Tội chống người thi hành công vụ theo quy định pháp luật
1- Người thi hành công vụ là những ai?
Theo quy định tại Nghị định 208/2013/NĐ-CP thì: “Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”.
Ngoài ra, người thi hành công vụ còn được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
2- Những dấu hiệu cơ bản cấu thành tội danh chống người thi hành công vụ
2.1- Mặt khách quan
Có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi: dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ, Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ, cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ, hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ, v.v.
Hành vi chống người thi hành công vụ nêu trên nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu Trách nhiệm hình sự về các tội phạm tại Chương XII Bộ luật hình sự
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2.2- Mặt khách thể
Xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ. Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật.
2.3- Chủ quan
Là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật.
2.4- Mặt chủ thể
Bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự, là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội (Điều 21 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest
3- Hình phạt đối với tội danh chống người thi hành công vụ
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì việc chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị truy cứu hình sự theo quy định của pháp luật. Khi có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Khung hình phạt cơ bản người vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm (nếu có tình tiết giảm nhẹ) hoặc sẽ bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm khi có hành vi cản trở những người thi hành công vụ (Khoản 1 Điều 330 BLHS 2015).
Khung hình phạt tăng nặng thì người vi phạm sẽ bị phạt tù từ hai đến bảy năm nếu người vi phạm có sự bàn bạc trước, cấu kết có tổ chức, phạm tội từ 02 lần trở lên, xúi giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội,… để thực hiện tội phạm nhằm chống đối người thi hành công vụ (Khoản 2 Điều 330 BLHS 2015).
4- Xử phạt hành chính với hành vi chống người thi hành công vụ
Nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ như sau:
(i) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
(ii) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
+ Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
+ Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
(iii) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;
+ Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
+ Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
(iv) Ngoài ra, người vi phạm buộc xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ đó.
Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Tội chống người thi hành công vụ theo quy định pháp luật được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Tội chống người thi hành công vụ theo quy định pháp luật có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm