Đặc điểm tâm lý của giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự

09/04/2023
Đỗ Duy Hoàng
Đỗ Duy Hoàng
Hiệu quả của hoạt động xét xử vụ án dân sự phụ thuộc vào việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án của các thành viên hội đồng xét xử trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tại phiên toà, mô hình vụ án phát huy tác dụng là mô hình hình thành trong quá trình chuẩn bị xét xử.

Cũng giống như trong chuẩn bị xét xử vụ án hình sự, hai chức năng được thể hiện rõ nhất trong chuẩn bị xét xử vụ án dận sự là nhận thức và thiết kế.

1- Chức năng nhận thức

Chức năng nhận thức trong giai đoạn này được biểu hiện trước hết ở việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án. Do vấn đề này đã được đề cập đến ở phần trước, nên ở đây chỉ bổ sung thêm một vài điểm đáng lưu ý.

Hiệu quả của hoạt động xét xử vụ án dân sự phụ thuộc vào việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án của các thành viên hội đồng xét xử trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tại phiên toà, mô hình vụ án phát huy tác dụng là mô hình hình thành trong quá trình chuẩn bị xét xử.

Với thẩm phán, nhận thức về vụ án bắt đầu ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với đơn kiện và tài liệu kèm theo. Sau đó, khi gặp gỡ đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), thẩm phán xây dựng mô hình của vụ án. Song, trong hoạt động nhận thức, nhiệm vụ của thẩm phán không chỉ là xác định sự thật của vụ án, mà còn chứng minh, lý giải các tình tiết của nó tại phiên toà. Do đó, tham phán phải chú ý đến cả những tình tiết mang tính pháp lý và cả những tình tiết không mang tính pháp lý, phân tích đặc điểm tâm lí, đặc điểm hành vi của đương sự và của những người tham gia tố tụng khác. Trên cơ sở đó, thẩm phán dự đoán thái độ, hành vi của đương sự tại phiên toà, chiều hướng của tính tích cực và mức độ thiện chí của họ. Và từ đây, thẩm phán tìm cách phòng ngừa những hành vi tiêu cực có thể của họ tại phiên toà. Tuy nhiên, điều này có thể làm thẩm phán mất tập trung vào diễn biến có khả năng nhất của vụ án. Ngoài ra, trong mọi trường hợp, lượng thông tin về vụ án đang xem xét mà thẩm phán nắm được luôn nhiều hơn đáng kể lượng thông tin được sử dụng trong tố tụng. Điều này dễ làm thẩm phán chủ quan trong việc nghiên cứu tài liệu vụ án và do đó cản trở việc xem xét vụ án một cách khách quan. Vì vậy, điều cốt yếu là thẩm phán phải chú ý kiểm tra tính xác thực, tính liên quan và tính hợp pháp của từng chứng cứ. Bên cạnh đó, thẩm phán cũng cần tính đến khả năng xuất hiện chứng cứ mới và khả năng những tài liệu đã có bị phủ nhận tại phiên toà.

Trong quá trình nghiên cứu tài liệu vụ án để chuẩn bị xét xử, thẩm phán cần xác định:

- Những tình tiết cần phải làm rõ;

- Những tình tiết cần nghiên cứu;

- Những người cần được triệu tập đến phiên toà.

Việc giải quyết mỗi nhiệm vụ này đòi hỏi một hệ thống hành động nhất định. Ở dạng chung nhất, hệ thống này bao gồm: xem xét đơn kiện, lắng nghe các đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, hỏi nguyên đơn, hỏi bị đơn, hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hỏi người tham gia tố tụng khác, phân tích chứng cứ được xuất trình.

Một biểu hiện quan trọng khác của hoạt động nhận thức trong chuẩn bị xét xử vụ án dân sự là việc thẩm phán tiếp xúc với đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhằm khơi gợi sự hợp tác của họ, làm rõ tính chất của các tranh chấp hiện hữu, lập trường của mỗi người và các rào cản tâm lý. Trong quá tành giao tiếp với những người này, thẩm phán tìm hiểu thái độ của họ và xây dựng chiến thuật tương tác với họ trong quá trình gỉải quyết vụ án.

Về phương diện tâm lý, việc lấy lời khai của đương sự gắn liền với việc kích thích những hành động phối hợp mang tính xây dựng của đương sự. ở đây cần chú ý rằng, đương sự đánh giá rất khắt khe hành vi và phẩm chất của thẩm phán, như: sự am hiểu công việc, tính khách quan, khả năng giao tiếp, ứng xử có lý có tình và nhiều phẩm chất khác. Trong hình ảnh của thẩm phán, không nên có cái gì gây kích động đối tượng giao tiếp với mình. Hơn thế nữa, thẩm phán phải là người biết giao tiếp, biết tích cực hoá và điều khiển hành vi của đối tượng giao tiếp, biết thiết lập tiếp xúc tâm lý. Xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa thẩm phán và đương sự không có nghĩa là vượt ra ngoài quan hệ công việc. Chúng ta biết rằng, ưu thế của giao tiếp thân mật là lượng thông tin rộng, sâu và chân thực. Trong không ít trường hợp, khi tạo được không khí gần gũi, cởi mở, đương sự đã “tiết lộ” bản chất của vụ việc và mục đích thực của mình. Chẳng hạn, có nguyên đơn trong vụ án ly hôn đã thú nhận rằng, cô ta nộp đơn không phải để xin ly hôn mà chỉ để “dọa chồng”. Cho nên, một người thẩm phán giỏi luôn biết cách làm giảm tính hình thức trong giao tiếp với đương sự, tiến hành lấy lời khai dưới hình thức trò chuyện tự nhiên, không bị gò bó bởi khuôn khổ pháp luật. Trong nhiều trường hợp, chỉ có như vậy thẩm phán mới có thể tìm hiểu được bản chất của vụ việc, mục đích thực của đương sự và mức độ vững chắc trong lập trường của họ.

Như vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, thẩm phán vừa phải nghiên cứu tình tiết, chứng cứ của vụ án, vừa phải tìm hiểu đặc điểm tâm lý, thái độ, lập trường của đương sự.

2- Chức năng thiết kế

Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, chức năng thiết kế gắn liền với chức năng nhận thức và được biểu hiện ở những nội dung cơ bản sau:

- Lập kế hoạch tiếp xúc với nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan;

- Lập kế hoạch xét xử vụ án dân.

Kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử, tuỳ từng trường hợp, toà án ra một trong các quyết định sau đây:

- Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;

- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;

- Đình chỉ giải quyết vụ án;

- Đưa vụ án ra xét xử.

Việc đưa ra những quyết định nêu trên cũng chính là biểu hiện của hoạt động thiết kế trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.33845 sec| 955.039 kb