Đặc điểm tâm lý của đương sự trong khởi kiện vụ án dân sự

26/03/2023
Khởi kiện vụ án dân sự là quyền tố tụng của cá nhân, pháp nhân, các cơ quan, các tổ chức xã hội khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, được thực hiện bằng việc chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm hoặc bị tranh chấp gửi đơn yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đồng thời, khi khởi kiện, đương sự có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp và có căn cứ. So sánh với tố tụng hình sự, việc tham gia tố tụng dân sự có những sự khác biệt sau:

- Trong tố tụng hình sự, việc cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật là thể hiện ý chí của Nhà nước và pháp luật. Đương sự không có quyền tự định đoạt, họ phải tuyệt đổi tuân theo mệnh lệnh của Nhà nước và pháp luật. Nhưng trong tố tụng dân sự, đương sự hoàn toàn có quyền tự định đoạt. Khi quyền và lợi ích bị vi phạm, cá nhân có tự quyết định khởi kiện hay không khởi kiện. Việc tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự hoàn toàn do sự tự định đoạt của cá nhân.

- Trong tố tụng hình sự, đương sự không có nghĩa vụ chứng minh. Việc chứng minh hành vi phạm tội thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng trong tố tụng dân sự, để yêu cầu của mình được Toà án chấp nhận thụ lý, đương sự có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu đó là hợp pháp và có căn cứ.

Khi khởi kiện, đương sự có các đặc điểm tâm lý đặc trưng sau đây:

- Về mặt ý chí: Khi khởi kiện, đương sự hoàn toàn có sự tự do về ý chí. Trong các giao dịch dân sự, khi lợi ích hợp pháp của một bên bị tranh chấp hoặc bị vi phạm, cá nhân sẽ tự do lựa chọn phương thức để bảo vệ quyền và lại ích của mình theo những nguyên tắc như bình dẳng, tự nguyện và thoả thuận, ở đây, các chủ thể tích cực tác động qua lại lẫn nhau để giải quyết tranh chấp. Họ có thể thoả thuận với nhau để cùng đi đến một quyết định mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được, hoặc một bên có thể tự nguyện bồi thường thiệt hại... Khi các bên không thể tự thoả thuận điều đình với nhau thì họ sẽ lựa chọn phương thức khởi kiện vụ việc ra toà án. Khởi kiện chính là sự lựa chọn cuối cùng của cá nhân phương thức bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Như vậy, việc tham gia vào hoạt động tố tụng dân sự hoàn toàn do ý muốn chủ quan của cá nhân, do họ tự định đoạt. Thậm chí khi đã khởi kiện, đương sự vẫn có quyền rút đơn kiện, có quyền thay đổi yêu cầu, có quyền tự hòa giải, ở đây, sự tự do ý chí, tự do định đoạt làm cho tâm lý của cá nhân trở nên tích cực, chủ động và linh hoạt. Mặc dù đã khởi kiện, giữa các bên trong tranh chấp dân sự vẫn tiếp tục diễn ra sự tác động qua lại lẫn nhau để cố gắng thoả thuận giải pháp giải quyết tranh chấp mà họ cho là nhẹ nhàng, đơn giản hơn việc kiện tụng.

 

- Về trạng thái tâm lý: Đương sự trong giai đoạn khởi kiện có sự căng thẳng về tâm lý. Việc đưa đơn khởi kiện là sự lựa chọn cuối cùng của cá nhân về biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Sự lựa chọn ấy chỉ xảy ra khi cuộc thương lượng giữa các bên trong tranh chấp dân sự đi vào bế tắc, không giải quyết theo con đường thoả thuận. Cá nhân khởi kiện đồng nghĩa với việc họ phải nhờ đến cưỡng chế nhà nước để bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình. Song họ cũng hình dung được những phức tạp khi phải tham gia vào quá trình tố tụng. Việc khởi kiện có được như họ mong muốn hay không, câu hỏi đó vẫn còn ở phía trước gây cho họ những căng thẳng nhất định. Bên cạnh đó, việc quyền và lợi ích bị xâm hại đem đến cho đương sự những tổn thất nhất định về vật chất cũng như về tinh thần. Sự gánh chịu hậu quả có thể làm xuất hiện những xúc cảm tiêu cực như ở họ như thất vọng, chán nản, bực bội, khó chịu... Tất cả những yếu tố trên gây nên trạng thái tâm lý căng thẳng, bức xúc ở đương sự.

- Về nhận thức và hành vi: Khi khởi kiện, đương sự có sự chủ động và định hướng trong nhận thức và hành vi. Trong tố tụng dân sự, nguyên đơn là người được giả thiết là có quyền hoặc lợi ích hợp pháp bị vi phạm hay bị tranh chấp nên khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Xét về mặt tâm lý, khi khởi kiện, nguyên đơn hoàn toàn chủ động. Họ có những mục đích cụ thể và hiểu rằng khởi kiện là điều kiện giúp họ có thể đạt được các mục đích đó. Mục đích của nguyên đơn được thể hiện rõ trong đơn khởi kiện bằng những yêu cầu cụ thể. Đưa ra yêu cầu, đương sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tham gia vào " trận quyết đấu” bảo vệ cho quyền lợi của mình. Họ huy động tất cả sự nỗ lực của bản thân và quyết tâm bằng mọi cách đạt được mục đích.

Khi khởi kiện, đương sự hiểu rằng, để việc khởi kiện được Toà án thụ lý, họ có nghĩa vụ đưa ra được các yêu cầu và chứng minh các yêu cầu đó là hợp pháp và có căn cứ. Nghĩa vụ chứng minh làm tăng cường tính tích cực trong tư duy của họ. Với tư cách là chủ thể chứng minh, đương sự có những mục đích cụ thể khi đưa ra chứng cứ. Là đương sự trong vụ việc, họ là người có nhiều thông tin nhất. Do đó, xét về mặt nhận thức, khi khởi kiện đương sự hoàn toàn chủ động. Họ có sự lựa chọn cân nhắc để khai thác những thông tin phục vụ cho vị trí tố tụng của mình, cố gắng đưa ra những chứng cứ thuyết phục nhất. Đương sự tìm mọi cách để lý giải các tình tiết của vụ việc theo hướng có lợi cho họ.

Với tư cách là người khởi kiện, đương sự luôn mong muốn vụ việc sớm được giải quyết. Vì thế, họ có thái độ hợp tác tích cực và cố gắng có được thiện cảm trong giao tiếp với Toà án.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của đương sự trong khởi kiện vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.27177 sec| 943.234 kb