Vai trò tâm lý học trong hoạt động điều chỉnh pháp luật dân sự

26/03/2023
Điều chỉnh pháp luật dân sự, nhìn dưới góc độ tâm lý học, đó là sự tác động có mục đích, có định hướng, có tổ chức lên các mối quan hệ giữa con người với con người trong giao dịch dân sự. Yếu tố con người trong điều chỉnh pháp luật dân sự là thiết yếu và quan trọng. Vì vậy, để điều chỉnh pháp luật dân sự đạt được hiệu quả cao, cần phải có sự hỗ trợ của tâm lý học và các tri thức, hiểu biết về tâm lý con người.

Vai trò nghĩa của tâm lý học trong lĩnh vực điều chỉnh pháp luật dân sự được thể hiện ở những điểm sau:

- Rất nhiều các khái niệm, thuật ngữ có ý nghĩa tâm lý xã hội được sử dụng trong lĩnh vực điều chỉnh pháp luật dân sự. Trong các quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể luôn thể hiện ý chí, xúc cảm tình cảm và hành động của mình với tư cách là thành viên của xã hội. Rất nhiều các thuật ngữ có ý nghĩa tâm lý xã hội được sử dụng khi nói tới chủ thể của quan hệ pháp luật. Trong các tài liệu của quốc tế thường xuyên sử dụng khái niệm "con người", đó là đại diện cao cấp nhất của các sinh vật sống, là chủ thể của các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội. Luật dân sự, với tư cách là ngành luật của chủ thể pháp luật dân sự thường sử dụng thuật ngữ "công dân", và được hiểu đó là một đương sự tham gia vào các mối quan hệ xã hội nhất định với nhà nước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong lĩnh vực pháp luật việc sử dụng khái niệm " nhân cách" như là chủ thể của quan hệ pháp luật sẽ không chính xác. Nhân cách, đó là cá thể đã đạt được một trình độ tâm lý xã hội nhất định, cho phép họ có thể tham gia với tư cách là chủ thể của các quan hệ xã hội có vị thế xã hội và có các trách nhiệm xã hội đối với các hành vi của mình. Gắn liền với các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là các hoạt động tâm lý của họ như ý chí, tình cảm, động cơ, mục đích, hành động, lương tâm, danh dự... Tất cả các hiện tượng tâm lý đó thường xuyên được nghiên cứu, xem xét bằng các phạm trù tâm lý học trong lĩnh vực điều chỉnh pháp luật dân sự.

- Các quy phạm pháp luật dân sự được soạn thảo trên cơ sở các tri thức của luật học, kết hợp chặt chẽ với tâm lý học. Điều chỉnh pháp luật luôn thể hiện ý chí của nhà nước và quốc gia. Các quy định của bộ luật dân sự điều chỉnh, sắp xếp các quan hệ dân sự theo một trật tự, phù hợp với lợi ích của Nhà nước xã hội. Song, quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội không thể đối kháng lại quyền và lợi ích của mỗi cá nhân. Để bảo vệ được lợi ích của Nhà nước và xã hội, đồng thời thoả mãn được nhu cầu, nguyện vọng của cá nhân, các nhà làm luật cần phải có hiểu biết về tâm lý con người, vận dụng nó vào việc soạn thảo các quy định pháp luật.

- Kiến thức tâm lý góp phần làm sáng tỏ bản chất của vi phạm pháp luật dân sự, từ đó xác định được lỗi và trách nhiệm dân sự của các chủ thể trong vi phạm đó. Mỗi vi phạm dân sự đều có thể gây ra những thiệt hại nhất định. Để xác định trách nhiệm dân sự nhằm khắc phục hậu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, ngoài việc xác định mức độ thiệt hại, vấn đề lỗi cần phải được xác định chính xác trong tố tụng dân sự. Nhờ có các tri thức của tâm lý học, có thể phân tích các yếu tố tâm lý trong hành vi vi phạm như động cơ, mục đích, các yếu tố của nhận thức, ý chí... để làm sáng tỏ hành vi đó là cố ý hay vô ý, là có lỗi hay không có lỗi. Một vi phạm pháp luật dân sự chỉ được coi là không có lỗi khi nó được thực hiện do điều kiện và hoàn cảnh khách quan. Xét về mặt tâm lý, chủ thể của hành vi đó không vô ý hoặc cũng không cố ý thực hiện, hoặc không thể nhận thức được, từ đó không thể lựa chọn được cách xử sự phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Ngoài ra, những hành vi trái pháp luật mà chủ thể thực hiện trong điều kiện không có sự tự do ý chí thì cũng không bị coi là là có lỗi. Như vậy, lỗi chính là mặt chủ quan trong hành vi, là yếu tố tâm lý của con người mà cần phải có hiểu biết tâm lý mới có thể lý giải một cách thấu đáo.

 

- Các kiến thức của tâm lý học không thể thiếu khi giải quyết các vụ án dân sự. Khi tham gia vào quá trình tố tụng dân sự, các chủ thể có các mục đích đối lập nhau, mối quan hệ của họ mang tính đối kháng. Tham gia hoạt động, giữa các chủ thể luôn diễn ra quá trình tác động liên nhân cách. Để điều chỉnh được mối quan hệ của các chủ thể, nâng cao hiểu biết pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật cho công dân, người cán bộ tư pháp cần phải có kiến thức sâu rộng về tâm lý con người. Các tri thức tâm lý học giúp làm rõ các điều kiện của hoạt động tố tụng đã ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân như thế nào, diễn biến tâm lý của họ ở các vị trí tố tụng được hình thành, nảy sinh và phát triển ra sao... Chỉ khi hiểu rõ được các quy luật hình thành và phát triển tâm lý của các chủ thể khi tham gia tố tụng thì mới có thể làm rõ được sự thật khách quan của vụ án, có các quyết định đúng đắn và tiến hành hoạt động giáo dục một cách có hiệu quả. Đặc biệt, trong việc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến giáo dục trẻ em, các kiến thức về tâm lý sư phạm là một kiến thức chuyên ngành rất cần thiết.

Như vậy, điều chỉnh pháp luật dân sự hướng tới đối tượng là các mối quan hệ giữa con người với con người. Hiểu biết các quy luật, các đặc điểm tâm lý con người trong lĩnh vực này là cần thiết. Là ngành khoa học về tâm lý con người, tâm lý học cung cấp những kiến thức, hiểu biết cần thiết cho lĩnh vực điều chỉnh pháp luật dân sự, nhằm nâng cao hiệu quả của quản lý trong lĩnh vực này.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Vai trò tâm lý học trong hoạt động điều chỉnh pháp luật dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.23709 sec| 943.234 kb