Đặc điểm tâm lý của giai đoạn tranh luận tại phiên tòa
Trong giai đoạn tranh luận, ngoài việc chú ý lắng nghe ý kiến của các bên tham gia tranh luận để hiểu và đánh giá quan điểm, lập luận, lý lẽ của họ, những đề xuất mà họ đưa ra, hội đồng xét xử còn có nhiệm vụ tổ chức quá trình tranh luận. Bộ luật tố tụng dân sự nước ta quy định hội đồng xét xử phải tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án. Do đó, để có thể tổ chức tốt quá trình tranh luận, hội đồng xét xử cần xác định rõ ranh giới giữa vấn đề có thể tranh luận và vấn đề không thể tranh luận, xác định phạm vi các chứng cứ cần thiết của vụ án. Nhìn chung, ở những vụ án mà các bên có sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, nghĩa là các bên đều có thiện chí, thì vấn đề tranh luận thường là những vấn đề chưa rõ và quá trình tranh luận cũng không quá căng thẳng, không kéo dài. Tuy nhiên, ở những vụ án mà các bên có mâu thuẫn gay gắt, giai đoạn tranh luận chính là đỉnh điểm của mâu thuẫn, xung đột về lợi ích và nếu như các bên thiếu sự hợp tác mang tính xây dựng thì nhiệm vụ tổ chức, điều khiển quá trình tranh luận của hội đồng xét xử trở nên phức tạp hơn. Những trường hợp như thế này đòi hỏi không chỉ sự kiên quyết mà cả sự khéo léo của hội đồng xét xử, đặc biệt là chủ toạ phiên toà.
Tranh luận tại phiên toà là một quá trình giao tiếp phức tạp với sự tham gia của đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự dưới sự điều khiển của hội đồng xét xử. Trong quá trình tranh luận, các chủ thể không ngừng tương tác với nhau và chính sự tương tác này làm cho quá trình tranh luận tiến triển. Trong các mối quan hệ tương tác đó, mối quan hệ chủ yếu diễn ra giữa nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ở đây có thể xuất hiện bốn tình huống:
- Tình huống không có mâu thuẫn, các đương sự có thiện chí họp tác để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp này, như đã nói ở phần trên, quá trình tranh luận diễn ra trong không khí hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và thường không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi các bên đã có thiện chí thì vụ việc cũng hiếm khi phải đưa ra xét xử bởi vì vấn đề thường đã được giải quyết ở giai đoạn tiền xét xử.
- Tình huống mâu thuẫn sâu sắc. Đây là tình huống phổ biến ở phiên toà xét xử vụ án dân sự, bởi vì với nguyên tắc tự định đoạt thì chỉ những vụ việc phức tạp, các đương sự mâu thuẫn sâu sắc mới không thể thoả thuận, không thể hoà giải với nhau được và phải đưa ra xét xử. Và chính ở giai đoạn tranh luận, mâu thuẫn giữa các đương sự, sự đối lập về lợi ích đạt đến mức căng thẳng tột cùng. Cho nên, ở tình huống này, quá trình tranh luận rất căng thẳng và các đương sự có thể có những hành vi, phản ứng tiêu cực, khó lường.
- Tình huống mâu thuẫn ảo. Tình huống mâu thuẫn ảo nảy sinh do các đương sự không được thông tin đầy đủ hoặc do quan niệm sai lầm của họ. Chẳng hạn, trong một vụ ly hôn, mâu thuẫn giữa vợ và chồng phát sinh từ việc người chồng ghen tuông, nghi ngờ vợ không có căn cứ.
- Tình huống mâu thuẫn giả. Đây là tình huống thực chất không có mâu thuẫn, nhưng đương sự cố tình tạo ra mâu thuẫn nhằm đạt mục đích che giấu. Chẳng hạn, vợ chồng không có mâu thuẫn nhưng ly hôn để phân tán tài sản... Trong tình huống này, về thực chất, các đương sự bước vào quan hệ xung đột với Toà án.
Như vậy, trong xét xử vụ án dân sự, hội đồng xét xử cần chuẩn bị phương hướng giải quyết vụ án cho bốn tình huống mẫu nêu trên.
Sự tương tác không chỉ diễn ra giữa các nhóm (giữa các bên đương sự với nhau, giữa các bên đương sự với hội đồng xét xử) trong quá trình tranh luận (cũng như trong giai đoạn hỏi tại phiên toà), mà cả giữa các cá nhân trong một nhóm, chẳng hạn, giữa đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ở đây, động thái bên trong và giữa các nhóm, mức độ gắn bó và đối kháng của nhóm có vai trò quan trọng. Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, họ tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích của đương sự, giúp đỡ đương sự về mặt pháp lý, tức là thực hiện nghĩa vụ đối với thân chủ. Cùng chung mục đích, mỗi đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tạo thành một nhóm thống nhất cùng hành động, họ tích cực phối hợp với nhau: đương sự thông báo cho người bảo vệ quyền và lợi ích của mình về mọi khác biệt của vụ việc, về cách ứng xử có thể của những người có liên quan, về lượng chứng cứ dự trữ... Sự tương tác giữa đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích của mình ảnh hưởng không nhỏ đến chiến thuật ứng xử, mức độ vững chắc trong lập trường của họ và, do đó, ảnh hưởng đến chiều hướng và tính chất của quá trình tranh luận.
Mục đích cuối cùng của những người tham gia tranh luận là thuyết phục hội đồng xét xử về tính đúng đắn, hợp lý trong quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá của họ về vụ án, để từ đó hội đồng xét xử cân nhắc đến đề xuất của họ khi nghị án đưa ra bản án. Cho nên, dù muốn hay không, mỗi người tham gia tranh luận đều cố gắng ràng buộc hội đồng xét xử bằng quan điểm của mình, dẫn đưa hội đồng xét xử đến những kết luận mà họ mong muốn. Để đạt được điều này, mọi tình tiết có giá trị chứng minh phù hợp với lợi ích của họ đều được sử dụng. Chúng được chế biến, nhào nặn cho phù hợp với quá trình truyền thông xã hội, có tính đến cả những tác động về mặt cảm xúc nhằm làm tăng sức thuyết phục của phát biểu tham gia tranh luận đối với hội đồng xét xử và tất cả những ai có mặt tại phiên toà.
Sức thuyết phục của bài phát biểu tham gia tranh luận trước hết phụ thuộc vào chứng cứ, giá trị chứng minh của chứng cứ và căn cứ pháp lý được đưa ra. Tiếp đến, lập luận, cách trình bày cũng có ý nghĩa quan trọng. Lập luận phải chặt chẽ, lôgic, có cơ sở, nghĩa là luận cứ phải đúng, thông tin được đưa ra theo một trình tự hợp lý, thông tin trước có liên quan với thông tin sau, là tiền đề của thông tin sau, tạo điều kiện để tiếp nhận thông tin sau. Cách trình bày cần ngắn gọn, rõ ràng, càng đơn giản càng tốt. Trong điều kiện truyền thông bằng ngôn ngữ nói như trong tranh luận tại phiên toà thì sự dài dòng, sự phức tạp hoá vấn đề chỉ có tác động tiêu cực đến nhận thức và cảm xúc của người nghe. Đặc biệt, cần chú ý đến yêu cầu “rõ ràng”. “Rõ ràng” là thuộc tính của tư duy đúng. Bài phát biểu “rõ ràng” sẽ tác động tích cực đến không chỉ nhận thức mà cả niềm tin nội tâm của các thành viên hội đồng xét xử và tất cả những ai có mặt tại phiên toà. Sức thuyết phục của bài phát biểu tham gia tranh luận cũng chịu ảnh hưởng của giọng nói, tốc độ nói, cách nhấn mạnh... Một bài phát biểu được chuẩn bị công phu, chứa đựng những ý tưởng sắc bén, nhưng được phát ngôn bởi một giọng đều đều thì cũng kém phần hiệu quả. Ngoài ra, việc kết hợp sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng. Tranh luận tại phiên toà là loại hình giao tiếp trực tiếp, bên cạnh ngôn ngữ, các phương tiện phi ngôn ngữ như ánh mắt, nét mặt, trang phục, tư thế, cử chỉ, động tác... của người phát biểu tham gia tranh luận cũng có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả truyền thông. Thực nghiệm cho thấy rằng, với cùng một bài phát biểu, nếu chuẩn bị ra giấy và khi phát biểu, người tham gia tranh luận đứng dậy đọc thì sức thuyết phục sẽ kém thua trường hợp người đó nói và mắt nhìn thẳng vào hội đồng xét xử.
Tranh luận tại phiên toà vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật. Là khoa học cho nên, muốn thành công, người tham gia tranh luận cần có kiến thức sâu rộng, am hiểu vụ việc, nắm được quy luật và đặc điểm của quá trình truyền thông. Là nghệ thuật cho nên kiến thức sâu rộng chưa đủ đảm bảo cho sự thành công, mà người tham gia tranh luận còn phải nắm được bí quyết tranh luận, phải là người linh hoạt, tinh tế, có khả năng hùng biện, biết diễn thuyết, biết thuyết phục người khác.
Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm