Cương lĩnh chính trị của Đảng qua các thời kỳ

13/06/2024
Phạm Huyền My
Phạm Huyền My
Trong xã hội có mâu thuẫn giai cấp đối kháng, đấu tranh giai cấp mang tính tự phát với mục tiêu kinh tế sẽ phát triển dần đến đấu tranh mang tính tự giác – đấu tranh chính trị (liên quan đến vấn đề giành hoặc giữ chính quyền). Đấu tranh chính trị đòi hỏi một giai cấp phải có mục tiêu chính trị rõ ràng, tổ chức chặt chẽ, tập hợp, huy động được đông đảo lực lượng của giai cấp và các lực lượng liên minh với mình. Đó là yêu cầu và điều kiện ra đời của đảng chính trị. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, đảng chính trị phải có cương lĩnh chính trí (chính cương, luận cương chính trị..)

I- Cương lĩnh chính trị

1- Khái niệm

Cương lĩnh chính trị là văn bản trình bày những nội dung cơ bản về mục đích, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Cương lĩnh chính trị là cơ sở thống nhất ý chí và hành động của toàn đảng, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ các lực lượng xã hội phấn đấu cho lý tưởng, mục tiêu mà Đảng đề ra.

2- Tính chất của cương lĩnh

[a] Cương lĩnh là một bản tuyên ngôn

Cương lĩnh là bản tuyên ngôn chính trị, là sự tuyên bố về tôn chỉ, mục đích của đảng chính trị; về mục tiêu; lý tưởng mà đảng phấn đấu để đạt được.

Thông qua cương lĩnh, chính đảng tập hợp lực lượng gia nhập đảng và nhận thức được sự ủng hộ, tự nguyện đi theo đảng của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Với Đảng Cộng sản Việt Nam, cương lĩnh chính trị là cơ sở thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, là ngọn cờ tập hợp, cỗ vũ các lực lượng xã hội phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

[b] Cương lĩnh là “văn bản pháp lý” cao nhất của đảng

Cương lĩnh là văn bản quan trọng nhất của đảng, là cơ sở lý luận và đường lối cơ bản của đảng, định hướng cho đường lối trong các lĩnh vực. Mọi văn bản, nghị quyết của đảng đều phải tuân thủ, phù hợp, không được trái với cương lĩnh, kể cả điều lệ đảng.

[c] Cương lĩnh là văn bản có "tính chiến lược lâu dài”

Cương lĩnh là văn bày những nội dung cơ bản về mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng trong một giai đoạn lâu dài. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu nội dung cơ bản đối với Báo cáo chính trị của Đảng là nhiệm vụ cho 5 năm, nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian 10 năm thì Cương lĩnh nhằm đính hướng sự phát triển của đất nước trong thời gian dài.

[d] Cương lĩnh là “cơ sở” của công tác xây dựng và phát triển đảng

Mọi đảng viên trước khi kết nạp đảng đều phải hiểu biết về cương lĩnh chính trị của đảng, trên cơ sở đó, tự nguyện gia nhập đảng và thực hiện theo quy định của cương lĩnh, điều lệ của đảng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

II- Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ

1- Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do lãnh tự Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2/1930) thông qua đã xác định rõ nhiều vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh nêu rõ:

Cách mạng Việt Nam là “tư sản dân quyền cách mạng” và “thổ địa cách mạng” để đi tới xã hội cộng sản.

Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập.

Thâu hết sản nghiệp lớn (công nghiệp, vận tải, ngân hàng..) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh. Quốc hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của đế quốc và địa chủ chia cho nông dân nghèo.

“Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông. Thanh Niên, Tân Việt, … để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nộp, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến,..) thì phải đánh đổ… Trong khi lien lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp”.

Cương lĩnh khẳng định “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp của mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”

2- Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930)

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời tổ chức tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (còn được gọi là Luận cương cách mạng tư sản dân quyền) do đồng chí Trần Phú khởi thảo.

Luận cương khẳng định lại nhiều vấn đề căn bản thuộc về chiến lược cách mạng mà Cương lĩnh chính trị đầu tiền của Đảng đã nêu: Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện độc lập dân tộc và ruộng đất cho nông dân sau đó chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến có quan hệ mật thiết với nhau; lực lượng chính của cách mạng là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, trong đó giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo; phương pháp cách mạng khi chưa có và khi có tình thế cách mạng; cách mạng Việt Nam liên hệ mật thiết với giai cấp vô sản các nước và các dân tộc thuộc địa.

3- Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2/1951)

Chính cương Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo và được Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng thông qua.

Chính cương chỉ rõ: "Nhiệm vụ căn bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội'. Động lực của cách mạng Việt Nam lúc này là công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc, những thân sĩ yêu nước và tiến bộ; trong đó nền tảng là công nhân, nông dân, trí thức; lực lượng lãnh đạo là giai cấp công nhân.
Chính cương khẳng định: cách mạng Việt Nam hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt là phải tập trung sức hoàn thành giải phóng dân tộc".

Chính cương còn nêu những quan điểm cơ bản về xây dựng quân đội, phát triển kinh tế - tài chính, cải cách ruộng đất, phát triển văn hóa giáo dục, chính sách đối với tôn giáo, chính sách dân tộc, chính sách đối với vùng tạm chiếm, chính sách ngoại giao, chính sách đối với Việt kiểu... Về ngoại giao, Chính cương khẳng định nguyên tắc "tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, thống nhất quốc gia của nhau và cùng nhau bảo vệ hòa bình dân chủ thế giới, chống bọn gây chiến"; mở rộng ngoại giao nhân dân, giao thiệp thân thiện với Chính phủ nước nào tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đặt quan hệ ngoại giao với các nước đó theo nguyên tắc tự do, bình đẳng và có lợi cho cả hai bên, đấu tranh cho hòa bình thế giới.

4- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991)

Vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế ký XX, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa Mác - Lênin, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đứng trước thử thách gay gắt. Mặc dù công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI đã thu được những thành tựu nhất định, nhưng đời sống nhân dân còn khó khăn, khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa được khắc phục... Thực tế đó đặt ra yêu cầu là Đảng cần có một Cương lĩnh chính trị để xác định rõ con đường đi lên của đất nước trong công cuộc đối mới.

Tại Đại hội VII (tháng 6/1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991). Cương lĩnh năm 1991 đã xác định rõ nội dung, tính chất của thời đại, làm nổi bật hai nội dung cơ bản: (1) Quan niệm tổng quát về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; (2) Những phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Cương lĩnh năm 1991 khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng'. Cương lĩnh năm 1991 trở thành vũ khí tư tưởng, lý luận, định hướng về tư tưởng và lý luận cho toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đị theo con đường xã hội chủ nghĩa trong điều kiện thế giới đầy khó khăn và phức tạp.

Thực hiện Cương lĩnh năm 1991, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã có sự thay đổi toàn diện, thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm, vượt qua tình trạng nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.

5- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)

Sau 20 năm kể từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời, tình hình quốc tế và trong nước đã có những biến đổi sâu sắc. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, quá trình toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới và khu vực. Trước tình hình đó, Đảng cần tỏ rõ quan điểm, thái độ của mình về tình hình quốc tế và định hướng con đường đi lên của đất nước trong thời kỳ mới: từ nay đến giữa thế kỳ XXI. Đại hội X yêu cầu, sau Đại hội, Trung ương tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh năm 1991 cho phù hợp với điều kiện mới. Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), gọi tắt là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) thể hiện niềm tin vững chắc của Đảng trên cơ sở khoa học, thực tiễn về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là cơ sở quan trọng góp phần củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội. Những điểm chung trong các cương lĩnh của Đảng là tư tưởng nhất quán về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam tất yếu đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân là động lực cách mạng; Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng; Nhà nước, Chính phủ, quân đội của nhân dân; xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Cương lĩnh chính trị của Đảng qua các thời kỳ được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Cương lĩnh chính trị của Đảng qua các thời kỳ có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Cương lĩnh chính trị của Đảng qua các thời kỳ

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16605 sec| 990.289 kb