Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại
Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật hình sự năm 2015, các căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại bao gồm:
- Các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015;
- Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;
- Việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại;
- Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Như vậy, các căn cứ thứ nhất, thứ hai và thứ tư của quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại có nội dung giống như các căn cứ quyết định hình phạt tương ứng đối với (cá nhân) người phạm tội. Căn cứ "Việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại" tương ứng với căn cứ "nhân thân người phạm tội" là căn cứ quyết định hình phạt đối với (cá nhận) người phạm tội.
1- Các quy định của Bộ luật hình sự
Khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại, tòà án phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để lựa chọn biện pháp xử lý trong đó có lựa chọn loại và xác định mức hình phạt cụ thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Đó là những quy định sau:
- Các quy định trong Phần chung Bộ luật hình sự năm 2015:
+ Quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Quy định về nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội (khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Quy định về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 33; Điều 77 đến Điều 81 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Quy định về biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Quy định về căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 83 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại (Điều 84 và Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội (Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 87 Bộ luật hình sự năm 2015);
- Các quy định trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015: Đó là các quy định về khung hình phạt chính cũng như hình phạt bổ sung được áp dụng cho pháp nhân thương mại. Các khung hình phạt này được quy định cho các tội phạm thuộc phạm vi pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự (các tội được liệt kê tại Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015).
Khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại, tòà án phải căn cứ vào các quy định nêu trên.
Việc xác định "các quy định của Bộ luật này" là căn cứ đầu tiên của quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại được xem như sự đảm bảo để thực hiện nguyên tắc pháp chế trong quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại.
Từ căn cứ thứ nhất này, tòa án xác định được khung hình phạt cần áp dụng cho pháp nhân thương mại.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Khi quyết định hình phạt cho pháp nhân thương mại, tòa án cũng phải căn cứ vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội (của tội phạm thuộc phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và pháp nhân thương mại có đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó). Điều này cũng có nghĩa là phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do (cá nhân) người phạm tội thực hiện mà về tội phạm này có đủ các điều kiện theo các Điều 75 và 76 Bộ luật hình sự năm 2015 để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong trường hợp pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự thì căn cứ chung của quyết định hình phạt đối với người phạm tội và đổi với pháp nhân thương mại đều là tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của tội phạm được mô tả trong cấu thành tội phạm cụ thể.
Các khung chế tài cho người thực hiện tội phạm cũng như cho pháp nhân thương mại được xây dựng dựa trên căn cứ chủ yếu là tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nhưng khi quyết định hình phạt cụ thể trong phạm vi khung chế tài được qui định cho pháp nhân thương mại, tòà án vẫn phải cân nhắc tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về nhiều tội phạm. Hình phạt cụ thể được quyết định mặc dù chỉ trong phạm vi khung chế tài cho phép nhưng phải tương xứng với tính chất nguy hiểm của từng tội phạm trong sự so sánh với những tội phạm khác. Có như vậy mới đảm bảo được tính thống nhất trong quyết định hình phạt đối với các hành vi phạm tội thuộc phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Cân nhắc mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại sẽ đảm bảo được tính thống nhất và sự công bằng trong quyết định hình phạt đối với các trường hợp phạm tội khác nhau của mỗi tội phạm thuộc phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Vì quyết định hình phạt là quyết định trong phạm vi khung hình phạt cho phép nên quyết định hình phạt chủ yếu căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Mức độ đó phụ thuộc trước hết vào những yếu tố như tính chất của hành vi phạm tội; tính chất và mức độ của hậu quả; mức độ lỗi; hoàn cảnh phạm tội...
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
3- Việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại
Khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại, tòà án còn phải căn cứ vào việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại trong cả quá trình từ trước đến khi bị coi là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Xem xét việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại chủ yếu nhằm xác định khả năng đạt được mục đích của hình phạt cũng như của các biện pháp xử lý khác đối với pháp nhân thương mại.
4- Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại là những tình tiết đã được quy định cụ thể tại Điều 84 và Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015. Các tình tiết đó có thể được phân loại thành hai nhóm khác nhau:
- Các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (làm giảm xuống hoặc tăng lên đáng kể);
- Các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục của pháp nhân thương mại.
Về tính chất pháp kí của các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại, cần chú ý:
- Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại bao gồm những tình tiết được quy định tại Điều 84 Bộ luật hình sự năm 2015 và những tình tiết khác được tòa án xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cần được cân nhắc khi quyết định hình phạt cho pháp nhân thương mại.
- Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại chỉ có thể là những tình tiết đã được quy định tại Điều 85.
- Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được nêu trên đây sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mà cấu thành tội phạm của nó đã sử dụng tình tiết này làm dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt.
- Hầu hết các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được áp dụng cho pháp nhân thương mại mới chỉ được xác định khái quát mà chưa được mô tả cụ thể. Riêng tình tiết tăng nặng tái phạm và tái phạm nguy hiểm được quy định cụ thể tại Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015. Do vậy, khi chưa có hướng dẫn cụ thể, tòa án phải tự xác định nội dung của các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có thể được giải thích như sau:
[a] Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
- Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm (điểm a khoản 1 Điều 84 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp tội phạm đã được thực hiện, nếu không có gì ngăn cản thì tác hại của tội phạm sẽ xây ra hoặc xảy ra lớn hơn nhưng pháp nhân thương mại đã ngăn chặn không để cho tác hại xảy ra hoặc hạn chế được tác hại của tội phạm. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tình tiết này không những phụ thuộc vào thái độ chủ quan của pháp nhân thương mại đối với hành vi ngăn chặn hoặc giảm bớt tác hại mà còn phụ thuộc vào thực tế tác hại được ngăn chặn hoặc hạn chế như thế nào.
- Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (điểm b khoản 1 Điều 84 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp phạm tội đã gây ra hậu quả thiệt hại nhưng pháp nhân thương mại đã tự nguyện tìm cách hạn chế hậu quả của tội phạm như sửa chữa tài sản bị hư hỏng, bồi thường về vật chất thiệt hại về tài sản, thể chất, tinh thần hoặc có những hành vi khác khắc phục hậu quả của tội phạm. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này phụ thuộc vào sự cố gắng của pháp nhân thương mại cũng như vào mức độ hậu quả được khắc phục trên thực tế.
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn (điểm c khoản 1 Điều 84 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp phạm tội mà mức độ nguy hiểm cho xã hội còn hạn chế do hậu quả chưa xảy ra hoặc hậu quả xảy ra không lớn.
- Tích cực hợp tác với cơ quan cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (điểm d khoản 1 Điều 84 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp pháp nhân thương mại đã cung cấp các bằng chứng, tài liệu, tin tức cho các cơ quan có trách nhiệm hoặc làm mọi việc theo yêu cầu của các cơ quan đó để phát hiện hoặc giải quyết vụ ấn về tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tình tiết này phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả của việc tích cực hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.
- Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội (điểm đ khoản 1 Điều 84 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp pháp nhân thương mại có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội, như chính sách xã hội về việc làm, chính sách xóa đói, giàm nghèo, ưu đãi người có công với cách mạng v.v.. Những đóng góp này có thể trên phạm vi cả nước hoặc địa phương và có thể được thể hiện qua các hoạt động cụ thể như đóng góp cho các quỹ vì người nghèo, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc dioxin hoặc thực hiện các chương trình từ thiện như chăm sóc, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ đồng bào lũ lụt...
[b] Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
- Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội (điểm a khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp có ít nhất hai pháp nhân thương mại đã câu kết với nhau để tội phạm được thực hiện bằng hình thức đồng phạm thông qua người phạm tội. Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội làm tăng đáng kể mức độ nguy hiểm của tội phạm do làm tăng khả năng thực hiện tội phạm, quy mô của tội phạm cũng như mức độ hậu quả... Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự do có tình tiết này chủ yếu phụ thuộc vào mức độ câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội.
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (điểm đ khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp pháp nhân thương mại thông qua người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, phức tạp của xã hội để dễ dàng thực hiện tội phạm. Hành vi phạm tội có tình tiết này có tính chất nghiêm trọng hơn trường hợp phạm tội bình thường vì nó không chỉ cản trở sự khắc phục khó khăn mà còn làm tăng thêm những khó khăn đang có của xã hội;
- Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội (điểm e khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp mà thủ đoạn phạm tội được sử dụng rất phức tạp, kín đáo, khó nhận biết. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ tinh vi của thủ đoạn phạm tội.
- Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng (điểm b khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp tăng nặng mức độ lỗi vì có những biểu hiện thể hiện pháp nhân thương mại quyết tâm thực hiện tội phạm qua việc cố gắng khắc phục mọi trở ngại để thực hiện bằng được tội phạm.
- Phạm tội 02 lần trở lên (điểm c khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp pháp nhân thương mại được xác định phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được thực hiện từ 02 lần trở lên.
- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (điểm đ khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015) (xem Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015).
- Dùng thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm (điểm e khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp pháp nhân thương mại sử dụng thủ đoạn hết sức phức tạp, kín đáo, khó nhận biết để che giấu tội phạm, trốn tránh trách nhiệm.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm