Nghĩ về tính độc lập của Luật sư khi hành nghề

"Bạn có não trong đầu. Bạn có chân trong giày. Bạn có thể tự chỉ mình về bất cứ hướng nào bạn chọn. Bạn độc lập và bạn biết điều mình biết. Và bạn là người quyết định mình sẽ đi đâu".

Theodor Seuss Geisel, 1904 - 1991, họa sĩ, nhà văn truyện tranh thiếu nhi, Mỹ

Nghĩ về tính độc lập của Luật sư khi hành nghề

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (năm 2019) luôn nhấn mạnh vào tính độc lập của Luật sư:

"Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp" (Quy tắc 2).

Việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp: "Khi cần trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng, những người hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, luật sư phải giữ tính độc lập của nghề nghiệp luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội" (Quy tắc 26.2).

Quy tắc khilàm trái pháp luật: "Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với luật sư như quan hệ thầy - trò, cấp trên - cấp dưới, huyết thống, thân thuộc" (Quy tắc 21.6).

Liên hệ

I- TỪ NGUYÊN: ĐỘC LẬP

Độc - từ Hán Việt, nghĩa phổ biến: một mình. Tiếng Trung: . Một số nghĩa của từ "độc" thường gặp:

- Độc (tính từ): lẻ loi, cô đơn.

- Độc (tính từ): riêng mình, riêng biệt. 

- Độc (Phó từ): chỉ, duy (nhất).

- Độc (phó từ) một mình, như: độc tấu.

- Độc (phó từ): chuyên đoán, chỉ làm theo ý riêng, như độc tài.

- Độc (danh từ): người già không có con cháu. 

- Độc (danh từ): người không có vợ. 

Lập - từ Hán Việt, nghĩa phổ biến: đứng thẳng. Tiếng Trung: . Một số nghĩa của từ "lập" thường gặp:

- Lập (động từ): đứng.

- Lập (động từ): gây dựng, tạo nên, như: “lập miếu” - tạo dựng miếu thờ.

- Lập (động từ): nên, thành tựu, như: “tam thập nhi lập” - ba mươi tuổi thì nên người (tự lập.

- Lập (động từ): chế định, đặt ra, như: “lập pháp”.

- Lập (động từ): lên ngôi. 

- Lập (động từ): tồn tại, sống còn, như “độc lập” - tồn tại tự mình không tùy thuộc ai khác.

- Lập (phó từ): tức thì, ngay, như: “lập khắc” - ngay tức thì.

- Lập (danh từ): Ttoàn khối, như: “lập phương” - khối vuông.

Độc lập - từ Hán Việt: độc lập, có chủ quyền. Tiếng Trung: 獨立. Một số nghĩa phổ biến của từ "độc lập":

- Đứng một mình.

- Cô lập, lẻ loi không có nơi nương tựa. 

- Không giống như số đông người

- Tự lập, không nương nhờ vào cái khác.

- Tự chủ, không chịu bên ngoài thống trị chi phối (nói về một quốc gia, dân tộc hoặc chính quyền).

- Chim một chân (theo truyền thuyết cổ).

Từ điển Nguyễn Quốc Hùng: đứng vững một mình, không nhờ vả ai.

Từ điển Giáo sư Hoàng Phê: tự mình tồn tại hoạt động, không nương tựa hay phụ thuộc vào ai, như: sống độc lập, suy nghĩ độc lập. Nước độc lập: trạng thái của một nước, một dân tộc có chủ quyền về chính trị, không phụ thuộc vào nước khác.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

II- QUY TẮC QUỐC TẾ VÀ TÍNH ĐỘC LẬP TRONG HÀNH NGHỀ CỦA GIỚI LUẬT SƯ

1- Quy tắc quốc tế

Luật sư trên toàn thế giới là những người hành nghề chuyên nghiệp, đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của chính họ, đấu tranh để có được sự tôn trọng nhà nước pháp quyền. Họ phải kết hợp việc cập nhật liên tục pháp luật về sự phát triển của pháp luật với dịch vụ cung cấp cho khách hàng, tôn trọng tòa án  và khát vọng chính đáng để duy trì mức sống phù hợp.

Giữa các yếu tố này thường có căng thẳng. Những nguyên tắc này nhằm mục đích thiết lập một khuôn khổ được chấp nhận chung để làm cơ sở cho các bộ quy tắc ứng xử có thể được thiết lập bởi các cơ quan thích hợp cho luật sư ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ngoài ra, mục đích thông qua các Nguyên tắc Quốc tế này nhằm thúc đẩy và tăng cường các lý tưởng của giới luật sư.

Những nguyên tắc quốc tế này không nhằm thay thế hoặc giới hạn nghĩa vụ của luật sư theo luật pháp hiện hành hoặc quy tắc ứng xử chuyên nghiệp. Những nguyên tắc (tham khảo) cũng không được sử dụng làm tiêu chí để áp đặt trách nhiệm pháp lý, chế tài hoặc biện pháp kỷ luật dưới bất kỳ hình thức nào:

[1] Độc lập:

Một luật sư sẽ duy trì sự độc lập và được bảo vệ sự độc lập đó trong việc cung cấp cho khách hàng tư vấn và đại diện không thiên vị. Một luật sư sẽ thực hiện phán quyết chuyên môn độc lập, không thiên vị trong việc tư vấn cho khách hàng, bao gồm cả khả năng thành công của vụ việc của khách hàng.

[2] Trung thực, liêm chính và công bằng

Luật sư luôn luôn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về sự trung thực, liêm chính và công bằng đối với các khách hàng, tòa án, đồng nghiệp và tất cả những người mà luật sư có quan hệ chuyên môn.

[3] Mâu thuẫn lợi ích

Luật sư sẽ không đảm nhận một vị trí trong đó lợi ích của khách hàng mâu thuẫn lợi ích của mình, luật sư khác trong cùng công ty hoặc khách hàng khác, trừ khi luật pháp cho phép, các quy tắc ứng xử chuyên nghiệp, hoặc nếu được phép, theo ủy quyền của khách hàng.

[4] Bí mật nghề nghiệp

Luật sư phải luôn luôn bảo vệ và được bảo vệ bí mật về các vấn đề của khách hàng hiện tại hoặc khách hàng cũ, trừ khi luật pháp cho phép và/hoặc các quy tắc ứng xử chuyên nghiệp hiện hành cho phép áp dụng.

[5] Lợi ích của khách hàng

Một luật sư sẽ coi lợi ích của khách hàng là tối quan trọng, luôn luôn không có mâu thuẫn với các nhiệm vụ của luật sư đối với tòa án và lợi ích của công lý, tuân thủ luật pháp và duy trì các chuẩn mực đạo đức.

[6] Cam kết

Luật sư sẽ tôn trọng bất kỳ cam kết nào được đưa ra trong quá trình hành nghề luật sư kịp thời, cho đến khi cam kết được thực hiện, giải phóng hoặc bào chữa.

[7] Tự do của khách hàng

Một luật sư sẽ tôn trọng quyền tự do của khách hàng được đại diện bởi luật sư của sự lựa chọn của họ. Trừ khi bị ngăn chặn bởi các quy tắc ứng xử chuyên nghiệp hoặc theo luật, luật sư sẽ được tự do tiếp nhận hoặc từ chối một vụ án.

[8] Tài sản của khách hàng và bên thứ ba

Một luật sư sẽ hạch toán kịp thời và trung thành và thận trọng nắm giữ bất kỳ tài sản nào của khách hàng hoặc bên thứ ba mà họ tin tưởng vào luật sư, và sẽ tách biệt với tài sản riêng của luật sư.

[9] Năng lực

Một công việc luật sư sẽ được thực hiện một cách có thẩm quyền và kịp thời. Một luật sư sẽ không đảm nhận công việc mà luật sư không tin tưởng một cách hợp lý có thể được thực hiện theo cách đó.

[10] Phí Luật sư

Luật sư được hưởng một mức phí hợp lý cho công việc của họ, và sẽ không tính một khoản phí vô lý. Luật sư sẽ không kê các công việc không hợp lý để thu phí của khách hàng.

Xem thêm: Pháp trị tại Công ty Luật TNHH Everest

2- Tính độc lập của Luật sư trong pháp luật luật sư

Luật luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 (Luật Luật sư) quy định về nguyên tắc hành nghề luật sư: "Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan" (Khoản 3 Điều 5).

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc), thuật ngữ độc lập (của Luật sư) được nhắc lại nhiều lần: 

Nguyên tắc độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan: "Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp" (Quy tắc 2).

Việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp: "Khi cần trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng, những người hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, luật sư phải giữ tính độc lập của nghề nghiệp luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội" (Quy tắc 26.2).

Quy tắc khi tham gia tố tụng: "Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với luật sư như quan hệ thầy - trò, cấp trên - cấp dưới, huyết thống, thân thuộc" (Quy tắc 21.6).

- Câu hỏi đặt ra, tính độc lập của Luật sư hiểu thế nào?

Độc lập của Luật sư không đồng nghĩa với sự cô lập, tự cô lập của Luật sư khi tác nghiệp. Trên thực tế, số ít Luật sư đồng nhất tính “độc lập” với tính chất hành nghề tự do, tự quyết. Vì lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm xã hội, hiểu sai về vai trò, vị trí của người Luật sư, bỏ qua các quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam khi tác nghiệp. 

Như vậy, độc lập là thuộc tính, bản chất và là nguyên tắc hành nghề Luật sư, sự độc lập theo quy định pháp luật chứ không phải độc lập với hàm nghĩa tương đối. Trong hoạt động tố tụng, Luật sư đóng vai trò là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể trong xã hội nên điểm xuất phát về quan điểm giải quyết vụ việc và cả cách tiếp cận vụ việc của Luật sư thường không đồng nhất, đôi khi trái ngược với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. 

Sự “độc lập” trong hành nghề Luật sư nhấn mạnh về phương thức hoạt động đối trọng với các chủ thể tư pháp khác (khách hàng, đồng nghiệp, cơ quan tiến hành tố tụng,…) trong một chính thể thống nhất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Độc lập của Luật sư không đồng nghĩa với sự cô lập, tự cô lập của Luật sư khi tác nghiệp. Trên thực tế số ít Luật sư đồng nhất tính “độc lập” với tính chất hành nghề tự do, tự quyết, vì lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm xã hội, hiểu sai về vai trò, vị trí của người Luật sư, bỏ qua các quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam khi tác nghiệp. Cụ thể, khi được yêu cầu tham gia bào chữa chỉ định, một số Luật sư có thể hời hợt, chủ quan chưa đầu tư tâm, sức, trí tuệ, thời gian như khi nhận vụ việc do khách hàng mời dẫn đến bị động trong phiên xét xử. 

Muốn địa vị pháp lý của Luật sư được xã hội giữ vững sự tôn trọng, đã, đang và tiếp tục được tin tưởng, người Luật sư nói chung và mỗi cá nhân Luật sư nói riêng phải tự ý thức, nhận thức đúng vai trò, vị trí của nghề nghiệp, mối quan hệ tương tác với các chủ thể khác khi tác nghiệp. Độc lập là thực hiện đúng công việc theo pháp luật, mà không phải độc lập là việc hành xử theo ý thức, cảm quan của cá nhân. 

Luật sư cần phát huy tính độc lập trong hành nghề Luật sư, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, không để các yếu tố bên ngoài như danh, lợi, quyền… tác động làm ảnh hưởng đến tinh thần thượng tôn pháp luật. 

- Luật sư Tôn Thất Quỳnh Bằng từng tâm sự rằng: 

"Nếu tôi biết đến với ngành luật bắt đầu từ những ngày còn học phổ thông khi được thầy giáo truyền dạy những tự do cơ bản của con người được ghi tại Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 thì hình ảnh khá dũng cảm đầu tiên của tôi đối với Luật sư khi tiếp cận với dòng sử Việt chính là Luật sư Lô-dơ-bi (Francis Henry Loseby, sinh năm 1883, người Anh) đã bào chữa thành công cho bác Hồ trước Tòa án của Anh quốc tại Hong Kong vào năm 1931. Tôi cũng hiểu rằng, tại thời điểm đó, luật sư Lô-dơ-bi chỉ có thể làm tròn được chức năng bào chữa nếu không bị lệ thuộc vào chính quyền Hong Kong lúc đó đang có nhiều quan hệ mật thiết với chính quyền Đông dương. Hình ảnh đó làm cho tôi xác tín rằng, người Luật sư khi hành nghề phải đứng trên đôi chân độc lập không nương tựa cũng như không chịu ảnh hưởng vào và của bất cứ ai, bất cứ thế lực nào. Nếu cảm giác của tôi tại thời điểm đó là sự kính nể đối với Luật sư khi dám và phải đương đầu với nhiều khó khăn từ nhiều phía, thì về sau tôi lại cảm nhận và hiểu rằng: Luật sư khi hành nghề muốn được độc lập không phải đơn giản như mình nghĩ...".

"Trong những ngày đầu tiên đến với trường Luật cũng như các bạn đồng môn, tôi hiểu được sự liên kết và tác dụng hỗ tương của các sự kiện xảy ra trong xã hội trong vòng tròn phân tích - tổng hợp - phân tích - tổng hợp và cứ thế tiếp diễn không ngừng. Điều này chúng tôi học được từ bài diễn văn chào mừng các tân sinh viên của vị thầy thay mặt Hội đồng Khoa tại trường Luật Sài Gòn và sau đó được phổ biến rộng rãi đến những ai theo học ngành luật. Vị thầy ngày xưa đã nói với chúng tôi rằng: “mọi sự việc xảy ra trong xã hội đều được cô đọng trong vài điều luật và việc giải quyết những mâu thuẫn các quan hệ trong xã hội cũng được cô đọng trong một số điều luật”... Nhà làm luật đã phải phân tích các dữ kiện đó để rồi tổng hợp lại trong một vài điều luật và người thi hành luật cũng như áp dụng luật cũng phải từ những điều khoản đã được cô đọng để phân tích trở lại nhằm áp dụng cho đúng theo từng trường hợp.

Vì vậy ngay từ những bước chân vào ngành Luật cũng như về sau trong giai đoạn tập sự Luật sư; các thầy giáo cũng như Luật sư Patron (luật sư hướng dẫn) luôn luôn đòi hỏi ở chúng tôi một tư duy mà tư duy này không chỉ trên những điều luật cố hữu mà là một tư duy có tính sáng tạo và cần được sáng tạo nhằm phù hợp với sự tiến triển nhiều mặt của xã hội. Các bậc đàn anh cũng nhấn mạnh rằng sự tư duy nhằm phát sinh và nuôi dưỡng sự sáng tạo đó chỉ có thể nảy sinh, phát triển và được tôn trọng trong một môi trường làm việc độc lập. Với tham vọng đi lên từ tư duy nhằm có được sáng tạo… cùng hình ảnh khá dũng cảm của vị Luật sư mà tôi có dịp chứng kiến khả năng hùng biện cũng như tính lý luận sắc bén... 

“Khi anh hành nghề Luật sư, anh phải tâm niệm một điều… đó là phải bảo vệ lẽ phải trên cơ sở của những quy định luật pháp- và để đạt được điều này anh phải biết và phải hành nghề với trọn vẹn tinh thần độc lập”..., “Anh phải hiểu nghề nghiệp mà anh chọn và theo đuổi trước hết phải đưa tới danh dự chứ không phải tới giàu sang phú quí; vì vậy anh phải dám coi rẻ những hành vi trục lợi không khó nhọc, không công phu, không hao tổn trí tuệ mà ngược lại anh phải tận hiến hết khả năng cũng như lương tâm của mình cho nghề nghiệp và mỗi khi thành công sẽ tận hưởng được cái vinh dự mà xã hội dành cho anh” (Luật sư Patron nhắc nhở). Mấy chục năm trôi qua, lời dạy chân thành đó với tôi vẫn là kim chỉ nam mà một số anh em đồng nghiệp thân hữu thường đùa và nhắc nhở với nhau là “gắng giữ cái trong sáng của nghề và người Luật sư cũng như của quảng đời còn lại”.

Như vậy, tinh thần độc lập của Luật sư có thể được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, luật sư phải độc lập đối với khách hàng. Tiếp theo, luật sư phải độc lập với các cơ quan tiến hành tố tụng. Tiếp theo nữa, nhằm bổ sung cho hai độc lập trên, Luật sư phải độc lập ngay đối với đồng nghiệp. Nếu khi hành nghề mối khi Luật sư xem, tôn trọng, có được cũng như bảo vệ được tinh thần độc lập, thì khách hàng sẽ nhận được sự bảo đảm về quyền được hưởng dịch vụ pháp lý từ Luật sư một cách khách quan, mà không xuất phát từ lợi ích cá nhân của Luật sư hay bởi một áp lực nào đến từ bên ngoài để làm trái pháp luật.

[a] Tính độc lập đối với khách hàng: Quyền tự do thiết lập giao dịch.

Trái với những ngành nghề khác, Luật sư không tạo ra một sản phẩm cụ thể mà luật sư chỉ cung ứng các dịch vụ hay những sản phẩm trí tuệ cho khách hàng. Tùy tính chất của dịch vụ, tùy uy tín của Luật sư và tùy khả năng của khách hàng, Luật sư sẽ được khách hàng chi trả một khoản thù lao để đổi lại dịch vụ mà Luật sư sẽ cung cấp.

