Đặc điểm tâm lý trong hoạt động điều tra vụ án dân sự

09/04/2023
Đỗ Duy Hoàng
Đỗ Duy Hoàng
Đây là hoạt động tố tụng được thực hiện ngay sau khi thụ lý vụ án, là quá trình Toà án tiến hành thu thập, chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vụ án dân sự. Trong tố tụng dân sự, mặc dù nghĩa vụ chúng minh thuộc về đương sự, song việc Toà án tiến hành điều tra theo yêu cầu của đương sự là cần thiết.

1- Đặc điểm đặc thù của hoạt động điều tra vụ án dân sự

Đây là hoạt động tố tụng được thực hiện ngay sau khi thụ lý vụ án, là quá trình Toà án tiến hành thu thập, chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vụ án dân sự. Trong tố tụng dân sự, mặc dù nghĩa vụ chúng minh thuộc về đương sự, song việc Toà án tiến hành điều tra theo yêu cầu của đương sự là cần thiết vì các lý do sau:

- Ở nước ta, đời sống về mọi mặt của mặt của người dân còn thấp, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân chưa cao, với mức sống mức thu nhập và trình độ như vậy hầu hết người dân chưa đủ trình độ và kinh phí để thuê luật sư riêng tranh tụng cho mình.

- Nếu các đương sự phải hoàn toàn tự chứng minh các yêu cầu của mình trước toà, thì trong nhiều vụ kiện, đương sự không thể tự mình thu thập các chứng cứ và chứng minh được vì những điều kiện khách quan. Điều này tạo ra cho người dân tâm lý bị Nhà nước bỏ rơi và họ sẽ tự mình giải quyết mâu thuẫn bằng con đường bất họp pháp làm cho tình hình trật tự an ninh xã hội bất ổn.

Nhiệm vụ chính của giai đoạn này là thu thập các thông tin có liên quan đến vụ án. Quá trình thụ lý đã giúp cho Toà án xác định được các yêu cầu cụ thể của đương sự, có được các chứng cứ ban đầu của các yêu cầu đó. Nhờ đó, thẩm phán xác định xem những chứng cứ nào cần phải yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung, những gì cần phải tiến hành điều tra thu thập thêm.

Khi điều tra thu thập chứng cứ cần phải tập trung làm sáng tỏ những vấn đề sau:

- Xác định rõ các quan hệ pháp luật đang tranh chấp. Đây là vấn đề có ý nghĩa định hướng cho việc giải quyết vụ án. Bởi vì mỗi quan hệ pháp luật thì có các Bộ luật riêng điều chỉnh, có cách thức riêng để giải quyết.

- Xác định đúng và đầy đủ tư cách đương sự trong tố tụng. Nói cách khác, Toà án phải xác định quyền nghĩa vụ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan... khi họ tham gia tố tụng. Việc xác định đúng tư cách đương sự không chỉ có ý nghĩa đảm bảo quyền lợi cho họ mà còn là điều kiện cần thiết để toà án tiến hành giải quyết vụ án được đúng đắn kịp thời và toàn diện.

- Xác định rõ những vấn đề cần phải chứng minh, xác định những điểm mấu chốt, những vấn đề trọng tâm cần phải làm sáng tỏ khi điều tra vụ án.

2- Các chức năng tâm lý của hoạt động điều tra vụ án dân sự

Để tiến hành điều tra vụ án dân sự thẩm phán cần phải thực hiện các chức năng tâm lý sau đây:

(i) Chức năng nhận thức

Việc điều tra vụ án dân sự được tiến hành khi các chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ cơ sở để giải quyết và đương sự có yêu cầu vì họ không có khả năng để thu thập chứng cứ. Vì vậy, hoạt động nhận thức được tiến hành nhằm mục đích thu thập bổ sung thêm những chứng cứ cần thiết, qua đó làm sáng rõ một cách tường tận tranh chấp dân sự mà Toà án đang thụ lý.

Hoạt động nhận thức trong quá trình điều tra vụ án dân sự mang tính chủ động, tính định hướng. Trong điều tra vụ án hình sự, điều tra viên thường rất thiếu thông tin về vụ án. Những thông tin ban đầu không giúp cho điều tra viên hình dung được một cách hoàn chỉnh sự việc. Nhưng khi điều tra vụ án dân sự, thẩm phán đã hình dung được mô hình về sự việc đã xảy ra. Trong quá trình khởi kiện, đương sự đã cung cấp cho Toà án những thông tin cơ bản về sự việc, và họ đã đưa ra những yêu cầu cụ thể của mình trước Toà án. Việc điều tra chỉ nhằm bổ sung thêm chứng cứ mà thôi. Do vậy, khi tiến hành điều tra, thẩm phán hoàn toàn chủ động và định hướng trong nhận thức. Họ đã hình dung được cần phải thu thập thông tin để làm sáng tỏ những vấn đề gì.

 

Quá trình thu thập thông tin trong điều tra vụ án dân sự có nhiều thuận lợi, thẩm phán có điều kiện để tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin. Trong điều tra vụ án hình sự, nghĩa vụ chứng minh không thuộc về đương sự mà thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Hơn nữa, sau khi thực hiện tội phạm, cá nhân luôn che dấu hành vi phạm tội của mình bằng cách xoá dấu vết hiện trường, tạo hiện trường giả để đánh lạc hướng điều tra, khai man... Do đó, điều tra viên gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm, thu thập thông tin. Nhưng trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, vì vậy, họ rất tích cực trong việc cung cấp thông tin. Các bên luôn cố gắng tìm kiếm thông tin để chứng minh cho yêu cầu của mình. Họ luôn thể hiện thái độ tích cực hợp tác với Toà án trong quá trình điều tra. Điều này làm giảm nhẹ sự căng thẳng cho nhận thức của thẩm phán trong việc tìm kiếm chứng cứ. Song, trước sự phong phú về các nguồn chứng cứ như vậy lại đòi hỏi thẩm phán cần phải có một khả năng tư duy nhạy bén để phân tích, đánh giá và lựa chọn các thông tin nhằm loại bỏ những thông tin không cần thiết. Chẳng hạn, trong nhiều vụ án dân sự, các đương sự thường nại ra rất nhiều người làm chứng biết về sự việc của mình hoặc cố gắng cung cấp nhiều thông tin để chứng minh. Vì vậy, cần cân nhấc kỹ để xác định xem thông tin nào là có thể sử dụng được, cần phải triệu tập người làm chứng nào, tránh sử dụng thông tin hoặc triệu tập những người không cần thiết.

Chủ thể tiến hành điều tra vụ án dân sự là thẩm phán. Xuất phát từ những điều kiện khó khăn phức tạp và tính chất đối kháng trong quá trình điều tra vụ án hình sự, luật tố tụng hình sự quy định thẩm quyền điều tra vụ án thuộc về cơ quan điều tra. Toà án chỉ giải quyết vụ án khi hồ sơ vụ án đã được cơ quan điều tra hoàn tất và có kết luận. Quy định này làm giảm nhẹ sự căng thẳng cho hoạt động nhận thức của hội đồng xét xử. Song, việc thẩm phán không điều tra mà nhận thức vụ án thông qua hồ sơ của cơ quan điều tra sẽ dẫn tới những hạn chế nhất định trong nhận thức của họ. Kết luận của cơ quan điều tra có thể sẽ ảnh hưởng và tiền định tư duy của thẩm phán về vụ án. Còn trong tố tụng dân sự, việc điều tra vụ án do thẩm phán tiến hành . Điều này tạo ra sự độc lập trong nhận thức của thẩm phán, bởi lẽ họ tự mình tiến hành thu thập chúng cứ và đưa ra kết luận về vụ án.

(ii) Chức năng giáo dục

Khi điều tra vụ án dân sự, thông qua giao tiếp với các chủ thể, thẩm phán tiến hành hoạt động giáo dục. Hoạt động giáo dục nhằm thực hiện các nội dung sau:

- Bổ sung tuyên truyền kiến thức pháp luật cho các công dân. Khi tham gia tố tụng, có thể đương sự còn chưa hiểu biết đầy đủ các kiến thức pháp luật. Bên cạnh việc lấy lời khai, thẩm phán có thể giải thích pháp luật và các chính sách của nhà Nhà nước để đương sự có hiểu biết đúng và đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ, làm cho họ tin tưởng vào Toà án cũng như các cơ quan tư pháp.

- Giáo dục, uốn nắn những tư tưởng sai trái. Việc vi phạm các quan hệ pháp luật dân sự có thể do sự lệch lạc trong chuẩn mực hành vi của các chủ thể gây ra. Nếu đương sự có nhận thức hoặc tư tưởng sai lầm, không phù hợp với chẩn mực của đạo đức, pháp luật thì thẩm phán phải phân tích, phê phán và chỉ ra sai lầm cho họ. Trong trường hợp này, thẩm phán phải có thái độ chân thành, lời lẽ phải đúng mức, có tình có lý, không được quy chụp hoặc xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của họ làm cho họ khó tiếp thu. Những lời nói giáo điều, rao giảng đạo đức sẽ gây ức chế tâm lý cho đương sự.

- Giáo dục tình cảm đạo đức tốt đẹp trong quan hệ giữa con người với con người trong cộng đồng.

- Giáo dục trong tố tụng dân sự mang tính chất thuyết phục. Trong tố tụng hình sự, đối tượng chính của hoạt động giáo dục là người phạm tội, là những người có lệch lạc trong nhân cách, lệch lạc trong chuẩn mực hành vi và đạo đức. Nói cách khác, họ là những người chống đối lại các chuẩn mực của xã hội và nguy hiểm cho xã hội. Việc giáo dục các đối tượng này là bắt buộc, mang tính cưỡng chế. Còn trong tố tụng dân sự, đối tượng của giáo dục là các đương sự trong tranh chấp dân sự. Họ có thể đã vi phạm các chuẩn mực của pháp luật dân sự. Song, những vi phạm đó chưa tới mức nguy hiểm cho xã hội. Việc giáo dục chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức pháp luật và hình thành những tình cảm tích cực ở đương sự.

- Hoạt động giáo dục được tiến hành thông qua các biện pháp điều tra như lấy lời khai, xem xét tại chỗ, đối chất...

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý trong hoạt động điều tra vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.29472 sec| 967.148 kb