Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam
1- Khát quát chung về ly hôn có yếu tố nước ngoài
[a] Khái niệm ly hôn
Nếu kết hôn là hiện tượng nhằm xác lập quan hệ vợ chồng thì ly hôn được coi là hiện tượng bất bình thường, là mặt trái của hôn nhân nhưng là một yếu tố không thể phủ nhận hay bác bỏ khi quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ, mâu thuẫn trong cuộc sống không thể hàn gắn, mục đích hôn nhân không thể đạt được như ban đầu.
Khái niệm về ly hôn được quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án” hay còn có thể hiểu: “Ly hôn là việc một trong các bên hoặc cả hai vợ, chồng yêu cầu thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhan theo pháp luật”. Có thể thấy, khái niệm ly hôn theo pháp luật Việt Nam chỉ để cập tới khía cạnh pháp lí của ly hôn chứ không thể hiện mặt xã hội hay biểu hiện của ly hôn trên thực tế. Bởi vẫn có những trường hợp dù được tòa án ra phán quyết ly hôn nhưng vẫn chung sống với nhau hoặc những người không còn chung sống với nhau, không coi nhau là vợ chồng nhưng thực tế lại chưa ly hôn theo pháp luật. Nhưng nhìn chung, theo định nghĩa tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có thể thấy cơ sở để chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý là một bản án hoặc quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Theo đó, vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân, gắn liền với vợ chồng, do vợ chồng tự mình thực hiện mà không thể chuyển giao cho người khác (trừ một số trường hợp ngoại lệ thì cha, mẹ, người thân thích có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn). Tóm lại, đơn yêu cầu ly hôn của vợ chồng được coi là cơ sở để Tòa án xem xét việc giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, Nhà nước bảo hộ hôn nhân, đảm bảo quyền tự do ly hôn của các bên vợ hoặc chồng nhưng không có nghĩa là giải quyết ly hôn tùy tiện, theo ý chí, nguyện vọng của mỗi cá nhân mà nhà nước kiểm soát việc giải quyết ly hôn bằng pháp luật. Do đó, nếu vợ chồng muốn ly hôn phải tuân thủ các điều kiện, nguyên tắc, căn cứ ly hôn và các trình tự thủ tục ly hôn theo luật định.
[b] Khái niệm ly hôn có yếu tố nước ngoài
Có thể thấy, ly hôn hay kết hôn đều là các quan hệ dân sự nói chung được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự. Theo đó, Khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài gồm: "Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam pháp nhân Việt Nam nhưng đổi tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài". Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 với tư cách là văn bản pháp luật chuyên ngành đã cụ thể hóa và đưa ra khái niệm về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: "Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Nhìn chung, quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài được xác định dựa trên các tiêu chí:
- Một trong các chủ thể tham gia vào quan hệ đó là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Quan hệ đó phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo pháp luật nước ngoài;
- Quan hệ đó phát sinh, thay đổi, chấm dứt tại nước ngoài;
- Tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Cũng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 127 có quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, chủ yếu điều này đưa ra các nguyên tắc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài chứ không định nghĩa ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì. Vì vậy, căn cứ vào các quy định tại Khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự năm 2015, Khoản 25 Điều 3, Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có thể khẳng định, ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm các trường hợp:
- Ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ở Việt Nam;
- Ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài;
- Ly hôn giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam;
- Ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau có bất động sản ở nước ngoài.
Tóm lại, từ những trường hợp về ly hôn có yếu tố nước ngoài đã phân tích ở trên, có thể hiểu: Ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trên thực tế và được pháp luật công nhận chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền mà ít nhất một trong hai bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa các bên là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ ly hôn nằm ở nước ngoài.
[c] Đặc điểm ly hôn có yếu tố nước ngoài
Căn cứ vào quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng như khái niệm về ly hôn có yếu tố nước ngoài đã được phân tích ở trên, có thể thấy quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm các đặc sau:
Thứ nhất, về chủ thể - yếu tố cơ bản nhất để xác định một vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Để xác định tư cách chủ thể trong ly hôn có yếu tố nước ngoài, cần căn cứ vào quốc tịch của các bên. Một quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài ngoài khi có ít nhất một trong hai bên của quan hệ ly hôn là người nước ngoài. Có thể thấy, đây là trường hợp ly hôn giữa một công dân Việt Nam và một người nước ngoài, hoặc giữa hai người nước ngoài với nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp ly hôn giữa hai người nước ngoài với nhau thì hai người này phải thường trú ở Việt Nam. Trong đó, người nước ngoài được hiểu: "là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh xuất cảnh, cảnh cư trú tại Việt Nam”. Còn quốc tịch nước ngoài lại được định nghĩa: "là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam”.
Thứ hai, trường hợp tài sản liên quan ở nước ngoài cũng được xác định là đặc điểm của ly hôn có yếu tổ nước ngoài. Ở đây, việc ly hôn có thể được thực hiện bởi hai người mang quốc tịch Việt Nam hoặc không nhưng tài sản có liên quan nằm toàn bộ hoặc một phần ở nước ngoài. Ví dụ: A và B có quốc tịch Việt Nam, sau 1 thời gian sống chung do mâu thuẫn nên A và B xin ly hôn tại Tòa án án Việt Nam. Tuy nhiên, A và B có tài sản chung là một chiếc xe ô tô ở Hàn Quốc. Đây được xác định là ly hôn có tài sản ở nước ngoài và thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án Việt Nam. Theo Khoản 3 Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Thứ ba, về nơi cư trú. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nêu: "1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quản có thầm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này". Theo đó, nơi thường trú đươc hiểu là: "là nơi công dân sinh sống ổn định lâu dài và đã được đăng ký thường trú" theo quy định tại Khoản 8 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020. Bên cạnh đó, cũng tại luật này, Khoản 10 Điều 2 quy định: "Nơi ở hiện tại là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà công dân đang thường xuyên sinh sống: trường hợp không có nơt thường trú, nơi tạm trú thì nơi ở hiện tại là nơi công dân đang thực tế sinh sống". Hiện nay, quan hệ hôn thân và gia đình giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam là ngày càng lớn, vì thể quy định áp dụng Luật nơi cư trú để giải quyết ly hôn đổi với người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam là hoàn toàn phù hợp. Tóm lại, dấu hiệu nơi cư trú của đương sự được hiểu là đương sự (người nước ngoài hay người Việt Nam) cư trú ở đâu thì tòa án ở đó có thẩm quyền giải quyết.
Thứ tư, sự kiên pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân hay phát sinh quan hệ ly hôn xảy ra ở nước ngoài. Tại Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng nêu rõ: "...quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài”. Điều này nghĩa là khi vợ và chồng đều mang quốc tịch Việt Nam nhưng việc tiến hành ly hôn được thực hiện ở nước ngoài thì đó vẫn được coi là ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp này, các yếu tố về quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài không được xem xét.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của công ty Luật TNHH Everest
2- Thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam
Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài được xác định căn cứ vào điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc căn cứ vào pháp luật trong nước. Đối với các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tuân theo các quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp đó. Đối với các nước chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam để xác định thẩm quyền tương ứng.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 123 và Khoản 1 Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các Điều 28, 35, 37, 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Căn cứ theo theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì những tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Như vậy, đa số các yêu cầu giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thường thuộc thẩm quyền giải quyết thuộc TAND cấp tỉnh.
Theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định một số trường hợp đặc biệt trường hợp ly hôn có yều tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:
Thứ nhất, trường hợp các tranh chấp, yêu cầu ly hôn có yếu tổ nước ngoài nhưng đương sự, tài sản đều ở Việt Nam, không phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp quốc tế.
Thứ hai, TAND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giảm hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú gở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản để giải quyết. Còn trường hợp bị đơn không còn nơi cư trú, làm việc tại Việt Nam thì có quyền yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc để giải quyết.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm