Kiến thức cần thiết về vượt đèn đỏ: không phải trường hợp nào cũng phạm lỗi

13/05/2023
Phạm Gia Minh
Phạm Gia Minh
Vượt đèn đỏ thường bị xem là vi phạm luật giao thông. Nhưng trên thực tế, có những hành vi cố ý vượt đèn đỏ - phạm luật, có nhiều trường hợp vượt đèn đỏ do vô ý hoặc vì không hiểu rõ luật và có những trường hợp vượt đèn đỏ... đúng luật.

1- Hiểu đúng về vượt đèn đỏ

Theo quy định tại Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi năm 2018, khi đi trên đường, các loại xe phải chấp hành theo tín hiệu của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Trong đó, đèn tín hiệu có 03 màu: Xanh, đỏ, vàng.

- Đèn xanh là thông báo các loại xe được phép đi trên đường;

- Đèn đỏ là cấm các phương tiện đi;

- Đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng trừ phi đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Khi đèn vàng nhấp nháy thì được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ.

Vượt đèn đỏ là việc người lái xe điều khiển phương tiện giao thông tiếp tuc di chuyển khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ (có nghĩa yêu cầu các phương tiện dừng lại). Khi tham gia giao thông gặp đèn đỏ phải dừng trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

Do vậy, hành vi vượt đèn đỏ là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật và người nào vượt đèn đỏ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

2- Vượt đèn đỏ khác vượt đèn vàng như thế nào?

(i) Lỗi vượt đèn vàng

Lỗi vượt đèn vàng được hiểu là lỗi không tuân thủ quy định “khi thấy tín hiệu đèn vàng (trừ tín hiệu vàng nhấp nháy) phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”.

Theo đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019 sửa đổi Quy chuẩn 41:2016) quy định tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đi quá vạch dừng hoặc quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.

Theo đó, đèn vàng là tín hiệu đèn giao thông để chuyển sang đèn đỏ hay còn gọi là thời gian dọn nút giao, để khi xe đi vào nút giao với tốc độ cao gặp tín hiệu chuẩn bị chuyển sang tín hiệu đèn đỏ nếu dừng lại sẽ không an toàn thì tài xế được phép đi tiếp. Trong trường hợp xe đi từ xa với tốc độ chậm dừng lại an toàn thì phải dừng lại.

(ii) Khi nào vượt đèn vàng bị xử phạt?

Từ trước đến nay người tham gia giao thông chủ yếu chỉ quan tâm đến hai loại đèn xanh, đỏ mà quên mất việc không chấp hành tín hiệu đèn vàng cũng có thể bị xử phạt.

Theo đó, nếu đèn vàng bật sáng mà người điều khiển xe chưa đi quá vạch dừng xe vẫn cố tình đi tiếp sẽ phạm lỗi vượt đèn vàng và bị xử phạt; trừ trường hợp xe vẫn chưa đi quá vạch dừng xe nhưng nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm cho mình hoặc cho phương tiện khác.

(iii) Sự khác biệt giữa lỗi vượt đèn vàng và vượt đèn đỏ

Như vậy, tuy phần lớn áp dụng vào đời sống người dân không thấy được sự khác biệt quá rõ ràng giữa hai loại đèn này. Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ sẽ nhận ra hai loại đèn này có sự khác biệt lớn về mục đích:

- Đèn đỏ là cấm các phương tiện đi;

- Đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng trừ phi đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Khi đèn vàng nhấp nháy thì được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ.

Từ sự khác biệt về mục đích của hai loại đèn, dẫn đến các sự khác biệt về lỗi cấu thành khi vượt đèn. 

- Vượt đèn đỏ là việc người lái xe điều khiển phương tiện giao thông tiếp tục di chuyển khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ (có nghĩa yêu cầu các phương tiện dừng lại). Khi tham gia giao thông gặp đèn đỏ phải dừng trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

- Lỗi vượt đèn vàng được hiểu là lỗi không tuân thủ quy định “khi thấy tín hiệu đèn vàng (trừ tín hiệu vàng nhấp nháy) phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”.

Một lưu ý nhỏ rằng đối với đèn vàng, nếu người tham gia giao thông đã lỡ đi qua vạch ngay sau khi đèn chuyển vàng, sẽ được được đi tiếp. Nhưng đối với đèn đỏ, điều này đã là vi phạm. Có thể nhận thấy rằng từ “lỡ” ở đây chính là một “khe hở” để người tham gia giao thông dựa vào để “lách” vi phạm.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

3- Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ

Giao thông đường bộ sẽ bao gồm nhiều loại phương tiện tham gia giao thông khác nhau. Tùy theo loại phương tiện vi phạm mà sẽ có mức xử phạt tương ứng trong từng trường hợp cụ thể.

(i) Đối với người điều khiển xe máy

Với xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện: Theo quy định tại Điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Riêng với các loại xe máy kéo, xe máy chuyên dùng thì phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng (Điểm đ Khoản 5 Điều 7).

(ii) Đối với người điều khiển xe ô tô

Phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng (Điểm a Khoản 5 Điều 5) và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Trường hợp vượt đèn đỏ mà gây tai nạn giao thông thì thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe sẽ từ 02 tháng đến 04 tháng.

(iii) Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện

Với xe đạp, xe đạp máy, kể cả xe đạp điện thì Điểm đ Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

(iv) Đối với người đi bộ

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì với người đi bộ thì mức xử phạt lỗi vượt đèn đỏ là từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.

Xem thêm: Hợp đồng dịch vụ pháp lý mẫu của Công ty Luật TNHH Everest

4- Trường hợp được phép vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt

Trong một số trường hợp đặc biệt việc vượt đèn đỏ không bị áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể là:

(i) Khi có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (cảnh sát giao thông, người được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông)

(ii) Trường hợp xe ưu tiên:

- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

- Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

5- Những câu hỏi thường gặp về vượt đèn đỏ

Câu hỏi 1: Vượt đèn đỏ có bị giữ xe không? Bị giữ trong bao lâu?

Trả lời: Theo đúng quy định của pháp luật, công an có quyền tạm giữ phương tiện của người tham gia giao thông trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đối với lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông thì Cảnh sát giao thông chỉ có thể giữ phương tiện khi vi phạm mà bạn không có một trong các giấy tờ sau: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe.

Bên cạnh đó, hiện nay không có quy định về việc cảnh sát giao thông giữ phương tiện. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tham gia giao thông có thể khiếu nại trực tiếp lên cấp trên người vừa thu giữ phương tiện.

Câu hỏi 2: Vượt đèn đỏ có bị giữ giấy phép lái xe không? Bị giữ trong bao lâu?

Trả lời: 

(i) Đối với xe máy: Tại Điểm e Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, có quy định: "Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Trong đó có: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng".

(ii) Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Trong đó có: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Như vậy, hành vi điều khiển xe ô tô và xe máy mà vượt đèn đỏ không những chỉ bị phạt tiền mà còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (bằng lái) từ 1- 3 tháng. Trường hợp vượt đèn đỏ mà gây tai nạn giao thông thì thời gian tước bằng sẽ lâu hơn từ 2-4 tháng.

Câu hỏi 3: Vượt đèn đỏ và không có giấy tờ xe bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: 

Thứ nhất, hành vi không mang theo giấy tờ xe, không mang theo giấy phép lái xe. Căn cứ Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe; Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm c Khoản 7 Điều này”Như vậy, trường hợp không mang theo giấy tờ xe, giấy phép lái xe này bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đồng - 200.000 đồng.

Thứ hai, hành vi vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông: Căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 4 Điều 6 Nghị định về mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ: khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hoặc các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy vượt đèn đỏ, người tham gia giao thông bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài bị phạt tiền bạn còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Nếu vi phạm cả hai hành vi, mức phạt sẽ là tổng hợp của hai mức phạt trên.

Câu hỏi 4: Vượt đèn đỏ có bị phạt nguội không?

Trả lời: Căn cứ Điều 11 Nghị định số 165/2013/NĐ-CP, Điều 14 Thông tư số 06/2017/TT-BGTVT và Điều 25 Thông tư số 65/2020/TT-BCA, vượt đèn đỏ hoàn toàn có thể bị tiến hành xử lý phạt nguội: Phạt nguội là hình thức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường cao tốc, các ngã tư trọng điểm.

Các thông tin, hình ảnh thu được sẽ được gửi về Trung tâm xử lý. Sau đó sẽ được Trung tâm này tiến hành việc in ảnh, truy xuất thông tin người và xe, xác định chủ phương tiện, địa chỉ rồi gửi thông báo đối với các đối tượng vi phạm để xử phạt.

Ngoài ra, hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng áp dụng phạt nguội đối với những vi phạm giao thông được người dân chụp ảnh, quay phim và gửi trực tiếp về địa điểm, hòm thư điện tử của Đội Cảnh sát giao thông hoặc đăng tải trên mạng xã hội.

Ở Việt Nam, việc phạt nguội đã được triển khai từ năm 2004 đã mang lại nhiều điểm tích cực đối với công tác quản lý an toàn giao thông, đồng thời nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Câu hỏi 5: Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có được không?

Trả lời: Theo quy định thì Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên”

Trường hợp thấy tín hiệu của xe ưu tiên thì người tham gia giao thông bất kể đang di chuyển từ hướng nào tới đều phải thực hiện các quy tắc nói trên để nhường đường cho xe ưu tiên chứ không chỉ đối với các phương tiện đang chạy phía trước của xe ưu tiên.

Tuy nhiên, các phương tiện không được phép vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên bởi luật đã quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoặc theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Hơn nữa, các phương tiện này không được trang bị hệ thống tín hiệu ưu tiên để cảnh báo như còi, đèn, cờ… nên nếu vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có thể sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Kiến thức cần thiết về vượt đèn đỏ: không phải trường hợp nào cũng phạm lỗi được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Kiến thức cần thiết về vượt đèn đỏ: không phải trường hợp nào cũng phạm lỗi có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@ everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Kiến thức cần thiết về vượt đèn đỏ: không phải trường hợp nào cũng phạm lỗi

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.73113 sec| 1026.313 kb