Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam
1- Việt Nam có bảo hộ nhãn hiệu âm thanh không
Trước đây, tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về điều kiện chung đối với hiệu được bảo hộ như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”
Theo đó, trước đây nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải được thể hiện dưới dạng nhìn thấy.
Tuy nhiên, căn cứ Khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi 2022 quy định về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 72 như sau: “1- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Như vậy, âm thanh đã được bổ sung vào dấu hiệu được bảo hộ đối với nhãn hiệu.
Về hiệu lực thi hành, theo Khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định như sau: “2- Quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 01 năm 2022”. Theo đó, tuy đến ngày 01/01/2023 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 mới có hiệu lực thi hành, nhưng các quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực từ ngày 14/01/2022. Như vậy, các tổ chức và cá nhân có thể đăng ký nhãn hiệu âm thanh từ ngày 14/01/2022.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest.
2- Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh là gì?
Căn cứ Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Khoản 2 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, quy định như sau:
- Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu:
[a] Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm: (i) Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; (ii) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
[b] Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó
[c] Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.
[d] Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: (i) Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu; (ii) Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể; (iii) Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu; (iv) Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu; (v) Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
[đ] Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây: (i) Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu; (ii) Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu; (iii) Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu; (iv) Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu; (v) Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Như vậy, đơn đăng ký nhãn hiệu cần thỏa mãn có các nội dung nêu trên, trong đó chú ý mẫu nhãn hiệu âm thanh phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa.
Xem thêm: Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả của Công ty Luật TNHH Everest.
3- Đăng ký nhãn hiệu âm thanh ở đâu? Trình tự như thế nào?
Hiện nay các cá nhân, tổ chức có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu âm thanh tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có thể đến các địa chỉ nêu trên để nộp bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu nói chung và nhãn hiệu âm thanh nói riêng. Ngoài ra còn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn qua bưu điện hoặc nộp đơn trực tuyến.
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, trình tự đăng ký nhãn hiệu âm thanh sẽ gồm các bước:
Bước 1: Tiếp nhận đơn.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn.
Bước 3: Công bố hợp lệ.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn.
Thẩm định lại đơn khi rơi vào trường hợp quy định tại điểm 1.16 Mục 1 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN
Sửa đổi/bổ sung/tách/chuyển đổi/chuyển giao đơn (khi rơi vào trường hợp quy định tại điểm 1.17 Mục 1 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN.
Bước 5: Cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Bước 6: Đăng bạ và công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ.
Các quy định nói trên của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng để các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư) quy định chi tiết về thẩm định khả năng phân biệt, cách thức công bố đơn và lưu giữ hồ sơ đối với nhãn hiệu âm thanh.
4- Thực tiễn về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam
Có thể thẩy, để các sản phẩm/dịch vụ của mình dễ được nhận biết hơn so với sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, các nhà sản xuất/kinh doanh ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, cũng chú trọng đến việc sử dụng các dấu hiệu mới lạ làm nhãn hiệu để tạo ấn tượng, thu hút người tiêu dùng.
Mặt khác, sử dụng các loại dấu hiệu mới làm nhãn hiệu cũng là để đáp ứng một phần nhu cầu tích hợp và tận dụng các chức năng mới của sản phẩm công nghệ hiện đại, thông minh, đặc biệt trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay. Theo đó, nhãn hiệu âm thanh không chỉ thể hiện được chức năng vốn có của một nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, mà còn góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng.
Nếu như nhãn hiệu truyền thống là chỉ có thể nhìn thấy được thì nhãn hiệu âm thanh lại có thể tác động trực quan tới người sử dụng. Theo đó, có thể truyền tải những cảm xúc, đặc trưng của nhãn hiệu đến với người tiêu dùng, tạo mối liên kết thân thiện, gần gũi và sâu sắc hơn giữa nhà sản xuất hay cung ứng dịch vụ với người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ của họ.
Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đã phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam, đây là một đối tượng hoàn toàn mới. Do đó, Việt Nam cần phải học hỏi các quy định pháp luật, cũng như kinh nghiệm thực tiễn thẩm định và bảo hộ loại nhãn hiệu này của các nước.
Để có thể thực thi các quy định về nhãn hiệu âm thanh tại Luật Sở hữu trí tuệ 2022, cần có các hướng dẫn chi tiết về đối tượng này trong các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư, Quy chế thẩm định) đồng thời với việc chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như nhân lực để phục vụ công tác thẩm định và lưu trữ loại nhãn hiệu này.
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
(i) Bài viết: Nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(ii) Bài viết Nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm