Thời hạn tố tụng dân sự, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu

23/03/2023
Trương Hoàng Hà
Trương Hoàng Hà
Việc giải quyết các vụ việc dân sự tiến hành nhanh chóng sẽ sớm giải quyết được tranh chấp, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Để thực hiện được điều này thì mỗi hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đều phải tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian này được gọi là thời hạn tố tụng. Những tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực này phải được giải quyết kịp thời, nếu để lâu, mâu thuẫn phát triển, việc giải quyết sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, ngoài việc quy định thời hạn tố tụng, pháp luật còn quy định cả thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

1- Thời hạn tố tụng dân sự

Thời hạn tố tụng dân sự là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện hành vi theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Việc xác định thời hạn tố tụng là rất cần thiết. Một mặt, nó có ý nghĩa trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người liên quan trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ làm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Mặt khác, việc xác định thời hạn tố tụng còn có ý nghĩa xác định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người liên quan trong trường hợp họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ và quyền hạn của họ trong thời hạn tố tụng cụ thể.

Các loại thời hạn tố tụng gồm có: thời hạn giao nộp chứng cứ; thời hạn xem xét đơn khởi kiện; chuẩn bị xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định của toà án; thời hạn cấp, tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng; thời hạn khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự... Để bảo đảm được việc giải quyết các vụ án dân sự, các thời hạn tố tụng nói chung đều được pháp luật quy định cụ thể như thời hạn chuẩn bị xét xử; thời hạn kháng cáo, kháng nghị... Ngoài ra, thời hạn cũng có thể được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ấn định trong khuôn khổ quy định của pháp luật tố tụng khi cần thiết như thời hạn giao nộp chứng cứ; thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện...

Thời hạn tố tụng có thể được xác định bằng giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra. Cách tính thời hạn tố tụng, thời điểm bắt đầu, kết thúc thời hạn tố tụng được Điều 182 BLTTDS năm 2015 quy định, áp dụng theo các quy định tương ứng của BLDS (Điều 144 đến Điều 148 BLDS năm 2015). Thời hạn tố tụng cũng được tính theo dương lịch như thời hạn dân sự. Trong trường hợp thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì một năm là 365 ngày; nửa năm là sáu tháng; một tháng là 30 ngày; nửa tháng là 15 ngày; một tuần là 7 ngày; một ngày là 24 giờ...

Đối với thời điểm bắt đầu thời hạn, khi thời hạn được xác định bằng giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định; khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính kể từ ngày tiếp theo của ngày được xác định; khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì không tính ngày xảy ra sự kiện mà tính ngày tiếp theo ngày xảy ra sự kiện đó. Đối với thời điểm kết thúc thời hạn, khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn; khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn; khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn; khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó...

Tuy vậy, thời hạn trong tố tụng dân sự so với thời hạn dân sự cũng có những sự khác biệt nhất định. Thời hạn dân sự có thể do pháp luật quy định hoặc do các đương sự thoả thuận. Thời hạn tố tụng chỉ do pháp luật quy định hoặc do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng ấn định theo quy định của pháp luật, các đương sự và những người khác nói chung không có quyền thoả thuận xác lập thời hạn tố tụng. Thời hạn dân sự theo thời gian liên tục; thời hạn tố tụng có thể bị gián đoạn bởi các ngày nghỉ của cán bộ, công chức như ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày lễ vì các hoạt động tố tụng được thực hiện phải thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng. Hơn nữa, hoạt động tố tụng dân sự thường diễn ra ban ngày để bảo đảm tính công khai, minh bạch của việc giải quyết vụ việc dân sự nên thời hạn tố tụng được tính bằng ngày, tháng, năm là chủ yếu, ít khi thời hạn tố tụng được tính bằng giờ như thời hạn dân sự.

Tuy thời hạn tố tụng có khác thời hạn dân sự ở một số điểm nhưng về cơ bản chúng vẫn giống nhau. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, ngoài việc phải căn cứ vào các quy định của BLTTDS thì các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng còn phải căn cứ cả vào các quy định tương ứng của BLDS để xác định thời hạn tố tụng.

2- Thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Việc pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu cũng có ý nghĩa rất lớn như thời hạn tố tụng. Trong việc giải quyết vụ việc dân sự, thời hiệu xác định rõ thời hạn chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền yêu cầu toà án bảo vệ, bảo đảm cho việc giải quyết các tranh chấp được thuận tiện, đúng đắn. Đối với kinh tế - xã hội, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu còn hạn chế được việc lạm dụng quyền khởi kiện, yêu cầu toà án bảo vệ góp phần ổn định các quan hệ xã hội, bảo đảm cho các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh.

Hiện nay, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu toà án giải quyết đối với vụ việc dân sự được quy định tại các điều 154, 155, 156 và 157 BLDS, các điều 184 và 185 BLTTDS năm 2015. Ngoài ra, còn được quy định tại Điều 167 BLLĐ, Điều 319 LTM, Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm, Điều 97 Luật hàng hải... Theo đó, đối với mỗi vụ việc dân sự nói chung, pháp luật đều quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Việc pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu toà án giải quyết các vụ việc dân sự trong các trường hợp cụ thể dài hay ngắn là tuỳ thuộc vào tính chất của mỗi loại quan hệ pháp luật tranh chấp, toà án phải giải quyết trong vụ án dân sự hay loại việc dân sự được toà án giải quyết. Tuy nhiên, do yêu cầu của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong một số loại vụ việc, Điều 155 BLDS năm 2015 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong những trường hợp sau:

  • Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;
  • Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định khác;
  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai;
  • Trường hợp khác do luật quy định. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 154 BLDS năm 2015). Tuy vậy, trong một số trường hợp cụ thể, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự có thể được tính bắt đầu từ một sự kiện pháp lí khác như thời hiệu khởi kiện yêu cầu toà án tuyên bố một số giao dịch dân sự vô hiệu do bị đe dọa, cưỡng ép tính từ ngày người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép; (Điều 132 BLDS năm 2015), thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế được tính lừ thời điểm mở thừa kế (Điều 623 BLDS năm 2015)...

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 154 BLDS năm 2015). Ngày phát sinh quyền yêu cầu là ngày người có quyền yêu cầu được yêu cầu toà án giải quyết việc dân sự. Tuỳ từng loại việc mà pháp luật quy định thời điểm đương sự được yêu cầu toà án giải quyết việc dân sự khác nhau như thời điểm phát sinh quyền yêu cầu toà án công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài là thời điểm bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài có hiệu lực thi hành (Điều 432 và Điều 444 BLTTDS năm 2015); thời điểm phát sinh quyền yêu cầu toà án xem xét lại quyết định của trọng tài là ngày nhận được quyết định của hội đồng trọng tài (Điều 69 LTTTM)...

Trên thực tế, do những nguyên nhân khác nhau mà việc khởi kiện, yêu cầu có thể không thực hiện được trong thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Để bảo đảm quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, pháp luật quy định đối với các trường hợp thời gian bị gián đoạn do xảy ra sự kiện bất khả kháng; khách quan; người có quyền khởi kiện, có quyền yêu cầu chưa thành niên, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện; người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết nhưng chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lí do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được thì không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu (Điều 156 BLDS năm 2015).

Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu cũng có thể được bắt đầu lại khi xảy ra những sự kiện pháp lí nhất định. Khi thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được bắt đầu lại thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được tính lại từ đầu, thời gian trước khi xảy ra sự kiện không được tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu nữa. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được bắt đầu lại trong trường hợp bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đổi với người khởi kiện; các bên đã tự hoà giải với nhau (Điều 157 BLDS năm 2015). Trong các trường hợp thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được bắt đầu lại thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu tính kể từ ngày tiếp theo ngày xảy ra sự kiện.

 

0 bình luận, đánh giá về Thời hạn tố tụng dân sự, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.77751 sec| 975.945 kb