Quyền, nghĩa vụ của các bên khi giải quyết bằng trọng tài thương mại

23/04/2023
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định Luật Trọng tài thương mại 2010.

1- Quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia giải quyết bằng trọng tài

(i) Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Các bên trong quan hệ thương mại được toàn quyền thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Trọng tài không phải là phương thức tố tụng bắt buộc nên nếu các bên không có thỏa thuận trọng tài thì trọng tài sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, riêng trong quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ thì lựa chọn giải quyết bằng trọng tài hay không hoàn toàn do người tiêu dùng quyết định.

Ngoài việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, tổ chức cá nhân còn có quyền thỏa thuận về một loạt các vấn đề liên quan như hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp, thủ tục tố tụng, bảo mật nội dung tố tụng và phán quyết, v.v.

(ii) Quyền khởi kiện, tự bảo vệ

Khi đã có thỏa thuận trọng tài, bên bị thiệt hại vì hành vi vi phạm hợp đồng có quyền khởi kiện trọng tài để yêu cầu trọng tài phân xử. Trong trường hợp này, một bên không thể khởi kiện ra Tòa án vì Tòa án sẽ từ chối giải quyết tranh chấp, trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.

Khi có đơn khởi kiện, bị đơn có quyền tự bảo vệ bằng việc gửi bản tự bảo vệ cho hội đồng trọng tài. Không những thế, nếu bị đơn cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm hại thì cũng có quyền kiện ngược lại nguyên đơn.

(iii) Quyền lựa chọn và thay đổi trọng tài

Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp của mình. Trong trường hợp hội đồng trọng tài gồm một trọng tài viên thì trọng tài viên do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên thì mỗi bên chỉ định một trọng tài viên và hai trọng tài viên này bầu một người thứ ba làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Nếu có bất kỳ bên nào không thực hiện quyền chỉ định của mình hoặc các bên không thể chỉ định được trọng tài viên thì trọng tài viên sẽ do Chủ tịch Hội đồng trọng tài (trong trường hợp trọng tài quy chế) hoặc Tòa án (trong trường hợp trọng tài vụ việc) chỉ định.

Vì có quyền lựa chọn nên các bên cũng có quyền yêu cầu thay đổi trọng tài viên nếu xảy ra một trong các trường hợp: trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên; trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp; có căn cứ rõ ràng cho thấy trọng tài viên không vô tư, khách quan; hoặc trọng tài viên đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.

(iv) Quyền phản đối thẩm quyền của trọng tài

Bị đơn có quyền phản đối thẩm quyền của trọng tài vì lý do không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được hoặc hội đồng trọng tài không có thẩm quyền. Bị đơn phải thực hiện quyền phản đối khi nộp bản tự bảo vệ. Nếu không, bị đơn có thể bị coi là đã từ bỏ quyền này của mình. 
Hội đồng trọng tài sẽ phải xem xét hiệu lực thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của mình. Trường hợp thuộc thẩm quyền của mình thì Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết vụ việc. Nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết. Bên nào không đồng ý với quyết định của trọng tài có quyền khiếu nại ra Tòa án có thẩm quyền. Quyết định của Tòa án là cuối cùng.

(v) Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện bên kia đang tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thực hiện phán quyết trọng tài thì bất kỳ bên nào cũng có thể yêu cầu trọng tài hoặc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấm tạm thời. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể yêu cầu bao gồm: cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài; kê biên tài sản đang tranh chấp; yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp; yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể phải thực hiện nghĩa vụ đảm bảo tài chính nếu Hội đồng trọng tài yêu cầu.

(vi) Quyền thương lượng hòa giải

Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên vẫn được tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên thương lượng thành thì Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên hòa giải thành, Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Quyết định công nhận hòa giải thành có giá trị thi hành như phán quyết trọng tài.

(vii) Quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Sau khi ban hành phán quyết trọng tài, bất kỳ bên nào cũng có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài nếu có một trong các căn cứ: Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật trọng tài thương mại; Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ; Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình trừ trường hợp căn cứ hủy là do trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

2- Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi tham gia giải quyết bằng trọng tài

(i) Nghĩa vụ tham gia tố tụng trọng tài

Một khi tố tụng trọng tài thì các bên có nghĩa vụ phải tham gia, kể cả nếu bên đó có đồng ý với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài hay không. Sau khi nhận được thông báo trọng tài mà bị đơn không nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn quy định thì bị coi là tự từ bỏ quyền của mình và quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành bình thường. Tương tự, bị đơn được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt thì Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có. Trường hợp nguyên đơn là bên vắng mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp thì bị coi là đã rút đơn khởi kiện và Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết vụ việc trừ khi bị đơn có yêu cầu hoặc có đơn kiện lại.

(ii) Nghĩa vụ đóng phí trọng tài

Nguyên đơn khi nộp đơn khởi kiện phải tạm ứng phí trọng tài. Bị đơn khi có yêu cầu kiện ngược lại nguyên đơn cũng phải tạm ứng phí trọng tài tương ứng với yêu cầu của mình. Các loại phí trọng tài do Trung tâm trọng tài ấn định, bao gồm: Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên; Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài; Phí hành chính; Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp; Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.

Sau khi có phán quyết, bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.

(iii) Nghĩa vụ chứng minh

Các bên có quyền và nghĩa vụ chứng minh. Nguyên đơn phải đưa ra các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình (tương tự với bị đơn trong trường hợp kiện ngược lại). Ngược lại bị đơn có quyền đưa ra chứng cứ để tự bảo vệ. Nếu một trong các bên gặp khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ thì có thể yêu cầu trọng tài thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, chỉ định chuyên gia, người giám định, v.v.

(iv) Nghĩa vụ chấp hành phán quyết, quyết định của trọng tài

Khi Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết, quyết định thì chúng có giá trị như phán quyết, quyết định của Tòa án và được thi hành. Các bên có nghĩa vụ chấp hành những phán quyết, quyết định của trọng tài, trừ khi được quyền khiếu nại trong một số trường hợp cụ thể. Nếu một bên không chấp hành thì bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành phán quyết, quyết định trọng tài theo thủ tục thi hành án dân sự.

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Quyền, nghĩa vụ của các bên khi giải quyết bằng trọng tài thương mại

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.26849 sec| 983.219 kb