Vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại Gia Lâm, Hà Nội: Bị cáo “Khai gian dối” nhưng vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo”.
Theo hồ sơ vụ án cho thấy:
Ngày 14/01/2022, bị cáo Lê Văn Luật có giấy phép lái xe ô tô hạng FC điều khiển xe ô tô đầu kéo biển số 29C-774.20 kéo rơ mooc biển số 29-055.65 lưu thông trên đường Quốc lộ 5 chiều Hà Nội - Hải Phòng.
Đến khoảng 12 giờ 15 phút cùng ngày (ngày 14/01/2022), khi đến đoạn đường Km8 Quốc lộ 5 chiều Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa phận thị trấn Trâu Qùy, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, bị cáo Lê Văn Luật điều khiển xe ô tô đi lấn sang làn đường thứ ba (có biển báo thể hiện làn đường chỉ dành cho xe mô tô chạy), cách dải tôn lượn sóng khoảng 1,5 mét, vận tốc khoảng 15-20 km/h đã va chạm với xe mô tô BKS 89F3-7955 do bà Phạm Thị Quyền (sinh năm 1966, trú tại: thôn Đồng Tỉnh, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) có giấy phép lái xe mô tô hạng A1 điều khiển đi cùng chiều làm bà Phạm Thị Quyền bị ngã xe, va đập vào dải tôn lượn sóng dẫn đến nạn nhân bị chấn thương vùng ngực và tử vong trên đường đi cấp cứu, xe mô tô bị hư hỏng.
Ngày 26/01/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Gia Lâm ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 76/QĐ-KTVA đối với vụ án hình sự: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, xảy ra tại Km8 Quốc lộ 5, chiều Hà Nội - Hải Phòng, địa phận thị trấn Trâu Qùy, Gia Lâm, Hà Nội ngày 14/01/2022” và Quyết định khởi tố bị can số 63/QĐ-KTBC đối với Lê Văn Luật về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Ngày 01/07/2022, tại bản án sơ thẩm số 108/2022/HS-ST, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại:
Nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, có dấu hiệu của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án
Trong vụ án nêu trên, người tiến hành tố tụng được xác định gồm: Ông Bùi Văn Toàn - Điều tra viên, ông Nguyễn Đức Thiện - Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Gia Lâm tiến hành điều tra vụ án.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan tiến hành tố tụng (nêu trên) và người tiến hành tố tụng đã có những dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và gia đình bị hại. Cụ thể:
Thứ nhất: Hành vi không thu thập chứng cứ - video clip đưa vào hồ sơ vụ án:
Theo như các dữ liệu điện tử là các video clip mà gia đình bị hại đã tự thu thập được trong vụ án (nêu trên) đã ghi lại và thể hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình diễn biến của sự việc rằng “từ 12:12:20 đến 12:18:54, bị cáo Lê Văn Luật bắt đầu mở cửa, xuống xe, đi ra phía thành xe bên ghế phải kiểm tra dấu vết rồi mới quay đi về hướng ngã tư, lúc này bị cáo mặc áo dài tay tối màu, quần dài tối màu, đi giày thể thao xám, đeo khẩu trang trắng, không mặc áo khoác, không đội mũ. Và cũng tại góc quay này: từ 12:48:18 đến 12:48:33, bị cáo mở cửa, xuống xe bắt đầu quay trở lại vị trí hiện trường tai nạn lần thứ hai, đã thay đổi diện mạo so với lần đầu tiên. Cụ thể bị cáo đội mũ lưỡi trai, mặc áo khoác đen. Điều này cũng khớp với hình ảnh trên góc quay camera tại nhà một người dân khác đối diện vị trí xảy ra tai nạn: từ 12:49:03 đến 12:49:21, bị cáo đội mũ lưỡi trai, mặc áo khoác đen”.
