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể.

2. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế; cơ sở y tế không được từ chối việc cứu chữa mà phải tận dụng mọi phương tiện, khả năng hiện có để cứu chữa.

3. Việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người, việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép bộ phận của cơ thể phải được sự đồng ý của người đó; nếu người đó chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người trên thì phải có quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế.

a) Có sự đồng ý của người quá cố trước khi người đó chết;

b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ khi không có ý kiến của người quá cố trước khi người đó chết;

c) Theo quyết định của tổ chức y tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.

3- Phân tích quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân

Kể từ khi thế giới loài người được hình thành, quyền con người đã được bảo vệ, biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau. Cùng với sự phát triển của thế giới, sự hình thành của các quốc gia và những thành tựu, tiến bộ về văn hóa, khoa học, kĩ thuật, công nghệ, quyền con người ngày càng được trú trọng hơn, cụ thể là đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật của từng quốc gia. Tại Việt Nam hiện nay, quyền con người cũng được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự…

Theo đó, con người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm và được đảm bảo về sức khỏe, bảo vệ khỏi bất cứ một hình thức nào có thể xâm hại đến tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm. Tuy rằng, pháp luật đã có những quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của công dân, nhưng trên thực tế vẫn luôn tồn tại những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, xâm hại đến quyền con người.

Tính mạng con người vô cùng quan trọng, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, bất cứ cá nhân nào cũng có quyền được bảo hộ một cách tối đa nhất có thể, không ai có quyền xâm phạm, xâm hại đến tính mạng, thân thể hay về sức khỏe. Trên thực tế, dù là những hành vi do lỗi cố ý hay là lỗi vô ý mà gây ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe của con người đều sẽ phải chịu những trách nhiệm nhất định trước người bị thiệt hại và trước pháp luật.

Trong trường hợp có người nhận thấy tính mạng của ai đó có thể gặp nguy hiểm, bị đe dọa về tính mạng do bị bệnh hoặc do gặp tai nạn, sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì người phát hiện ra phải thực hiện ngay việc trình báo hoặc liên hệ, yêu cầu người, tổ chức có khả năng đưa người đó đi điều trị ngay đến nơi khám chữa bệnh thuận tiện nhất và gần nhất để kịp thời sơ cứu, khám bệnh và chữa bệnh, đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người bị thiệt hại.

Đối với bất cứ hoạt động nào liên quan đến mô, tế bào hoặc bộ phận trên cơ thể người đều phải có ý kiến xác nhận đồng ý cho phép của người đó hoặc trường hợp thử nghiệm đối với cơ thể người thì người đại diện, người giám hộ hợp pháp của người đó đồng ý, xác nhận nếu người đó thuộc đối tượng người chưa thành niên, người mất hoặc không đầy đủ về mặt năng lực hành vi dân sự hoặc đang hôn mê, bất tỉnh và việc này phải được thực hiện bởi tổ chức có thẩm quyền.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người còn được bảo hộ không chỉ khi người đó còn sống mà ngay cả khi mất đi vẫn được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Điều này được thể hiện thông qua quy định của pháp luật trong việc khám nghiệm tử thi của người đã mất: để thực hiện việc khám nghiệm tử thi phải có sự đồng ý của người đó trước khi mất hoặc khi không có ý kiến của người được khám nghiệm tử thi thì phải có sự đồng ý người thân, người giám hộ của người đó hoặc chỉ có cá nhân đứng đầu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới được phép ra quyết định về việc khám nghiệm tử thi.

Từ những phân tích trên có thể thấy pháp luật Viêt Nam vô cùng trú trọng đến quyền bất khả xâm phạm của con người. Để duy trì, đảm bảo được các quyền tự do cho công dan, đặc biệt là quyền về bất khả xâm phạm về thân thể thì trách nhiệm của Nhà nước là vô cùng quan trọng, trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, luôn phải đề cao quyền con người của công dân, ban hành những quy định pháp luật phù hợp, thiết thực nhất gần gũi với những khía cạnh của đời sống. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp xử lí chặt chẽ, nghiêm khắc và thích đáng đối với những hành vi xâm hại đến quyền con người.

 

 

0 bình luận, đánh giá về Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.19411 sec| 958.461 kb