Phân tích pháp luật về các loại hình kinh doanh tại Việt Nam

"Nếu bạn không xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn để xây dựng ước mơ của họ".

Dhirubhai Ambani, 1932-2002, tỷ phú, Ấn Độ

Phân tích pháp luật về các loại hình kinh doanh tại Việt Nam

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, có 04 (bốn) loại hình doanh nghiệp chính: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN), Công ty hợp danh (HD), Công ty cổ phần (CP), Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH).  

Việc tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp thường đặt ra trong hai tình huống: (i) Khách hàng đề nghị tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp; (ii) Khách hàng đã xác định một loại hình doanh nghiệp song Luật sư tư vấn thêm các loại hình doanh nghiệp khác để khách hàng lựa chọn.

Luật sư khi tư vấn pháp luật về các loại hình doanh nghiệp phải nắm rõ về các ưu, nhược điểm của từng loại hình và chú ý những thông tin mà khách hàng cung cấp để đưa ra phương án lựa chọn loại hình tối ưu nhất.

Liên hệ

I- DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

[1] Khái quát về Doanh nghiệp tư nhân

Luật doanh nghiệp năm 2020, quy định về Doanh nghiệp tư nhân, như sau:

- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một Doanh nghiệp tư nhân. Chủ Doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên Công ty hợp danh.

- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong Công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần (Điều 188).

Doanh nghiệp tư nhân là mô hình doanh nghiệp một cá nhân vừa làm chủ sở hữu vừa là người thực hiện công việc. Với tính chất là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ nên toàn bộ vốn để thành lập Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân (chủ sở hữu Doanh nghiệp tư nhân) đầu tư. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp, vốn đầu tư của chủ Doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Doanh nghiệp tư nhân không có tài sản riêng. Tài sản của Doanh nghiệp tư nhân vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ Doanh nghiệp tư nhân.

Từ tiền đề đó, trên nền tảng lý luận chung về quyền năng của chủ sở hữu đối với vật và tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì chủ Doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định cơ cấu tổ chức, quản lý điều hành Doanh nghiệp tư nhân; có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận của Doanh nghiệp tư nhân sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, với bạn hàng của Doanh nghiệp tư nhân; có quyền quyết định thay đổi số phận pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân như bán doanh nghiệp, cho thuê doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp…

Sở dĩ chủ Doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân vì chủ Doanh nghiệp tư nhân không phải chia sẻ quyền năng “định đoạt, sử dụng” Doanh nghiệp tư nhân với bất kì tổ chức, cá nhân nào. Toàn bộ các quyền năng trong khuôn khổ quy định của pháp luật đối với Doanh nghiệp tư nhân chỉ do chủ Doanh nghiệp tư nhân quyết định vì chủ Doanh nghiệp tư nhân là cá nhân duy nhất đầu tư toàn bộ vốn để hình thành Doanh nghiệp tư nhân. Vốn đầu tư của chủ Doanh nghiệp tư nhân có bản chất tương tự như vốn điều lệ của công tỉ. Quyền của chủ Doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp giống như quyền của chủ sở hữu (các thành viên, cổ đông) đối với công ty.

[2] Lợi thế của Doanh nghiệp tư nhân

Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của doanh nghiệp - là lợi thế lớn nhất của Doanh nghiệp tư nhân. Vì thế mà bản thân chủ Lợi thế lớn nhất của Doanh nghiệp tư nhân là phải có trách nhiệm hơn. Trong Doanh nghiệp tư nhân, sự tin tưởng giữa đối tác của doanh nghiệp sẽ cao hơn và thông thường không cần cơ chế kiểm soát như những loại hình thông thường khác. 

Ngoài ra, mô hình quản trị (cơ cấu tổ chức) của Doanh nghiệp tư nhân đơn giản, dễ quản lý. Sau khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân, chủ Doanh nghiệp tư nhân tiến hành xây dựng mô hình quản lý của doanh nghiệp mình. Chủ Doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể kiêm chức Giám đốc. Chủ Doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Chủ Doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh: Theo đó thì chủ Doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người khác làm Giám đốc để điều hành quản lý hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân.

(Điều 188 đến Điều 193 Luật Doanh nghiệp năm 2020)

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

II- CÔNG TY HỢP DANH 

[1] Khái quát về mô hình Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp dựa trên mối quan hệ đối tác (đối nhân), trong đó các thành viên cùng nhau tiến hành hoạt động thương mại dưới một hãng chung và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty. Công ty hợp danh hay còn gọi là công ty góp danh là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân. Bản chất trong Công ty hợp danh là mối quan hệ đối tác giữa các thành viên. Mối quan hệ này thường được ràng buộc bởi hợp đồng với các điều khoản trách nhiệm, quyền lợi rõ ràng của các bên tham gia.

Đối tác là một quan hệ giữa hai cá nhân, tổ chức trở lên cùng xây dựng, tham gia, chia sẻ một loại hoạt động để hướng tới mục đích chung. Mối quan hệ đối tác được tạo lập dựa trên các yếu tố: (1) Sự tin tưởng; (2) Chuyên môn cao; (3) Hợp tác được với nhau. Khi có đủ những yếu tố trên sẽ trở thành hợp danh, với nguyên tắc ai cũng làm chủ trong công ty. Tức là, trong Công ty hợp danh các thành viên là chủ sở hữu chung của Công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (Điều 177 Luật doanh nghiệp năm 2020).

Do vậy mà Công ty hợp danh có thể dễ dàng tạo dựng được sự tin cậy với khách hàng, đối tác kinh doanh do có chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh. Đồng thời, Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp được thành lập dựa trên sự uy tín của cả đôi bên, nên việc điều hành doanh nghiệp không quá khó khăn.

Mọi quan hệ đối tác nhất thiết phải có một Thỏa thuận đối tác (Partnership Agreement), ngay cả khi nó chưa được viết thành văn bản. 

Trong trường hợp này, việc thành lập Công ty hợp danh dựa trên cơ sở hợp đồng giữa các thành viên. Hợp đồng thành lập công ty nói chung được lập thành văn bản, tuy nhiên, luật không bắt buộc phải làm như vậy. Các bên có thể thoả thuận miệng, thậm chí không cần tuyên bố rõ, mà chỉ cần có những hoạt động thương mại chung thì công ty cũng được coi là đã thành lập. Về nguyên tắc, hợp đồng thành lập phải được đăng ký vào danh bạ thương mại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hợp đồng tuy không được đăng ký nhưng được thông báo rộng rãi thì vẫn có giá trị pháp lý. 

Trong hợp đồng, điều quan trọng là sự thoả thuận về trách nhiệm của các thành viên. Một Công ty hợp danh được thành lập nếu ít nhất có hai thành viên thoả thuận với nhau cùng chịu trách nhiệm liên đới vô hạn đối với mọi khoản nợ của công ty.

Theo điều 177 Luật doanh nghiệp 2020, Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó:

- Phải có ít nhất 02 thành viên (là cá nhân) là chủ sở hữu chung của Công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Ngoài thành viên hợp danh, công ty có thể thêm thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Cơ chế điều hành của Công ty hợp danh quy định tại Điều 184 Luật Doanh nghiệp năm 2020):

- Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành các hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. 

- Trong điều hành các hoạt động kinh doanh của công ty, các thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty.

- Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện các công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số chấp thuận.

- Hoạt động do các thành viên hợp danh thực hiện ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty đều không thuộc trách nhiệm của công ty, trừ trường hợp hoạt động đó đã được các thành viên hợp danh còn lại chấp thuận.

[2] Liên minh chiến lược

Liên minh chiến lược là sự hợp tác hoặc cộng tác giữa hai hoặc nhiều bên để theo đuổi một tập hợp các mục tiêu cần thiết đã được thống nhất. Mối quan hệ giữa các thành viên trong Công ty hợp danh tương tự như mối quan hệ liên minh chiến lược. Các thành viên đều hy vọng rằng nhận được nhiều lợi ích và cùng nhau chia sẻ chi phí và rủi ro.

Một số ưu điểm của liên minh khi áp dụng vào Công ty hợp danh như:

- Rủi ro được chia sẻ: quan hệ đối tác cho phép các thành viên  liên quan bù đắp mức độ tiếp xúc thị trường của họ, giảm thiểu rủi ro chính trị khi tham gia vào một thị trường mới.

- Kiến thức được chia sẻ: chia sẻ các kỹ năng (phân phối, tiếp thị, quản lý), thương hiệu, kiến thức thị trường, bí quyết kỹ thuật và tài sản dẫn đến hiệu quả hiệp đồng, dẫn đến nguồn lực chung có giá trị hơn các nguồn lực riêng lẻ riêng lẻ trong công ty cụ thể.

- Ngoài ra còn một số lợi ích như: Cho phép mỗi đối tác tập trung vào lợi thế cạnh tranh của họ; Đa dạng hóa; Tiếp cận công nghệ mới, quyền sở hữu trí tuệ….

Bên cạnh đó mô hình liên minh cũng tồn tại một số hạn chế: 

- Chi phí cơ hội: Tập trung và cam kết là cần thiết để điều hành một Liên minh Chiến lược thành công nhưng có thể ngăn cản việc nắm bắt các cơ hội khác, điều này cũng có thể mang lại lợi ích. 

- Liên minh không đồng đều: Khi quyền quyết định được phân bổ không đồng đều, đối tác yếu hơn có thể buộc phải hành động theo ý muốn của (những) đối tác mạnh hơn, ngay cả khi họ thực sự không sẵn sàng làm như vậy

- Rủi ro mất kiểm soát: đối với thông tin độc quyền, đặc biệt liên quan đến các giao dịch phức tạp đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin chuyên sâu. Khó khăn trong việc phối hợp do thiết lập hợp tác không chính thức và giải quyết tranh chấp rất tốn kém. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest

III- CÔNG TY CỔ PHẦN

[1] Điển hình của Công ty đối vốn

Theo Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó:

- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

- Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sẽ sở hữu cổ phần. Tối thiểu phải có 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

- Lợi nhuận mà cổ đông nhận được từ việc sở hữu cổ phần là cổ tức;

- Công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu;

- Công ty cổ phần có đầy đủ các yếu tố để được coi là có tư cách pháp nhân theo Điều 74 Bộ Luật Dân sự 2015. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty chính thức có tư cách pháp nhân.

Công ty cổ phần được thành lập dựa trên vốn góp của các thành viên, không quan tâm đến nhân thân của người góp vốn. Đồng thời, trong Công ty cổ phần có sự tách bạch về mặt pháp lý giữa tài sản của công ty và tài sản của các thành viên trong công ty. Các thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp của mình vào công ty. Vì vậy, Công ty cổ phần là một dạng công ty đối vốn. 

Bản chất Công ty cổ phần là hoạt động hút vốn để tạo lập thành doanh nghiệp lớn. Do đó khả năng huy động vốn của Công ty cổ phần linh hoạt hơn các loại hình khác. Công ty cổ phần có thể huy động vốn từ các khoản vay tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngoài ra công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu. 

Cơ chế huy động vốn linh hoạt này là một trong những ưu điểm để cá nhân, tổ chức thành lập Công ty cổ phần có thể chủ động hơn về nguồn vốn khi có nhu cầu.

Mô hình cao nhất của Công ty cổ phần là công ty đại chúng. Khi đó, tính minh bạch sẽ là vấn đề mấu chốt trong hoạt động quản trị Công ty cổ phần. Từ tính minh bạch thể hiện được ba khía cạnh của công ty: (1) Thực trạng; (2) Tương lai; (3) Quá khứ. 

Tính minh bạch và công bố thông tin trong quản trị công ty Công ty cổ phần là hai vấn đề không thể tách rời nhau với những yêu cầu về nội dung như sau:

- Các thông tin bao gồm những tin tức về tình hình tài chính nhân sự, các giao dịch hiện tại, các rủi ro tiên liệu các vấn đề liên quan đến người lao động và các bên có quyền lợi, các chính sách quản trị công ty… phải được công bố công khai đầy đủ, từ những nguồn đáng tin cậy như HĐQT, cơ quan giám sát nội bộ, phải đảm bảo tính xác thực và tính tiếp cận được của những người có liên quan.

- Minh bạch chính là kết quả của hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ về việc tuân thủ pháp luật và điều lệ công ty và trách nhiệm giải trình (accountability) của bộ máy quản lý như HĐQT, BGĐ. Sự giám sát bên ngoài của các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật cũng là những sức ép làm gia tăng tính minh bạch của công ty.

- Thực thi nguyên tắc minh bạch, là một chuỗi các hoạt động thường xuyên mang tính kỷ luật, bắt buộc diễn ra ở tất cả các khâu trong quá trình quản trị công ty.

[2] Tổ chức, quản lý Công ty cổ phần

So với các loại hình doanh nghiệp khác, Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp thường có sự tham gia của rất nhiều thành viên. Do đó, hoạt động của Công ty cổ phần được đặt dưới sự quản lý và điều hành của một bộ máy có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ. Theo Điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình theo quy định. Về cơ bản, một công ty cổ phần nên có đủ các cơ quan sau: Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Hội đồng cổ đông (HĐCĐ), Ban kiểm soát, Ban giám đốc. 

Tách bạch các cơ quan theo chức năng như sau:

- Chủ sở hữu Công ty cổ phần:

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyền lực cao nhất của công ty, họ là những người sở hữu công ty. Đại hội đồng cổ đông có hai quyền quan trọng nhất: quyền biểu quyết và quyền điều phối. 

Về quyền biểu quyết, Đại hội đồng cổ đông có quyền biểu quyết các quyết nghị liên quan đến những vấn đề lớn quan trọng nhất trong công ty, như: Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; Thông qua định hướng phát triển công ty; Quyết định loại cổ phần, tổng số cổ phần từng loại; quyết định việc phân chia lợi nhuận; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị, Kiểm soát viên. Thông qua báo cáo tài chính hàng năm; Quyết định việc tổ chức lại, giải thể công ty... Đó là những vấn đề quyết định tới sự tồn tại, phát triển của công ty.

Về quyền điều phối, quyền lực của đại hội đồng cổ đông được thực hiện thông qua các cuộc họp và bàn việc ra các quyết nghị. Thông thường, đại hội đồng họp mỗi năm một lần và cũng có thể họp bất thường. Với tính chất và tầm quan trọng của cuộc họp đại hội đồng cổ đông như vậy, nên pháp luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền triệu tập họp; Những người có quyền dự họp; Chương trình, nội dung cuộc họp; Điều kiện tiến hành cuộc họp; Thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại cuộc họp; Hình thức thông qua nghị quyết của đại hội đồng cổ đông; Điều kiện để nghị quyết được thông qua; Biên bản họp đại hội đồng cổ đông; Hiệu lực các ' nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.

(Điều 138, 139, 140, 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150, 151, 152 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

- Hội đồng quản trị Công ty cổ phần:  

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Chức năng chính của HĐQT là chức năng lãnh đạo, thông qua đó thực hiện công tác quản trị công ty. 

Để Hội đồng quản trị thực hiện được chức năng lãnh đạo của mình một cách năng động, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của thị trường đồng thời tránh được sự lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, pháp luật đã quy định giới hạn quyền của Hội đồng quản trị, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Pháp luật Việt Nam quy định chức năng lãnh đạo của HĐQT chủ yếu như sau:

- Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm cho công ty.

- Quản lý các vấn đề liên quan đến tài chính của công ty; phương hướng đầu tư; phát triển thị trường.

- Quyết định những vấn đề liên quan đến tổ chức nhân sự của hội đồng: bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, chủ tịch HĐQT, bổ bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác trong công ty.

- Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong việc điều hành quản lí công ti…

- Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chủ tịch là người đứng đầu Hội đồng quản trị, là người điều hành đảm bảo cho, Hội đồng quản trị được vận hành có hiệu quả cao nhất nhằm đem lại lợi ích cho công ty, cổ đông cũng như những người có quan hệ với công ty.

(Điều 153, 154, 155, 156, 157, 158,159, 160 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

- Ban giám đốc Công ty cổ phần: 

Ban giám đốc Công ty cổ phần gồm: Giám đốc, Tổng Giám đốc. 

Giám đốc, Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty và có thể họ còn là người đại diện theo pháp luật của công ty và vì vậy, đây là nhân vật rất quan trọng trong hệ thống quản trị công ty. Một số chức năng như: quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị; Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị; Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư; Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty; Quyết định vấn đề nhân sự quản lý trong công ty (trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị)...

(Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2020)

- Ban kiểm soát Công ty cổ phần:

Ban kiểm soát là một định chế trong hệ thống quản trị công ty cổ phần do Đại hội đồng cổ đông thành lập. Như đã trình bày, xuất phát từ thuộc tính vốn có của công ty cổ phần là công ty đối vốn, số lượng các thành viên thường rất đông, họ không trực tiếp quản lí công ti. Mọi hoạt động của công ty đều do Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thực hiện. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông phải có một cơ quan làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý, điều hành công ty.

Ban kiểm soát được pháp luật xác định địa vị pháp lý một cách rõ ràng, trong đó quy định những chức năng chủ yếu sau:

- Chức năng quan trọng nhất của Ban kiểm soát là thực hiện việc giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. 

- Để phục vụ cho hoạt động của Ban kiểm soát, pháp luật quy định Ban kiểm soát có quyền được cung cấp thông tin. Quyền này không đơn giản là được nghe báo cáo (bằng miệng hoặc văn bản) về hoạt động của công ty, mà nếu cần, kiểm sát viên có quyền được tiếp cận các hồ sơ, tài liệu lưu giữ tại công ty, có quyền đến các địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty để tiếp cận thông tin. Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động của công ty theo yêu cầu của thành viên Ban kiểm soát hoặc Ban kiểm soát.

(Điều 168 Luật Doanh nghiệp năm 2020)

Xem thêm: Pháp lý tái cấu trúc doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

IV- CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN

[1] Khái quát về Công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. 

Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 Luật doanh nghiệp năm 2020.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). 

Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

(Khoản 7 Điều 2, khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 74 Luật doanh nghiệp năm 2020).

Bản chất công ty trách nhiệm hữu hạn là lai giữa Công ty cổ phần (đối vốn) và Công ty hợp danh (đối nhân). 

Thứ nhất, công ty trách nhiệm hữu hạn giống Công ty cổ phần ở chỗ thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Việc những thành viên góp vốn vào công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp, tách bạch tài sản cá nhân đảm bảo sự an toàn nhất định cho những người tham gia kinh doanh.

Thứ hai, công ty trách nhiệm hữu hạn lai Công ty hợp danh bởi giữa các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải có sự tin tưởng nhau và hợp tác với nhau. Đồng thời việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên trong công ty bị hạn chế, phải được sự đồng ý của những thành viên còn lại của Hội đồng thành viên và hạn chế trong việc huy động vốn góp. 

Về huy động vốn, Công ty trách nhiệm hữu hạn được huy động vốn thông qua hoạt động vay vốn, tín dụng từ các cá nhân, tổ chức. Công ty trách nhiệm hữu hạn cũng có quyền phát hành trái phiếu.

Cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lẫn công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phép phát hành cổ phiếu. Công ty trách nhiệm hữu hạn không được phép phát hành nhiều loại Chứng khoán dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử phát hành như Công ty cổ phần.

[2] Quản lý và điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn

Quản lý và điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn là khâu thiết yếu để công ty có thể vận hành một cách hiệu quả.

Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) và Ban Kiểm soát hoặc Kiểm soát viên. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn có điểm tương đồng và sự khác biệt với mô hình tổ chức quản lý công ty cổ phần (mô hình có Ban Kiểm soát hoặc mô hình có Ban Kiểm toán nội bộ). 

- Hội đồng thành viên:

Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn là hội đồng của tất cả các thành viên công ty. Tất cả các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên đều có quyền tham dự Hội đồng thành viên và trở thành thành viên của hội đồng này. Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất trong công ty, thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm theo pháp luật và Điều lệ công ty.

Như đã nói ở trên, công ty trách nhiệm hữu hạn lai giữa Công ty cổ phần và Công ty hợp danh. Do đó, Chức năng của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạnH bản chất là sự tích hợp chức năng của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông trong Công ty cổ phần. Về cơ bản Hội đồng thành viên có những chức năng sau:

- Chức năng liên quan tới các quyết định về chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh, tăng hoặc giảm vốn điều lệ; Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty; các quyết định về cơ cấu tổ chức, các chức danh quản lý cao cấp trong công ty; giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; quyết định tổ chức lại công ty. giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty…

- Chức năng bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty.

Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp bằng các hình thức như biểu quyết, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc một hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua cuộc họp có hiệu lực nếu được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành. Đối với các quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty phải được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định một tỷ lệ khác.

- Chủ tịch Hội đồng thành viên:

Hội đồng thành viên công ty gồm một Chủ tịch và các phó chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên được các thành viên bầu. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể là người đại diện cho công ty trước pháp luật. 

- Tổng Giám đốc:

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có thể là người đại diện cho công ty trước pháp luật theo quy định tại Điều lệ công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không nhất thiết phải là thành viên công ty, tuy nhiên phải là người có năng lực hành vi dân sự, có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh. 

- Ban kiểm soát:

Về mặt pháp lý, Ban kiểm soát là cơ quan thay mặt các chủ sở hữu kiểm soát các hoạt động của công ty. Ban kiểm soát gồm một Trưởng ban và các Kiểm soát viên. Trưởng ban và các Kiểm soát viên phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có chuyên môn và các điều kiện khác theo quy định tại Điều lệ công ty. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về tổ chức lại doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

V- TƯ VẤN PHÁP LUẬT VỀ CÁC LOẠI HÌNH KINH DOANH

[1] Tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Việc tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp thường đặt ra trong hai tình huống: (i) Khách hàng đề nghị tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp; (ii) Khách hàng đã xác định một loại hình doanh nghiệp song Luật sư tư vấn thêm các loại hình doanh nghiệp khác để khách hàng lựa chọn.

Để có thể tư vấn hiệu quả cho khách hàng về việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp, Luật sư cần lưu ý những vấn đề sau:

- Thông tin, tài liệu khách hàng cung cấp: Mỗi khách hàng sẽ cung cấp cho Luật sư những thông tin, tài liệu liên quan tới dự định thành lập doanh nghiệp của mình. Thông qua các tài liệu, thông tin đó, Luật sư sẽ hiểu được nguyện vọng, mong muốn, mục đích của khách hàng với doanh nghiệp của mình. Luật sư cần trao đổi với khách hàng một cách kỹ lưỡng để hiểu rõ về nguyện vọng, năng lực, điều kiện của khách hàng - đây là nguồn dữ liệu quan trọng để phân tích, tư vấn cho khách hàng về việc lựa chọn một loại hình doanh nghiệp cụ thể.