Trong ngôn ngữ phổ thông, người Pháp thay vì dùng từ Salaire để ám chỉ tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động hay từ người thuê dịch vụ cho người cung cấp dịch vụ thì với Luật sư mỗi khi cung cấp dịch vụ; khoản tiền mà Luật sư cũng như  Bác sĩ, Kiến trúc sư nhận được từ khách hàng người Pháp sử dụng là Honoraires. Từ này có nguồn gốc từHonorabilité, Honorable (tôn kính, danh dự); nên tiền công của Luật sư nhận từ khách hàng được xem là “Tiền nhận có tính danh dự” và được khách hàng chi trả với sự tôn kính bởi vì Luật sư là người đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như lợi ích chung của xã hội, mà không mang tính chất đơn thuần của người làm công cho khách hàng và tuân theo ý của khách hàng.

Phải chăng đó lý luận của thời kỳ mà nghề Luật sư dành riêng cho một tầng lớp quý tộc của xã hội phong kiến? Nhưng với tôi ngay trong bối cảnh kinh tế hiện hành, tôi vẫn nghĩ tiền công mà Luật sư nhận từ khách hàng phần nào vẫn toát lên niềm vinh dự mà khách hàng dành cho Luật sư mỗi khi Luật sư đem hết khả năng, lương tâm và trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng. Việc xác định được tính danh dự nói trên đồng nghĩa với việc Luật sư luôn luôn tự nhắc nhở là mình phải làm việc với tinh thần tôn trọng sự thật, nói những sự thật hoặc tin rằng đó là sự thật. Muốn được như vậy Luật sư phải có tính độc lập đồng thời duy trì được tính độc lập trước hết đối với khách hàng mà không bị khách hàng lôi kéo mình theo hướng đi của họ thông qua uy lực của đồng tiền do khách hàng chi trả. Vì thế cái quyền đầu tiên của Luật sư đối với khách hàng là quyền được tự do quyết định cung cấp hay không cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nhưng cũng như tất cả mọi quyền dân sự khác Luật sư cũng không thể lạm dụng quyền tự do kết ước này.

Khách hàng đến với Luật sư trước hết vì họ ở đang vị cô thế trước các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc ít ra là cô thế ngay trước đối phương của mình; sau nữa vì họ cần tìm một sự bảo đảm về mặt tinh thần vì họ tin ở khả năng chuyên môn của Luật sư, ở nghề nghiệp mà xã hội đã phân công chứ không phải tin và nhờ Luật sư làm cái cầu tiếp nối cho các cơ quan liên quan. Vì vậy ngoại trừ những trường hợp mà Luật hoặc các văn bản điều chỉnh nghề Luật sư cho phép, Luật sư không thể từ chối yêu cầu giúp đỡ của khách hàng nếu Luật sư cảm nhận rằng vụ án, vụ kiện này phức tạp hay vụ án vụ kiện kia có tính nhạy cảm và nếu nhận giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến công việc của mình trong tương lai.

Luật sư cũng không thể từ chối việc bào chữa cho một bị cáo trước Tòa án vì cho rằng các yếu tố cấu thành tội phạm đã hội đủ, vì như vậy Luật sư đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội mà Luật hình sự đã dành cho tất cả mọi người và vô tình Luật sư đã thay Tòa án quyết định. Luật sư từ chối giúp đỡ cho họ thì ai sẽ đảm nhận trọng trách này?

Trong các trường hợp trên Luật sư đã tự ý từ bỏ chức năng cao quý mà xã hội đã trân trọng dành cho mình và tinh thần độc lập của Luật sư đã bị chính Luật sư lạm dụng. Vì vậy chỉ trong trường hợp Luật sư qua tâm tín xét thấy khách hàng có ý định sử dụng dịch vụ pháp lý mà Luật sư sẽ cung cấp cho những mục đích bất hợp pháp hoặc để thực hiện các hành vi trái pháp luật; Luật sư mới có quyền từ chối việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tính độc lập này còn được thể hiện ở việc Luật sư sẽ từ chối cung cấp một dịch vụ pháp lý dù có yêu cầu của khách hàng nếu Luật sư đã không thể đồng quan điểm giải quyết vụ việc của vị đồng nghiệp đã nhận yêu cầu trước đó của khách hàng. Quyền từ chối này được đặt trên cơ sở quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên trong vòng vận hành của nền kinh tế thị trường với sự lên ngôi của đồng tiền đôi khi khách hàng lại chỉ xem Luật sư như chỉ là người cung cấp dịch vụ trên cơ sở và theo yêu cầu của họ. Đi xa hơn nữa một số ít khách hàng lại muốn xem Luật sư như một cái cầu giữa họ đối với một vài người liên quan. Vì thế một số khách hàng thường sử dụng từ “THUÊ LUẬT SƯ” mỗi khi có yêu cầu Luật sư cung cấp dịch vụ; trong khi khách hàng lại không sử dụng từ này đối với Bác sĩ hay Giáo sư trong những trường hợp tương tự. Đối với khách hàng vì nghĩ mình là thượng đế, nên quan hệ giữa họ và Luật sư trở nên một quan hệ “gần như có tính bán buôn”.

Tôi nói như vậy vì, trong khung cảnh của luật viết hiện hành và trong chừng mực nào đó, Luật sư được đồng hóa như là một doanh nhân. Vì là doanh nhân nên lợi nhuận cùng lợi ích có thể đưa ra là mục tiêu hàng đầu cho cả hai bên “luật sư lẫn khách hàng”. Ở góc độ khách hàng vì nghĩ đến bán buôn nên tâm lý của khách hàng phần đông đều muốn có sự bảo đảm thành quả từ phía Luật sư cung cấp dịch vụ cho họ; nhưng Luật sư thì không được quyền cam kết về thành quả mà mình chắc chắn sẽ mang lại cho khách hàng như các quan hệ dân sự khác.

Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của nhiều luật gia xem nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng là nghĩa vụ cần mẫn, là nghĩa vụ phương tiện theo đó “Luật sư phải tiến hành một công việc không bó buộc đạt kết quả nhưng Luật sư phải làm hết sức mình để đạt được kết quả”; nhưng giải thích và thuyết phục cho khách hàng hiểu được điều này không phải là dễ dàng nhất là đối với các Luật sư vừa bước chân vào nghề. Không cam kết về kết quả như đã được quy định tại quy tắc 13 mà chỉ giải thích cho khách hàng hiểu rõ tính pháp lý, khả năng giải quyết vụ việc..cũng  chính là tinh thần độc độc lập của nghề Luật sư trước yêu cầu của khách hàng.

Tôi đã gặp trường hợp khách hàng sau khi trình bày nội dung của tranh chấp và yêu cầu của mình; khách hàng hỏi tiếp Luật sư có quen thân với Thẩm phán phụ trách vụ án này không? Ngầm hiểu đằng sau câu hỏi của khách hàng, tôi chỉ trả lời “Tất cả quan hệ chỉ là quan hệ công việc”, và như thế có thể tôi mất đi một khách hàng. Cũng đừng trách khách hàng vì họ có quyền như vậy; vấn đề còn lại là Luật sư có tỉnh táo để giữ được sự độc lập của mình hay không?  

Cũng cách đây khá lâu tôi nhận bảo vệ cho một khách hàng trong vụ kiện dân sự . Rủi thay ngày Tòa mở phiên Tòa tôi lại bận vì phải đi công tác ngoại tỉnh. Tôi gặp vị Thẩm phán phụ trách hồ sơ ngỏ ý xin hoãn và được chấp thuận nhưng khách hàng tôi lại không muốn và chỉ yêu cầu tôi gửi bài phát biểu đến Tòa người này còn nói thêm “Luật sư cứ gửi bài phát biểu để Tòa đính vào hồ sơ, thế là đủ….”. Hụt hẵng nhưng vì kém bản lĩnh, tôi biết làm sao hơn vì ý chí của khách hàng phải chăng là ý chí của Thượng đế! Tôi nhắc lại chuyện đó vì mới đây một bị cáo đã nhờ tôi bào chữa trong một vụ án hình sự và người này cũng nói với tôi một câu tương tự, Luật sư giúp em phát biểu trước Tòa và xin hưởng án treo và thế là xong …Bởi vậy với tôi giữ được sự độc lập đối với khách hàng đôi khi còn khó hơn giữ sự độc lập đối với các người/cơ quan tiến hành tố tụng. Tinh thần này bắt đầu khởi điểm ngay khi tiếp cận với yêu cầu của khách hàng chứ không phải đến khi đối diện với các cơ quan tiến hành tố tụng

Một khía cạnh khác của tính độc lập khi hành nghề Luật sư là Luật sư được toàn quyền chọn cho mình phương thức cũng như các luận cứ bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho khách hàng gần như một cách tuyệt đối mà không có sự can thiệp của khách hàng. Luật sư có quyền từ chối lời yêu cầu của khách hàng để không đưa nội dung bào chữa hay phát biểu trước Tòa. Trong trường hợp cần thiết Luật sư chỉ có thể thông báo cho khách hàng biết hướng giải quyết vụ án/vụ kiện hoặc sẽ thuyết phục khách hàng phải chấp nhận quan điểm của mình nhằm giải quyết vụ việc phù hợp với luật pháp. Nếu khách hàng vẫn không đồng ý Luật sư có quyền từ chối việc cung cấp dịch vụ.

