Các hình thái hôn nhân và gia đình trong lịch sử
1- Khái quát chung về hình thái hôn nhân và gia đình
Hôn nhân và gia đình là những hiện tượng xã hội có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau cả về lý luận cũng như thực tiễn.
Hệ thống lý luận nhận thức có nhiều cách hiểu khác nhau về xã hội loài người. Quan niệm về hôn nhân và gia đình tùy thuộc vào phương pháp tiếp cận và cách giải thích về sự phát sinh và phát triển của tự nhiên và xã hội nói chung, về nguồn gốc con người nói riêng. Với phương pháp tiếp cận duy vật biện chứng và lịch sử về sự phát sinh, phát triển của con người và xã hội loài người nói chung, Mác và Ăngghen đã cho chúng ta thấy một quá trình tiến hóa mang tính quy luật tự nhiên của hôn nhân và gia đình gắn với quá trình tiến hóa của con người dựa trên quan hệ tính giao và quan hệ huyết thống.
Mỗi cá nhân trong xã hội đều được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Vì vậy, trong xã hội văn minh, bất kì người nào cũng đều có những cảm nhận của riêng mình về gia đình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, có những gia đình không gắn với quan hệ hôn nhân mà chỉ có một thành viên, hoặc là bà mẹ đơn thân trên cơ sở nuôi dưỡng. Tuy nhiên, xét về tổng thể, hôn nhân là cơ sở của gia đình, còn gia đình là tế bào xã hội mà trong đó kết hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Vũ trụ đã được sinh ra hơn 13 tỷ năm, còn xã hội loài người thì mới chỉ khoảng 06 đến 07 triệu năm. Nhưng cả vũ trụ cũng như xã hội loài người đều đã trải qua thời kỳ hỗn mang chỉ tuân theo sự chuyển động của tự nhiên. Trật tự xã hội, trong đó có trật tự trong hôn nhân và gia đình chỉ được thiết lập trong xã hội, nơi mà con người có ý niệm và nhận thức đầy đủ về chính bản thân mình, về những người xung quanh và về xã hội. Do đó, hôn nhân là sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, nhung nếu chỉ là sự liên kết bởi quan hệ tính giao đơn thuần và sinh sản thì chưa thể gọi là hôn nhân. Trong quan hệ hôn nhân, đòi hỏi sự liên kết tình cảm mang tính xã hội, nghĩa là ý thức, tình cảm của người trong cuộc, gắn bó họ với nhau, đồng thời có sự thừa nhận của xã hội. Chính vì vậy, quan hệ hôn nhân, quan hệ gia đình chính là những quan hệ xã hội giữa những người thân thích, ruột thịt, gần gũi nhất với nhau.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, hôn nhân và gia đình là những phạm trù phát triển theo lịch sử, giữa chế độ kinh tế - xã hội và tổ chức gia đình có mối liên quan trực tiếp và chặt chẽ. Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” (1884), Ăngghen đã nhấn mạnh rằng chế độ gia đình trong xã hội phụ thuộc vào quan hệ sở hữu thống trị trong xã hội đó và bước chuyển từ hình thái gia đình này lên một hình thái gia đình khác cao hơn suy cho cùng được quyết định bởi những thay đổi trong điều kiện vật chất và đời sống xã hội. Bằng tác phẩm đó, Ăngghen đã làm thay đổi quan điểm trước đây về các hình thái hôn nhân và gia đình trong lịch sử.
Ông đã phân tích nguồn gốc hôn nhân và gia đình từ giai đoạn thấp nhất của xã hội loài người, khi con người mới chỉ bắt đầu tách ra khỏi thiên nhiên, chưa có sản xuất, chỉ săn bắt, hái lượm từ thiên nhiên và vì thế mà khi đó còn chưa có sự phân công lao động xã hội. Đặc điểm của giai đoạn này của xã hội loài người là quan hệ tính giao bừa bãi - xã hội lúc đó chia ra thành các bộ lạc và quan hệ tính giao của con người ở đây không có sự chọn lọc ngôi thứ, thích thuộc - lúc này không có hôn nhân, không có gia đình và bộ lạc như là một đơn vị duy nhất không tách rời của xã hội nguyên thuỷ. Theo sự tính toán của các nhà sử học, thời kỳ đó kéo dài hàng trăm nghìn năm hoặc có thể hàng triệu năm.
Từ trạng thái nguyên thuỷ đó, lịch sử đã từng bước phát triển những hình thái hôn nhân và gia đình khác nhau không như bây giờ chúng ta thấy mà là chế độ quần hôn. Chế độ quần hôn có hai thời kì phát triển chính tương ứng với hai hình thái hôn nhân (gia đình).
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
2- Hình thái hôn nhân gia đình huyết tộc
Đó là giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển các hình thái hôn nhân và gia đình. Quan hệ hôn nhân xây dựng theo thế hệ: mỗi thế hệ (thế hệ cha mẹ, thế hệ các con) tạo thành những nhóm hôn nhân nhất định mà chỉ trong giới hạn đó mới cho phép có quan hệ tính giao.
Trong hình thái gia đình này, quan hệ tính giao bị cấm giữa những người có dòng máu trực hệ, nghĩa là cấm quan hệ hôn phối giữa cha mẹ và các con. Thực tế lúc bấy giờ anh chị em đồng thời là vợ, là chồng của nhau.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest
3- Hình thái gia đình Pu-na-lu-an
Hình thái gia đình này là một bước phát triển mới, tiến bộ hơn so với gia đình huyết tộc. Sự tiến bộ thể hiện ở chỗ diện quan hệ tính giao hạn chế hơn nữa: Không những cấm quan hệ hôn phối giữa thế hệ cha mẹ với thế hệ các con mà còn cấm mối quan hệ đó giữa anh, em trai với chị, em gái trong cùng một gia đình. Như vậy, lúc bấy giờ một nhóm các chị, em gái là vợ của một nhóm các anh, em trai, trừ các anh, em trai của họ sống trong cùng một gia đình. Các ông chồng này gọi nhau là Pu-na-hi-an (theo tiếng người da đỏ ở Mỹ có nghĩa là cùng hội cùng thuyền hay người bạn đường).
Như vậy, việc chung chạ chồng, vợ trong một nhóm hôn nhân ở gia đình Pu-na-lu-an vẫn còn. Thế nhưng, trong nhổm đó đã loại trừ anh, em trai của vợ và chị, em gái của chồng. Các ông chồng không sống với các bà vợ. Họ sống và làm việc trong gia đình mẹ đẻ của mình và không có một quyền gì đối với tài sản trong gia đình các bà vợ. Trong chế độ quần hôn, rõ ràng là không xác định được ai là cha của đứa trẻ mà chỉ biết mẹ của nó thôi. Vì thế, trẻ con sinh ra chỉ theo dòng họ mẹ mà không theo dòng họ cha. Các bà mẹ gọi tất cả các trẻ em (con của các chị, em gái) là con mình và gia đình lúc đó là “gia đình không có cha”. Nếu một người phụ nữ chết thì tài sản của bà ta thừa kế lại cho các con, mẹ, anh, em trai và chị, em gái. Tất cả những người này hợp thành “thị tộc”.
Việc tồn tại hình thức quần hôn rõ ràng không thể xem như một hiện tượng ngẫu nhiên trong lịch sử, mà chế độ đó là bước phát triển có tính quy luật và có một cơ sở kinh tế vững vàng trong hiện thực xã hội.
Chúng ta biết rằng, cơ sở kinh tế của chế độ quần hôn là kinh tế gia đình tập thể. Trong nền kinh tế ấy người phụ nữ chiếm một địa vị quan trọng quyết định bởi vì lúc đó người đàn ông chỉ săn bắt, hái lượm và thu thập được rất ít. Người phụ nữ là lao động chính trong nền kinh tế tương đối ổn định xung quanh khu vực gia đình, có một vị trí vinh dự trong thị tộc: là thành viên của những người đứng đầu thị tộc, địa vị của người phụ nữ trong thị tộc lúc đó là độc lập và vững vàng, tính chất của thị tộc lúc này là “thị tộc mẫu quyền”.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest
4- Hình thái hôn nhân gia đình đối ngẫu
Bước phát triển tiếp theo của quan hệ gia đình thể hiện ở chỗ trong một nhóm, những người có thể có quan hệ hôn nhân ngày càng thu hẹp lại: từ chỗ anh, em trai và chị, em gái, bây giờ loại trừ cả anh, chị, em họ hàng ở thứ bậc các chú, bác, cháu, chắt và những người họ hàng xa hơn và như vậy thì cuối cùng trong nhóm đó không thể có hình thức quần hôn được. Vì thế, gia đình Pu-na-lu-an phải chuyển thành gia đình đối ngẫu, nghĩa là chỉ còn lại từng cặp vợ chồng. Mặt khác, cùng với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ nhận thấy muốn thuộc về chỉ một người đàn ông và theo Ăngghen, hôn nhân đối ngẫu xuất hiện, trước hết do công của người đàn bà, chứ không phải người đàn ông.
Tuy vậy, hôn nhân đối ngẫu trong điều kiện của chế độ thị tộc không thể bền vững được: Nó dễ bị người vợ hoặc chồng phá vỡ. Con cái do hôn nhân đó sinh ra vẫn thuộc về thị tộc mẹ như trước. Sở dĩ như vậy là do kinh tế vẫn thuộc về thị tộc. Hôn nhân đối ngẫu vẫn chưa phải là một đơn vị kinh tế; Nó chỉ là một đơn vị hôn phối, một cặp hôn nhân, còn thị tộc vẫn là một đơn vị kinh tế toàn bộ.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thừa kế của Công ty Luật TNHH Everest
5- Hình thái hôn nhân một vợ một chồng và các biến thể
Hôn nhân đối ngẫu không phải là hôn nhân một vợ một chồng. Hôn nhân một vợ một chồng là một hình thức hôn nhân mới trong lịch sử đặc trưng cho một chế độ xã hội khác.
Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, bước chuyển từ hôn nhân đối ngẫu sang hôn nhân một vợ một chồng khớp với giai đoạn mà mức phân hóa lao động cao nhất, khi mà hiệu suất lao động phát triển đến mức có của cải dư thừa, ông đã phân tích và đi đến kết luận rằng, dần dần những của cải dư thừa bị gia đình đối ngẫu chiếm lấy. Nhờ việc chiếm hữu ấy mà gia đình đối ngẫu sau đó đã có những thay đổi căn bản. Nó bắt đầu đối lập mình với thị tộc, như một đơn vị kinh tế độc lập của thị tộc, tuỳ ý sử dụng tài sản của mình. Thực tế, tài sản đó không thuộc về gia đình và các thành viên gia đình một cách bình đẳng mà nó chỉ thuộc về người đứng đầu gia đình, tức là người chồng.
Sự việc ấy diễn ra do sự phân công lao động xã hội. Chồng là lao động chính với hiệu suất lao động cao hơn và có của cải dư thừa, còn người vợ vẫn làm việc nhà như cũ, hiệu suất lao động thấp hơn và không có của cải thừa. Đây chính là sự bất bình đẳng đầu tiên trong xã hội: “... Của cải dần dần tăng thêm, thì một mặt, nó làm cho người chổng có một địa vị quan trọng hơn người vợ, và mặt khác, của cải đó khiến cho người chồng nảy ra xu hướng lợi dụng địa vị vững vàng ấy để thay đổi luật lệ kế thừa cổ truyền đang làm lợi cho con cái mình... Vì vậy, cần phải xóa bỏ chế độ huyết tộc theo mẫu quyền đi đã, và chế độ đó đã bị xóa bỏ, huyết tộc theo họ cha và quyền kế thừa theo cha được xác lập.
Do thành quả của sự kiện quan trọng trên, gia đình đối ngẫu đã trở thành một đơn vị độc lập trong thị tộc, không còn phụ thuộc vào thị tộc và cuối cùng làm tan rã thị tộc.
Vào thời kỳ này xuất hiện một hình thức trung gian là gia đình gia trưởng. Nét đặc trưng của gia đình này là “sự tổ chức một số người tự do và không tự do thành gia đình dưới quyền lực gia trưởng của người chủ gia đình. Hình thức gia đình đó đánh dấu bước chuyển từ chế độ hôn nhân đối ngẫu sang chế độ một vợ một chồng”.
Ph.Ăngghen đã kết luận rằng, chế độ một vợ một chồng trong thời kỳ đầu khi nó xuất hiện trong lịch sử “quyết không phải là kết quả tình yêu giữa trai và gái, nó tuyệt nhiên không dính dáng gì với thứ tình yêu này cả, vì như trước kia các cuộc hôn nhân vẫn là những cuộc hôn nhân có tính toán lợi hại. Gia đình cá thể là hình thức gia đình đầu tiên không căn cứ vào các điều kiện tự nhiên, mà căn cứ vào các điều kiện kinh tế, tức là vào sự thăng lợi của chế độ tư hữu đối với chế độ công hữu lúc ban đầu, được hình thành một cách tự phát”.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên và vô ích mà Ăngghen trong tác phẩm của mình đồng thời phân tích nguồn gốc của gia đình (gia đình một vợ một chồng) và nguồn gốc của chế độ tư hữu (mà đã đẻ ra gia đình ấy và bắt nó phục vụ cho lợi ích của mình) và Nhà nước (mà cần phải dựa vào chế độ tư hữu để lưu danh thiên cổ sự bất bình đẳng giữa hai giới).
Và như vậy, trong lịch sử đã diễn ra việc chuyển từ gia đình đối ngẫu sang gia đình cá thể. Mục đích của chế độ gia đình cá thể là con của người vợ đẻ ra dứt khoát là con của người chồng bà ta. Người con này sẽ thừa kế tài sản của cha, sẽ theo dòng họ cha chứ không phải dòng họ mẹ. Mẹ không có vai trò như trước đây nữa. Chế độ mẫu quyền đã được thay thế bằng chế độ phụ quyền.
Cùng thời gian này, trong lịch sử xuất hiện nô lệ, là kết quả của việc đánh chiếm các bộ lạc láng giềng. Những tù binh nô lệ đã rất có lợi cho lao động. Ngay từ đầu nô lệ đã làm cho chế độ một vợ một chồng hoàn toàn mâu thuẫn và giả tạo, một vợ một chồng chỉ đối với đàn bà chứ không phải đối với đàn ông.
Ăngghen đã chỉ rõ, chế độ một vợ một chồng mà trực tiếp là gia đình cá thể không phải là kết quả của tình yêu giữa nam và nữ. Gia đình cá thể là hình thức gia đình đầu tiên của mối quan hệ có tính toán về kinh tế.
Theo Ăngghen, tình yêu của nam và nữ “là bước tiến đạo đức lớn nhất đã có thể phát triển được chế độ một vợ một chồng - trong lòng chế độ ấy, song song với chế độ ấy, tuỳ theo trường hợp - bước tiến mà chúng ta có được là nhờ chế độ đó, mà toàn bộ thế giới trước kia chưa hề biết tới. Tình yêu đó đã xuất hiện và phát triến một cách đối lập với gia đình, ngoài phạm vi gia đình và phá hoại hôn nhân, bởi vì đó không phải là tình yêu giữa vợ và chồng”. Bản chất của hôn nhân cá thể vững chắc dưới sự thống trị của người chồng vốn đã loại trừ hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu.
Theo Ăngghen, chỉ có trong các giai cấp bị áp bức, và hiện nay chỉ có trong giai cấp vô sản thì tình yêu nam nữ mới trở thành một quy tắc trong các quan hệ đối với người phụ nữ... Ăngghen phê phán gay gắt đối với hình thái gia đình tư sản.
Mặt khác ông đặt câu hỏi: "Vậy thì gia đình tương lai sẽ như thế nào khi mà đã mất đi những nguyên nhân kinh tế, tức là chế độ tư hữu" cái mà đã đẻ ra gia đình cá thể ấy? Gia đình một vợ một chồng có mất đi không khi không còn nguyên nhân kinh tế ấy nữa? Ông khắng định rằng: “Có thế trả lời như sau mà không phải là không có cơ sở, chế độ đó chẳng những sẽ không mất đi, mà trái lại chỉ đến lúc bấy giờ mới được thực hiện trọn vẹn. Với việc các tư liệu sản xuất biến thành tài sản xã hội, thì chế độ lao động làm thuê của giai cấp vô sản cũng sẽ mất đi, và tình trạng một số phụ nữ cần phải bán mình vì đồng tiền cũng theo đó mà mất đi. Tệ nạn mại dâm sẽ mất đi, và chế độ một vợ một chồng không những không bị suy tàn, mà cuối cùng lại trở thành hiện thực, ngay cả đổi với đàn ông nữa”.
Lúc nào một thế hệ đàn ông không bao giờ phải dùng tiền hoặc dùng những phương tiện quyền lực xã hội nào khác để mua người đàn bà, và một thế hệ đàn bà không bao giờ phải hiến mình cho đàn ông vì một lý do nào khác ngoài tình yêu chân chính, hoặc phải từ chối không dám hiến mình cho người yêu vì sợ những hậu quả kinh tế của sự hiến thân đó. Khi nào những con người như thế ra đời, thì họ sẽ biết phải làm gì; tự họ, họ sẽ biết cần phải làm như thế nào, và tự họ sẽ gây lấy một công luận thích hợp để phê phán hành vi của mỗi người.
Chỉ có lúc đó thì hôn nhân mới dựa trên cơ sở tình yêu giữa nam và nữ. Và “vì bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ được... cho nên hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu do ngay bản chất của nó là hôn nhân một vợ một chồng”.
Có ý kiến cho rằng, những luận giải về quá trình phát triển của các hình thái hôn nhân và gia đình trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” của Ph. Ăngghen chỉ phù hợp với các quan hệ hôn nhân và gia đình trong xã hội phương Tây, mà không phù hợp với quan hệ hôn nhân và gia đình phương Đông. Thực tế tồn tại các kiểu quan hệ gia đình theo chế độ mẫu quyền ở một số nơi thuộc Tây Nguyên của nước ta và một số nơi khác ở Đông Nam Á đã cho chúng ta thấy rằng quá trình tiến hóa mang tính tự nhiên của các hình thái hôn nhân và gia đình là có tính phổ biến.
Trong xã hội hiện thực, dù là trong chế độ chiếm hữu nô lệ hay chế độ phong kiến, tư bản, các hình thái kinh tế - xã hội luôn luôn có tính đan xen nhau. Vì vậy, các quan hệ hôn nhân và gia đình trong xã hội hiện thực cũng mang tính đan xen như vậy.
(Nguồn tham khảo: Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam - Đại học Luật Hà Nội)
Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest
6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Các hình thái hôn nhân và gia đình trong lịch sử được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Các hình thái hôn nhân và gia đình trong lịch sử có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm