Đặc điểm tâm lý của hoạt động thụ lý vụ án dân sự

26/03/2023
Thụ lý vụ án là một hoạt động của Toà án được tiến hành ngay sau khi có đơn khởi kiện, trong đó Toà án xem xét và xác định các yêu cầu khởi kiện có phát sinh vụ án dân sự hay không. Nói cách khác, khi thụ lý vụ án, Toà án xác định việc khởi kiện có đủ điều kiện để hình thành một vụ án dân sự hay không, và ghi vào sổ thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Việc thụ lý vụ án không đơn giản chỉ là nhận và xem xét đơn khởi kiện, mà còn là sự tiếp xúc đầu tiên của đương sự với Toà án. Để thực hiện được việc thụ lý vụ án, cần phải có sự tham gia của các chức năng tâm lý cơ bản sau đây:

(i) Chức năng nhận thức và thiết kế: Khi nhận được đơn khởi kiện, cán bộ thụ lý sẽ nghiên cứu xem xét những nội dung có liên quan đến việc khởi kiện. Do đó chức năng nhận thức hướng tới những nội dung sau:

- Xác định đơn khởi kiện đã đảm bảo được những yêu cầu về hình thức do Bộ luật tố tụng dân sự quy định hay chưa (trong đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ ngày tháng năm làm đơn, họ tên, tuổi, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn và của người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan).

- Xác định năng lực chủ thể của người khởi kiện, yêu cầu của người khởi kiện và các căn cứ của các yêu cầu đó.

- Xác định thẩm quyền của Toà án mình đối với việc giải quyết vụ án.

Sau khi nhận thức, xem xét các nội dung có liên quan đến việc khởi kiện, cán bộ thụ lý ra các quyết định cụ thể như tiếp nhận đơn kiện và ghi vào sổ thụ lý vụ án, hoặc trả lại đơn kiện hoặc chuyển Toà án khác giải quyết. Các quyết định của cán bộ thụ lý có ý nghĩa quan trọng, nó sẽ tạo cơ sở cho các bước tố tụng tiếp theo. Việc ra quyết định phụ thuộc nhiều vào chức năng nhận thức. Nếu cán bộ thụ lý nhận thức đúng đắn sự việc và các quy định của pháp luật thì họ sẽ đưa ra được quyết định chính xác khi thụ lý vụ án.

Tính đúng đắn của các quyết định được đưa ra trong quá trình thụ lý vụ án phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm của người cán bộ thụ lý. Thực tế cho thấy, thái độ thiếu tinh thần trách nhiệm của các cán bộ toà án trong hoạt động thụ lý vụ án dẫn đến sự tồn đọng các vụ án dân sự trong thời gian dài. Sự non kém về nghiệp vụ của họ dẫn tới những quyết định không đúng pháp luật, không đảm bảo được việc thực hiện các quyền công dân khi họ khởi kiện. Tất cả những yếu tố trên dẫn tới sự trì trệ trong hoạt động thụ lý, tình trạng đơn tồn đọng không được giải quyết xem xét kịp thời, ảnh hưởng tới quyền lợi và cuộc sống của nhân dân.

(ii) Chức năng giáo dục: Khi thụ lý vụ án, cán bộ thụ lý không chỉ nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến đơn khởi kiện, mà còn có những tiếp xúc ban đầu với đương sự để làm rõ những vấn đề có liên quan đến việc khởi kiện. Ở đây, người cán bộ thụ lý phải đóng vai trò là một nhà giáo dục, một nhà tư vấn hướng dẫn pháp luật đáng tin cậy.

 

Khi đi kiện, đương sự thường trình bày rõ yêu cầu của họ trong đơn kiện. Song do hiểu biết pháp luật không đầy đủ, và không phải trong mọi trường hợp đều có sự tư vấn của luật sư, người khởi kiện có thể trình bày không chính xác, không đúng yêu cầu của mình. Chẳng hạn, việc ly hôn do một bên yêu cầu hay thuận tình ly hôn không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ và đầy đủ trong đơn xin ly hôn. Trong khi đó, thủ tục giải quyết việc ly hôn do một bên yêu cầu hoàn toàn khác với thủ tục giải quyết việc thuận tình ly hôn. Khi tiếp xúc với đương sự, một mặt cán bộ thụ lý phải làm rõ yêu cầu của đương sự. Mặt khác, phải cung cấp và hướng dẫn những kiến thức pháp luật cho họ, làm tăng hiểu biết, nhận thức của họ về pháp luật, giúp người khởi kiện hiểu đúng tình thế của mình và trình bầy chính xác yêu cầu. Làm được điều này, không chỉ giúp cho công dân có thể thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của họ, mà còn tạo điều kiện cho Toà án nhận thức đúng sự việc.

Khi giao tiếp với cán bộ thụ lý, đương sự sẽ cung cấp các chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Thông qua giao tiếp với đương sự, Toà án có điều kiện nhận thức rõ sự việc, và tiến hành giáo dục đương sự những tình cảm tích cực. Trên thực tế có nhiều tranh chấp dân sự chưa đủ điều kiện để khởi kiện, nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc do thái độ thiếu thiện chí, họ vội vã đưa đơn đến Toà án. Trong các trường họp này, cán bộ thụ lý có thể cung cấp và hướng dẫn cho đương sự các quy định cụ thể của pháp luật được áp dụng đối với tranh chấp đó. Mặt khác, giáo dục thuyết phục về tình làng nghĩa xóm, khơi gợi. những tình cảm thân mật đã có giữa họ trước kia, để đương sự hiểu và tự nguyện rút đơn, tự thoả thuận dàn xếp với nhau.

Khi việc khởi kiện rơi vào một trong các trường họp được quy định tại Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự thì Toà án sẽ trả lại đơn kiện cho đương sự. Trong những tình huống như vậy người khởi kiện dễ có những thái độ, những xúc cảm tiêu cực, thậm chí có những suy nghĩ không tốt về Toà án. Họ không thấy thoả đáng trước việc đơn kiện bị trả lại. Việc trả lại đơn kiện cũng có thể làm đương sự thất vọng, chán nản vì họ đã hy vọng rất nhiều vào sự giúp đỡ của Toà án trong việc bảo vệ quyền lợi cho họ. Do đó, trong các trường hợp trả lại đơn kiện, cán bộ thụ lý cần phải giải thích rõ, thấu đáo các căn cứ pháp lý của việc trả lại đơn kiện. Đồng thời hướng dẫn họ hướng tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết sự việc đó. Chỉ có thái độ tận tình, cách giải thích thấu đáo, cặn kẽ của cán bộ thụ lý mới làm cho các công dân có thể tin tưởng vào Toà án và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Như vậy, khi thụ lý vụ án, việc tiến hành chức năng giáo dục nhằm một mặt nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật, hình thành những tình cảm tốt đẹp đối với cộng đồng ở các công dân. Mặt khác, có thể làm giảm đi đáng kể các vụ kiện dân sự không cần thiết, tránh được sự quá tải cho công tác xét xử của Tòa án.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của hoạt động thụ lý vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.65190 sec| 947.078 kb