Chức năng xét xử và vai trò của Tòa án trong tranh tụng

07/04/2023
Tạ Thị Thu Hoà
Tạ Thị Thu Hoà
Chức năng xét xử chỉ thuộc về một chủ thể duy nhất là Toà án và chỉ có thể được thực hiện ở tại phiên toà. Toà án có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và bảo đảm sự bình đẳng và các điều kiện cần thiết khác để các bên tiến hành tranh tụng một cách khách quan, toàn diện và công bằng về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án làm cơ sở cho Toà án ra phán quyết để kết thúc quá trình tranh tụng của hai bên về vụ án.

1- Chức năng xét xử của Tòa án trong tố tụng 

Theo pháp luật của các nước thuộc hệ thống pháp luật án lệ, thì quá trình Tố tụng hình sự chỉ bắt đầu từ thời điểm xét xử vụ án tại phiên toà và được tiến hành dưới hình thức tranh tụng giữa bên buộc tội (đại diện là Công tố viên) và bên bào chữa (đại diện là luật sư bào chữa) trước Toà án (gồm Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn) làm trọng tài phân xử. Đây là sự chia sẻ quyền lực giữa Công tố viên, Luật sư bào chữa, thẩm phán và Bồi thẩm đoàn. Như vậy, chức năng xét xử chỉ thuộc về một chủ thể duy nhất là Toà án và chỉ có thể được thực hiện ở tại phiên toà. Toà án có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và bảo đảm sự bình đẳng và các điều kiện cần thiết khác để các bên tiến hành tranh tụng một cách khách quan, toàn diện và công bằng về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án làm cơ sở cho Toà án ra phán quyết để kết thúc quá trình tranh tụng của hai bên về vụ án.

So với chức năng buộc tội và chức năng bào chữa, chức năng xét xử xuất hiện muộn hơn rất nhiều và được thực hiện thông qua các Thẩm phán chuyên nghiệp và không chuyên (Bồi thẩm). Khác với chế định Hội thẩm ở một số nước thuộc hệ tố tụng thẩm vấn (theo đó Hội thẩm là những nguời không chuyên nghiệp đại diện cho nhân dân để tham gia xét xử. Khi xét xử Thẩm phán và các Hội thẩm đều có quyền ngang nhau và cùng quyết định tất cả các vấn đề về vụ án), ở các nước thuộc hệ tố tụng tranh tụng (như: Anh, Mỹ, Canađa, Ôxtrâylia,...) áp dụng chế định bồi thẩm cho phép những công dân bình thường với sự hiểu biết pháp luật ở mức tối thiểu tham gia xét xử các vụ án hình sự. Bồi thẩm đoàn chỉ có nhiệm vụ xác định bị cáo có tội hay không có tội, còn việc áp dụng pháp luật và hình phạt đối với bị cáo thuộc thẩm quyền của Thẩm phán chuyên nghiệp.

Với vai trò là người trọng tài "cầm trịch” giữa hai bên, trước khi phiên toà bắt đầu, Thẩm phán và các Bồi thẩm không hề có một tài liệu, hồ sơ gì trong tay, vì vậy họ không biết gì về vụ án ngoài cái tên gọi của nó. Thẩm phán có nhiệm vụ duy trì trật tự phiên toà và giám sát quá trình tranh tụng giữa hai bên, còn vai trò của Bồi thẩm đoàn tại phiên toà giống như "những khán giả” ngồi trong nhà hát. Họ hầu như bị tách ra khỏi phiên toà và chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là quan sát quá trình tranh cãi gay gắt giữa bên buộc tội (đại diện là Công tố viên) và bên bào chữa (đại diện là luật sư bào chữa) cho đến khi vào phòng nghị án để quyết định vấn đề bị cáo có tội hay không có tội. Mặc dù pháp luật của các nuớc đều quy định cho Toà án có quyền thẩm vấn các người làm chứng, bị cáo, nhưng trên thực tế hầu như chẳng bao giờ Thẩm phán hoặc các Bồi thẩm đoàn sử dụng quyền hạn này. Bồi thẩm đoàn chỉ có một nhiệm vụ là xác định sự kiện: Xem bị cáo có tội hay không có tội? Nếu đại đa số các bồi thẩm xác định bị cáo không có tội thì anh ta được tuyên vô tội (trắng án). Nếu bồi thẩm đoàn xác định bị cáo có tội thì Thẩm phán sẽ có trách nhiệm áp dụng điều khoản cụ thể của pháp luật để xác định bị cáo phạm tội gì, loại hình phạt nào và mức hình phạt cụ thể. Trước khi đưa vụ án ra xét xử, trách nhiệm tìm kiếm, thu thập các chứng cứ, tài liệu về các tình tiết của vụ án do bên buộc tội và bên bào chữa độc lập tiến hành. Tại phiên toà, các bên có nhiệm vụ xuất trình các chứng cứ, tài liệu về vụ án, kiểm tra chéo nhau để khẳng định hay bác bỏ chứng cứ của nhau trước sự giám sát của Toà án. Kết quả xét xử vụ án tại phiên toà "ai thắng, ai thua” chủ yếu phụ thuộc vào trình độ, năng lực chuyên môn và nghệ thuật của Công tố viên và của luật sư bào chữa. Mặt tích cực của thủ tục xét xử này là phát huy được tính tích cực, chủ động của các bên, bảo đảm được sự bình đẳng về hình thức giữa hai bên trong quá trình tranh tụng. Nhưng mặt khác, nó làm cho vai trò của Toà án quá thụ động và chức năng xét xử bị hạn chế, nên không phải trong mọi trường hợp đều bảo đảm đạt được mục đích đặt ra của Tố tụng hình sự là xác định sự thật về vụ án và tất nhiên sẽ có người vô tội bị oan hoặc kẻ phạm tội thoát khỏi sự trừng phạt.

Chức năng xét xử của Toà án quyết định các nhiệm vụ cụ thể của Toà án trong các hoạt động của mình. Bởi vậy, Toà án không thể và không được thực hiện các nhiệm vụ không thuộc về chức năng tố tụng của mình. Khi thực hiện chức năng xét xử, Toà án có trách nhiệm phải làm sáng tỏ tất cả các tình tiết của vụ án (bao gồm cả các tình tiết buộc tội, các tình tiết gỡ tội hoặc giảm nhẹ TNHS đối với bị cáo) nhưng không phải để buộc tội hay bào chữa đối với bị cáo mà nhằm thực hiện chức năng xét xử - xác định sự thật khách quan và ra quyết định đúng đắn về vụ án. Nếu Toà án tham gia thục hiện cả chức năng buộc tội hoặc chức năng bào chữa thì vai trò trọng tài, người cầm trịch giữa hai bên sẽ mất đi và Toà án sẽ trở thành một công tố viên hay một luật sư "thứ hai” trong tranh tụng. Điều đó sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa và mục đích xác định sự thật về vụ án không thể đạt được: "Trong phiên toà hình sự, thì quan toà, chưởng lý và trạng sư bào chữa được kết hợp vào một con người. Sự kết hợp này mâu thuẫn với tất cả những quy luật cùa khoa tâm lý học”.

2- Vai trò của Tòa án trong tố tụng

Theo pháp luật của các nước thuộc hệ thống luật lục địa, thì vai trò của Toà án và chức năng xét xử trong tố tụng nói chung, và trong tranh tụng nói riêng được đề cao. Toà án không chỉ là trọng tài mà còn tích cực tham gia vào quá trình chứng minh bị cáo có tội hay không có tội. Pháp luật đã đặt hầu như toàn bộ trách nhiệm lên vai Hội đồng xét xử, còn bên buộc tội hoặc bên bào chữa chỉ tham gia vào quá trình chứng minh ở mức độ hạn chế. Điều đó không chỉ đã dẫn đến tình trạng Toà án "lấn sân” của bên buộc tội hoặc của bên bào chữa, dẫn đến sự "quá tải” đối với Hội đồng xét xử và sự "quá nhàn” đối với các bên mà còn hạn chế Toà án trong việc thực hiện chức năng xét xử, không phát huy được tính chủ động, tích cực của các bên tranh tụng, kết quả giải quyết vụ án chủ yếu phụ thuộc vào Hội đồng xét xử, vì vậy các phán quyết về vụ án có thể không bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác.

Với vai trò là trọng tài giữa bên buộc tội và bên bào chữa, Toà án phải có thái độ vô tư, khách quan và công minh. Các thành viên Hội đồng xét xử phải quan tâm ở mức độ như nhau đối vói tất cả những nguời tham gia phiên toà (Công tố viên, luật sư bào chữa, bị cáo, người bị hại,..) và có thái độ khách quan, không thiên vị đối với các chứng cứ, các yêu cầu, đề nghị của các bên đưa ra cũng như đối với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật dành cho họ. Toà án khồng được phép định kiến đối với bất cứ bên nào và cũng không thể bị ràng buộc bởi bất cứ một yêu cầu, đề nghị hoặc ý kiến của bất kỳ ai: "Đối với quan toà, thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp".

 

0 bình luận, đánh giá về Chức năng xét xử và vai trò của Tòa án trong tranh tụng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.21638 sec| 961.711 kb