Vai trò của hoạt động điều chỉnh pháp luật dân sự
Luật dân sự Việt Nam được hiểu là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt nam, điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa, tiền tệ và các quan hệ nhân thân trên cơ sở bình đẳng, độc lập của các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó. Như vậy, một phần quan trọng trong các mối quan hệ xã hội được pháp luật dân sự điều chỉnh là mối quan hệ tài sản và nhân thân. Việc điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng thể hiện vai trò của điều chỉnh pháp luật dân sự trong đời sống xã hội - nó là thành tố tổ chức các mối quan hệ xã hội. Vai trò này của hoạt động điều chỉnh pháp luật dân sự được thể hiện như sau:
- Luật dân sự xác định căn cứ cho các mối quan hệ xã hội do nó điều chỉnh, xác định các chuẩn mực hành vi chung cho các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội đó.
Trong các hoạt động sản xuất, trao đổi, sử dụng và phân phối, con người luôn muốn đạt được lợi ích của mình, cố gắng thực hiện những mục đích đã đặt ra, thể hiện ý chí và xúc cảm tình cảm của mình. Để làm được điều này, con người tham gia vào các mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau, sử dụng các phương thức hoạt động khác nhau. Họ có thể có các quan hệ hợp tác hoặc đối kháng lẫn nhau... Pháp luật dân sự đã đề ra các quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nói trên. Nhờ đó, các quan hệ dân sự không chỉ thể hiện ý chí và lợi ích của cá nhân mà còn phù hợp với lợi ích của nhà nước và xã hội.
Một phần quan trọng của quan hệ xã hội mà luật dân sự điều chỉnh là các quan hệ tài sản - đó là cơ sở vật chất của các quan hệ xã hội. Phạm trù tài sản không chỉ bao gồm vật thuộc về ai, do ai chiếm hữu, sử dụng, định đoạt mà còn bao gồm cả việc dịch chuyển những tài sản đó từ chủ thể này sang chủ thể khác, quyền yêu cầu của một hay nhiều chủ thể và nghĩa vụ tương ứng với các quyền đó của một hay nhiều chủ thể khác. Tất cả các quyền và nghĩa vụ trên chỉ được thực hiện một cách có hiệu quả khi quan hệ sở hữu với các đồ vật của chủ thể được xác định. Luật dân sự đã có các quy định cụ thể về quyền sở hữu đối với tài sản của cá nhân thông qua ba quyền năng: quyền được chiếm hữu, quyền được sử dụng, và quyền được định đoạt.
Quan hệ tài sản còn được hình thành trong quá trình sản xuất, phân phối và lưu thông tiêu thụ hàng hóa cũng như các dịch vụ cung ứng xã hội khác. Tài sản thuộc nhà doanh nghiệp là căn cứ để anh ta có thể kinh doanh. Tài sản đó bao gồm: Nhà xưởng, phương tiện, thiết bị máy móc và những đồ vật khác được sử dụng trong quá trình sản xuất và kinh doanh... Mỗi phần từ các sự vật trên đều có các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh. Nhờ đó, khi cá nhân có tài sản đều có thể sử dụng tài sản đó để tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Trong hoạt động sản xuất, các kết quả của hoạt động trí tuệ được sử dụng rất nhiều như các sáng tạo, các thành quả nghiên cứu khoa học, các kết quả sáng tác nghệ thuật... Quyền tác giả của các sản phẩm trí tuệ trên được pháp luật dân sự bảo vệ. Trong luật dân sự quy định rất rõ quyền sở hữu chính đáng của các chủ thể đối với các sản phẩm trí tuệ của mình.
Để xác định sự tồn tại của một loại hàng hóa nào đó, phân loại các loại hàng hóa với nhau, pháp luật dân sự có các quy định cụ thể về các thương hiệu hàng hóa. Xét về mặt tâm lý, thương hiệu hàng hóa thể hiện biểu tượng về chất lượng của một loại hàng hóa nhất định ở người tiêu dùng. Nhờ các quy định về thương hiệu hàng hóa trong luật dân sự mà lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng được đảm bảo.
Một vấn đề quan trọng trong các hoạt động kinh tế xã hội, đó là tiền tệ và nghĩa vụ tiền tệ. Tài sản trong các giao dịch dân sự được thể hiện dưới dạng hàng hóa và được quy thành giá trị tiền tệ. Điều này tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, phát huy khả năng của các cá nhân, tập thể. Song, nó cũng có những mặt trái. Do đó, luật dân sự có các quy định cụ thể điều chỉnh các mối quan hệ hàng hóa tiền tệ, tạo ra được hành lang pháp lý vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa chặt chẽ nhằm khuyến khích sự năng động sáng tạo, đồng thời ngăn cấm mọi hành vi làm giàu bất chính, xâm hại đến lợi ích nhà nước và xã hội, đảm bảo cho kỷ cương và sự phát triển của xã hội.
Hoạt động kinh doanh không thể tách rời khỏi sự huy động vốn và mang lại giá trị thặng dư. Luật dân sự có các quy định cụ thể, cho phép huy động vốn bằng nhiều hình thức như thế chấp, cầm cố, phát hành trái phiếu...
Cùng với quan hệ tài sản, luật dân sự điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội rất quan trọng trong giao dịch dân sự - đó là quan hệ nhân thân. Các quyền nhân thân được nhiều ngành luật điều chỉnh, xác nhận như luật hành chính, luật hình sự. Luật dân sự điều chỉnh quan hệ nhân thân bằng cách quy định các giá trị nhân thân nào được coi là quyền nhân thân, giới hạn của các quyền nhân thân đó, đồng thời quy định các biện pháp thực hiện, bảo vệ các quyền nhân thân. Bằng các quy định cụ thể của luật dân sự, quyền nhân thân là một quyền dân sự tuyệt đối, được nhà nước bảo vệ, và mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng.
Như vậy, bằng hệ thống các quy phạm pháp luật cụ thể, luật dân sự đã tác động lên nhóm quan hệ xã hội quan trọng - quan hệ tài sản và nhân thân, điều chỉnh, sắp xếp và tổ chức các mối quan hệ này, nhằm đảm bảo được lợi ích của cá nhân, của cộng đồng và của quốc gia.
Là thành tố tổ chức các quan hệ xã hội, điều chỉnh pháp luật dân sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khi chúng bị xâm hại. Các công dân đều có quyền đưa đơn khởi kiện, yêu cầu toà án bảo vệ cho các quyền lợi của mình khi có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. Luật tố tụng dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật việt nam, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa các cơ quan tố tụng, và những người tham gia tố tụng, phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, bảo vệ lợi ích của nhà nước và cộng đồng. Luật tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản của quá trình tố tụng dân sự, trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng dân sự, hiệu lực của bản án, trách nhiệm của cá nhân tổ chức và các cơ quan nhà nước trong việc thi hành án... Như vậy, luật tố tụng dân sự hướng dẫn và tổ chức giải quyết các tranh chấp dân sự. Nhờ đó quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức được bảo vệ, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo.
Tóm lại, bằng các quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh các quan hệ giao dịch dân sự, điều chỉnh quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, điều chỉnh pháp luật dân sự đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội - nó là thành tố điều chỉnh và tổ chức sắp xếp các quan hệ xã hội theo một trật tự, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cá nhân, bảo vệ lợi ích của cá nhân và xã hội.
Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm