Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Luật lệ không công bằng tự nó đã là một dạng bạo lực".
Mahatma Gandhi
Bạo lực gia đình là những hành vi giữa các thành viên trong gia đình, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: đánh đập, hành hạ, bạo hành tình dục, khủng bố tinh thần, gây thương tích cho nạn nhân, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc.
Bạo lực gia đình không chỉ gây ra những thiệt hại, có khi là đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân, mà còn gây nhiều hậu quá xấu cho các thành viên trong gia đình và cho cả xã hội. Đặc điểm của bạo lực gia đình thường xuất hiện qua các hành động ngược đãi hay hành hạ cha mẹ, vợ chồng, các thành viên trong gia đình mà lẫn cả mặt pháp lý, tố tụng hình sự.
Bạo lực gia đình là một hiện tượng tiêu cực của xã hội, xảy ra ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bạo lực gia đình là những hành vi giữa các thành viên trong gia đình, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: đánh đập, hành hạ, bạo hành tình dục, khủng bố tinh thần, gây thương tích cho nạn nhân, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc.
Bạo lực gia đình không chỉ gây ra những thiệt hại, có khi là đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân, mà còn gây nhiều hậu quá xấu cho các thành viên trong gia đình và cho cả xã hội. Vì vậy, Liên hợp quốc và các tổ chức của Liên hợp quốc, cùng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lên án và thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống các hành vi bạo lực gia đình, trong đó có biện pháp pháp lý.
Với chính sách tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đồng thời là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc tham gia vào các công ước của Liên hợp quốc về bảo vệ quyền con người nói chung và công ước liên quan đến phòng, chống các hành vi bạo lực gia đình nói riêng. Trực tiếp liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, như: Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Bộ luật dân sự; Bộ luật tố tụng dân sự; Bộ luật hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật người cao tuổi; Luật người khuyết tật... Để tạo cơ sở pháp lý trực tiếp phòng, chống bạo lực gia đình, ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa 12 kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gãy tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Các hành vi của bạo lực gia đình cũng được quy định cụ thể tại Điều 2 như sau:
"a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật".
Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng hôn nhân
Bạo lực gia đình được thực hiện qua rất nhiều hành vi cụ thể, đa dạng. Tuy nhiên, không chỉ đa dạng về hành vi mà nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình cũng rất đa dạng. Mặc dù ở mỗi quốc gia trên thế giới, nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình có thể khác nhau nhưng nhìn chung có các nguyên nhân sau:
(i) Nguyên nhân chủ quan:
- Do nhận thức về giới và sự bình đẳng giới còn hạn chế;
- Do quan niệm “trọng nam khinh nữ”, tư tưởng gia trưởng, gia quyền còn nặng;
- Do sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước nạn bạo lực gia đình còn hạn chế, thiếu thẳng thắn, thiếu tự tin, cam chịu, yếu thế,...
(ii) Nguyên nhân khách quan:
- Do trình độ học vấn, văn hóa, đặc biệt là tình trạng chênh lệch về nghề nghiệp, về thu nhập giữa vợ và chồng;
- Do tác động của ma túy hoặc các chất kích thích như rượu, bia hoặc của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm...
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest
Bộ Luật hình sự năm 2015 (và trong Bộ Luật hình sự năm 1999) không có định nghĩa riêng cũng như không có quy định riêng các tội phạm về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đối chiếu với khái niệm và những hành vi bạo lực gia đình cụ thể được quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, có thế thấy các tội phạm về bạo lực gia đình có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, các hành vi bạo lực gia đình không được quy định thành các tội danh độc lập mà được quy định chung trong cấu thành của nhiều tội phạm, ví dụ: trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người hoặc các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình... trừ hành vi “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình ” cấu thành tội phạm độc lập về bạo lực gia đình, được quy định tại Điều 185 Bộ Luật hình sự năm 2015;
Thứ hai, chủ thể thực hiện hành vi bạo lực gia đình có mối quan hệ về gia đình đối với nạn nhân, trên cơ sở mỗi quan hệ về huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng. Cụ thể, đó là quan hệ giữa ông, bà và cháu; cha, mẹ và con; vợ và chồng; anh, chị và em;
Thứ ba, khách thể bị các hành vi bạo lực gia đình xâm hại có thể là quyền về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; quyền về tự do thân thể và các quyền tự do khác; quyền về tự nguyện, bình đẳng trong hôn nhân và gia đình; quyền bình đẳng trong chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tàn sản...
Thứ tư, về mặt khách quan, hành vi phạm tội có thể được thực hiện một lần hoặc diễn ra trong một thời gian dài, lặp đi lặp lại với những mức độ khác nhau. Hậu quả của hành vi bạo lực gia đình gây ra hoặc đe dọa gây ra có thể là thiệt hại về vật chất (thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu nhập...) nhưng cũng có thể là thiệt hại về tinh thần (thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, tình cảm, tổn thương tâm lý...). Tùy theo quy định của từng tội phạm cụ thể, hậu quả có thể là dấu hiệu bắt buộc hoặc không bắt buộc để hành vi cấu thành tội phạm.
Trong các đặc điểm nêu trên, điểm mấu chốt nhất để “nhận diện" tội phạm bạo lực gia đình chính là mối quan hệ giữa chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với nạn nhân. Đó là mối quan hệ về huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định thủ tục, trình tự riêng để giải quyết các vụ án hình sự về bạo lực gia đình. Các vụ án hình sự vềbạo lực gia đình vẫn được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo một thủ tục, trình tự giống như các vụ án khác.
Tuy nhiên, so với các tội phạm khác, tội phạm về bạo lực gia đình vẫn có những đặc điểm riêng, vì vậy quá trình chứng minh và giải quyết các vụ án hình sự về bạo lực gia đình cũng có một số đặc điểm riêng. Đây là những vấn đề Luật sư cần hết sức lưu ý trong quá trình tham gia giải quyết vụ án về bạo lực gia đình.
(a) Về chủ thể của tội phạm:
Đặc điểm chủ yếu nhất, có tính chất đặc trưng của các tội phạm về bạo lực gia đình là mối quan hệ giữa chủ thể thực hiện tội phạm với nạn nhân. Vì vậy, đây là vấn đề cần phải được chứng minh. Mặc dù trên thực tế, phần lớn việc chứng minh mối quan hệ này không phải là vấn đề phức tạp do có những chứng cứ, tài liệu thể hiện một cách rõ ràng (Ví dụ: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Giấy khai sinh...) nhưng cũng có những trường hợp gặp khó khăn, cần lưu ý. Chẳng hạn, trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau, đòi hỏi phải xác định là chung sống như vợ chồng; hoặc trường hợp nhận một người làm con nuôi nhưng không có giấy tờ hợp pháp, đòi hỏi cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật về việc cho và nhận con nuôi, đồng thời phải thực sự có quan hệ nuôi dưỡng trên thực tế.
(b) Về hành vi, hậu quả và mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả:
Như đã nêu, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình không được quy định thành tội danh độc lập, mà được quy định ở trong cấu thành của nhiều tội phạm, như trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người hoặc trong các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, các tội xâm phạm sở hữu…; tuy nhiên, chủ yếu nhất vẫn là các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Các hành vi bạo lực gia đình có tính chất phổ biến cấu thành các tội phạm này, như: hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập gây thương tích, tước đoạt tính mạng...), hành vi bạo lực về tình dục (cưỡng ép hoặc bạo hành khi quan hệ tình dục), hành vi bạo lực về tinh thần (lăng mạ, chửi bới hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm). Các hành vi này có thể gây ra các hậu quả như khiến nạn nhân chết, bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe, bị tổn hại đến nhân phẩm và danh dự...
Ngoài gây hậu quả trực tiếp cho nạn nhân, hành vi bạo lực gia đình còn gây ra hậu quả xấu cho gia đình và xã hội. Vì vậy, giống như các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự con người nói chung, để đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi bạo lực gia đình, cần phải xem xét một cách toàn diện và đầy đủ các hậu quả do hành vi này gây ra, trong đó có những hậu quả trực tiếp và hậu quả gián tiếp. Việc xác định hành vi, hậu quả cũng như mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả cần phải được thực hiện thông qua quy trình và thủ tục bắt buộc chung.
Chẳng hạn, phải thực hiện các biện pháp như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi khi nạn nhân bị chết; phải trưng cầu giám định pháp y hoặc pháp y tâm thần khi nạn nhân bị gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe... Thực tế cho thấy, việc chứng minh các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người là rất phức tạp, ngoài những biện pháp điều tra bắt buộc còn phải áp dụng rất nhiều những biện pháp điều tra khác. Đồng thời, việc phân biệt các tội phạm khác nhau hoặc các trường hợp phạm tội khác nhau trong nhóm tội phạm này ở trong thực tế cùng gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra sai sót.
Chẳng hạn, khi xác định tội giết người với tội vô ý làm chết người; tội giết người với tội cố ý gây thương tích; tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với trường hợp phòng vệ chính đáng; tội cố ý gây thương tích với tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh... Hành vi bạo lực gia đình có thể diễn ra một lần nhưng cũng có thể diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Đây là một đặc điểm cần hết sức lưu ý. Nếu tách riêng theo từng lần thì có lần chưa gây ra hậu quả hoặc gây ra nhưng không đáng kể, do vậy tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi có thể chưa đủ để cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, đây là trường hợp phạm tội kéo dài và liên tục, cần phải xem xét tất cả các lần để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của toàn bộ hành vi, tránh xem xét một cách phiến diện.
(c) Về nguyên nhân và động cơ phạm tội
Xem xét một cách chung nhất, nguyên nhân và động cơ của các tội phạm bạo lực gia đình là do mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, có thể xuất phát từ những bất đồng trong tình cảm, trong quan điểm và lối sống, trong cách tổ chức gia đình, nuôi dạy con cái, trong quan hệ về tình dục hoặc trong lĩnh vực tiền bạc, kinh tế gia đình... Việc làm rõ nguyên nhân và động cơ phạm tội trong các vụ án hình sự về bạo lực gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp giải quyết vụ án hình sự một cách nhanh chóng và đúng đắn. Đặc biệt, việc xác định nguyên nhân và động cơ phạm tội giúp Luật sư thực hiện tốt toàn bộ các hoạt động bào chữa hoặc bảo vệ của mình, từ việc tiếp xúc, trao đổi, tư vấn cho khách hàng, cho đến thực hiện các kỹ năng khi tham gia các hoạt động tố tụng, xác định hướng bào chữa cũng như bảo vệ.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
Đây là một đặc điểm Luật sư hình sự cần hết sức lưu ý khi tham gia bào chữa hoặc bảo vệ trong các vụ án hình sự về bạo lực gia đình, mặc dù bạo lực gia đình được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án và tích cực thực hiện các biện pháp để phòng, chống nhưng không phải cá nhân nào cũng có nhận thức đúng đắn về bản chất và tác hại do bạo lực gia đình gây ra. Bạo lực gia đình không chỉ đơn giản là hành vi của một cá nhân mà là một hiện tượng xã hội, có những nguyên nhân bắt nguồn từ các điều kiện về kinh tế - xã hội - văn hóa - tôn giáo...
Vì vậy, nhận thức về bạo lực gia đình của mỗi cá nhân không chỉ phụ thuộc vào trình độ, khả năng nhận thức của chính họ, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt, do có mối quan hệ về huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng nên diễn biến tâm lý của người phạm tội, của người bị hại, của các thành viên khác trong gia đình rất phức tạp, hay có sự thay đổi.
Ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác, do nhiều nguyên nhân mà việc bạo hành giữa các thành viên trong gia đình luôn được coi là chuyện "nội bộ’' trong gia đình, do vậy cần phải giải quyết trong nội bộ gia đình. Đặc biệt là với người phụ nữ, đối tượng chủ yếu của bạo lực gia đình, do thân phận thấp kém, lệ thuộc vào người chồng nên thường có sự cam chịu, nín nhịn, giấu diếm. Đó là tâm lý “hy sinh, chịu đựng để giữ sự yên ấm cho gia đình", trình báo, tố giác với người ngoài, với chính quyền là “vạch áo cho người xem lưng", “xấu chàng thì hổ ai” nếu pháp luật xử lý thì có thể dẫn đến gia đình bị đổ vỡ, kinh tế bị thiệt hại...
Do vậy, rất nhiều trường hợp người bị bạo hành đã trình báo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải xử lý người bạo hành theo quy định của pháp luật, nhưng khi biết người bạo hành với mình có nguy cơ hoặc đã bị truy cứu Trách nhiệm hình sự thì lập tức thay đổi lời khai, rút lại yêu cầu xử lý. Cũng có trường hợp, người bị hại kiên quyết đề nghị xử lý người đã có hành vi bạo hành thì nhận được sự cô lập, lên án, thậm chí là chống lại của các thành viên khác trong gia đình. Các thành viên khác trong gia đình, trong rất nhiều trường họp là người tham gia vụ án hình sự với tư cách là người làm chứng, nhưng độ chính xác và khách quan của lời khai lại tùy thuộc vào việc giữa người phạm tội và người bị hại thì họ thân thiết với ai hơn, hay cùng “phe" với ai.
Đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình, bên cạnh những người có nhận thức đúng về hành vi mà mình đã thực hiện, có thái độ ăn năn, hối lỗi... thì ngược lại, có không ít người cho rằng đây là hành vi “bình thường", thậm chí là đúng, là việc cần phải thực hiện, là chuyện mà ở gia đình nào cũng có. Không ít trường hợp người chồng bạo hành với vợ hoặc cha mẹ bạo hành với con, lại cho rằng đó là để “dạy vợ", "dạy con ”, theo kiểu “yêu cho roi cho vọt"... Do có nhận thức như vậy nên họ cho rằng họ không có lỗi, vì vậy cũng không có sự ăn năn, hối lỗi.
Ngoài những đặc điểm nêu trên, có một số vấn đề khác Luật sư hình sự cũng cần hết sức lưu ý:
Bên cạnh sự e ngại, lưỡng lự khi phải tố cáo hành vi bạo lực của người thân đối với mình thì nạn nhân, với đa số là phụ nữ và trẻ em, do bị hạn chế về nhiều mặt mà có thể có sự trình báo quá muộn hoặc không biết cách thu giữ, bảo quản các dấu vết, vật chứng cần thiết, nên đã vô tình tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đặc biệt là những hành vi bạo hành về tình dục, việc trình báo muộn sẽ gây khó khăn cho việc thu giữ dấu vết, rất khó cho việc chứng minh hành vi phạm tội.
Vấn đề bạo lực gia đình liên quan tới cả khía cạnh pháp luật và đạo lý, để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với nạn nhân bị bạo lực mà cả với sự phát triển chung của xã hội. Vì vậy, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết các vụ án hình sự về bạo lực gia đình, đến phán quyết đối với người phạm tội và việc bảo vệ cho các nạn nhân. Sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là của các phương tiện thông tin đại chúng có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến quá trình giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tổ tụng cũng như đến hoạt động bào chữa hoặc bảo vệ của Luật sư hình sự. Vì vậy, Luật sư hình sự cần phải lưu ý để có ứng xử và kỹ năng bào chữa hoặc bảo vệ phù hợp, hiệu quả.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Phạm Nhật Thăng, Điều phối Marketing online của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm