Đặc điểm tâm lý của hoạt động khám nghiệm hiện trường

17/03/2023
Khám nghiệm chính là hoạt động nhằm làm sáng tỏ toàn bộ các thành phần của vụ án, bổ sung khẳng định hay thay đổi và hoàn thiện mô hình tư duy về vụ án đã xảy ra. Chính vì vậy, điều tra viên cần phải chú ý nhận thức một cách bao quát khung cảnh của hiện trường. Khung cảnh chung của hiện trường sẽ bổ sung và cụ thế hóa mô hình tư duy, sẽ xác định một cách khách quan những suy nghĩ mà điều tra viên rút ra sau khi lấy lời khai những người chứng kiến vụ án.

1- Khái niệm

Khám nghiệm hiện trường được coi là quá trình thu thập thông tin về tội phạm, tại nơi xảy ra tội phạm nhằm giải quyết đúng đắn các nhiệm vụ điều tra tội phạm đã đặt ra. Việc khám nghiệm hiện trường không phải chỉ nhằm củng cố các sự kiện hiện có mà còn xây dựng một mô hình tư duy về sự kiện đã xảy ra. Cả hai mục tiêu này đều có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra tội phạm.

Khám nghiệm hiện trường là một quá trình xây dựng mô hình tội phạm đã xảy ra thông qua việc tìm kiếm, sử dụng các loại thông tin và các hình thức ghi nhận thông tin khác nhau.

2- Đặc trưng tâm lý của hoạt động khám nghiệm hiện trường

Về bản chất, khám nghiệm chính là hoạt động nhằm làm sáng tỏ toàn bộ các thành phần của vụ án, bổ sung khẳng định hay thay đổi và hoàn thiện mô hình tư duy về vụ án đã xảy ra. Chính vì vậy, điều tra viên cần phải chú ý nhận thức một cách bao quát khung cảnh của hiện trường. Khung cảnh chung của hiện trường sẽ bổ sung và cụ thế hóa mô hình tư duy, sẽ xác định một cách khách quan những suy nghĩ mà điều tra viên rút ra sau khi lấy lời khai những người chứng kiến vụ án.

Ngoài mục đích làm sáng tỏ các tình tiết, chứng cứ đã có, hoạt động khám nghiệm còn có mục đích xác định mối quan hệ qua lại giữa tình tiết này với tình tiết khác trên cơ sở những tình tiết thu thập được tại hiện trường. Trong hoạt động khám nghiệm, điều tra viên cần huy động cao độ khả năng phân tích, tổng hợp và phán đoán của bản thân nhằm khôi phục đối tượng, vật thể bị làm hư hỏng một cách nhanh chóng và đánh giá mối liên hệ biện chứng giữa các đối tượng, và thí nghiệm, đồng thời kiểm tra lại mức độ tin cậy của các kết quả điều tra...

Hoạt động khám nghiệm là hoạt động tâm lý có nhiều nét đặc biệt. Đó là hoạt động xác định và lựa chọn thông tin về vụ án đã xảy ra. Nhìn chung các thông tin này thường thay đổi tính chất rất nhanh. Do đó, đòi hỏi điều tra viên cần tập trung chú ý cao độ hoạt động tư duy và phải tìm kiếm, xác nhận thông tin một cách tỉ mỉ, thận trọng.

Trong thực tiễn, có những trường hợp điều tra viên nhận được rất nhiều thông tin về vụ án, song việc xác định thông tin nào là đáng tin cậy gặp rất nhiều khó khăn... Trong những trường hợp này, để tránh hiện tượng dàn mỏng suy nghĩ về vụ án, hay dành sự chú ý vào các sự kiện không cần thiết, điều tra viên cần có thái độ làm việc chặt chẽ, tỉ mỉ trong khi khám xét. Nếu điều tra viên làm việc với thái độ tập trung sâu sát và sáng tạo thì họ sẽ thực hiện tốt mục đích của khám nghiệm, sẽ nhanh chóng tìm ra những tình tiết cần thiết cho việc chứng minh về vụ án đã xảy ra.

Hoạt động khám nghiệm tại hiện trường phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của hoạt động tổ chức và thiết kế của điều tra viên. Điều tra viên càng có khả năng tổ chức và thực hiện hoạt động khám nghiệm ở trình độ cao bao nhiêu thì khả năng tìm ra sự thật của vụ án càng trở nên hiện thực bấy nhiêu. Tất nhiên nói đến khả năng tổ chức trong hoạt động điều tra chúng ta không thể không nhắc đến những kinh nghiệm nghiệp vụ, những xử sự linh hoạt của điều tra viên trong từng tình huống nhất định.

Trong khi khám nghiệm hiện trường tâm lý của điều tra viên thường rất căng thẳng. Để khắc phục trạng thái tâm lý này cần chú ý tạo điều kiện để điều tra viên không phải đảm đương những trách nhiệm mà người khác có thể đảm đương được, nhằm tạo điều kiện cho điều tra viên tập trung trí tuệ của mình vào việc nghiên cứu, kiểm tra các mô hình tư duy về vụ án đã xảy ra. Nhằm hạn chế sự căng thẳng về tâm lý của điều tra viên cần chú ý hạn chế những thông tin thừa không cần thiết cho hoạt động khám xét. Điều này có nghĩa là phải loại trừ những người không có phận sự tham gia vào cuộc khám khỏi hiện trường (sự bàn luận cũng như hành động của những người ngoài cuộc này thường là một cản trở lớn đối với hoạt động tư duy của điều tra viên).

Để tạo ra trạng thái tâm lý hưng phấn tích cực trong khi khám nghiệm cần chú ý phân chia hoạt động khám nghiệm thành từng phần nhất định, để từng bước thực hiện một cách chu đáo. Đặc biệt khi khám nghiệm có sự tham gia của những nhà chuyên môn khác thì sự chuẩn bị về tâm lý đối với những người này hết sức quan trọng. Nếu như không thông báo trước cho những người tham gia khám nghiệm khác về mục đích hành động của họ, về hướng và cách phối hợp hành động... thì sẽ không tạo ra sự suy nghĩ độc lập, chủ động, sáng tạo trong quằ trình tham gia khám nghiệm của họ.

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, nhất là trong quá trình điều tra thu thập, lựa chọn thông tin, điều tra viên tham gia vào nhiều quan hệ tâm lý với nhiều nhóm người khác nhau. Sự tiếp xúc tâm lý này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để điều tra viên xác minh, củng cố lại các thông tin đã điều tra được.

Trong khi khám nghiệm, điều tra viên còn tiếp xúc với cả người bị hại, hoặc với thân nhân của họ. Việc tiếp xúc với những đối tượng này thường gây cho điều tra viên trạng thái căng thẳng về thần kinh. Để thu được các tin tức chính xác cần thiết, điều tra viên cần phải hành động thật khéo léo, tế nhị nhằm tạo ra không khí tiếp xúc thoải mái để các đối tượng nói trên trình bày đầy đủ, khách quan về vụ án đã xảy ra.

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, điều tra viên có thể áp dụng tất cả các phương pháp tâm lý khác nhau để đạt mục đích khám nghiệm cao nhất. Ví dụ có thể áp dụng phương pháp nghiên cứu nhân cách, phân tích tâm lý...

Hoạt động khám nghiệm hiện trường luôn luôn đối hỏi ở điều tra viên sự nhạy cảm trong phân tích và tổng hợp sự kiện. Việc tri giác với sự hỗ trợ của một cơ quan cảm giác nào đó bao giờ cũng phải được kiểm tra và bổ sung của các cơ quan cảm giác khác. Điều tra viên không nên quá tin tưởng vào sự tri giác của mình, mà cần kiểm tra những tri giác thông qua các phương tiện kỹ thuật nhất định.

Sự tri giác luôn luôn đòi hỏi một trạng thái tâm lý nhất định nhằm đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy đối với từng đối tượng cụ thể. Hướng tri giác được xác định như một mô hình chung của sự kiện đã xảy ra và như một giả định về mối quan hệ qua lại giữa các sự kiện của vụ án... Như vậy trong khi khám nghiệm hiện trường, sự theo dõi chỉ mang tính chất tổng hợp mà thôi. Các quá trình tư duy được thực hiện một cách liên tục, nhằm khôi phục lại toàn bộ mô hình của sự kiện, thông qua từng dấu vết đã xác định được trong khi khám nghiệm.

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường cần chú ý đến các điều kiện tri giác và những đặc điểm của đối tượng. Điều kiện tri giác không thuận lợi sẽ dẫn đến việc tri giác không đầy đủ và không chính xác các sự kiện (Ví dụ thần kinh căng thẳng, ánh sáng thiếu...). Điều kiện tri giác tốt sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho hoạt động tri giác, (ví dụ khi khám nghiêm một căn phòng thiếu ánh sáng, nếu chúng ta tăng ánh sáng trong khi khám nghiệm thì sẽ có khả năng tìm ra những dấu vết mà người phạm tội để lại, song nếu trong điều kiện thiếu ánh sáng thì khó có thể nhìn thấy được). Như vậy, trong hoạt động khám nghiệm, việc tạo ra những điều kiện khách quan thuận lợi cho hoạt động tri giác đuợc coi là hết sức quan trọng và cần thiết.

Trong khi tri giác cũng cần lưu ý đến các đặc điểm của vật thể, đối tượng tri giác. Bởi vì, trong khi khám nghiệm, không ít đối tượng tri giác có thể gây ra những phản ứng tiêu cực về mặt tâm lý (ví dụ xác người chết thối rữa, chất độc, chất cháy rơi vãi lung tung...) vì vậy trước khi khám nghiệm, các đặc điểm của đối tượng tri giác cần được thông báo trước cho người tham gia điều tra khám nghiệm để họ có sự chuẩn bị tâm lý cho bản thân.

Trong khi khám nghiệm, ngoài kinh nghiệm nghiệp vụ và kỹ thuật điều tra của bản thân, điều tra viên phải tập trung cao độ về mặt tâm lý để có thể hành động một cách kịp thời, chính xác trước mọi sự cố bất ngờ. Điều tra viên phải biết tập trung sự chú ý của mình đúng lúc, kịp thời để nắm bẳt được nhiều thông tin khác nhau, vấn đề ở đây là điều tra viên phải biết rút ra nguồn tin nào là chính xác nhất, quan trọng nhất từ những lượng thông tin đa dạng nhận được (ví dụ khi khám xét căn buồng xảy ra vụ án giết người, điều tra viên vừa xem xét căn buồng, dấu vết... vừa nghe người chứng kiến kể lại sự việc, lại vừa phải chú ý theo dõi các nhân viên khoa học hình sự lấy dấu vết...) và cần phải tập trung suy nghĩ của mình vào đó (trong ví dụ trên nếu điều tra viên cứ dàn đều sự chú ý của mình thì không thể rút ra được cái gì cả về cuộc khám xét).

Để hoạt động khám nghiệm đạt chất lượng tốt, điều tra viên cần có trình độ tổ chức, kỷ luật cao. Chỉ có năng lực sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong hoạt động mới có thể tránh cho điều tra viên những lôi cuốn không cần thiết bởi những giả định về vụ án đã xảy ra. Năng lực trí tuệ sẽ đảm bảo cho điều tra viên khả năng thường xuyên kiểm tra lại các tình tiết trong mô hình tư duy về vụ án đã xảy ra.

Trong khám nghiệm hiện trường, điều tra viên còn có nhiệm vụ thu thập thông tin về nhân thân của người phạm tội và người bị hại. Thông tin về nhân thân thu được tại hiện trường có ý nghĩa khác nhau. Việc xác định các thông tin về nhân thân người phạm tội bao giờ cũng nhằm các mục đích sau đây:

- Làm sáng tỏ các sự kiện (dấu vết, sự vật);

- Trên cơ sở các sự kiện đã xác minh đánh giá hành vi của đương sự;

- Đánh giá trạng thái tâm lý của đương sự tại thời điểm thực hiện hành vi;

- Xác định nguyên nhân phát sinh các trạng thái tâm lý;

- Rút ra kết luận đúng đắn về khả năng hành động của đương sự tương xứng với hậu quả đã xảy ra.

Như vậy, việc xác định các đặc điểm tâm lý trong hành vi của người này hoặc người khác, cần phải kèm theo việc nghiên cứu và làm sáng tỏ tại hiện trường các điều kiện dẫn đến việc thực hiện các loại hành vi này. Việc khám nghiệm kỹ càng hiện trường, làm rõ và đối chiếu các dấu vết với những thay đổi trong từng tình huống sẽ tạo ra khả năng giải quyết vấn đề người phạm tội đã hành động ra sao vào thời gian nào, hành động mang tính bột phát hay có suy nghĩ kỹ càng, có sự sử dụng nghiệp vụ chuyên môn... Căn cứ vào các đặc điểm tâm lý của người phạm tội ta cũng có thể tìm phương pháp gây án cũng như công cụ, phương tiện phạm tội.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của hoạt động khám nghiệm hiện trường

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.21340 sec| 979.148 kb