Đặc điểm tâm lý của giai đoạn hỏi tại phiên tòa

09/04/2023
Đỗ Duy Hoàng
Đỗ Duy Hoàng
Đây là giai đoạn mà trong đó hội đồng xét xử xác định các tình tiết của vụ án bằng việc trực tiếp nghe lời trình bày của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ và sau đó là hỏi từng người về từng vấn đề. Như vậy, chức năng nhận thức là chức năng trung tâm của giai đoạn này.

Bộ luật tố tụng dân sự quy định, khi nghị án chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, kết quả việc hỏi tại phiên toà và phải xem xét đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng, kiểm sát viên. Vì vậy, nhiệm vụ của hội đồng xét xử ở giai đoạn này là không đơn giản.

Trước hết, hội đồng xét xử phải chú ý lắng nghe lời trình bày của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đặt câu hỏi để xác định những tình tiết chưa rõ hoặc mâu thuẫn, đồng thời đánh giá giá trị chứng minh của những tình tiết mà đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ đưa ra, xác định mối liên hệ giữa các tình tiết đó. Điều này đòi hỏi hoạt động tư duy tích cực và khả năng ghi nhớ tốt ở các thành viên hội đồng xét xử. Hơn thế nữa, trong trường hợp có xung đột giữa các đương sự, (điều này không phải là không phổ biến), những tình tiết, chứng cứ của vụ án có thể bị làm sai lệch, che giấu, thậm chí bị tiêu huỷ. Trong trường hợp này, nhiệm vụ tư duy của các thành viên hội đồng xét xử càng nặng nề.

Cùng với việc lắng nghe lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đưa ra câu hỏi để hỏi đương sự và những người tham gia tố tụng khác nhằm làm rõ những tình tiết chưa rõ hay mâu thuẫn, hội đồng xét xử còn phải điều khiển quá trình hỏi và duy trì trật tự phiên toà. Cũng như trong tố tụng hình sự, trong tố tụng dân sự thường có sự đối lập về lợi ích giữa các đương sự, cho nên quan hệ giữa các bên tại phiên toà nói chung và trong quá trình hỏi nói riêng là quan hệ đối đầu, căng thẳng. Cũng có ý kiến cho rằng, bầu không khí tại phiên toà xét xử vụ án dân sự ít căng thẳng hơn bầu không khí tại phiên toà xét xử vụ án hình sự. Điều này không phải bao giờ cũng đúng. Cũng có trường hợp mâu thuẫn giữa các bên trong vụ án dân sự rất trầm trọng, sâu sắc, được tích đọng và bị dồn nén ngấm ngầm trong một khoảng thời gian dài của cuộc sống đời thường, nay bị đẩy lên đỉnh điểm và bùng phát tại phiên toà. Trong những trường hợp như vậy đương sự có thể bất chấp tất cả. Do đó, hành vi, lời nói, cử chỉ, nói cách khác là phản ứng của họ, không còn được họ kiểm soát nữa. Hơn nữa, cũng cần chú ý đến tâm lý nặng về thắng thua rất phổ biến ở đương sự trong vụ án dân sự. Tâm lý này cũng dễ làm cho hành vi của đương sự tại phiên toà kém phần lý trí. Cho nên, tổ chức, điều khiển quá trình xét hỏi và duy trì trật tự phiên toà cũng không phải là nhiệm vụ đơn giản của hội đồng xét xử.

 

Bầu không khí căng thẳng thái quá của phiên toà và những hành vi tiêu cực các đương sự sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động nhận thức của hội đồng xét xử và, do đó, đến bản án cũng như các quyết định khác của hội đồng xét xử. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, hội đồng xét xử, đặc biệt chủ toạ phiên toà, cần phải:

- Chú ý tìm hiểu đặc điểm tâm lý của đương sự, tính chất của mối quan hệ giữa họ ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử và chuẩn bị sẵn phương án phòng ngừa những hành vi tiêu cực;

- Cân nhắc khi đặt câu hỏi, tránh mọi biểu hiện như xúc phạm đương sự, ngạo mạn, lên giọng dạy người;

- Vô tư, khách quan, bảo vệ cái đúng, tránh mọi biểu hiện thiên vị, thiếu công bằng, thiện cảm riêng trong quá trình xét xử;

- Tỏ thái độ kiên quyết, nghiêm khắc với mọi hành vi tiêu cực, mọi biểu hiện gây mất trật tự phiên toà.

Tóm lại, chủ toạ phiên toà phải vừa khéo léo, vừa kiên quyết trong khi điều khiển phiên toà.

Trong quá trình hỏi cũng như quá trình tranh luận tiếp sau đó, trao đổi thông tin không chỉ diễn ra giữa đương sự với hội đồng xét xử, mà còn giữa đương sự với nhau. Đây chính là sự tác động lẫn nhau, sự tương tác giữa các đương sự. Hội đồng xét xử cần theo dõi để họ không đưa ra những câu hỏi mang tính chất gợi ý, khiêu khích, trái với thuần phong mỹ tục. Những câu hỏi như vậy không bao giờ có ảnh hưởng tích cực đến quá trình hỏi.

Bên cạnh chức năng nhận thức, giai đoạn hỏi còn có chức năng thiết kế và giáo dục, mặc dù hai chức năng này biểu hiện không thật rõ nét. Chức năng thiết kế ở đây diễn ra ở cấp độ cá nhân, ở từng thành viên hội đồng xét xử. Trong quá trình hỏi, mỗi thành viên hội đồng xét xử dần dần có sự đánh giá của mình, tức là hình thành nên ý kiến của riêng mình về các vấn đề của vụ án. Còn chức năng giáo dục được biểu hiện qua tác động giáo dục của không khí trang nghiêm của phiên toà, thái độ nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên hội đồng xét xử... đối với đương sự và những người có mặt tại phiên toà.

Hỏi tại phiên toà là một trong những giai đoạn then chốt trong xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, đặc biệt trong điều kiện hoạt động tố tụng dân sự ở nước ta hiện nay. Kết quả của nó là cơ sở của giai đoạn tiếp theo - giai đoạn tranh luận tại phiên toà.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

 

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của giai đoạn hỏi tại phiên tòa

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18332 sec| 943.016 kb