Một trường hợp nhạy cảm cũng có thể xảy ra đối với các Luật sư làm việc tại các tổ chức hành nghề Luật sư với tư cách là người được trả lương; họ đích thực là người lao động và Trưởng cơ sở hành nghề là người sử dụng lao động. Trong trường hợp này liệu Luật sư được trả lương có được quyền hưởng tinh thần độc lập khi hành nghề không? Họ có được toàn quyền xử lý hồ sơ vụ việc được cơ sở phân công hay phải tuân theo sự chỉ đạo của Luật sư Trưởng cơ sở hành nghề. Ở góc độ người sử dụng lao động, Trưởng cơ sở có được quyền này vì quan hệ lao động một phần được đặt trên quan hệ kỷ luật; nhưng nếu bị điều chỉnh bởi Luật luật sư; sự can thiệp của Trưởng cơ sở hành nghề có phải là một sự can thiệp có tính lạm quyền không? Đây là một vấn đề nhạy cảm và đã có nhiều ý kiến trái ngược thể hiện trong một cuộc Hội thảo được Đoàn Ls Thành phố HCM tổ chức trước đây với sự tham gia của nhiều Ls nước ngoài.

[b] Tính độc lập đối với cơ quan tiến hành tố tụng

Với Bác sĩ, khách hàng là bệnh nhân và bệnh nhân luôn luôn nói thật căn bệnh của mình. Nhưng đối với Luật sư thì khách hàng thường không nói hết sự thật với Luật sư. Họ chỉ trình bày hoặc cung cấp tài liệu chứng cứ được xem là có lợi cho mình để Luật sư ứng xử theo hướng có lợi cho khách hàng. Trong quá trình hành nghề tôi nghĩ rằng không riêng gì tôi mà các đồng nghiệp cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh một bị cáo luôn luôn phủ nhận một phần hay toàn phần hành vi bị truy cứu, trong khi những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ lại thể hiện một hướng ngược lại. Một trường hợp tương tự cũng đặt ra cho Luật sư phải tìm cách ứng xử trong một vụ án có nhiều bị cáo mà trách nhiệm hình sự có thể đối lập nhau.

Trong trường hợp này Luật sư cũng phải hiểu không thể bào chữa cho khách hàng của mình bằng cách buộc tội bị cáo khác để gián tiếp trở thành đại diện thứ ba của Viện Kiểm sát. Nếu Luật sư hành sử ngược lại Luật sư cũng tự mình đánh mất đi tính độc lập của nghề Luật sư vì chức năng của Luật sư là bào chữa cho bị cáo.

Một bản án được tuyên dù là hình sự hay dân sự nó ảnh hưởng trực tiếp đến các người tham gia tố tụng; gián tiếp đến thân nhân của họ nhưng lại có tác động đến tâm lý của nhiều người trong xã hội. Luật sư chỉ có thể góp phần vào việc hoàn thiện để Tòa án đưa ra một bản án công bằng, hợp lý nhằm phù hợp với các quy định của luật pháp nếu Luật sư giữ được tinh thần độc lập trước các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Góp phần tạo nên một bản án công bằng và đúng luật là chung sức tạo nên một xã hội văn minh là gián tiếp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, những đóng góp về mặt trí tuệ nhất là tại các vụ án có tính phức tạp hay nhạy cảm nếu được Tòa thừa nhận thì sự đóng góp này đã góp phần làm thêm vẻ đẹp của nội dung bản án. Mỗi khi Luật sư làm tròn chức năng của mình với đầy đủ tinh thần độc lập thì chính những đóng góp của Luật sư đích thực đã thể hiện tình nhân ái của con người với con người.

Nhưng để có thể đưa ra một bản án công bằng và đúng luật thì tất cả các quan hệ nhất là quan hệ giữa Luật sư với những cơ quan, những người tiến hành tố tụng phải được thiết lập trên mối quan hệ công. Mối quan hệ công nếu thuần túy thì phải đặt trên cơ bản của mối "quan hệ đô thị", mà không phải là "quan hệ làng xóm", hay còn gọi là “quan hệ nghĩa tình” tức là mọi sự việc đều được giải quyết trên cơ sở quy định của luật pháp hơn là được giải quyết trên cơ sở nghĩa tình. Tôi nói đến mối "quan hệ đô thị" vì chỉ có mối quan hệ này mới đem lại sự tỉnh táo cho người trực tiếp hay gián tiếp giải quyết vụ việc còn không thì hình như mọi giải pháp và quyết định được đưa ra đều có tính ban phát như một ly cà fê không đường cùng một cái bánh ngọt và mỗi người nếm một chút vị đắng lẫn vị ngọt trong đó có phần nào trách nhiệm của Luật sư vì đã không tôn trọng tính độc lập của nghề mà mình đã chọn và đã đem tâm huyết ra mà sống với nghề.

Tuy nhiên Luật sư độc lập trong hoạt động hành nghề không có nghĩa là tự tách hoạt động của mình ra khuôn khổ của các hoạt động tố tụng khác. Tính độc lập nói trên không thể đồng nghĩa với sự cô lập, tự tách mình ra, coi mình là tuyệt đối, mà nó cần hòa quyện trong trật tự của một nền pháp chế thống nhất. Có như vậy, Luật sư sẽ đảm bảo được tính độc lập trong hành nghề mà vẫn giữ được sự tôn trọng từ các cơ quan tố tụng và người tiến hànhtố tụng.

Vì vậy bảo đảm được sự độc lập của mình, người luật sư phải tuân thủ các quy tắc trong quan hệ với cơ quan tố tụng; ví dụ không được cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà biết rõ không xác thực và đi xa hơn nữa không được móc nối, lôi kéo cán bộ làm việc trái quy định của pháp luật… Luật sư có thể trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết án nếu xét thấy cần thiết và có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, luật sư phải giữ tính độc lập, không bị chi phối hoặc lệ thuộc vào ý kiến khác làm ảnh hưởng tới xây dựng quan điểm, phương án bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng vì việc Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng xuất phát từ sự tín nhiệm, ủy thác tự nguyện của khách hàng.

Do đó, có thể khẳng định bản chất mối quan hệ giữa luật sư với các cơ quan và người tiến hành tố tụng thực chất là mối quan hệ có tính phản biện, tác động hổ tương lẫn nhau vì nói cho cùng sự độc lập của Luật sư khi hành nghề sẽ góp phần tạo nên nguồn gốc của phép ứng xử tôn trọng lẫn nhau giữa Luật sư, khách hàng và các cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Để giữ được tinh thần độc lập khi hành nghề không phải là một điều dễ dàng vì trên thực tế Luật sư có thể bắt gặp những rào cản hữu hình lẫn vô hình khi tiếp cận với yêu cầu của khách hàng cũng như đối với một số người tiến hành tố tụng dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Trong vài trường hợp Luật sư cần biết quên và hy sinh đi cái lợi ích của mình nhằm bảo đảm được một nền pháp chế dân chủ, công bằng phù hợp với quy định hiện hành. Hơn ai hết, chính Luật sư là người phải chấp nhận mọi rủi ro khi xem trọng tinh thần độc lập trong quá trình hành nghề. Giữ được tinh thần độc lập chính là giữ lại cái tinh túy của nghề và người Luật sư để trước hết giữ được lòng tự trọng của chính mình và sau nữa để được xã hội tôn vinh và trân trọng.

Bất cứ Luật sư nào đi cũng là con đường sỏi đá, không bao giờ được trải hoa nếu Luật sư đứng và đi bằng đôi chân độc lập. Biết vậy nhưng Luật sư vẫn phải đi. Trong không khí đượm tình thân ái nhưng tôn trọng và tôn kính lẫn nhau; tôi đã cố gắng đem tâm huyết giải bày và được xem như tâm sự của người đang dần rủ bỏ hoạt động chuyên môn của Luật sư dù rằng với tôi đến thời điểm này tôi vẫn còn niềm đam mê cháy bỏng như những ngày còn trẻ đối với ngành luật vì nghề luật là máu thịt, là người tình mà tôi phải lòng, là nghiệp mà tôi phải trả như con gái đầu lòng của tôi đã nói.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Nghĩ về tính độc lập của Luật sư khi hành nghề

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.44125 sec| 1209.531 kb