Đặc điểm tâm lý trong giai đoạn nghị án và tuyên án

15/04/2023
Đỗ Duy Hoàng
Đỗ Duy Hoàng
Sau khi kết thúc phần tranh luận, hội đồng xét xử rời phòng xử án, chuyển sang một phòng riêng, gọi là phòng nghị án. Tại đây, các vấn đề của vụ án được hội đồng xét xử đưa ra thảo luận một lần nữa và sau đó, biểu quyết đưa ra bản án. Như vậy, trong giai đoạn nghị án, hội đồng xét xử kết thúc việc thực hiện cả chức năng nhận thức lẫn chức năng thiết kế.

Chức năng nhận thức được biểu hiện ở việc hội đồng xét xử thảo luận các tình tiết của vụ án, mối tương quan giữa vụ án với các quy định của pháp luật. Để có thể ra bản án giải quyết vụ án, ở giai đoạn này, hội đồng xét xử phải kết thúc hoạt động nhận thức của mình, tức là phải đưa ra được kết luận cuối cùng về vụ án. Theo quy định của pháp luật, quá trình thảo luận các tình tiết của vụ án trong khi nghị án phải diễn ra thật sự dân chủ để mỗi thành viên của hội đồng xét xử có thể nói lên ý kiến của chính mình. Do đó, ở đây vai trò tổ chức và điều khiển của thẩm phán chủ toạ phiên toà có ý nghĩa lớn.

Khi thảo luận các vấn đề của vụ án, sẽ tốt hơn cho hoạt động nhận thức của hội đồng xét xử nếu việc thảo luận được bắt đầu từ những vấn đề đã có sự thống nhất, sau đó mới đến những vấn đề chưa có sự thống nhất. Khi thảo luận những vấn đề này, từng thành viên của hội đồng xét xử lần lượt trình bày ý kiến của mình, những thành viên còn lại chú ý lắng nghe và bổ sung vào kết quả nhận thức của mình. Trong trường hợp qua nghị án phát hiện có những tình tiết chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận thêm, tức là tiến hành một quá trình nhận thức bổ sung.

Như vậy, qua nghị án, các tình tiết của vụ án được xem xét, khẳng định lại một lần nữa. Điều này không những giúp mỗi thành viên của hội đồng xét xử nhận thức, đánh giá các tình tiết của vụ án một cách có cơ sở hơn, mà còn giúp họ tránh bỏ sót tình tiết khi thực hiện hoạt động thiết kế, tức là biểu quyết để giải quyết từng vấn đề của vụ án.

Luật tố tụng dân sự quy định hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Nhằm tránh tác động ám thị của ý kiến thẩm phán đối với hội thẩm, luật cũng quy định hội thẩm biểu quyết trước, thẩm phán biểu quyết sau cùng.

 

Một vấn đề quan trọng trong nghị án là làm sao tạo được bầu không khí bình đẳng, dân chủ để mỗi thành viên hội đồng xét xử có thể nêu lên ý kiến của chính mình, nói lên suy nghĩ của chính mình, làm sao để nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên hội đồng xét xử , đặc biệt là của hội thẩm nhân dân trong xét xử vụ án dân sự. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc giới hạn thành phần tham gia nghị án (luật quy định chỉ có các thành viên của hội đồng xét xử mới có quyền tham gia nghị án) và số lượng thành viên hội đồng xét xử ở mức tối thiểu (luật quy định số lượng thành viên của hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, tuỳ từng trường hợp, là ba hoặc năm người), Bộ luật tố tụng dân sự nước ta còn quy định các nguyên tắc như: xét xử tập thể và quyết định theo đa số; khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán; thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật... Với những quy định này, về phương diện tâm lý học, nghị án trở thành loại hình giao tiếp chính thức nhưng vẫn mang tính thân mật. Là giao tiếp chính thức bởi vì nó diễn ra giữa những người đang thực hiện công vụ và được quy định chặt chẽ về thành phần tham gia, địa điểm, trình tự, thủ tục và nội dung giao tiếp. Là giao tiếp mang tính thân mật bởi quan hệ giữa các chủ thể giao tiếp là quan hệ bình đẳng, dân chủ, không phân biệt địa vị, không ai phải phục tùng ai, họ “bình đẳng”, “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.          

Kết thúc nghị án, hội đồng xét xử trở lại phòng xử án để tuyên án. Bản án rõ ràng, có cơ sở, lập luận chặt chẽ, được tuyên trong không khí trang nghiêm sẽ có tác động giáo dục to lớn đến đương sự và tất cả những ai có mặt tại phiên toà.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý trong giai đoạn nghị án và tuyên án

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.55707 sec| 943.008 kb