Tuy nhiên, tại các Biên bản ghi lời khai, Bản tự khai đề ngày 17/1/2022 (Bút lục 154), 18/1/2022 (Bút lục 159) và cũng ngay tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Văn Luật đều khai nhận rằng: Bị cáo chỉ quay lại duy nhất 01 (một) lần cách hiện trường xảy ra tai nạn khoảng vài chục mét để xem hiện trường vụ tai nạn chứ không trực tiếp có mặt tại đó. Từ các hình ảnh video ghi nhận lại được cho thấy lời khai này là không đúng sự thật, thể hiện thái độ không thành khẩn khai báo của bị cáo.
Bản Cáo trạng số 67/CT-VKSGL ngày 30/05/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, việc này là sai lệch với bản chất sự thật khách quan của vụ án.
Tại Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 60 ngày 06/5/2022 đã thể hiện: "Cơ quan CSĐT Công an huyện đã tiến hành rà soát nhân chứng, rà soát camera khu vực hiện trường xảy ra tai nạn, qua rà soát phát hiện xe ô tô biển số 29C-774.20 kéo rơ mooc biển số 29R-055.65 do Lê Văn Luật, sinh năm: 1976, trú tại: Minh Thành, Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương điều khiển thời điểm xảy ra tai nạn có tham gia giao thông tại vị trí xảy ra tai nạn và có liên quan đến vụ tai nạn trên”. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ vụ án không có video nào trích xuất từ camera để làm rõ hành vi của bị cáo Lê Văn Luật. Hồ sơ vụ án do các Luật sư sao chụp thể hiện: Chỉ có một vài hình ảnh rời rạc tại Bút lục số 128 đến 134 - Bản ảnh camera an ninh do Điều tra viên Bùi Văn Toàn và Cán bộ điều tra Nguyễn Đức Thiện lập. Các video clip do Cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được đã không được đưa vào hồ sơ vụ án. Đây là những chứng cứ quan trọng đã được thu thập, có ý nghĩa trong việc chứng minh tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, đồng thời là căn cứ để xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo Lê Văn Luật.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định:
- Về nguồn chứng cứ: “1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: c) Dữ liệu điện tử” (Khoản 1 Điều 87).
- Về thu thập chứng cứ: “4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này” (Khoản 4 Điều 88).
- Về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử: “1. Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
- 5. Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử” (Điều 107).
Căn cứ vào các quy định pháp luật, trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện được chứng cứ có giá trị chứng minh trong vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phụ trách vụ án cần thực hiện đúng các quy định pháp luật trong việc: (1) thu thập chứng cứ; (2) lập biên bản giao nhận; (3) niêm phong, bảo quản chứng cứ; (4) đưa chứng cứ vào hồ sơ vụ án; (5) kiểm tra, đánh giá chứng cứ.
Nếu như các dữ liệu Camera được đưa đầy đủ và toàn vẹn vào trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật thì bị cáo Lê Văn Luật không thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s Khoản 1 Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 như trên. Chỉ dữ liệu từ các Camera được ghi lại một cách toàn vẹn thì mới cho thấy được diễn biến sự việc, hành vi của bị cáo Lê Văn Luật để từ đó mới thấy được bản chất sự thật khách quan của vụ án. Việc cắt, ghép và đưa vào hồ sơ vụ án một vài hình ảnh rời rạc (Bút lục số 128 - 134) bản ảnh camera an ninh do Điều tra viên Bùi Văn Toàn và Cán bộ điều tra Nguyễn Đức Thiện lập không cho thấy được xuyên suốt hành động xảo quyệt nhằm che giấu tội phạm của bị cáo Lê Văn Luật.
Thế nhưng, Điều tra viên Bùi Văn Toàn và Cán bộ điều tra Nguyễn Đức Thiện đã không đưa dữ liệu điện tử là các video clip thu được vào hồ sơ vụ án, không tiến hành niêm phong, lập biên bản, bảo quản là không đúng quy định, có dấu hiệu của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với một chứng cứ quan trọng như vậy, việc không thực hiện đúng quy định pháp luật là một sai phạm nghiêm trọng trong vụ án (nêu trên).
Thứ hai: Hành vi không đánh giá chứng cứ - 01 (một) chiếc nắp cốp xe Container bằng kim loại có diện tích (135x40) cm:
Trong hồ sơ vụ án, Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu (Bút lục số 72) thể hiện: Ngày 17/01/2022, Điều tra viên Bùi Văn Toàn và Cán bộ điều tra Nguyễn Đức Thiện đã tiến hành tạm giữ 01 (một) chiếc nắp cốp xe Container bằng kim loại có diện tích (135x40) cm do bị cáo Lê Văn Luật giao nộp (là chiếc nắp cốp xe Container biển số 29C-774.20 do bị cáo Lê Văn Luật điều khiển ngày xảy ra vụ án).
Theo như hồ sơ vụ án thể hiện:
Biên bản ghi lời khai và Bản tự khai đề ngày 16/01/2022; 17/01/2022 và 18/01/2022, bị cáo Lê Văn Luật khai rằng: “Sau khi đỗ xe vào đường Lý Thánh Tông rồi đi bộ qua ngã tư hướng về Hà Nội nhìn qua bên kia đường để quan sát, do không nhìn thấy gì nên bị cáo quay trở lại xe và lúc này mới kiểm tra xe. Bị cáo phát hiện: ở bên cản moóc bên phải và nắp cốp có vết xước, sạch bụi bẩn, không thấy có vết va chạm gì nên nghĩ do quẹt vào cành cây mà không phải do va chạm nên mới tiếp tục di chuyển”.
Thế nhưng, Biên bản ghi lời khai (Bút lục 236), ông Trương Vũ Tuyển (người làm chứng) khai rằng: “Tối ngày 15/01/2022, bị cáo Lê Văn Luật có điều khiển xe đi về bãi đỗ xe mà ông Tuyển trông giữ để đỗ. Sau khi đỗ xe xong bị cáo Luật gửi cho ông Tuyển 01 (một) nắp cốp của moóc”.
Nếu như bị cáo chỉ nghĩ và cho rằng vết xước, sạch bụi bẩn trên nắp cốp xe Container là do quẹt vào cành cây thì việc gì bị cáo lại phải tháo dỡ chiêc nắp cốp ngay sau đó và gửi lại cho ông Tuyển? Giữa hành vi và lời khai của bị cáo đã có sự mâu thuẫn, cho thấy bị cáo đã không thành khẩn khai báo và có hành vi xảo quyệt nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Việc xem xét, đánh giá vật chứng này trong vụ án nhằm xác định tại thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo Lê Văn Luật có nhận thức được việc đã xảy ra sự va chạm với xe mô tô không?
Điều 108 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về kiểm tra, đánh giá chứng cứ: “1. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự; 2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án”.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án, Điều tra viên Bùi Văn Toàn và Cán bộ điều tra Nguyễn Đức Thiện đã không tiến hành xem xét, đánh giá vật chứng quan trọng này, dẫn đến việc giải quyết vụ án không khách quan, thiếu chính xác. Cơ quan tiến hành tố tụng cần thiết phải xem xét, đánh giá chứng cứ nêu trên để làm căn cứ áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm p, Khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: “p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”.
Thứ ba: Kiểm sát viên gây khó khăn cho Luật sư trong việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án
Công ty Luật TNHH Everest là đơn vị nhận ủy quyền, cung cấp dịch vụ pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lê Hữu Minh Chí - đại diện hàng thừa kế thứ nhất của bị hại trong vụ án nêu trên.
Trong quá trình tham gia vụ án, các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest đã nhiều lần liên hệ Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm để tiến hành việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án làm căn cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, thế nhưng đều bị bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm hết lần này tới lần khác đều đưa ra lý do khiến cho các Luật sư không thể sao chụp được tài liệu trong hồ sơ vụ án trong giai đoạn truy tố.
Điểm l Khoản 1 Điều 73 và khoản 1 điều 82 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định “Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người bảo chữa l.1. Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra”. “Điều 82. Đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án 1. Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án”.
Do đó, việc Kiểm sát viên Dung liên lục từ chối, đưa ra nhiều lý do khác nhau là dấu hiệu của việc kéo dài thời gian giải quyết, dấu hiệu cản trở quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án của các Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Everest làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại. Vụ việc đã có Đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm