Quyền bình đẳng trước pháp luật là gì?

24/12/2022
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị , dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bình đẳng trước pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản, được thể chế hóa trong nhiều văn kiện quốc gia.

1- Quyền bình đẳng trước pháp luật

Quyền bình đẳng trước pháp luật là một quyền con người. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, quyền có vị thế ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Nó được xem xét ở các cấp độ khác nhau. Trước hết, quyền bình đẳng trước pháp luật được thể hiện là nhu cầu của một chủ thể tự nhiên với tư cách là một con người buộc phải có và cần phải có. Thứ hai, quyền bình đẳng trước pháp luật là một giá trị của xã hội loài người. Thứ ba, người ta thực hiện quyền bình đẳng đó bằng công cụ pháp luật thông qua việc thể chế hóa và tạo ra cơ chế bảo vệ khi nó bị xâm phạm. Nói cách khác, quyền bình đẳng trước pháp luật là sự bao quát gần như toàn bộ các quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội dưới vùng "phủ sóng” của pháp luật. Điều này được quyết định bởi thuộc tính, vai trò của pháp luật trong xã hội với tư cách là các quy phạm do nhà nước ban hành, thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong điều chỉnh pháp luật là bình đẳng. Cách tiếp cận này phù hợp với các Điều 6, 7 Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền (UDHR) quy định về quyền bình đẳng và quyền bình đẳng trước pháp luật mà Công ước về quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã cụ thể hóa.

2- Quyền bình đẳng trước pháp luật trong Hiến pháp Việt Nam

Quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam đã được thể hiện ngay từ Hiến pháp 1946 - một bản Hiến pháp được ca ngợi ở nhiều phương diện trong đó có phương diện bảo vệ quyền con người và quyền bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn Điều 6, 7 Hiến pháp 1946 quy định: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”; "Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”.

Kế thừa tư tưởng lập hiến tiến bộ trong đó có những tư tưởng văn minh tiến bộ về quyền con người có từ những năm đầu thế kỷ và đặc biệt là Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1992 tái khẳng định quyền bình đẳng trước pháp luật tại Điều 51 bằng việc khẳng định: Công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật. Đến Hiến pháp 2013, tại Điều 16 quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền Hiến định và bình đẳng trước pháp luật là nguyên tắc Hiến định. Chính vì vậy, nó không chỉ được thể hiện và cụ thể hóa trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong tất cả các lĩnh vực cụ thể của quan hệ pháp luật như: Điều 3, Điều 16 -18 và Điều 19 - 24 Bộ luật Dân sự (2015); Điều 9 Bộ luật Tố tụng Hình sự (2015); Điều 2 Luật Quốc tịch (2008)....

Trên bình diện thể chế hóa quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam có thể đưa ra nhận xét sau đây:

Thứ nhất, bình đẳng trước pháp luật là một nội dung xuyên suốt tư tưởng lập hiến Việt Nam. Nó được khẳng định và thể hiện một cách nhất quán trong các bản Hiến pháp Việt Nam. Xu hướng chung là quyền bình đẳng trước pháp luật ngày càng được bổ sung trong nhiều lĩnh vực.

Thứ hai, quyền bình đẳng trước pháp luật xuất hiện với tư cách là một quyền trong tất cả các bản Hiến pháp nhưng mức độ thể hiện của nó trong các bản Hiến pháp và các lĩnh vực quan hệ pháp luật khác là không giống nhau, lúc thăng lúc trầm. Có khi nó được thể hiện giản dị, mạch lạc và tương đối đầy đủ trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 nhưng cũng có thời điểm, quyền này bị cắt xén, hạn chế, thậm chí phủ nhận trong Hiến pháp 1959 và 1980. Ví dụ quyền tự ứng cử chỉ xuất hiện trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959; quyền bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế có lúc bị triệt tiêu; quyền tự do xuất bản quy định trong Hiến pháp 1946 không thấy xuất hiện trở lại trong các bản Hiến pháp sau này.

Thứ ba, quyền bình đẳng trước pháp luật của con người trong mối quan hệ với Nhà nước chưa thiết lập được thế quân bình. Nói cách khác, bình đẳng trước pháp luật chỉ được đặt trong mối quan hệ giữa công dân với nhau. Sự bình đẳng trước pháp luật của công dân với Nhà nước còn mờ nhạt.

3- Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật trong tố tụng hình sự

Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định:

“Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế".

Trong tố tụng hình sự, sự bình đẳng trước pháp luật trước hết là sự bình đẳng trong địa vị pháp lý tố tụng. Cụ thể hơn, chẳng hạn, đều là bị can, bị cáo trong một loại vụ án thì đều phải được có các quyền và được quy định nghĩa vụ tố tụng như nhau, không phân biệt đối xử theo các yếu tố địa vị xã hội, chức vụ, giới tính, tôn giáo, dân tộc. Sự bình đẳng pháp lý đó còn được bổ sung bởi đòi hỏi về công bằng trong trường hợp một người, vì lý do khiếm khuyết về thể chất, tinh thần và lứa tuổi mà không thể sử dụng được các quyền tố tụng của họ. Chẳng hạn, khi lấy lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải bảo đảm sự có mặt của người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 421). Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa (Điều 19); quyền được cung cấp bản cáo trạng, quyết định đưa ra vụ án ra xét xử (các Điều 49 và 182); quyền được dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và quyền có phiên dịch của bị cáo (Điều 24); quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án và khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng (Điều 231); quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự do bị xét xử trái pháp luật (Điều 29).

Bộ luật hình sự năm 2015 đã coi pháp nhân thương mại là chủ thể của trách nhiệm hình sự (các điều 8, 33, 74 đến 89). Hiến pháp năm 2013 đã xác định: “Các thành phần kinh tê đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (khoản 2 Điều 51). Để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã xác định nguyên tắc bảo hộ danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân trong các hoạt động tố tụng hình sự.

4- Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử

Tại phiên tòa, dù là bị cáo hay bị hại cũng như những người có liên quan có tư cách khác nhau đều có cơ hội và quyền năng ngang nhau trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước phiên tòa. Tuy nhiên, trong xét xử vụ án hình sự của Tòa án nhân dân, cốt lỗi của quyền bình đẳng là quyền của bên buộc tội và bên gỡ tội có cơ hội, điều kiện như nhau để bảo vệ mình mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Để quyền bình đẳng được bảo đảm thực hiện, Trong quá trình xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm làm việc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Tòa án phải bảo đảm  các nguyên tắc cơ bản do pháp luật quy định như bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo; bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước Tòa án; không ai bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa.

5- Hoạt động của Luật sư giúp bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật

Hoạt động của luật sư được bảo đảm nhằm giúp cá nhân, tổ chức bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng. Bộ luật Tố tụng Hình sự và chủ trương cải cách tư pháp của Nhà nước nhấn mạnh yêu cầu “bảo đảm tranh tụng với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.

Các đạo luật quy định quyền của luật sư được cụ thể hóa theo hướng thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp về tranh tụng, về nguyên tắc phải có luật sư của bị cáo... để bảo đảm tốt hơn quyền được xét xử công bằng, quyền được tiếp cận và hỗ trợ tư pháp của người dân.

0 bình luận, đánh giá về Quyền bình đẳng trước pháp luật là gì?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.22159 sec| 966.789 kb