Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Không chỉ biết khen ngợi những thành công, mà còn phải biết khen ngợi những thất bại"
- Jack Welch -
Sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực đặc biệt và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh một nền kinh tế mới chủ yếu dựa trên tri thức đang dần dần hình thành ở nước ta.
Cơ chế bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, xét về nội dung và bản chất các quy phạm pháp luật, về cơ bản tương đối đầy đủ và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, các sàn thương mại điện tử đã thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày, tạo nên số lượng người dùng đông đảo và khó kiểm soát. Điều này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho việc mua bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, có được từ hoạt động sáng tạo của con người, ngày càng đóng vai trò then chốt trong quá trinh tạo ra giá trị, giá trị gia tăng cho chủ sở hữu trong nền kinh tế thị trường- Bản chất của tài sản trí tuệ là dễ bị xâm phạm và khó tự bảo vệ, song một khi quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ đã được xác lập và được nhà nước bảo hộ, chủ sở hữu quyền hoàn toàn có ưu thế vượt trội khi khai thác các giá trị của tài sản trí tuệ đó và thu được những lợi ích về tài chính. Quyền sở hữu trí tuệ tạo cho người chủ sở hữu vị thế “độc quyền” khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ và ngăn cản những người khác khai thác tài sản trí tuệ của mình. Tuy nhiên, đặc quyền này được cân bằng với lợi ích xã hội bằng những quy định rất đặc thù về cơ chế bảo hộ có mục đích, có chọn lọc, có thời hạn, có giới hạn, có điều kiện, đối với từng loại tài sản trí tuệ là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
Điều 2 Hiệp ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ký tại Stockholm ngày 14/7/1967 quy định rằng “quyền sở hữu trí tuệ” gồm các quyền đối với:
(1) Các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học;
(2) Việc biểu diễn của các nghệ sỹ biểu diễn, chương trình ghi âm và chương trình phát sóng;
(3) Các sáng chế trong mọi lĩnh vực của đời sống con người;
(4) Các phát minh khoa học;
(5) Kiểu dáng công nghiệp;
(6) Nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, các chỉ dẫn và tên thương mại;
(7) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và tất cả các quyền khác có được từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật.
Trong đó, lĩnh vực được đề cập tại (1) thuộc về nhánh quyền tác giả; các lĩnh vực được đề cập tại (2) thường được hiểu là “quyền liên quan”, tức là quyền liên quan tới quyền tác giả; các lĩnh vực được đề cập tại (3), (5), (6) và (7) tạo thành nhánh quyền sở hữu công nghiệp trong quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, hai nhánh chính của quyền sở hữu trí tuệ chính là: (i) quyền tác giả và quyền liên quan; và (ii) quyền sở hữu công nghiệp. Khái niệm cơ bản này được sử dụng trong hầu hết các quy định quốc tế và pháp luật quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 của Việt Nam cũng quy định “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.
(i) Quyền tác giả bảo hộ quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với:
- Tác phâm văn học nghệ thuật và khoa học; và
- Tác phẩm phái sinh (với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả).
(ii) Quyền liên quan bảo hộ chủ sở hữu quyền đối với
- Cuộc biểu diễn;
- Bản ghi âm, ghi hình;
- Hương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa với điều kiện các đối tượng này không gây phương hại đến quyền tác giả.
(iii) Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và các quyền sở hữu công nghiệp khác do pháp luật quy định. Quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp sẽ được đề cập cụ thể hơn, đối với một số đối tượng tiêu biểu như quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh và tên thương mại.
Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tình trạng có khả năng di truyền được. Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Xét về khía cạnh quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Việc chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản trí tuệ bằng cách xác lập quyền sở hữu và/hoặc được chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, việc sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và định đoạt quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ có những đặc thù riêng, khác biệt so với các tài sản hữu hình. Bản chât của quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu đối với các thông tin; các tri thức về khoa học, kỹ thuật và công nghệ; uy tín trong kinh doanh thương mại và dịch vụ... do con người sáng tạo ra, được vật chất hóa dưới một hình thức nhất định. Với đặc điểm này, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ rất dễ bị phổ biến và rất dễ bị xâm phạm từ các chủ thể khác.
Quyền sở hữu trí tuệ bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
- Về không gian, quyền sở hữu trí tuệ luôn mang tính chất lãnh thổ, có nghĩa là quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia nào thì chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó và chịu sự điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật quốc gia. Giới hạn lãnh thổ của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được mở rộng khi các quốc gia tham gia hoặc ký kết các điều ước quốc tế đa phương, song phương về sở hữu trí tuệ hoặc các thỏa thuận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên nguyên tắc có đi có lại.
- Về thời gian, quyền sở hữu trí tuệ (trừ một số quyền nhân thân) được bảo hộ trong thời hạn nhất định do pháp luật quy định, ví dụ: quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế là 20 năm, quyền tài sản trong quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest
Hệ thống pháp luật quốc gia về quyền Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, về cơ bản, tương đối hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Cùng với các nguyên tắc cơ bản về quyền và nghĩa vụ của công dân, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được đề cập trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 là đạo luật quy định đầy đủ và toàn diện nhất về quyền Sở hữu trí tuệ, đáp ứng được tương đối đầy đủ các yêu cầu khi Việt Nam gia nhập WTO với các tiêu chuẩn tối thiểu về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền Sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs).
Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung một số điều vào ngày 19/6/2009, ngày 14/6/2019 cùng các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành đã đánh dấu một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về sở hữu trí tuệ, đáp ứng nhu cầu hội nhập thế giới, tạo môi trường pháp lý an toàn, bình đẳng và minh bạch cho hoạt động SHTT, khuyến khích hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của các hoạt động này, tạo môi trường lành mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ quốc gia.
Luật Sở hữu trí tuệ được chia thành 06 phần, gồm các nội dung cơ bản sau đây:
Phần I. Những quy định chung: Quy định phạm vi và đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các khái niệm được sử dụng trong Luật Sở hữu trí tuệ; nguyên tắc áp dụng pháp luật, căn cứ phát sinh, xác lập quyền SHTT đối với từng đối tượng; giới hạn quyền sở hữu trí tuệ...;
Phần II. Quyền tác giả và quyền liên quan: Quy định điều kiện bảo hộ, nội dung quyền và giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; quy định về chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và tổ chức đại diện, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;
Phần III. Quyền sở hữu công nghiệp: Quy định điều kiện bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp; chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp; nội dung và giới hạn của quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; đại diện sở hữu công nghiệp;
Phần IV. Quyền đối với giống cây trồng: Quy định điều kiện bảo hộ, xác lập quyền đối với giống cây trồng; nội dung và giới hạn quyền đối với giống cây trồng; chuyển giao quyền đối với giống cây trồng;
Phần V. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Quy định về quyền tự bảo vệ, các biện pháp xử lý và thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Phần VI. Điều khoản thi hành.
Ngoài ra, còn có một số văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) - gọi chung là Luật Sở hữu trí tuệ cần được Luật sư lưu tâm trong quá trình tư vấn.
Việc áp dụng các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ tuân thủ theo nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là:
(i) Trong trường hợp có những vấn đề dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự;
(ii) Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật Sở hữu trí tuệ với quy định cùa luật khác thì áp dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; và:
(iii) Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Trong các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên, đáng lưu tâm là:
(i) Thỏa ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa 1891 và Nghị định thư 1989 liên quan đến Thỏa ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa;
(ii) Thỏa ước Lahay về Đăng ký quốc tể kiểu dáng công nghiệp 1925;
(iii) Công ước Rome về Bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng 1961;
(iv) Hiệp ước hợp tác Patent (PCT) 1970;
(v) Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật 1979;
(vi) Công ước Paris về Bảo hộ sở hữu công nghiệp 1983;
(vii) Công ước quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới 1991;
(viii) Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) 1994.
- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013;
- Điều ước quốc tế (đa phương và song phương) có liên quan tới sở hữu trí tuệ mà Việt Nam ký kết và/hoặc tham gia;
- Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự và các luật khác có liên quan;
- Các văn bản dưới luật.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký bản quyền tác giả của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án của luật sư - Học viện Tư Pháp và một số nguồn khác).
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm