Đặc điểm tâm lý của đương sự trong vụ án dân sự

15/04/2023
Đỗ Duy Hoàng
Đỗ Duy Hoàng
Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đương sự có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhưng trong trường họp là cơ quan, tổ chức thì tại toà án, những cơ quan, tổ chức này cũng được đại diện bởi những cá nhân.

Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khởi kiện để yêu cầu toà giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Nguyên đơn là người được giả thiết có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nên khởi kiện hoặc được người khác khởi kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích đó. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn có quyền rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, đề nghị toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án V.V.. Như vậy, nguyên đơn là người giữ vị trí chủ động trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, sự phát sinh và tiến triển của vụ án dân sự phần nhiều phụ thuộc vào ý chí của nguyên đơn. Đây có thể nói là một ưu thế đáng kể của nguyên đơn trong tố tụng dân sự.

Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm. Như vậy, bị đơn là người bị khởi kiện, người tham gia tố tụng theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn từ giả thiết rằng, bị đơn xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Trong tố tụng dân sự, bị đơn không ở vào thế chủ động như nguyên đơn. Tuy nhiên, luật quy định bị đơn và nguyên đơn có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng; bị đơn có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, hoặc bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ, nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được toà chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Như vậy, trong tố tụng dân sự, điểm phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các đương sự, đặc biệt là giữa nguyên đơn và bị đơn, chủ yếu là quyền lợi, và sự đấu tranh ở đây cũng chủ yếu là về quyền lợi.

Tâm lý con người mang bản chất xã hội - lịch sử, cho nên trong tâm lý của đương sự luôn có những nét chung từ cộng đồng, xã hội, thời đại. Hơn nữa, khi trở thành đương sự trong vụ án dân sự, mỗi người đều tham gia vào những mối quan hệ và chịu những tác động tương đối như nhau. Vì vậy, tâm lý của các đương sự càng có nhiều nét tương đồng và chúng được thể hiện rõ nét trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

Thứ nhất, nét tâm lý phổ biến ở đương sự là còn e ngại khi phải yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Chính vì tâm lý này mà đương sự thường chỉ yêu cầu sự can thiệp của Toà án khi không còn con đường nào khác để giải quyết vụ việc. Theo chúng tôi, điều này có nhiều nguyên nhân:

- Do tâm lý trọng tình cảm, trọng sự hoà thuận của nhân dân ta. Người Việt Nam vốn trọng tình cảm, trọng sự hoà thuận. Chính vì trọng tình cảm, trọng quan hệ cho nên họ ngại đưa vụ việc giữa họ với người khác (mà người khác ở đây lại thường là thân nhân, họ hàng, hàng xóm, bạn bè, đối tác đã, đang làm ăn với họ, quan hệ với họ) ra Toà án, nơi sự tranh đấu quyết liệt, lạnh lùng sẽ làm sứt mẻ, thậm chí chấm dứt mối quan hệ của họ, điều mà họ không muốn.

- Do hiểu biết về pháp luật của phần lớn nhân dân ta còn hạn chế, cho nên người ta ngại đụng chạm đến pháp luật, ngại yêu cầu sự giúp đỡ của Toà án;

- Do lo ngại vụ việc kéo dài, mất thời gian, tốn kém;

- Do lo ngại vụ việc sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín, thanh danh của bản thân, thậm chí của cả gia đình, dòng họ.

 

Tâm lý của người Việt Nam mang nặng tính cộng đồng làng xã. Với bất cứ vấn đề gì nảy sinh ttong quan hệ giữa người này với người khác trong cộng đổng, người Việt có xu hướng ưu tiến cách xử lý nội bộ, bằng những tác động tình cảm êm thẩm, không ầm ĩ, hạn chế sự đối đầu quyết liệt, sự can thiệp từ bên ngoài. “Đóng cửa bảo nhau”, “Ai đi vạch áo cho người xem lưng”, “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Một điều nhịn, chín điều lành”,... đó là những câu mà ông cha chúng ta răn dạy con cháu. Trong suy nghĩ của không ít người Việt Nam, việc một người phải yêu cầu toà giải quyết tranh chấp trong quan hệ giữa người đó với một người khác được xem như là dấu hiệu không tốt, không hay, không đẹp, cho dù chân lý thuộc về người đệ đơn yêu cầu: “Trước tiên hãy tự trách mình” - đừng quên đức tính khiêm nhường này của ông cha ta. Hơn nữa, trên thương trường, đối với không ít thương nhân người Việt, việc ai đó kéo nhau ra toà còn được xem như một “cái dớp” và người ta tránh làm ăn với những người này. Cho nên, nhiều khi người ta “Bằng mặt mà không bằng lòng”; trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, nhiều cặp vợ chồng tình cảm không còn, xung đột sâu sắc, nhưng vì bố mẹ, ông bà, gia tộc, vì con cái, vì thể diện của mỗi người mà họ không kéo nhau ra Toà án.

Thứ hai, tâm lý thắng thua còn nặng nề ở đương sự. Nhìn chung, đương sự thường ngại đưa vụ việc ra Toà án. Tuy nhiên, khi đã phải yêu cầu sự giúp đỡ của Toà án thì cả nguyên đơn và bị đơn ai cũng muốn dành phần thắng, muốn lẽ phải thuộc về mình, không ai muốn thừa nhận mình thất bại, mình sai, mình xâm phạm quyền và lợi ích của người khác. Chính vì vậy mà đương sự thường tìm mọi cách để dành phần thắng, họ sử dụng “chiến thuật tổng lực”, huy động mọi người trong gia đình, họ hàng, bạn bè, người quen biết, sử dụng mọi mối quan hệ cần thiết nhằm tác động đến phán quyết của Toà án...Điều này làm cho vụ án thêm phức tạp và cản trở Toà án giải quyết vụ án một cách khách quan. Trong tố tụng dân sự, toà án cần đặc biệt lưu ý đặc trưng tâm lý này của đương sự. Tại phiên toà, tâm lý nặng về thắng thua dễ dẫn đương sự đến chỗ đấu tranh quyết liệt chỉ để bảo vệ thể diện, do đó chỉ nhìn thấy những tình tiết nhỏ, vụn vặt và bỏ qua lợi ích đích thực, bỏ qua thực chất của vấn đề. Nói cách khác, lúc đó đương sự chỉ lo tấn công nhau chứ không phải là tấn công vào vấn đề tồn tại giữa họ. Cho nên, muốn thành công, chẳng hạn khi thuyết phục, hoà giải nguyên đơn và bị đơn, thẩm phán cần khéo léo, tế nhị chỉ cho họ thấy khả năng nhượng bộ mà không “đánh mất thể diện” cùng với việc thoả mãn một vài quyền lợi của họ...

Thứ ba, đương sự chưa thật sự đặt niềm tin vào công lý, vào sự bảo vệ của Toà án. Quan hệ dân sự là quan hệ đời thường, tâm lý của đương sự cũng là tâm lý thông thường của người dân, của quần chúng.Trong những năm qua, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế thị trường cũng mang trong mình nó những yếu tố tiêu cực. Chúng ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt khác nhau của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, không ít trường hợp sức mạnh của đồng tiền lấn át cả công lý, lẽ phải, không ít người làm việc trong hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thật công tâm. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng nhân dân, làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có hệ thống cơ quan toà án.

Thứ tư, ý thức chấp hành pháp luật của đương sự chưa cao. Điều này gây nhiều khó khăn cho Toà án khi giải quyết vụ án dân sự. Không ít trường hợp đương sự không có mặt theo giấy triệu tập của toà, họ bao biện, lấy hết lý do này đến lý do khác, cố tình trốn tránh, thậm chí gây khó khăn, cản trở việc giải quyết vụ án của toà.

Ngoài ra, khi tìm hiểu tâm lý của đương sự trong vụ án dân sự cần phải lưu ý rằng, tâm lý, hành vi của đương sự còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có cả những yếu tố tố tụng. Chẳng hạn, niềm tin của bị đơn vào sự không đầy đủ chứng cứ của đơn kiện sẽ cũng cố lập trường chống đối của bị đơn, hoặc có những trường hợp do lo sợ phải đối đầu với dư luận tại phiên toà lưu động nên nguyên đơn đã đi đến quyết định rút đơn kiện...

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

 

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của đương sự trong vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.24053 sec| 962.914 kb