- Các ưu điểm và hạn chế của từng loại hình doanh nghiệp: Mỗi loại hình doanh nghiệp có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Các cá nhân, tổ chức khi thành lập doanh nghiệp cần phải nắm được các ưu điểm và hạn chế này để có thể tận dụng được các ưu điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp, đồng thời nắm được những hạn chế và giảm thiểu các tác động của những hạn chế đó trong quá trình thành lập và điều hành doanh nghiệp.

Sau khi tư vấn cụ thể cho khách hàng các ưu điểm, hạn chế của từng loại hình doanh nghiệp, Luật sư có thể tư vấn những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp về:

- Uy tín doanh nghiệp do chế độ chịu trách nhiệm của mỗi loại hình

- Khả năng huy động vốn

-  Rủi ro đầu tư;

- Tính phức tạp và các chi phí thành lập doanh nghiệp;

-  Tổ chức quản lý doanh nghiệp;

- Khả năng chi phối tới hoạt động của doanh nghiệp của những người tham gia doanh nghiệp;

- Tính đơn giản trong việc tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp;

- Khả năng huy động vốn để mở rộng quy mô kinh doanh;

- Sự thuận lợi trong việc chuyển nhượng vốn đầu tư;

-  Chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với từng loại hình doanh nghiệp.

[2] Tư vấn về điều kiện thành lập doanh nghiệp

Tư vấn cho khách hàng về điều kiện thành lập doanh nghiệp là việc Luật sư tổng hợp các thông tin, tài liệu do khách hàng cung cấp và đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến các điều kiện thành lập doanh nghiệp để tư vấn cho khách hàng khả năng đáp ứng các điều kiện thành lập doanh nghiệp. Liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, pháp luật quy định nhiều điều kiện cần phải đáp ứng như:

- Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp;

- Tên doanh nghiệp;

- Trụ sở chính;

-  Vốn;

- Ngành, nghề kinh doanh;

-  Nhân sự;

- Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, không phải khách hàng nào tại thời điểm thành lập doanh nghiệp cũng có thể đáp ứng được hết các điều kiện mà pháp luật đặt ra với loại hình doanh nghiệp mà mình dự định thành lập. Do đó, Luật sư có thể tư vấn cho khách hàng các phương án thay thế hoặc các giải pháp để đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật yêu cầu.

[3] Tư vấn về soạn thảo, nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 và để tư vấn cho khách hàng về việc soạn thảo, đăng ký doanh nghiệp, Luật sư cần nắm được các bước sau:

Thứ nhất, Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh

Trên cơ sở các thông tin khách hàng cung cấp và mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, Luật sư soạn thảo Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ công ty, danh sách cổ đông, ngành nghề kinh doanh một cách chính xác, đầy đủ và rõ ràng.

Thứ hai, nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh:

Luật sư tư vấn hoặc trực tiếp nộp đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thì hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.

Thứ ba, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

Thời hạn cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp là 3 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ hợp lệ. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong trường hợp, doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện nêu trên, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thông báo nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

[4] Tư vấn các thủ tục sau đăng ký doanh nghiệp

Để có thể bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh, sau khi đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể cần Luật sư tư vấn phải tiến hành một số công việc sau:

Thứ nhất, Công bố công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp:

Theo Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Để công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, Luật sư hướng dẫn doanh nghiệp hoặc với sự ủy quyền của doanh nghiệp gửi giấy đề nghị công bố nội dung doanh nghiệp và thanh toán phí tại Phòng đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, Luật sư có thể liên hệ với các Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh để tiến hành thủ tục này. Trong trường hợp muốn đăng ký

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Phân tích pháp luật về các loại hình kinh doanh tại Việt Nam

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.58973 sec| 1260.648 kb